nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Truyện Kiều tiếng Việt năm 1875 của Trương Vĩnh Ký


Truyện Kiều của Nguyễn Du, phiên giải tiếng Việt bằng kí tự La tinh in năm 1875 của Trương Vĩnh Ký (TVK) thể hiện sự phát triển hoàn chỉnh của tiếng Việt hiện đại. Bản in được lưu hành trong đời sống văn hóa, khi không hiếm có những độc giả biết và vẫn nhiều người đã và đang tự nguyện học chữ Hán Nôm. Giá trị nhiều mặt của sự ổn định và phát triển của vốn từ, sự thay đổi linh hoạt trong cấu trúc ngữ pháp, sự sáng tạo trong cách phiên âm và cách chuyển điệu gieo vần tài hoa của Nguyễn Du, được diễn giải tiên phong chuyển tải khá lưu loát và tương đối trung thành với nội dung nguyên tác. Vì nhu cầu dạy học và phổ biến chữ quốc ngữ mới nên soạn giả không in kèm nguyên tác chữ Nôm, nhưng TVK in lời tựa bằng tiếng Pháp.
 
1 - Diện mạo sơ khai của văn học quốc ngữ bằng kí tự La Tinh ở Việt Nam cuối thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX:
 
Biên giả của văn bản đều là người sử dụng sành điệu chữ Hán Nôm và chữ Pháp, vì thế, cách làm trên cũng ghi lại dấu ấn một thời. Chữ quốc ngữ mới đang chiếm ưu thế trên thị trường sách báo. Mặt khác, tư duy lozich nằm trong cấu tạo từ vựng, ngữ pháp tiếng Việt đã được đưa vào in sách công nghiệp vẫn còn đang trải qua thử thách dư luận. Năm 1651 sách Phép giảng tám ngày và Từ điển An Nam - Lusitan - La tinh của Alexandre de Rodes được xuất bản ở Rôma. Rồi hơn 150 năm sau nữa, bản thảo Tự vị An Nam - La tinh (1773) của Bì Nhu Bá Đa Lộc dùng chữ quốc ngữ bằng kí tự La tinh giải thích các đơn vị từ quốc ngữ bằng kí tự Nôm ra đời."(1)Tờ báo quốc ngữ tiếng Việt bằng kí tự La tinh đầu tiên ở Việt Nam là Gia định báo ra đời năm 1865. Trong thư của G. Roze - Thống đốc chỉ huy trưởng Nam Kỳ gửi tổng trưởng hải quân và thuộc địa Pháp ngày 9 tháng 5 năm 1865 có ghi rõ: "Số đầu tiên của tờ Gia Định báo được in bằng chữ An Nam, theo mẫu tự La tinh phát hành vào ngày 15 tháng 4."(2) Bốn năm sau, ngày 16 tháng 9 năm 1869, đô đốc Ohier ký nghị định giao cho Trương Vĩnh Ký quản thủ  tờ Gia Định báo. Năm 1872 ông được phong chức huyện hạng nhất, thư ký hội đồng thành phố Chợ Lớn. Từ năm 1873 ông kiêm làm giáo sư dạy Hán văn và Việt văn trường Hậu Bổ. Do yêu cầu công việc, đồng thời việc dạy học, viết sách, làm báo khi nền Hán học đã và đang lùi vào lịch sử, nền giáo dục quốc ngữ mới và tiếng Pháp đang hướng tới phát triển rộng khắp, đòi hỏi cần có tác phẩm  chữ quốc ngữ bằng kí tự La tinh (quốc ngữ mới) để đáp ứng kịp thời.

Tình thể đặt ra nhu cầu xuất bản truyện Kiều quốc ngữ bằng kí tự La Tinh đã có sự thôi thúc từ các lĩnh vực giáo dục, thi cử ở tất cả các cấp, từ sơ cấp, phổ thông đến dạy nghề và cao đẳng, đại học; có ảnh hưởng trực tiếp đến diễn giải TVK.
 
Sự ổn định và phát triển của vốn từ tiếng Việt do Nguyễn Du ấn định trong truyện Kiều là đỉnh cao nghệ thuật sáng tạo ngôn từ vào cuối thế kỷ XVIII. Khẳng định sự tiếp cận và dung hòa tinh hoa văn hóa phương Tây trong giáo dục đào tạo đã thay đổi cơ chế. Năm Tự Đức thứ 17 (1864) khoa thi Giáp Tí tại trường thi Cần Thơ là kì thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ, vì Pháp đã chiếm thành Gia Định năm (1859) sáu năm trước đó. Ngày 21 tháng 12 năm 1915 triều đình nhà Nguyễn tổ chức khoa thi hương cuối cùng tại trường thi Nam Định. Tính từ năm 1864 đến năm 1919, vẫn cứ 3 năm triều đình nhà Nguyễn tiếp tục mở khoa thi Hội ở Huế. Ở Bắc Kỳ vẫn thi Hương kéo dài hơn 50 năm nữa. Với 21 khoa thi Hội của cả nước trong thời gian này, đã có 296 người đỗ tiến sĩ, có lúc phân loại Tam Nguyên như Trần Bích San (Khoa thi  năm Ất Sửu -1865); Nguyễn Khuyến (đỗ ân khoa Tân Mùi - 1871); Vũ Phạm Hàm (Khoa Nhâm Thìn - 1892); Phó bảng như Nguyễn Sinh Sắc (Khoa Tân Sửu - 1901) và Nguyễn Can Mộng (năm 1916) sau này cũng đã phiên giải Truyện Kiều năm 1937(3)...còn lại đều là tiến sĩ "đệ nhất, đệ nhị, đệ tam đồng xuất thân".
 
Cần lưu ý là, trong khoảng thời gian này, chính quyền thuộc địa đã liên tục lấn áp triều đình nhà Nguyễn. Ngày 3 tháng 3 năm 1906 toàn quyền Đông Dương Broni ra nghị định thiết lập Hội đồng hoàn thiện nền giáo dục bản xứ, có điều khoản: "1- (...) Lập lại các trường dạy chữ Nho ở Nam Kỳ; sửa lại chương trình thi Hương ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, nhằm đưa môn tiếng Pháp vào chương trình; hoàn thiện nền giáo dục trong các chùa chiền..." 1- Duyệt các sách giáo khoa, từ điển, tự vị... 3- Nghiên cứu, thu thập, bảo quản, và nếu cần cho tái bản tác phẩm cổ đại, cận đại về văn học, triết học, lịch sử của các nước Đông Dương." (4)    

Tính từ khi Nguyễn Du mất, năm 1820 đến năm 1875 - lúc có bản phiên giải truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của TVK - là 50 năm. Trước khi Trương Vĩnh Ký phiên giải; truyện Kiều của Nguyễn Du được Phạm Quý Thích nhuận sắc đề từ - có thể in trước năm 1825. Bản in truyện Kiều năm 1828 do Phong Tuyết chủ nhân Thập Thanh Thị viết bài tựa, cuối bài ghi "Tháng hai năm Mậu tí, niên hiệu Minh Mệnh, viết ở Cẩm Đàm trang thư." Năm 1830 vua Minh Mạng có bài Tổng thuyết. Năm 1831 Nguyễn Văn Thắng đã đọc bản này lấy cảm hứng viết Kim Vân Kiều án ở trong tù. Lời đề tựa có ý: "Thỉnh thoảng đọc truyện Nôm Kim Vân Kiều, may được hiểu thấm lời trong truyện, nghiền ngẫm tìm thú trong văn.  

Trộm nghĩ rằng, thực là trong 1575 câu ý văn nối tiếp nhau, mối tình tả khéo..."(5)Thế là Nguyễn Văn Thắng đã đọc bản truyện Kiều có 1.575 câu lục bát, nghĩa là bản in chỉ có 3.150 câu nếu tính dòng 6 là một câu và dòng 8 là một câu;khác với bản TVK có 3.254 câu. Sau Phạm Quý Thích, tại Hàng Gai (Hà Nội) có bốn, năm bản truyện Kiều được khắc in. Các nhà Liễu Văn Đường, Thịnh Mỹ Đường, Quan Văn Đường, Phúc Văn Đường ...đều khắc mộc bản in. Các loại bản in khắc gỗ truyện Kiều đó gọi là bản Phường. Năm 1871, vua Tự Đức viết bài Tổng từ, sửa chữa truyện Kiều và cho khắc in.
 
 Tuy nhiên, nguyên bản đa số các bản truyện Kiều do hai soạn giả đề cập đến, hiện chưa tìm lại được. Đoạn trường tân thanh do Kiều Oánh Mậu khảo dị và chú thích in năm 1902 là một bản trục truyện Kiều lọc ra từ bản kinh và bản phường. Ngoài ra trong sách còn có bài tựa viết năm 1898 của Đào Nguyên Phổ, thơ vịnh Kiều của Phạm Quý Thích, bài phê bình của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng. Tân khắc lệ ngôn trong Đoạn trường tân thanh cho biết: "trước đã có bốn năm bản do Hàng Gai khắc, và được gọi là bản Phường. "Năm 1905 có một bản in Kim Vân Kiều truyện chú, do vô danh chú". Năm 1918 Kim Vân Kiều tân truyện do Phúc Văn Đường tàng bản. Năm 1924 Kim Vân Kiều quảng tập truyện do Liễu văn đường tàng bản. Bản Kim Vân Kiều của Phạm Quý Thích có trước, sau đó mới truyền vào Huế, các bậc đế vương và văn nhân tài tử sinh lòng yêu thích và cho khắc in.
 
Căn cứ chắc chắn là văn bản truyện Kiều bằng chữ Nôm sớm nhất hiện nay là bản khắc in năm 1866, và cho đến năm 1898 nghĩa là 32 năm sau; Đào Nguyên Phổ đã cho biết:"Truyện Kiều ấn hành đã lâu, nét chữ có chỗ nhầm, người xem do cái nhầm ấy mà ra cái lẫn khác, phần nhiều cứ lấy ý kiến riêng mà cưỡng giải"..."Năm Ất Mùi (1898), tôi đương học ở Quốc Tử Giám, có công tử họ ngoại nhà vua cầm đến tặng tôi một bản Kiều mới."(6)
 
Bản phiên giải truyện Kiều của Trương Vĩnh Ký được in thành văn bản quốc ngữ mới, lưu hành rộng trong xã hội từ 1875; song hành với các bản Kiều Nôm in trước đâytrong khoảng hơn 40 năm. Vậy không biết bản nào là bản Đào Nguyên Phổ được tặng năm 1898. Liệu rằng bản in năm 1866 lưu hành trước lúc Đào Nguyên Phổ được tặng có phải là bản ông gọi là "ấn hành đã lâu"hay là lại là một bản in nào khác nữa?
 
Bản in 1866 do Nguyễn Quảng Tuân mới giám định, phiên giải và tái xuất năm 2004. Năm 2010 ông lại biên khảo Truyện Kiều "một bản Kim Vân Kiều tân truyện do Duy Minh Thị tân thuyên năm Nhâm Thân (1872) đã được in tại Phật Trấn - Việt Đông bên Trung Quốc (...) bản này được tái bản ba lần: Bảo Hoa các (1879), Văn Nguyên đường (1879)" và Thiên Bảo lâu (1891) đã được khắc in." Ông còn cho biết rằng, các bản in Truyện Kiều chữ Nôm của các lần tái bản sau đều khắc đúng như bản in lần thứ nhất.
 
Năm 1884, Abel Des Michels dùng bản Duy Minh thị để dịch truyện Kiều sang Pháp ngữ, đã có nhận xét rằng, bản ấy có quá nhiều nỗi vì nó đã được giao cho những người thợ Trung Quốc không biết tiếng Nam (chữ Nôm) khắc ván in. Bản ấy chỉ được phổ biến ở miền Nam và Trương Vĩnh Ký cũng đã có tham khảo khi phiên âm truyện Kiều."(7)Viết thế là không đúng, bởi bản phiên giải của TVK in năm 1875 - nghĩa là trước 8 năm rồi bản Abel Des Michels mới in tại Pari, khổ 18 x 28 có 3.252 câu. Sách ấy chia ba tập, tập I và hai in song ngữ Việt - Pháp; tập III in nguyên bản chữ Nôm.
 
Tạo được lợi thế cho mình, Trương Vĩnh Ký bằng mọi cách tiếp cận có thể, nhằm đưa tiếng Việt mới được thể hiện bằng kí tự La tinh thành một ngôn ngữ văn hóa phổ biến, mang đậm bản sắc dân tộc. Trên lĩnh vực văn học quốc ngữ, ông là người đi tiên phong, chủ trương thiết lập câu văn xuôi với “tiếng An Nam ròng”như Chuyện đời xưa (1866). Ông là một trong những nhà dịch thuật Hán ngữ nổi tiếng đầu tiên như  dịch phẩm Minh tâm bửu giám.(8)Với bản phiên âm truyện Kiều (1875), Trương Vĩnh Ký thực thụ trở thành người sáng lập thơ quốc ngữ mới. Như vậy sinh thời Nguyễn Du chữ quốc ngữ mới cũng đã hiện diện trên dưới 200 năm, song có lẽ ông chỉ được đào tạo theo chương trình Nho học nên thành tựu sáng  tác của ông là thơ văn Hán Nôm.
 
 2 - Một số dấu ấn trong văn bản in truyện Kiều La Tinh 1875 của Trương Vĩnh Ký 

Lần đầu tiên một truyện thơ Nôm nổi tiếng của thi hào dân tộc Nguyễn Du được in chữ quốc ngữ mới bằng kí tự La Tinh, có vẻ như là một sự kiện văn hóa quan trọng. Quan trọng đối với giới cầm quyền và "bàn dân thiên hạ" đương thời. Bản in lần thứ nhất của sách Kim - Vân - Kiều truyện chưa có nhà xuất bản đứng tên, phía dưới bìa 1 ghi: SÀI GÒN, BẢN IN NHÀ NƯỚC, 1875.
 
Nội dung lời tựa bằng tiếng Pháp, tại trang 5 trang 6 tuyên rằng: "Thơ mà chúng tôi ấn hành ra quốc ngữ đây là thơ mà tất cả mọi người An Nam đều thuộc lòng, đàn ông cũng như đàn bà, trai cũng như gái. Thơ này được tất cả mọi người yêu thích, với người biết chữ cũng như người không biết chữ, kể cả phụ nữ, vì thơ này mang một nền đạo đức được định nghĩa rất khéo, được diễn tả trong mọi quan hệ, thích ứng với mọi hoàn cảnh trong vòng đời người. Khi tâm trạng buồn phiền, ta thấy trong thơ những điều an ủi; khi gặp may mắn, ta thấy trong thơ hình tượng  hạnh phúc của mình được mô tả bằng sắc mầu rực rỡ...
 
Khá nhiều những câu ca dao, ngạn ngữ, lời hay ý đẹp; những nguyên tắc phổ quát hay cá biệt trong cuộc sống xã hội được trình bày rất rõ ràng trong thơ. Người ta thấy trong thơ một bức họa tuyệt vời của cuộc đời chìm nổi, nỗi quanh co rắc rối của nhân sinh." Ở trang 6, sau lời tựa, Trương Vĩnh Ký có mấy dòng ghi chú: "Sách nầy là sách ông Nguyễn du, hữu tham tri bộ lễ, làm ra; sách nầy đặt hay hơn hết các sách. (hãy coi trong tựa tiếng langsa)." 
 
Chúng tôi trích nguyên văn cả chữ du - danh từ riêng không viết hoa- cũng như  cách dùng các dấu phảy, chấm phảy, gạch ngang. Trương Vĩnh Ký dùng chữ nầy chứ không phải là này. Đây là cách phiên giải từ ngữ từ bản in bằng kí tự Nôm sang bản in quốc ngữ bằng kí tự La Tinh. Với tên người như: "Túy - vân", "Túy- Kiều", "Kim - trọng" là thể nghiệm đầu tiên, chỉ viết hoa kí tự đầu một cụm danh từ chỉ họ tên người hoặc tên đất. Cụm từ Thúy Kiều được phiên âm theo cấu tạo từ tiếng Pháp, nên Trương Vĩnh Ký đọc và viết là Túy - kiều. Một số cách phát âm theo phương ngữ Nam Kỳ như "Thúc - sanh", "Hoạn - thơ", "Mã- giám - sanh"... được diễn giả sử dụng đúng nguyên ngữ phổ cập nơi ông sinh trưởng. Chẳng hạn cụm từ Chia phui trong  câu "Chia phui ngừng chén hiệp tan nghẹn lời", mầng trong câu "Chén mầng  xin đợi ngày nầy năm sau"v.v...Hoặc như:
 

Mây mưa đánh đố lá vàng

quá chìu nên đã chán chường én anh.
Trong khi kết cánh trên nhành
mà lòng rẻ rúng đã trình một bên.
 
Tự vị An Nam - La tinh của Bì Nhu đã giải từ: Chìu: mềm dẻo; bề. Chìu theo: Chiều theo ai. Theo chìu: Uốn mình theo. Chìu lòng: Tự thích nghi với í muốn ai. Én: Chim én.  Anh én: Giả dối. Ở đây, từ  chìu đã tương đối thống nhất về nghĩa là chiều, song từ én, chỉ có thể trong nghĩa thứ hai mà Nguyễn Du đã đảo ngữ thành én anh. Kim - Vân - Kiều truyện bản in lần thứ 3 (1911) vẫn giữ đúng như thế, nếu theo nghĩa én anh là giả dối thì chỉ có thể là sau những giây phút "lạc lòng" cho nhau, Thúy Kiều nói ngược để răn đe, khuyên chàng thư sinh Kim Trọng phải giữ trọn tình chung thủy trong tương lai.  
 

 

3 . Kim Vân Kiều truyện bản in năm 1875 TVK bản phiên âm quốc ngữ mới, bằng kí tự La Tinh đã trở thành một sự kiện lịch sử vô song trong văn học hiện đại Việt Nam - trên góc độ văn bản quốc ngữ. Có thể khẳng định rằng, Kim Vân Kiều truyện đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá rộng, chuẩn hóa từng bước chữ quốc ngữ bằng kí tự La Tinh buổi sơ khai. Mặt khác, chính sự phiên âm trung thực với nội dung, nhạc điệu thơ lục  bát của bản Nôm khiến cho giá trị bất hủ của tác phẩm Truyện Kiều được phổ cập, lưu truyền rộng khắp. Do sự phát triển quá nhanh nhạy của tiếng Việt, do tiếp xúc kiểu "mưa dầm thấm lâu", văn học dân gian và văn học viết Việt Nam đều có ý thức tự nâng cao, tự trọng vươn tầm với văn học khu vực và thế giới. Công đầu "trình làng" chữ quốc ngữ mới thuộc về TVK với đủ các phương diện trong diện mạo văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

 

Tuy nhiên, cách phân câu chưa chuẩn hóa của TVK là đặt cả hai phần trên 6 dưới 8 là một câu là một điểm hạn chế. Chẳng hạn, mở đầu Kim Vân Kiều truyện bản in năm 1875 TVK viết:
 
Trăm năm (1) trong cõi người ta,
chữ tài chữ mạng (2) khéo là ghét nhau!  
Trải qua một cuộc bể dâu,(3).
những điều trông thấy mà đau đớn lòng!
 
Và chú thích cuối trang:
(1) - Đời người ta một trăm năm làm hạn, vì vậy “Ba vạn sáu ngàn ngày”, “Bách niên giai lão”.
(2) -  Hữu tài vô mạng, Hữu mạng vô tài, tài mạng tương đổ. Hễ có tài thì không có mạng, mà có mạng thì không có tài, nên rằng tài mạng ghét nhau.
 (3) - Tam thập niên vi nhất biến, thương hải biến vi tang điền, tang điền biến vi thương hải: chỉ cuộc đời hay đổi dời.
Thực tế ngay trong câu nói cửa miệng hay gọi là "hát thơ" như phương ngữ quê ông, cũng không thể kéo dài giọng đọc khi ghi âm như thế. Có thể do ảnh hưởng cấu tạo câu điệp ngữ của các ngôn ngữ phương Tây, hoặc cấu tạo văn bản chữ Nôm còn chưa kịp thích ứng với văn phong tiếng Việt được ghi lại bằng kí tự La Tinh buổi sơ khai.
(1)  Tự vị An Nam La tinh, Nxb. Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1999.
(2) Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1945, NxbTPHCM 2000
(3) Trương Sỹ Hùng, Nguyễn Can Mộng nhà giáo yêu nước- tác gia nghiên cứu Truyện Kiều đầu thế kỷ XX, in trong  Truyện Kiều, Nxb. Văn Học, H, 2010.
(4) Đại Nam thực lục - Đệ lục kỷ phụ biên, Nxb Văn Nghệ, TPHCM, 2011,
(5) Nguyễn Du, Truyện Thúy Kiều, Sách giáo khoa Tân Việt, 1950,
(6) Trương Sỹ Hùng - Đào Nguyên Phổ qua các bài tựa sách, in trong Đình nguyên hoàng,
 giáp Đào Nguyên Phổ, Nxb. Hội nhà văn, H,2008.
(7) Nguyễn Du, Truyện Kiều - Bản Nôm cổ nhất 1866, Nxb. Văn học, H, 2004.
(8) Poème Kim - Vân - Kiều truyện, SÀIGÒN, BẢN IN NHÀ NƯỚC 1897.
 
Theo Trương Sỹ Hùng/vanhien.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website