Thứ 7, ngày 21-12-2024
|
Trò Kiều trên quê hương Nguyễn DuNgày 18 tháng 10 năm 2015
Nằm phía bắc Hà Tĩnh, Nghi Xuân không chỉ được tạo hóa ban tặng phong cảnh sông núi hữu tình, những danh thắng kì thú mà còn là vùng đất sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng cho đất nước, trong đó có Nguyễn Du- Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Tên tuổi của Nguyễn Du gắn liền với kiệt tác Truyện Kiều - tác phẩm vĩ đại nhất, làm nên tên tuổi thực sự của Nguyễn Du. Truyện Kiều kết tinh tinh hoa của văn hóa, văn học dân tộc phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử và chứa đựng trong đó những vấn đề xã hội mang tầm nhân loại
Thật hiếm có một tác giả và tác phẩm nào ngấm vào máu thịt của người Việt nam và có sức sống như Truyện Kiều và tác giả của nó. Hàng trăm năm đã trôi qua, Truyện Kiều vẫn có lức lan tỏa lâu bền trong đời sống tinh thần của toàn dân tộc, lay động bao thế hệ độc giả. Sức lan tỏa của kiệt tác này là vô cùng mãnh liệt, vượt mọi thời gian, không gian, thấm sâu vào đời sống tinh thần của con người, không chỉ ở Việt nam và trên toàn thế giới
Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống tâm hồn người Việt Nam, là tài sản tinh thần của tất cả mọi người, từ già đến trẻ, từ tầng lớp trí thức đến quần chúng bình dân. Kiều đi vào mọi nẻo đường sinh hoạt: “ Từ án sách đến bờ tre, xưởng máy; Ra chiến trường vẫn thấy tiếng Kiều ngân”. Người dân Việt Nam tiếp nhận Truyện Kiều dưới nhiều hình thức: phê bình đánh giá về Truyện Kiều, Truyện Kiều trở thành đầu đề của nhiều trang bình luận và bút chiến. Truyện Kiều còn đi vào đời sống con người dưới các hình thức sáng tác dân gian: nhại Kiều, đố Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều. Truyện Kiều còn trở thành yếu tố tâm linh dưới hình thức bói Kiều…và có lẽ đặc biệt nhất là trò Kiều – loại hình nghệ thuật độc đáo du nhập và phát triển một thời trên quê hương Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
1. Nguồn gốc, quá trình phát triển của trò Kiều ở Tiên Điền
Trò Kiều là loại hình nghệ thuật được chuyển tác từ Truyện Kiều, bao gồm hát, diễn xuất và làm trò, trong đó lời ca được pha trộn giữa ca Huế, tuồng, chèo, ngâm Kiều, lẩy Kiều…với dân ca Nghệ Tĩnh, ca Trù…Mỗi nhân vật, mỗi trường đoạn sẽ “ứng” với các làn điệu cụ thể. Ví như cảnh bi lụy, chia ly thì sử dụng cải lương, ca Huế; cảnh diễn tả sự dũng mãnh của Từ Hải thì dùng hát bội...
Trò Kiều dựa vào nội dung của Truyện Kiều với đầy đủ các nhân vật chính, ngoài ra còn có thêm nhân vật mang tính dẫn chuyện, mua vui là Chanh. Không gian và thời gian của trò Kiều dùng lối ước lệ, vũ đạo để ứng chỉ sự chuyển biến trong “hoạt động sống” của nhân vật... Tác giả chuyển thể Truyện Kiều sang trò Kiều là người huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, Nghệ An xưa kia
Mặc dù là quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du nhưng loại hình sân khấu Kim Vân Kiều diễn ca đến với mảnh đất Nghi Xuân khá muộn. Mãi tới những thập niên đầu của thế kỷ XX (khoảng năm 1920) trò Kiều mới được du nhập vào Hà Tĩnh, và đầu tiên là nhập vào làng Tiền, xã Tiên Điền, Nghi Xuân – 100 năm sau khi Nguyễn Du qua đời.
Loại hình nghệ thuật dân gian này còn có một tên gọi khác – chèo Kiều.
Tuy nhiên khi đến với Tiên Điền, ngay từ buổi đầu cho đến mãi sau này luôn được mọi người dân nơi đây gọi một cách thân thuộc là Trò Kiều. Bởi như ông Nguyễn Ban, hậu duệ chi Ất, đời thứ 6 của Đại thi hào Nguyễn Du, nguyên trưởng phòng văn hóa thông tin (cũ) huyện Nghi Xuân, người đã tốn nhiều công sức để khôi phục lại trò Kiều đã viết: “Hát trò là có hát, có diễn và có làm trò vui”.
Người có công đưa trò Kiều về làng Tiên Điền là 4 anh em dòng họ Trần – Trần Văn Lan, Trần Văn Thiều, Trần Văn Ân, Trần Văn Nguyệt- thuộc làng Tiền ( nay là thôn An Mỹ), xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh
Đội trò Kiều đầu tiên của làng Tiên Điền toàn nam giới. Bởi theo quan niệm tư tưởng phong kiến còn nặng, thậm chí còn có tin đồn con gái đóng Kiều sau này không có con, cuộc đời gặp nhiều bất hạnh. Người vào vai Kiều và Vân đầu tiên của đội trò Kiều Tiên Điền là hai anh em ruột Trần Văn Lan và Trần Văn Nguyệt. Để đóng được hai vai này, các cụ đã phải xâu lỗ tai. Mãi sau này, khoảng những năm giữa thế kỉ XX, khi trò Kiều phát triển mạnh mẽ, người say mê trò Kiều nhiều hơn, quan niệm trên cũng nhạt dần, phụ nữ mới bắt đầu tham gia vào đội trò.
Các diễn viên chính của đội trò hầu hết là các chàng trai, cô gái đang ở độ tuổi xuân xanh, trai chưa vợ gái chưa chồng. Người phụ nữ đầu tiên đóng vai Thúy Kiều là chị Trần Thị Minh ( tên thường gọi là Chắt, con gái cụ Trần Văn Nuôi), vai Vân do chị Trần Thị Chuyến ( con gái cụ Trần Văn Nguyệt) đóng, anh Trần Văn Nhung ( con trai cụ Trần Văn Lan) đóng vai Kim Trọng…
Năm 1968, UBND xã Tiên Điền chính thức giao cho anh Đặng Duy Hạ khôi phục lại trò Kiều, lúc này chị Trần Thị Minh ( Chắt), Trần Thị Chuyến đã “xuất giá tòng phu”, vai Thúy Kiều được giao lại cho chị Trần Thị Minh 18 tuổi( con cụ Trần Minh), Trần Thị Phượng 16 tuổi vào vai Thúy Vân. Anh Trần Văn Chắt, 22 tuổi đóng vai Vương Quan. Sắm vai Chanh (người theo hầu Kim Trọng nhưng là một vai hề trong trò) là anh Đặng Duy Quyền 18 tuổi. Được phân công vào vai Từ Hải là anh Trần Huy Trâm, lúc đó 16 tuổi.Vào vai quan Huyện là anh Nguyễn Mậu (nay là tộc trưởng của họ Nguyễn Tiên Điền) 21 tuổi. Còn anh Đặng Duy Hạ trong vai Kim Trọng, thuộc số người “già” nhất được sắm vai nhân vật chính, lúc đó cũng chỉ mới 23 tuổi. Khi chị Trần Thị Minh không tham gia diễn xuất nữa, chị Trần Thị Phượng chuyển sang đóng Kiều, vai Thúy Vân được giao lại cho chị Nguyễn Thị Thìn. ( Mãi sau này, vai Kim Trọng được giao lại cho anh Lê Mã Lương)
Giờ đây, trong số họ, kẻ còn, người đã mất. Người còn sống bây giờ đã lên chức ông, bà, tóc đã ngả màu, tuổi đã bước sang 60 – 70 nhưng mỗi lần nhắc đến đội trò năm ấy lòng vẫn không khỏi bồi hồi xốn xang. Ông Trần Huy Trâm ( người vào vai Từ Hải) bồi hồi nhớ lại “ Đã gần 50 năm trôi qua… nhưng những hình ảnh ấy vẫn sống động tươi mới như vừa diễn ra hôm qua” .
Từ khi du nhập vào làng Tiền, trò Kiều tồn tại và phát triển, nhất là trong các dịp hội hè, lễ tết. Thời đó, hễ tiếng trống nổi lên là người dân Tiên Điền, bất kể già trẻ, gái trai, từ tầng lớp bình dân cho đến những gia đình khá giả đều kéo đến xem, đông vui như hội. Ngay trong những buổi tập luyện, không khi nào lại vắng bóng người xem. Họ vây quanh đội trò vòng trong vòng ngoài. Dù thời gian đã qua rất lâu nhưng những hình ảnh ấy vẫn vẹn nguyên trong kí ức của những người từng có mặt trong đội trò Kiều ngày ấy “ Đã nhiều đêm, từ trên sân khấu, trong vai diễn tôi chứng kiến đám đông chen lấn, xô đẩy nhau để cố xem cho được tạo nên những làn sóng cứ cuồn cuộn, cuồn cuộn”
Vì thế, người Tiên Điền nhiều ông bà, anh chị không tham gia thủ một vai nào, nhưng lại thuộc rất nhiều vai của vở. Có nhiều bà một chữ bẻ đôi không biết mà lại thuộc làu cả tấn chèo. Thậm chí một số từ Hán nôm các bà còn hiểu rõ cả nghĩa để giải thích cho con cháu.
Sự hâm mộ của người xem đã cổ vũ rất nhiều cho các anh em đội trò
Từ khi ra đời cho đến năm 1944, trò Kiều phát triển khá mạnh mẽ. Từ năm 1945 đến 1954, kháng chiến bùng nổ, phong trào hát trò Kiều lắng xuống. Sau hòa bình lập lại, do nguyện vọng của nhân dân thôi thúc, trò Kiều được hoạt động trở lại. Từ năm 1956 đến 1965 là thời kì hồi sinh của trò Kiều trên quê hương Nguyễn Du. Tuy nhiên, thời gian đó, trò Kiều còn phát triển một cách tự phát. Cho đến năm 1968, Hợp tác xã Tiên Điền chính thức chủ trương phục dựng trò Kiều. Đội không chỉ biểu diễn “trình làng” mà còn có nhiều chuyến “lưu diễn” đến các xã bạn. Nhưng chẳng bao lâu sau trò Kiều bị suy yếu và cuối cùng tan rã ( 1972)
Từ đó cho đến thập kỉ 90, phong trào hát trò Kiều đã vắng bóng. Người dân Nghi Xuân nói chung, người Tiên Điền nói riêng chỉ còn nhắc nhở đến trò Kiều bằng sự mến mộ và luyến tiếc. Thi thoảng, ở Tiên Điền, con em trong đội trò ngày xưa hát lại một số trích đoạn, còn thời kì phát triển rực rỡ của trò Kiều giờ chỉ còn là “một thời vang bóng”.
Khi nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW Đảng ( khóa III) đi vào cuộc sống, với lòng khát khao khôi phục lại loại hình sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc quê hương, dưới sự chỉ đạo của phòng Văn hóa Huyện Nghi Xuân, năm 2000 câu lạc bộ trò Kiều ở Tiên Điền được thành lập. Câu lạc bộ có 16 thành viên, do ông Nguyễn Mậu ( tộc trưởng dòng họ Nguyễn Tiên Điền) làm chủ nhiệm. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, Câu lạc bộ cũng chỉ hoạt động theo thời vụ, thực hiện theo một số nhu cầu hoạt động chính trị địa phương: đón đoàn khách tham quan, các cuộc thi hoặc lễ kỉ niệm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du...
2. Trò Kiều với đời sống văn hóa tinh thần nhân dân Tiên Điền.
Người dân quê hương cụ Nguyễn từ khi sinh ra đã được nghe Kiều qua lời ru ầu ơ của bà của mẹ, lại được tắm “tắm mình” trong trò Kiều ngay khi còn thơ bé. Những đứa trẻ được cha kiệu trên vai để xem diễn trò Kiều. Tiếng đàn nhị réo rắt ngọt ngào quyện với lời ca, điệu múa đến say lòng của các diễn viên đã tạo nên bầu không khí rất đặc trưng thấm vào hồn cốt của con người. Có thể nói, trò Kiều đã đi vào đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây, ăn sâu vào tiềm thức của họ.
Trò Kiều là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với con người Tiên Điền. Thời đó, nghe tiếng trống nổi lên, bất phân ngày đêm, dù trời nắng hay mưa, trò Kiều tập hay diễn, dân làng đều tụ tập đến xem. Họ chờ đón từng vở diễn với một niềm háo hức say mê
Đội trò Kiều của làng biểu diễn trong điều kiện thiếu thốn đủ bề: sân khấu chỉ là vài cọc tre dựng lên với vài tấm phản gỗ. Họ diễn dưới ánh đèn dầu treo la liệt trên trần hoặc sang lắm là ngọn “đèn đất” cắm hai bên cánh gà, sau này có thêm ánh đèn Măng sông. Nhưng đêm nào khán giả cũng chật kín cả sân. Trò Kiều như giúp họ quên đi những vất vả của công việc đồng áng, quên đi lo toan mệt nhọc của bộn bề cuộc sống.Với họ, thưởng thức trò Kiều là niềm đam mê nghệ thuật. Họ say mê trò Kiều, yêu mến đội trò. Họ không chỉ đến xem đội trò tập luyện, diễn mà còn góp ý rất chân tình, có người còn ủng hộ cả vật chất tiền của.
Đối với các nghệ nhân của đội trò, việc tập luyện và biểu diễn trở thành niềm vui của cuộc sống. Vì thế, khi đội trò tập luyện, họ gác lại những công việc thường ngày để miệt mài với các vai diễn. Ngày ấy vào đội trò là niềm vui của họ. Họ say sưa luyện tập cả ngày lẫn đêm với thời gian kéo dài hàng tháng trời mà không màng đến chế độ. Người đạo diễn và trực tiếp truyền thụ từ lời ca đến vũ điệu cho tất cả các nhân vật trong tích trò là ông Trần Văn Thiều, một trong bốn người có công đưa trò Kiều về làng. Ông sinh ra và lớn tại làng Tiền thuộc xã Tiên Điền. Năm 1962, theo tiếng gọi của Đảng ông xung phong di dân vào Hồng Lĩnh. Ông được mời ra truyền dạy với chế độ “đãi ngộ” là được HTX bao cấp về chế độ ăn uống hàng ngày (thường là cơm gạo chiêm ăn với cá trích). Khi hoàn thành chương trình tập luyện ông được HTX “thưởng công” một bộ quần áo may bằng vải pin và 30 kg thóc. Đội trò Kiều tập luyện và biểu diễn bất chấp cả hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh trên bom dưới đạn. Có hôm, đội trò đang say sưa biểu diễn thì hỏa tiễn từ tàu khu trục của Mỹ từ ngoài biển bắn vào nghe “viu, viu” trên đầu, các nghệ nhân tạm dừng vở diễn và mấy phút sau tàu Mỹ ngừng bắn, khán giả lại tụ về và đội trò lại diễn tiếp.
Người dân Tiên Điền, dù không tham gia đội trò Kiều, nhưng họ được xem đội trò tập luyện, biểu diễn nên có nhiều người thuộc nằm lòng cả tấn trò Kiều. Họ hát Kiều, diễn trò Kiều cả khi làm đồng lẫn khi ngồi khâu nón, vót nan…và như thế, thời gian bỗng trôi nhanh hơn, công việc bỗng nhẹ nhàng hơn, hoàn thành nhanh chóng hơn, tâm hồn nhẹ nhõm hơn, lạc quan hơn, họ thấy yêu đời hơn
Không chỉ là món ăn tinh thần để giải trí, loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo này còn là sợi dây nối kết tình làng nghĩa xóm, kéo những con người nơi đây xích lại gần nhau.
Trò Kiều không chỉ được diễn trên sân khấu mà còn là loại hình sinh hoạt văn hóa mang tính chất cộng đồng gắn với không gian diễn xướng. Làng Tiền xưa kia, ngoài nghề nông còn có nghề thủ công truyền thống đó là nghề làm nón lá – nón vành dày rất bền và chắc ( ví phường nón gốc gác cũng chính nơi đây; Nghề làm nón đi vào thơ Đại thi hào Nguyễn Du với tác phẩm “Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi gái phường vải Trường Lưu”). Những lúc nông nhàn, những đêm trăng tỏ, người dân nơi đây thường tập trung vào một nhà nào đó, vừa làm nón vừa hát ví von, hát trò Kiều. Vì thế, người ta thấy bớt đi sự nặng nề của công việc và đặc biệt hơn tình cảm xóm làng trở nên gần gũi, thân thương
Các anh chị em trong đội trò, trong quá trình tập luyện, họ giúp đỡ lẫn nhau, bảo ban nhau, góp ý cho nhau… và vì thế, họ hiểu nhau hơn. Còn người xem diễn trò, ban ngày bận bịu với bộn bề cuộc sống, họ ít có thời gian ngồi lại với nhau. Từ khi có trò Kiều, tối tối họ kéo nhau đi xem đội trò tập luyện rồi biểu diễn, họ có thời gian nói chuyện với nhau, hàn huyên tâm sự cùng nhau về chuyện gia đình, chuyện làng trên xóm dưới…và sau mỗi buổi được xem diễn tập, họ cùng bàn tán về trò Kiều…Cùng một niềm đam mê bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo, người dân Tiên Điền giờ đây không phân biệt đẳng cấp sang hèn, những bà mệnh phụ phu nhân, những cô tiểu thư lá ngọc cành vàng, những vị tai to mặt lớn cho đến những người nông dân chân lấm tay bùn…đều chan hòa thân thiện với nhau. Chưa bao giờ tình làng nghĩa xóm đầm ấm như lúc này, chưa bao giờ họ thấy người dân Tiên Điền gắn kết với nhau đến vậy.
Ngày ấy, các phương tiện giao thông chưa phổ biến như bây giờ, lại với điều kiện làm nông nghiệp nên người dân quê hương cụ Nguyễn cũng như những vùng nông thôn khác hầu như “chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ” thì phong trào diễn ca diễn xướng trò Kim Vân Kiều trở thành phương tiện để giao lưu văn hóa với các xã lân cận. Bởi, khi làng Tiên Điền biểu diễn trò Kiều, nhiều người trong các xã xung quanh cũng kéo đến xem. Và nhiều khi họ còn mời cả đội trò Kiều đến lưu diễn ở xã họ: như Xuân Mỹ, Xuân Thành…Đó là điều kiện để con người ở những vùng đất này giao lưu với nhau, đồng thời cũng là cơ hội để quảng bá văn hóa làng Tiên Điền. Để mọi người biết đến phần nào về cuộc sống, con người vùng đất sinh ra đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Không những thế, loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo này còn có tác dụng giáo dục đạo đức,lối sống cho con người.
Kịch bản của một vở trò Kiều được xây dựng dựa trên cốt truyện Truyện Kiều và hầu như không thay đổi. Đọc Truyện Kiều, người dân cảm thương cho nàng Kiều – người con gái tài sắc vẹn toàn, hiếu nghĩa đủ đường nhưng lại luôn bị xã hội phong kiến vùi dập chà đạp; ngưỡng mộ và thương tiếc một Từ Hải, người anh hùng cái thế nhưng sa cơ cũng hèn; ghê sợ Hoạn Thư, con quan Lại bộ - một người đàn bà cả ghen, đầy mưu mô thủ đoạn được dân gian coi là “biểu tượng” của thói ghen tuông; căm ghét khinh bỉ gã Sở Khanh, kẻ được dân gian “tôn vinh” là nhân vật tiêu biểu cho thói lọc lừa vô liêm sỉ trong chuyện tình ái, một Tú Bà – mụ chủ chứa dữ dằn nham hiểm xấu xí, một Mã Giám Sinh – tên buôn gái lừa lọc đểu giả…Đến trò Kiều, qua sự hóa thân của các diễn viên trong đội trò, họ như được thấy các nhân vật ấy bằng xương bằng thịt. Họ như được sống cùng niềm vui, nỗi đau của các nhân vật trong Truyện Kiều…và như thế, họ họ hiểu hơn kiệt tác của cụ Nguyễn Tiên Điền. Và cũng vì thế, trò Kiều giáo dục cho họ biết yêu, biết ghét, biết thương cảm, biết căm hờn…từ đó biết sống chân thành, vị tha như các nhân vật mà mình yêu mến, tránh xa cái xấu, cái ác.
3. Giải pháp bảo tồn và phát triển trò Kiều trên quê hương Nguyễn Du
Trò Kiều là loại hình nghệ thuật độc đáo, gắn bó, tác động sâu sắc tới đời sống văn hóa tinh thần của người dân Tiên Điền. Loại hình nghệ thuật này đã trở thành nét văn hóa độc đáo vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có giá trị văn hóa. Tuy nhiên, giờ đây, trải qua nhiều thế hệ với nhiều yếu tố tác động của lịch sử, xã hội, trò Kiều dần bị mai một. Việc bảo tồn và phát triển trò Kiều đang là khát khao của người dân quê hương Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Tuy nhiên, để khôi phục và phát triển trò Kiều là cơ hội và cũng là thách thức, là thuận lợi nhưng cũng đầy những khó khăn.
Xét trong điều kiện xã hội hiện nay, có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc khôi phục và phát triển trò Kiều ở Tiên Điền.
Trước hết, đó là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, hết sức coi trọng, bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ( bác học và dân gian). Qua đó nhà nước ta đã có sự quan tâm tới việc phát triển văn hóa dân gian, trong đó có trò Kiều.
Thứ hai, mặc dù hiện nay nhiều loại hình văn hóa hiện đại xuất hiện, thậm chí có những loại hình văn hóa du nhập từ nước ngoài nhưng nó vẫn chưa thể thôn tính được văn hóa truyền thống. Trong trái tim người dân Việt Nam vẫn luôn có lòng mến mộ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Các nghệ nhân, có người vẫn còn sống và vẫn luôn một niềm đam mê mãnh liệt, một khát khao cháy bỏng và sẵn sàng khôi phục lại loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa làng quê mình. Tôi đã vinh dự được gặp vợ chồng ông Nguyễn Mậu (tộc trưởng dòng họ Nguyễn Tiên Điền, chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyện Kiều, còn bà Trần Thị Phượng, vợ ông là người từng đóng Kiều nhiều năm, vừa được công nhận là nghệ nhân dân gian). Trong suốt buổi trò chuyện, khi nói về trò Kiều, hai ông bà đều rất hào hứng, say mê. Thi thoảng, trong câu chuyện, bà Phượng hát lại các lời ca trong một số trích đoạn trò Kiều. Có thể nói, nếu hát Kiều là niềm đam mê cháy bỏng của người dân Tiên Điền thì bà Phượng là hiện thân của sự dẻo dai, bền bỉ trong niềm đam mê ấy.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, việc khôi phục và phát triển trò Kiều còn gặp phải không ít khó khăn.
Kịch bản trò Kiều xưa chủ yếu tồn tại trong dân gian, hầu như chưa có bản chép tay, vì thế, trải qua hàng chục năm, với hoàn cảnh chiến tranh, các nghệ nhân kẻ mất, người còn nên kịch bản giờ đây đã thất lạc, rất khó khăn cho việc sưu tầm và biên soạn lại đầy đủ.
Trò Kiều là vở diễn dài với nhiều nhân vật, trong đó các diễn viên ( chủ yếu là diễn viên chính) đòi hỏi phải trẻ trung, vừa có cả thanh và sắc, có niềm đam mê, lòng nhiệt tình. Còn hiện nay, do nhu cầu của cuộc sống, người dân làng Tiền cũng giống như những vùng nông thôn khác, đến tuổi trưởng thành đều có xu hướng thoát li khỏi lũy tre làng nên để có dàn diễn viên tươi trẻ như ngày xưa là rất khó. Đội ngũ diễn viên trong câu lạc bộ phần nhiều lớn tuổi, người trẻ nhất cũng không dưới 30 nên không phù hợp với nhân vật trong tấn trò. Hơn nữa đội ngũ này thường không ổn định, nhất là lớp trẻ. Ví như hai năm trước, cô Kiều Trần Thị Giang đi xuất khẩu lao động bên Nga, năm nay, do không làm ăn được mới trở về, rồi đến lượt Thúy Vân Trần Thị Duyên cũng sang Nga, Hoạn Thư Trần Thị Sâm thì đi sang Đài Loan…
Thời hiện đại, dòng chảy của nền kinh tế thị trường tác động rất lớn đến cuộc sống của con người. Mọi vấn đề của cuộc sống đều liên quan đến giá trị vật chất. Con người sống thực tế hơn, thực dụng hơn. Ngày xưa, các anh chị em trong đội trò tập luyện ngày đêm kéo dài hàng tháng trời không màng đến chế độ, còn hôm nay điều đó là không thể.
Và cuối cùng, một thực tế không thể phủ nhận đó là nhu cầu thưởng thức trò Kiều hiện nay của nhân dân đã không còn như trước. Vì, trong xã hội hiện nay, đời sống người dân được nâng cao, các kênh truyền hình được mở rộng, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão đã truyền tải tất cả các loại hình nghệ thuật từ trong nước đến cả thế giới đến tất cả người dân. Các loại hình nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng và có sức hấp dẫn lôi cuốn mạnh mẽ. Con người có thể thưởng thức bất cứ lúc nào,ở đâu, chỉ cần với một chiếc máy tính, một chiếc điện thoại.
Vậy, cần phải làm gì để bảo tồn và phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo này?
Về phía nhà nước và các cấp chính quyền: không chỉ cần có sự quan tâm mà còn cần phải thực sự vào cuộc. Chính quyền địa phương cần nghiêm túc thực hiện đường lối chính sách nhà nước về bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống, việc thành lập và hoạt động của câu lạc bộ trò Kiều cần có sự tham gia chỉ đạo của vai trò nhà nước ; cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để động viên khuyến khích các nghệ nhân, các diễn viên và gia đình của họ. Sự hỗ trợ, đầu tư này không nên thực hiện theo tính chất thời vụ mà cần có kế hoạch lâu dài, ổn định để cho các nghệ nhân và các diễn viên câu lạc bộ có thể toàn tâm toàn sức gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa đầy giá trị nhân văn trên quê hương.
Về phía các câu lạc bộ: để thu hút số lượng người xem, làm cho nhân dân yêu mến đội trò, say mê trò Kiều, những thành viên trong câu lạc bộ cũng cần đầu tư công sức nâng cao chất lượng trò Kiều: từ việc tuyển chọn diễn viên( các diễn viên tham gia câu lạc bộ phải là người có cả thanh và sắc, độ tuổi đôi mươi, đội ngũ này phải được ổn định và có tính chất kế thừa) đến khâu đào tạo tập luyện diễn xuất một cách có bài bản
Mặt khác, kịch bản trò Kiều, theo năm tháng đã dần bị mất mát, hiện nay đã biên soạn lại nhưng còn khác xa so với kịch bản ban đầu. Bởi vậy, cần phải sưu tầm, biên soạn sao cho sát với phần nào kịch bản xưa kia. Đồng thời, để tránh trò Kiều bị mai một theo thời gian, cần ghi âm bảo tồn các làn điệu ( thể cách) trò Kiều.
Cuối cùng, để trò Kiều phát triển một cách bền vững, điều cần thiết là phải xã hội hóa loại hình nghệ thuật dân gian này. Cụ thể là để trò Kiều trở thành một phần của hoạt động du lịch dịch vụ (như nhã nhạc cung đình, ca Huế trên sông Hương, đờn ca tài tử Nam Bộ, hát quan họ Bắc Ninh…) Điều này sẽ có tác dụng khích lệ động viên lớn nhất đối với các thành viên câu lạc bộ. Bởi như thế, họ vừa có thêm thu nhập lại vừa nhân thức rõ giá trị nghệ thuật của chính mình đối với cộng đồng. Đó mới chính là giá trị đích thực của trò Kiều.
Khôi phục và phát triển trò Kiều không chỉ là bảo tồn và phát triển một loại hình nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa làng Tiên Điền mà đó còn là sự bảo lưu và phát triển những nét sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc dân gian, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Và không riêng trò Kiều, ở Nghi Xuân hiện nay còn có một số loại hình sinh hoạt văn hóa đang cần được bảo lưu, gìn giữ và phát triển: ca trù Cổ Đạm, ví phường nón Tiền Điền, hát ví dặm…
Hãy chung tay góp sức để trò Kiều được thực sự hồi sinh trên quê hương Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Trần Thị Thu Ngà/ Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân- Hà Tĩnh)
(Tham luận Hội thảo khoa học Nguyễn Du - Truyện Kiều với quê hương Nghi Xuân)
Nghiên cứu thảo luận
| Audio GuideTham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |