nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Trò kiều ở nghi xuân trong bối cảnh văn hóa xứ Nghệ


Cụ Nguyễn Du, người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh viết Truyện Kiều có thể vào những năm đầu thế kỷ XIX (1811 - 1819) sau khi đi sứ nhà Thanh ở Trung Quốc về, thế nhưng chèo Kiều lại xuất hiện ở Tiên Điền sau đó 100 năm, nghĩa là vào đấu thế kỷ XX. Điều chắc chắn là chèo Kiều đã từ Nghệ An sang Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Tác giả chuyển thể truyện Kiều sang chèo Kiều có thể là người huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, Nghệ An xưa kia. Một điều lý thú bất ngờ là những người tiếp thu chèo Kiều về Tiên Điền lại là con em dòng họ Trần chứ không phải họ Nguyễn của nhà thơ, mặc dầu dân Tiên Điền hồi ấy chiếm 2/3 là con em dòng họ Nguyễn của đại thi hào.

 

Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du


Vào khoảng năm 1918 - 1920 ba anh em Trần Văn Lan, Trần Văn Thiều, Trần Văn Ân (nếu còn sống năm nay các cụ khoảng 120 - 125 tuổi) thuộc xóm làng Tiền, xã Tiên Điền đã đưa chèo về làng. Ngày ấy dân làng Tiền ngoài nghề nông còn làm thêm nghề may nón lá (Ví phường nón gốc gác chính cũng nơi đây). Một tháng sáu phiên người làng Tiền mang nón lá qua chợ Vịnh để bán (chợ Vinh ngày nay). Hàng bán nón của dân Tiên Điền ngồi cạnh hàng bán trống của người Diễn Châu, Nghệ An. Việc bán nón bấy giờ vừa bán buôn vừa bán lẻ, cho nên đi chợ phải từ 3-4 giờ sáng, rồi bán từ tinh mơ cho đến  mãi 4-5 giờ chiều. Thời gian bán hàng dài như vậy cho nên lúc nhàn rỗi ngồi chờ khách đến mua hàng, trai Tiên Điền bị tiếng trống chèo lúc khoan lúc nhặt, lúc rộn ràng của cánh con trai hàng trống Diễn Châu cuốn hút. Trai Diễn Châu cũng trong hoàn cảnh chờ khách hàng đến mua trống, họ vừa đánh trống làm khuây, nhưng cũng vừa để giới thiệu vị trí bán trống cho khách hàng nghe thấy tiếng trống mà tìm đến để mau. Chợ Vinh là chợ lớn nhất hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, qui hoạch rộng, người đông, đủ các loại hàng trên rừng dưới biển, trong ra ngoài vô. Do sự lân la bởi tiếng trống, trai làng nón Tiên Điền phát hiện ra dân Diễn Châu có nghề hát chèo Kiều. Nhịp trống lời ca giọng hát của trai phủ Diễn trong những cuộc giao lưu tình cờ này đã làm mê đắm con trai làng nón Tiên Điền. Các cụ ví tiếng trống lời ca của hát chèo Kiều với cánh con trai không khác gì tiếng đàn bầu giữa đêm khuya với người phụ nữ khi chồng đi xa nhà. Kể từ ngày phải lòng thi vị chèo Kiều, cánh trai làng nón "thậm thụt, trở tính" giành vợ con đi chợ tháng trọn cả 6 phiên để được nghe cánh hàng trống hát chèo.


Việc giành vợ con đi chợ kéo dài, làm cánh vợ con hàng nón đâm dị nghị. Mấy bà có chút máu "Hoạn Thư" sinh nghi họp nhau bàn mưu tính kế. Thế rồi chẳng bao lâu, các ông dậy đi chợ trước, các bà lục tục rủ nhau dậy xách nón đi sau, với ý định thăm dò cho ra nỗi niềm hư thực… Và ôi!... Sau khi các bà phát giác ra cánh đàn ông hàng nón mê muội mấy gã trai hàng trông Diễn Châu hát chèo Kiều thì lại đến lượt các bà giành đi chợ bán nón để được nghe hát chèo Kiều. Nhưng phụ nữ thời nào cũng là "phái yếu", cánh đàn ông vẫn đủ lý do để tháng đi chợ cả 6 phiên. Tình trạng đó kéo dài dẫn đến một cuộc thảo luận của cánh quần thâm, tóc dài làng nón. Sau khi bàn bạc thống nhất các bà đồng thanh tuyên bố kiến nghị: "Phải đón thầy chèo về làng, để dạy cho làng biết hát chèo Kiều". Đó là lý do chính thức để chèo Kiều du nhập về làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh vào khoảng năm 1918 (sau khi cụ Nguyễn mất gần 100 năm).


Có thầy chèo về làng dân tình ai ai cũng vui mừng phấn chấn. Đêm đêm thầy nổi trống lên, người giàu cũng như người nghèo đều tụ hội quây quần xem đội chèo của làng tập luyện. Nhưng rồi một số sự cố xấy ra. Các vai nam như Kim Trọng, Vương Quan, Thúc Sinh, Hồ Tôn, Sở Khanh, Từ Hải thì dễ tìm. Quan niệm tư tưởng phong kiến hồi ấy còn nặng, cho nên các vai nữ như Thuý Kiều, Thuý Vân, Tú Bà, Hoạn Thư không có người sắm. Họ còn phao đồn: "Con gái mà đóng Kiều, Tú Bà là sau này không có con". Đây là lý do buộc cánh đàn ông mê chèo phải xâu lỗ tai nhảy vào cuộc. Hai cụ Trần Văn Lan, Trần Văn Nguyệt là hai anh em ruột đã xâu tai để đóng Vân và Kiều. Như vậy đội trò Kiều đầu tiên của làng Tiên Điền toàn là nam giới. Theo các cụ sau hai năm khổ luyện đội chèo mới ra mắt trình làng. Một số gia đình có chút quan chức, tiền của lúc đầu cho là trò "xướng ca vô loài" không cho vợ con đi xem làng hát chèo. Nhưng rồi lời qua tiếng lại, người ta ca ngợi đội chèo của làng hát hay múa giỏi, nhất là đêm đêm tiếng hát tiếng trống nổi lên đã khiến các bà các cô, cậu con nhà khá giả vốn đố kỵ nghề xướng ca, đêm đêm lại lân la lảng vảng, khi đầu còn đứng xa, về sau xích lại gần để xem làng diễn chèo. Nhiều bà đêm đến chờ chồng ngủ say rồi lẻn cửa sau đi xem. Nhưng nghe nói chỉ vài ba năm sau là làng phá tục cổ hủ đó. Những vị "tai to mặt lớn" thường răn đe vợ con trước đây giờ lại mang tiền của đến ủng hộ đội chèo của làng. Nhiều vị mê quá đã nhảy vào cuộc. Lúc đầu thì tập đánh trống, kéo nhị sau rồi tập cả hát. Nghe nói có lần các ông trùm chèo đã phân cho một số vị đóng hề, đóng mõ, đóng lính. Nhiều cụ mê quá vẫn cứ chịu chơi, bất kể sang hèn.


Kịch bản chèo Kiều nay có thể coi như là của tác giả dân gian, được các nghệ nhân, các ông trùm chèo các địa phương lưu giữ trong trí nhớ. Các xã ở Nghi Xuân, Đức Thọ, Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Diễn Minh, Diễn Châu, Yên Thành (Nghệ An) đều có những bản chép tay của các cụ đội chèo ngày xưa nhớ và đọc lại cho con cháu ghi chép lưu truyền. Trong đó có công của một số nhạc sĩ, văn nghệ sĩ đã sưu tầm ghi chép lưu giữ. Một vấn đề đặt ra hiện nay cho các nhà nghiên cứu âm nhạc là thống nhất cách gọi, chèo hay trò, tên gọi của các làn điệu chèo Kiều, trò Kiều để hậu thế biết hát đúng với lối hát truyền thống là chèo cổ, chèo Nghệ. Nếu nguyên tắc gọi là hát chèo thì toàn tấn phải sử dụng các làn điệu của chèo (chèo Nghệ hát khác chèo Bắc) nhưng hiện nay không riêng gì ở Tiên Điền mà kể cả các xã trong huyện, huyện bạn, chèo Kiều nhiều câu, nhiều đoạn hát giọng tuồng, giọng bội, hát văn. Ở Cổ Đạm và Xuân Liên, huyện Nghi Xuân còn đưa cả hát ca trù vào (những lớp chuốc rượu). Qua tìm hiểu các cụ cho rằng: một số nhân vật tính cánh dũng mãnh, một số tình tiết thảm sấu bi luỵ chỉ hát giọng chèo không thể hiện hết nội tâm và hành động, mặt khác làn điệu chèo Nghệ chưa phong phú, các cụ đưa các làn điệu dân ca địa phương vào cho phong phú. Phải chăng vì những lý do đó mà nhiều địa phương gọi là trò Kiều, "hát trò Kiều".

 

Tranh minh họa Kiều gặp Kim Trọng


Các làn điệu chính của chèo Kiều ở Tiên Điền, ở Xuân Liên cùng huyện, thường là: làn ngang - làn dọc - nam bằng - nam ai - nam thương - hát sử - hát sắp - sa lệch - hát đi đường - hát văn - hát lối - hát vần…


Qua nghiên cứu bước đầu giữa các đội chèo trong huyện và một số vở của các huyện bạn thuộc xứ Nghệ thì cách diễn gần như giống nhau:


Phần I: có 2 lớp


1. Lớp dẹp đám: người thay mặt đội chèo của làng ra khai mạc đêm diễn, trước là mừng đất nước, sau là mừng quan chức dân xã, người đánh trống cầm chầu. Tất cả những nội dung trên phải hát bằng các làn điệu có trong kịch bản vở diễn. Như vậy người dẹp đám phải có tài hát được tất cả các lần điệu của vở.

Ví dụ:...Nay nhân tiết Xuân Thiên thư thả

              Anh em tôi ca xướng làm vui

              Việc trò vè là chuyện qua chơi

              Dẫu có sơ xuất xin người chuẩn giám


Này anh em: (đế) Mừng người đánh trống nổi chầu lên ắt cũng đẳng công thành danh toại.

           Trên chúc mừng đất nước hai chữ khang ninh, sau ca tụng tứ thời phong cảnh.

Thời (đế)

          Thời búp hoa sen rồi cội hoa sen

          Bao nhiêu quí vật đi tìm quí nhân

          Nhân này là nhân khang, vật này là vật thịnh

          Mừng dân xã ta được chữ tam đa, phụ tử kỳ lưu truyền vạn đại.

          Ấy mà địa: Địa dị nhân vi thắng, nhân dị đức vi vinh

          Trải qua xem non nước hữu tình, mừng phong cảnh bốn mùa thêm rạng vẻ.


(Ở Diễn Minh, Diễn Châu đoạn này lại mừng sĩ - nông - công - thương, tức là mừng các ngành nghề).

2. Lớp diễn tích: Là tóm tắt cốt truyện Kiều thông qua số phận, hoàn cảnh của các nhân vật chính trong tích trò để khái quát nội dung toàn vở.

Ví dụ: Rừng nho hạc thú, biển lặng tăm kình. Hội thái bình theo thói Thuấn Nghiêu - Tôi xin diễn Kim Vân Kiều tích cũ.

Ấy mà nhớ (đế) Nhớ xưa tích cũ có một nhà Viên ngoại họ Vương, nhờ ân phước sinh đặng ba con, trai rốt lòng tên gọi Vương Quan, Thuý Vân thứ, Thuý Kiều là chị cả.

Ấy mà chường:(đế) Chường Kim Trọng có lòng quyến luyến giao khăn hồng thề ước đinh ninh. Nường Thuý Kiều vì hiếu cùng cha nên đã phải bán mình. Song lại mắc tay họ Mã Giám Sinh lừa đảo.

Ấy mà mụ (đế) Mụ Tú Bà, già Khanh trở tráo lũ buôn người, lũ chẳng thương ai. Chàng Thúc Sinh trọng sắc thương tài, mắc vợ cả Hoạn Thư sâu hiểm…


So sánh trong vùng thì cách diễn tích giống nhau, chỉ khác nhau một số ít câu chữ. Khi tìm hiểu, các cụ nói: Màn diễn tích về sau nhiều người chê dài, nên có phần cắt bỏ thêm bớt cho gọn, sự khác nhau là vì lý do đó.

Phần II: Chèo Kiều ở Kỳ Anh do nhạc sỹ Lê Hàm sưu tầm thì chia làm 12 phần, diễn 2 tối. Từ tài mệnh ghét nhau cho đến họ Vương đoàn viên. Nhưng ở Tiên Điền lại chia làm ba hồi, trước đây chỉ diễn hai hồi, không hay diễn hồi 3 là hồi hậu Kim Trọng.

Ở Diễn Châu có vở 3, có vở 4 hồi, mỗi hồi diễn một đêm. Chèo Kiều ở Nghi Xuân được bố cục sắp xếp diễn như sau:

Đêm thứ nhất: Dẹp đám, diễn tích và hồi I:

Hồi I: Chữ tài chữ mệnh (gồm các cảnh):

- Gia cảnh Viên Ngoại

- Chị em Kiều du xuân, gặp mả Đạm Tiên

- Ba chị em Kiều gặp Kim Trọng

- Kim Trọng nhặt được Kim Soa ở vườn thuý (đôi bên trao đổi Kim Soa, khăn hồng chung lời hẹn ước).

- Kim Trọng từ biệt về hộ tang thúc phụ.

- Hàng Tơ vu oan Vương ông mắc nạn.

- Kiều bán mình giao lại cho Vân mối tình Kim Trọng.

Hồi II: Đoạn trường 15 năm lưu lạc

- Mã Giám Sinh mua Kiều

- Tú Bà ra oai, bắt Kiều làm lễ Tiên Sư

- Kiều tự tử không chết. Đạm Tiên báo mộng

- Kiều gặp và bị Sở Khanh lừa

- Tú Bà bắt Kiều tiếp khách làng chơi

- Kiều gặp Thúc Sinh

- Hoạn Thư ghen chồng

- Khuyển Ưng bắt Kiều nộp Hoạn bà

- Thúc Sinh trở lại Lâm Tri  tưởng Kiều chết

Đêm thứ hai:

- Kiều hầu Hoạn Thư

- Thúc Sinh về Kiều phải chuốc rượu

- Kiều đến chùa Quan Âm

- Thúc Sinh lẻn gặp - Hoạn Thư bắt được

- Kiều đến với Giác Duyên

- Kiều bị Bạc bà đưa về Châu Thai

- Kiều gặp Từ hải. Từ Hải đánh thắng Hồ Tôn

- Từ Hải xưng hùng. Kiều báo ân báo oán

- Hồ Tôn dùng mưu mua chuộc Kiều

- Từ Hải mắc mưu Hồ Tôn - chết đứng

- Kiều ân hận nhảy xuống sông Tiền Đường

Đội chèo Tiên Điền phần nhiều chỉ diễn đến đây nhưng một số xã khác tiếp tục diễn hồi III.

Hồi III: Hậu Kim Trọng

-Kim Trọng đón gia đình họ Vương về và lấy Vân

- Kim Trọng lập đàn chiêu hồn, thuê người đi tìm Kiều

- Gia đình họ Vương đoàn tụ.

Ngày ấy đêm về dẫu nắng hay mưa, nghe tiếng trống chầu của làng nổi lên là mọi người lại rủ nhau tụ tập lại xem đội trò của làng tập luyện. Có nhiều người hầu như không vắng một buổi nào. Vì thế nhiều ông bà, anh chị không tham gia thủ một vai nào, nhưng lại thuộc rất nhiều vai của vở. Làng tôi có nhiều bà một chữ bẻ đôi không biết mà lại thuộc làu cả tấn chèo. Thậm chí một số từ Hán nôm các bà còn hiểu rõ cả nghĩa để giải thích cho con cháu.


Theo truyền ngôn và xét từ thực tế hiện nay còn để lại, chèo Kiều về Nghi Xuân, Hà Tĩnh thì về Tiên Điền đầu tiên, sau đó lần lượt lan đến các xã: xã Phan Xá (tức xã Xuân Mỹ ngày nay), đến xã Cổ Đạm và năm 1936 thì chèo đến xã Xuân Liên và cuối cùng năm 1983 vào xã Xuân Lĩnh. Nói đến chèo Kiều ở Nghi Xuân người ta không thể quên ông Trần Văn Thiều, nhà ông nghèo, chữ nghĩa ít, nhưng ông không những hát hay múa giỏi mà có một bộ nhớ đến kỳ lạ ít người được như ông. Không chỉ có chèo Kiều mà chèo Trương Viên, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lưu Bình - Dương Lễ ông đều thuộc làu. Ông đã từng làm thầy truyền nghề tại nhiều xã ở trong, ngoài huyện. Chèo Kiều vào Xuân Lĩnh, Nghi Xuân cũng do ông, lúc đó đã trên 80 tuổi. Tại Hà Tĩnh vào những năm đầu thế kỷ XX, chèo Kiều lần lượt du nhập vào các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc và huyện cuối cùng là Kỳ Anh. Người đưa chèo Kiều vào xã Kỳ Châu, Kỳ Anh là cố cháu Minh, người xã Trung Lương, Đức Thọ. Trước đó cụ Cương Kỳ Châu nói: "Chèo kiều vào Kỳ Anh còn do mấy người đằng ngoài họ vào buôn bán ở Kỳ Anh, đã lập phường hát Kiều". Từ Diễn Châu trở ra, người Hà Tĩnh xưa gọi là người đằng ngoài. Qua đèo Ngang gọi người đằng trong, nói hát giọng đằng trong là giọng Huế. Từ Ninh Bình trở ra ít thấy nói hát chèo Kiều, trò Kiều. Như vậy chèo Kiều chỉ hoạt động trong phạm vi hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh là chủ yếu.


Theo các nghệ nhân già hát chèo Kiều trước đây còn sống, thì người dạy chèo đầu tiên cho làng là người xã Ngọc Lâm, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu.


Về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: chèo Kiều ở Nghi Xuân được thể hiện với các thủ pháp gần giống như chèo, tuồng Bắc Bộ. Lối diễn về không gian, thời gian, động tác ước lệ là chủ yếu, dùng động tác vũ đạo để thay đổi không gian, địa điểm và cả thời gian (nếu quất roi nhảy một bước rồi lượn vòng là thay đổi địa điểm. Quất roi chứng tỏ là phi ngựa. Nếu xách quần làm động tác nhảy chéo chân là qua sông, nếu vuốt râu giơ tay đặt lên trán là ngủ…).


Đặc biệt, đối với chèo Kiều nhân vật xuất hiện là phải xưng danh. Xưng danh là giới thiệu tóm tắt lai lịch, tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, hoàn cảnh, sở trường, sở thích của nhân vật để người xem hiểu được phần nào lai lịch của nhân vật đó.


Ví dụ: Kim Trọng xưng danh:

                   Tôi Kim Trọng người Liêu Dương xứ

                   Vốn con nhà dòng dõi trâm anh

                   Chí làm trai mong cửa Khổng sân Trình

                   Theo lấy dấu khoa trường nhiếp cũ…


Mã Giám Sinh xưng danh:

                   Tôi họ Mã tên gọi Giám Sinh

                   Chốn Lâm Thanh quê ở cũng gần

                   Nền hoa đỗ bốn tuần diệu ngoại (trên 40 tuổi)

                   Tin thường bỗng xa gần đồn đại


                   Nói rằng đây có gái bán mình

                   Khách viễn phương đưa mõ rao danh

                   Nên thầy tớ băng miền tìm tới


Tú Bà xướng:

                   Tóc tơ lừng lẫy dáng nguyệt thanh tân

                   Tôi Tú Bà ở chợ mới Đồng Xuân

                   Ai cũng gọi tôi là mụ tơ hường dưới đất

                   Một đồng tiền mua rau chẳng đắt

                   Cất về tay tôi là đáng giá vàng mười

                   Bà già bảy tám chín mười mươi

                   Về tay tôi son phấn vào là: Trẻ như gái 15 - 18 đó chị em…


Dàn nhạc chèo Kiều ở Tiên Điền chỉ có một chiếc trống và một cái nhị hoặc cái hồ.


Lịch sử thăng trầm của chèo Kiều ở Nghi Xuân: khoảng năm 1918 - 1920, chèo Kiều lần đầu tiên nhập vào xóm làng Tiền xã Tiên Điền, cũng là làng của cụ Nguyễn. Chèo Kiều phát triển và tồn tại trong các dịp hội hè, lễ tết cho đến năm 1944


Từ năm 1945 đến năm 1954 kháng chiến bùng nổ, phong trào hát chèo Kiều lắng xuống rồi mất hẳn, chỉ còn mỗi xã Xuân Liên hoạt động cho đến năm 1949 mới ngừng.


Sau hoà bình lập lại, do nguyện vọng của nhân dân thôi thúc, chèo Kiều lại được hoạt động từ 1956 đến 1965. Chống Mỹ ác liệt, phong trào hát chèo lại vắng bóng, cho đến năm 1983 còn mỗi xã Xuân Lĩnh hoạt động được hai năm rồi lại mất hẳn. Cụ Trần Thiều là người gây dựng đội chèo Xuân Lĩnh, năm đó đã xấp xỉ 90 tuổi. Từ đó đến nay người Nghi Xuân chỉ còn nhắc nhở đến chèo Kiều bằng sự mến mộ và luyến tiếc, có chăng lại Tiên Điền thỉnh thoảng con em đội chèo ngày xưa hát lại một số trích đoạn. Kể từ khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW Đảng (khoá III) đi vào cuộc sống, Đảng bộ, chính quyền nhân dân nhiều địa phương kiến nghị khôi phục phong trào hát chèo Kiều, trò Kiều. Nguyện vọng đó hết sức chính đáng nhưng để phục hồi hình thức nghệ thuật này cũng còn khó khăn nhiều mặt:


- Kịch bản tam sao thất bản nhiều đoạn, chưa sưu tầm đầy đủ như trước đây.

- Các làn điệu ghi chung chung (chỉ ghi nói hoặc hát), vấn đề vũ đạo của chèo rất quan trọng, rất hay nhưng hiện nay ít người nhớ được đầy đủ để hướng dẫn cho lớp trẻ.

- Số lượng diễn viên của vở quá đông (18 - 20 người), đối với một đơn vị làng xã hiện nay khó mà tìm được đầy đủ.

- Trang phục của chèo Kiều cầu kỳ, điều kiện âm thanh, ánh sáng cho việc vừa múa vừa hát của một đội chèo cơ sở nông thôn thực tế khó mà đáp ứng được.

- Kinh phí tập thể Hợp tác xã ở nông thôn như hiện nay không còn, việc tổ chức tập luyện và có chế độ cho tập luyện rất khó vận dụng, tính chất ngành nghề hiện nay phụ thuộc thời vụ, phụ thuộc công việc, việc tập trung con người lại cùng lúc thật không dễ như trước đây.


Hiện nay Phòng văn hoá - Thông tin và Trung tâm VHTT-TT Nghi Xuân đang cố gắng khôi phục lại đội chèo Kiều ở hai xã Xuân Liên và Tiên Điền. Khó khăn nhiều nhưng chúng tôi cũng còn nhiều cơ may:


Trước hết là sự quan tâm của lãnh đạo huyện và chính quyền địa phương các xã  hết sức quan tâm và động viên việc tổ chức khôi phục. Các nghệ nhân tuy tuổi đã xấp xỉ hoặc trên 80 nhưng nhắc đến hát chèo là các cụ quên ăn, quên ngủ.


Tại Xuân Liên còn có cụ Phan Sáu năm nay 83 tuổi, vừa là đạo diễn, vừa là người nhớ được toàn vở. Ở Tiên Điền có vợ chồng ông Nguyễn Mậu là người đã có công lưu giữ và duy trì hoạt động của câu lạc bộ. có thể nói đây là những con người đã hy sinh cho nghệ thuật nói chung, chèo Kiều nói riêng.


Để bảo tồn lưu giữ giá trị một vở chèo cổ được các tác giả dân gian chuyển thể từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, Phòng Văn hoá thông tin và Trung tâm VHTT-TT  Nghi Xuân mong đón nhận được sự động viên khuyến khích, sự ủng hộ và đồng tình của các cấp, các ngành và những người yêu mến trò Kiều, để trò Kiều sống lại với nhân dân Nghi Xuân, Hà tĩnh, góp phần vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc./.                 


Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website