Ngày 17 tháng 08 năm 2022
Chiều ngày 16-8, hưởng ứng Ngày tôn vinh Tiếng Việt (8/9 hằng năm), Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh phối hợp với Quỹ Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều tổ chức tọa đàm về công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản Nguyễn Du -Truyện Kiều.
Dự toạ đàm có các nhà nghiên cứu, nhà văn, hội viên thuộc Chi hội Kiều học tỉnh Nghệ An, Chi hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh.
Truyện Kiều là một tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du, được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát, gồm 3.254 câu, kể về cuộc đời 15 năm lưu lạc, chìm nổi của Thúy Kiều. Với Truyện Kiều, Tiếng Việt và thể thơ lục bát dân tộc đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật thi ca, sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại… Và Truyện Kiều được lưu truyền rộng rãi, có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp nhân dân, thấm sâu vào đời sống văn hoá tinh thần của người dân qua nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian như: ru Kiều, ví, ngâm Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều...
Tại buổi tọa đàm đã có 15 ý kiến tập trung nêu bật những giá trị Tiếng Việt trong các câu thơ của Truyện Kiều, giá trị của việc bảo tồn các hình thức diễn xướng dân gian và các biện pháp để bảo tồn các hình thức diễn xướng này trong thời gian tới.
Nguyễn Nga