nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Tìm hiểu tư tưởng Nguyễn Du qua đoạn kết Truyện Kiều


Đoạn kết của Truyện Kiều bắt đầu từ câu 3241 đến 3254, hoàn toàn là lời Nguyễn Du, không phải lời nhân vật.
 
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.
 
Câu cuối “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” là cách nói khiêm xưng, tránh đi cái họa bút mực dưới thời phong kiến.
 
Theo tôi, ở đây còn một ý nghĩa nữa: Nguyễn Du viết Truyện Kiều là muốn hướng tới người đọc bình dân (người quê), cho nên ông viết thơ Nôm. Ông tin rằng, người đọc bình dân vẫn còn mang nhiều thiên tính tự nhiên, sẽ không bị ràng buộc bởi những giáo lý; và bất cần giáo lý thì cũng được “mua vui” cùng nhau trong những tối rảnh rang hoặc cùng nhau lao động. Sự thật, Truyện Kiều đã đi vào hậu thế bằng sự lưu truyền qua tâm hồn của những người lao động. Ngày  2/12/2015, Tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới đã xác nhận kỷ lục thế giới mới dành cho Truyện Kiều: “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất” (trong 27 kỷ lục quốc gia, có kỷ lục nhiều người đọc nhất).
 
Nếu có ai hỏi, người Việt Nam thuộc câu Kiều nào nhất, tôi dám chắc đó là câu “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Trong Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du được tổ chức vào  ngày 5/12/2015 tại TP Hà Tĩnh,  bà Katherine Muller Marin - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định: Tác phẩm Nguyễn Du đã có mối liên hệ chặt chẽ với các lĩnh vực trọng tâm của UNESCO như khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa… và dẫn câu “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” như một phương châm sống, một giá trị văn hóa tốt đẹp của con người trong mọi đất nước, mọi thời đại.
 
Vậy, có thể nói, chủ đề chính của Truyện Kiều là chữ Tâm.
 
Ở Truyện Kiều cũng như thơ chữ Hán, Nguyễn Du nhiều lần bày tỏ sự thương cảm sâu sắc những con người tài sắc thường bị vùi dập, oan khổ.
 
Ở Truyện Kiều cũng như thơ chữ Hán, Nguyễn Du nhiều lần bày tỏ sự thương cảm sâu sắc những con người tài sắc thường bị vùi dập, oan khổ. Ông cũng tự xếp mình vào đó “Phong vận kỳ oan ngã tự cư”.
 
Mặc dù ông viết “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài đi với chữ tai một vần” nhưng không có nghĩa là ông phủ định chữ Tài. Ông hiểu rõ, chữ Tài mới làm nên sự hoàn thiện nhân cách, làm cho cuộc đời lấp lánh. Chữ Tài là một yếu tố của Cái Đẹp, của hạnh phúc. Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải… đều là người có tài, vì thế tình yêu của họ mới đẹp, họ mới có những giây phút hạnh phúc tuyệt đỉnh.
 
Nhưng tại sao Nguyễn Du lại có vẻ khinh bạc chữ Tài đến thế? Là vì ông nhận ra một quy luật, một quy luật bất biến, bị chi phối bởi Trời và cả Người. Trời cho người này tài thì phải chịu số kiếp gian truân. Người tài thì phải va chạm nhiều, va chạm nhiều thì bị đố kỵ nhiều. Nhưng có Tài thì dù gian truân, dù khổ cũng vượt lên được. “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Người đã khù khờ mà còn gian truân thì nhân loại tuyệt diệt! Đây là sự tổng kết hiện thực, tổng kết lịch sử, là chân lý tuyệt đối.
 
Khinh bạc chữ Tài còn là vì đem so với chữ Tâm. “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Tâm là gì? Trước hết đó là tấm lòng. Người có tài thường hay oan khổ nhưng không phải tất cả. Kim Trọng, Vương Quan có tài nhưng có khổ đâu. Chỉ Thúy Kiều là khổ, vì nàng mang chữ Tâm quá lớn. Lụy vì Tâm. Chưa chi đã khóc Đạm Tiên là người đời xưa. Rồi vì Tâm mà bán mình chuộc cha. Rồi vì Tâm mà khuyên Từ Hải ra hàng. Tục ngữ nói “Thương người hại mình”  là thế. Xét về phương diện gây khổ, rõ ràng chữ Tâm quá bằng ba chữ Tài!
 
 Chữ Tâm bằng ba chữ Tài còn là một giá trị sống, một con đường dẫn tới hạnh phúc. Nguyễn Du là nhà tư tưởng lớn, đã là nhà tư tưởng lớn phải chỉ cho con người con đường đi tới hạnh phúc. Truyện Kiều có giải pháp ấy. Và giải pháp là chữ Tâm. Tâm là một thái độ ứng xử, một lối sống vị tha, khoan dung. Có được vị tha, khoan dung cũng dựa trên hiểu biết, trên cái Tài thật sự. Bán mình chuộc cha, tha bổng cho Hoạn Thư, thậm chí khuyên Từ Hải ra hàng là vì đại cục, vì muốn để cuộc sống yên bình, không muốn hàng triệu con dân khác phải chết vì nạn binh đao.
 
Tâm còn là An tâm. Thúy Kiều có than thở “Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”; “Giết chồng rồi lại lấy chồng/ Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời”; nhưng không ân hận về những hành động theo tấm lòng của mình, dù nó có bắt nàng chịu nhiều khổ nhục. Khuyên Từ Hải ra hàng vì hai chữ hiếu trung, vì lo cho cả Từ Hải. Nàng an tâm chấp nhận mọi hoàn cảnh sống “Thân lươn bao quản lấm đầu; Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi”. Được sống đã là một hạnh phúc! Vì thế, Kiều quyên sinh lần nào, Nguyễn Du cứu sống lần ấy. Làm người biết chấp nhận hoàn cảnh, sẽ tìm cách vượt lên nó sau, còn trước hết nên chấp nhận nó, tìm lấy hạnh phúc trong ngay cả những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất!
 
Tâm còn là Tâm tính, tức thiên tính, tính cách tự nhiên của con người mình. Thúy Kiều là người hiếu nghĩa, hiếu trung, đa tình thì nàng sống theo bản tính ấy của mình. Và bởi sống theo bản tính ấy một cách mạnh mẽ, triệt để mà nàng đau khổ nhưng cũng có tuyệt đỉnh hạnh phúc mà người thường không có, thành người của muôn đời phải nhớ. Đã là tính tự nhiên thì không thay đổi được. Sống mà đổi tính tức là tha hóa. Và cũng sẽ không có hạnh phúc. Trong cuộc đời, dù khắc nghiệt đến mấy, vẫn có những bối cảnh hợp với tâm tính mình. Đến nơi ấy ở, bỏ điều tham không phải sức mình, không phải tính mình, cũng tức là con đường hạnh phúc. Nguyễn Du không nói chỉ người tài giỏi mới có hạnh phúc. Tất cả mọi người đều có thể hạnh phúc, nếu nhận ra tâm tính mình, hoàn cảnh phù hợp với mình và sống với lẽ sống vị tha.
 
 
 
Theo Nguyễn Sĩ Đại/Infornet.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website