nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Thúc sinh - một nhân vật đớn hèn


Từ điển tiếng Việt ghi hai chữ đớn hèn như sau: “Hèn đến mức tỏ ra không có chút bản lĩnh, rất đáng khinh”. Chúng tôi nghĩ, với Thúc sinh không có từ nào khác đúng bản chất của Thúc hơn hai từ ấy. Có bốn biểu hiện như sau: thứ nhất, Hoạn thư hành hạ Thúy Kiều chưa nói đến chuyện Thúc ra tay cứu vớt, chỉ cần có lời can ngăn, Thúc không có.
 
Trong buổi Kiều hầu rượu, đánh đàn Thúc luôn bị Hoạn điều khiển. Hoạn cho khóc, Thúc khóc, Hoạn cho mặt mày tươi tỉnh, Thúc cố làm theo… Thứ hai, Thúc là chồng mà chỉ biết nói theo vợ. Thứ ba, Nguyễn Du giải mã tên Thúc sinh, Thúc Thủ. Thứ tư, trong lần báo ân báo oán, Thúc không dám có một lời xin cho Hoạn thư.
 
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lần thứ hai. Sau khi mở tiệc rượu bắt Kiều quỳ tận mặt (…) mời tận tay, sau khi mở trò vui đánh đàn bốn dây như khóc như than, Hoạn giở ra chiêu thức mới: Hoạn nhờ Thúc sinh tra hỏi Thúy Kiều vì sao buồn? Hoạn đưa Thúc vào tình trạng cực kì khó xử. Thúc phải mặt đối mặt với Thúy Kiều (tất nhiên có sự giám sát của Hoạn) và tra hỏi Kiều như tra hỏi một phạm nhân. Hoạn nói với lời lẽ lịch sự: Cậy chàng tra lấy thực tình cho nao! Nhớ lại ngày gia đình Kiều bị tai nạn, Kiều trao duyên cho Thúy Vân: Cậy em, em có chịu lời. Một chữ cậy trong cuộc trao duyên sao mà lễ nghĩa, trang trọng. Ở đây Hoạn cậy hay sai bảo Thúc hay đưa Thúc vào tình trạng lúng túng, khó lòng thực hiện. Thúc suy nghĩ: Nếu ta nói ra chẳng tiện mà trông thấy nàng đau khổ như thế chẳng đang lòng. Thúc đang lúng túng, Kiều xin viết tờ trình (thân cung: trình ra đầu cuối mọi nỗi niềm của mình). Tất nhiên, khôn ngoan như Thúy Kiều, hẳn Kiều không dại gì nói tất cả. Nàng chỉ nói điều cần nói: Một bất ngờ, Kiều vừa dâng trình tờ thân cung, Hoạn đã dường có ngẩn ngơ chút tình. Mới xem qua mà Hoạn đã ngẩn ngơ, vậy ngẩn ngơ thật hay giả? Khó mà biết được ở con người của Hoạn, cái con người bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao! Thôi thì cứ cho là thật. Bởi trước đóa phù dung diễm lệ lại văn tài siêu thoát, chắc Hoạn thật sự có sự ngẩn ngơ. Nhưng con người Hoạn vẫn là tiểu thư. Vừa mới ngẩn ngơ chút tình Hoạn đã liền tay trao lại Thúc sinh
 
Người đọc cũng chờ xem khi tiếp nhận tờ trình của Thúy Kiều, Thúc sinh ăn nói làm sao. Cụ Nguyễn lại không cho Thúc nói, Hoạn vừa đưa tờ trình vừa nói luôn: Rằng: “Tài nên trọng mà tình nên thương/ Ví chăng có số giàu sang/ Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên/ Bể trầm chìm nổi thuyền quyên/ Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời! Chưa bàn đến lời khen ấy có thật hay cách nói, một cái bẫy cài giăng chàng Thúc! Cụ Nguyễn liền cho Thúc nói theo: Thật có như lời/ Hồng nhan bạc mệnh một người nào vay. Thúc công nhận, Thúy Kiều chịu kiếp hồng nhan bạc mệnh, điều ấy không dành riêng cho một ai. Được đà, Thúc xin Hoạn: Từ bi âu liệu bớt tay mới vừa. Hoạn liền bảo: ý tứ trong tờ cung, người mệnh bạc muốn nương nhờ cửa Phật. Nhà ta sẵn có Quan Âm các, cho nàng ra đấy niệm Phật, chép kinh.
 
Cái hay của câu thơ nhắc lời nói Thúc sinh ở hai chữ: Từ bi. Vừa nhắc Hoạn mở lòng thương người như đạo Phật đã dạy vừa báo hiệu chuyện Thúy Kiều ở Quan Âm các, đi tu. Chuyện này thật giả ra sao bài sau sẽ bàn.
 
Chỉ biết lối nói theo của Thúc đủ biết Hoạn cao tay thế nào, bản chất đớn hèn của Thúc ra sao.
 
 
Theo Lê Xuân Lít/giaoduc.edu.vn
 

Nghiên cứu thảo luận

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website