Sinh ra và lớn lên giữa một thời giông gió cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Du sớm nghiệm sinh những tủi buồn riêng tư, sớm trải qua mất mát và chứng kiến biết bao cuộc ly loạn, tan vỡ, đổi thay. Ngay chính gia đình ông cũng đã là cả một tấn bi kịch với những chia cách, đối lập, vừa hoài niệm quá khứ vàng son chưa xa vừa bị hiện thực dồn đẩy về phía trước với một niềm hy vọng mong manh. Bản thân ông cũng bị xô đẩy, vừa mới được giữ một chức quan nhỏ dưới thời Lê mạt thì cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổi lên và buộc phải làm cánh bèo trôi dạt, khi ở xứ vợ Thái Bình, khi về miền quê Nghệ Tĩnh. Đến ngày ra làm quan với tân chúa nhà Nguyễn và được trọng dùng thì tuổi đã sang chiều, hơn nữa lại phải cúc cung ở bên chúa "lạ", nơi dẫu sao mình cũng chỉ dự một vai phụ, một chân "chầu rìa". Dường như ông luôn bị phân thân, xa gần thấy triều đại nào mình cũng chịu ân sủng và cũng thấy những điều bất cập, trái chiều, khó có thể tận trung tận hiếu. Thế là hết một thời và càng hiểu rõ rằng rồi sẽ qua hết một đời! Bao nhiêu ước vọng, bao nhiêu suy tư suy tưởng đành chiếu lệ một lời "vâng dạ" cho xong, tận đến lúc trút hơi thở cuối cùng cũng vẫn an nhiên coi một kiếp đời thế là "được" thay cho lời nhắn gửi, trối trăng.

 


 

Cả cuộc đời Nguyễn Du là những quan sát, nghĩ suy, chiêm nghiệm không ngừng nghỉ để rồi chắt lọc, lắng đọng lại thành những trang thơ còn mãi với thời gian. Đi ngang qua hai thế kỷ, thơ Nguyễn Du là đỉnh cao của tiếng nói nhân văn, đồng hành với thăng trầm lịch sử và đời sống tinh thần dân tộc. Thơ ông mở rộng diện đề tài từ những cảm nhận về đời sống thôn quê đến nơi đô hội thị thành, từ dòng sông bến bãi thân quen trong nước tới những miền đất xa lạ trên đường đi xứ, từ một câu chuyện đói no thoáng gặp bên đường đến bài học nhục vinh ngàn năm xưa cũ, từ nỗi đơn côi cá nhân tới vui buồn mọi kiếp chúng sinh, từ nỗi hoài niệm một thuở ấu thơ tới ngày mái tóc pha sương, từ đêm tàn lẻ bóng mà mơ hồ nghĩ đến một mai xuôi về bến bãi hư vô, tự gián cách đặt mình vào cõi hư mà soi nhìn lại kiếp sống con người... Trên hết cả, phải có một tâm hồn nghệ sĩ lớn, một năng lực sáng tạo phi thường và "con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời" thì Nguyễn Du mới có được kiệt tácTruyện Kiều và những vần thơ chữ Hán chất nặng suy tư.

 

TÍNH CHO ĐẾN NAY CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU ĐÃ SƯU TẦM, BIÊN SOẠN, PHIÊN ÂM, DỊCH CHÚ ĐẦY ĐỦ CẢ BA TẬP THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU. TRÊN THỰC TẾ, MỖI TẬP THƠ ĐƯỢC VIẾT TRONG MỘT KHOẢNG THỜI GIAN NHẤT ĐỊNH VÀ NỘI DUNG THEO SÁT TỪNG CHẶNG ĐƯỜNG ĐỜI TÁC GIẢ.

 

Trong giai đoạn đầu sáng tác kéo dài đến những năm ra làm quan với nhà Nguyễn ở Bắc Hà, Nguyễn Du có Thanh Hiên thi tập. Tập thơ bộc lộ nỗi niềm Nguyễn Du trong những tháng năm sống long đong, mất phương hướng, mất lòng tin, thậm chí cả tâm trạng hoang mang, vô vọng với rất nhiều những xót xa về thân phận "chân trời góc bể ", "đi khắp chân trời lại đến góc biển", "mối sầu man mác", "một nhánh cỏ bồng đứt gốc trước gió tây", "người đã đến bước đường cùng"... Sống giữa thời buổi loạn ly, Nguyễn Du cảm nhận về cuộc đời thường nhật, về nỗi cửa nhà tan tác, ý thức về sự vô vị vô nghĩa của đời mình trước thời gian đang qua mau và nỗi đơn côi:

 

Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán,

Bạch đầu đa hận tuế thời thiên.

Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến,

Hải giác thiên nhai tam thập niên.

(Quỳnh Hải nguyên tiêu)

 

(Ở Hồng Lĩnh không có nhà, anh em tan tác,

Đầu bạc thường bực vì ngày tháng trôi mau.

Cảm động thay, lúc cùng đường, vẫn được trăng từ xa đến thăm,

Trong ba mươi năm nay, dù ở nơi chân trời góc biển)

(Đêm rằm tháng giêng ở Quỳnh Hải)

 

Nhiều khi khác là tâm trạng vô vọng, muốn thoát ra khỏi cuộc đời phiền toái, tìm đến nơi non xanh thanh tĩnh, mong làm bạn với cỏ cây, tan hoà cùng cỏ cây mây nước:

 

Hà năng lạc phát qui lâm khứ,

Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân.

(Tự thán - Kỳ nhị)

(Ước gì có thể gọt tóc vào rừng,

Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây)

(Than thân - Bài II)

- Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại,

Trường tùng thụ hạ tối nghi nhân.

(Sơn thôn)

(Ước gì thoát được vòng trần tục,

Ngồi dưới gốc tùng già thú biết bao nhiêu)

(Xóm núi)

 

Dường như với tư chất thi sĩ kiểu Nguyễn Du đã sớm định hình một cách cảm nhận về cuộc đời, sớm ý thức về số phận và sự tồn tại của mỗi thân phận con người trong cõi đời mong manh, chập chờn bất định. Nỗi đau đời, thương đời tiếp tục theo đuổi ông trong những ngày ra làm quan và thể hiện bàng bạc trong cả tập thơ Nam trung tạp ngâm. Được làm quan với thường nhân ai kia là cả một niềm khắc khoải, một dịp vinh thân và cơ may tiến thân. Riêng với Nguyễn Du, ông ngại ngần và cảm nhận nhiều hơn ở phía mặt trái, những hệ luỵ, ràng buộc, mất tự do: "Triều đình có đạo khiến anh phải tròn đạo hiếu", "Không luỵ nên chưa chuốc lấy sự trách móc của quỉ - Bất tài nên hay sợ rước lấy sai lầm trong việc quan", "Khá thương mình đầu bạc vẫn phải chịu để người sai khiến - Không cùng với núi xanh giữ được thủy chung"...; những sự giả dối, tranh chấp, bon chen, đố kỵ chốn quan trường: "Không bệnh mà lưng lom khom", "Phương xa một mình gửi cái thân làm quan - Khi gặp việc bọn đầy tớ, lính hầu đều lên mặt với ta"..., hay sự vọng tưởng về chốn thanh tao, biết rằng mình lỗi hẹn với cỏ cây hoa lá: "Ta cũng muốn từ đây treo mũ áo từ quan mà ra đi", "Rất thẹn cùng trúc đá vì lỗi phụ lời thề", "Trăng núi gió sông dường như có ý đợi chờ", "Hồn ơi, về đi thương cố hương", "Trong giấc mộng tàn canh vẫn mơ về quê hương", "Thẹn mình đã phụ làn mây núi Hồng", "Cúc vàng năm ngoái năm nay lại nở - Vì ta hãy tạ từ với cây tùng tảng đá ở Hồng Sơn"... Hơn nữa, Nguyễn Du làm quan nhưng chẳng giầu có gì nên luôn chạnh lòng thương nhớ những đứa con chịu cảnh đói nghèo nơi quê xa:

 

Cố hương cung hạn cửu phương nông,

Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng.

Thí tự thuần lô tối quan thiết,

Hoài qui nguyên bất đãi thu phong.

(Ngẫu hứng - Kỳ tứ)

(Nơi quê hương nắng hạn lâu ngày, làm hại việc nông,

Nhà mười miệng trẻ đói xanh như rau.

Nếu quả thiết tha nhớ rau thuần cá vược,

Thì chẳng cần đợi gió thu mới muốn về)

(Ngẫu hứng - Bài IV)

 

Nguyễn Du nhấn mạnh sự đối lập giữa hôm nay và hôm qua, giữa việc làm quan và cuộc sống tự tại, giữa sự bó buộc và tháng ngày lãng du:

 

Thử thân dĩ tác phàn lung vật,

Hà xứ trùng tầm hãn mạn du?

(Tân thu ngẫu hứng)

(Thân này đã là vật trong lồng rồi,

Còn tìm đâu được cuộc đời phóng khoáng tự do nữa?)

(Đầu mùa thu ngẫu hứng)

 

Đặc biệt khi viết về chiến tranh, ông mừng vui khi đất nước thu về một mối, gián cách ngay cả với những ta - địch, chính - phản, thắng - thua mà đề cao đức hiếu sinh, vẻ đẹp hồn toàn của tạo hoá và cuộc sống thanh bình:

 

Nam Bắc xa thư khánh đại đồng,

Pháo đài hư thiết thổ thành đông.

Sơn băng thạch liệt thành do tráng,

Hán đoạt Tần tranh sự dĩ không.

Tạc giả đại khuy sinh vật đức,

Nhĩ lai bất quí sát nhân công.

Thanh bình thời tiết vô tranh chiến,

Ngưu độc ưu sừ chính trọng nông.

(Pháo đài)

 

(Nam bắc, xe và chữ viết, mừng đã giống nhau,

Pháo đài bỏ không ở phía đông thành đất.

Núi lở đá tan, nhưng bức thành  còn vững,

Nhà Hán nhà Tần tranh giành nhau, chuyện đã qua.

Trước kia thương tổn rất nhiều đến đức muốn muôn vật sinh tồn,

Giờ đây không quí cái công giết người nữa.

Trong buổi thanh bình không có chiến tranh,

Trâu bò cày bừa, chính giờ là lúc coi trọng nghề nông)

 

Phải ghi nhận rằng tâm thức Nhĩ lai bất quí sát nhân công (Giờ đây không quí cái công giết người nữa) của Nguyễn Du thật vô cùng siêu việt, hiện đại, đạt đến tầm cao giá trị nhân văn muôn thuở, đạt tới tính Phật, tinh thần yêu chuộng hoà bình của bậc hiền triết, minh triết.

 

Tập thơ thứ ba Bắc hành tạp lục, bên cạnh mấy bài thơ viết về Thăng Long thì tất thảy đều viết về chuyến đi sứ Trung Quốc kéo dài qua suốt một năm trời. Tập thơ với số lượng bài lớn, đề tài phong phú, có ý nghĩa kết tinh các giá trị nội dung và nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du.

 

Sau nhiều năm trở lại Thăng Long, Nguyễn Du xúc cảm về một kinh đô dâu bể, bâng khuâng với thành quách đổi thay, xót thương từ một kiếp ca nhi, một nàng hầu và biết bao người xưa cảnh cũ đã phai bạc dần theo năm tháng. Có thể nói Nguyễn Du đã viết những vần thơ cảm khái về Thăng Long đạt đến độ tuyệt bút, biểu cảm được tấm lòng thi nhân thao thức trong một đêm trăng, trước vô hạn những buồn thương bởi sự chuyển hoá, đổi thay của con người và đất trời:

 

Tản Lĩnh, Lô Giang tuế tuế đồng,

Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.

Thiên niên cự thất thành quan đạo,

Nhất phiến tân thành một cố cung.

Tương thức mỹ nhân khan bão tử,

Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.

Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy,

Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung.

(Thăng Long - Kỳ nhất)

(Núi Tản sông Lô hằng năm vẫn thế,

Đầu bạc, còn được thấy Thăng Long.

Những ngôi nhà đồ sộ nghìn xưa, nay thành đường cái,

Một dải thành mới làm mất dấu vết cung điện cũ.

Những cô gái xinh đẹp quen biết nay đều ẵm con,

Những bạn hào hiệp lúc trẻ nay thành ông già.

Suốt đêm nghĩ ngọi thao thức không ngủ,

Văng vẳng nghe tiếng sáo trong ánh trăng sáng)

(Thăng Long - Bài I)

 

Khi khác là nỗi tủi hờn, cảm thông, tiếc nuối lúc gặp lại nàng hầu cũ của người em:

 

Hồng tụ tằng vân ca uyển chuyển,

Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly.

(Ngộ gia đệ cựu ca cơ)

(Từng nghe giọng ca uyển chuyển khi mặc áo hồng,

Nay đầu bạc gặp nhau, khóc than nỗi lưu ly)

(Gặp người hát cũ của em)

 

Trên hết cả là bài thơ dài Long thành cầm giả ca (Bài ca người gảy đàn ở Long Thành) đã khắc họa sâu sắc những đổi thay của cả một thời và cả một đời người, bày tỏ mối tương liên đồng cảm thương người và se sắt nỗi thương thân:

 

... Khúc xưa đàn lên từng tiếng mà nước mắt tôi thầm rơi,

Tai lắng nghe mà trong lòng đau xót.

Bỗng sực nhớ chuyện hai mươi năm trước,

Từng thấy cô ta trong bữa tiệc bên hồ Giám.

Thành quách đổi dời, việc người cũng khác,

Bao nơi nương dâu trở thành biển cả.

Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu vong đâu hết,

Mà còn sót lại một người trong làng ca múa.

Trăm năm thấm thoát có là bao,

Cảm thương việc cũ, nước mắt thấm áo.

Tôi từ Nam hà trở lại, đầu bạc trắng hết,

Không trách nhan sắc người đẹp suy tàn.

Hai mắt trừng trừng luống tưởng chuyện trước,

Thương thay gặp mặt mà không nhận ra nhau!

 

Còn lại những bài thơ Nguyễn Du viết trên đường đi sứ được chia thành hai loại: phản ánh đời sống hiện tại, những điều tai nghe mắt thấy và loại đề vịnh lịch sử. Trong tư cách một vị Chánh sứ, Nguyễn Du cũng như bao người đi sứ khác thường nói đến nỗi nhớ nhà, tình cảnh nơi đất khách quê người, những cảnh trí lạ lùng mà lần đầu mình được gặp, được biết, thưởng ngoạn. Song điều khác biệt là ông thường nhạy cảm quan sát, phản ánh cuộc sống những người dân lao động bình thường như ông cháu người hát rong ở Thái Bình, người kéo xe ở Hồ Nam, thôn xóm bên trạm Tây Hà, thảm trạng những người đói rét và việc binh đao làm nghẽa đường, hình ảnh người mẹ với ba đứa con đói khổ đối lập với bữa tiệc phung phí của đám quan lại và một ý nghĩ bất chợt nảy sinh trong nhà thơ:

 

Thùy nhân tả thử đồ,

Trì dĩ phụng quân vương.

(Sở kiến hành)

(Ai vẽ bức tranh này,

Dâng lên nhà vua rõ)

(Những điều trông thấy)

 

Trong mảng thơ đề vịnh lịch sử, Nguyễn Du thường bày tỏ rõ tinh thần dân tộc và thái độ phản đối, mỉa mai viên tướng Mã Viện đời nhà Hán: "Cột đồng trụ chỉ có thể lừa đàn bà đất Việt -  Xe ngọc châu rốt cuộc làm luỵ con cái trong nhà - Họ tên chỉ đáng được ghi ở gác Vân Đài - Sao còn ngoảnh mặt về nước Nam sách nhiễu việc cúng tế?" (Miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành). Nhìn chung Nguyễn Du am tường nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử Trung Quốc, đặc biệt những nơi còn để lại dấu tích mà ông gặp trên đường. Ông hết lời ca ngợi những danh nhân văn hoá, các bậc trung thần nghĩa sĩ như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Văn Thiên Tường, Hàn Tín và cũng phê phán, khinh bỉ những kẻ xâm lược, gian hùng như Mã Viện, Minh Thành Tổ, Tô Tần, Tần Cối... Trên hết cả, ông không chỉ nêu bài học giáo huấn, tấm gương đạo lý mà nhấn mạnh hơn về những khía cạnh nhân văn, những nỗi niềm thế sự, những buồn vui, còn mất trong một đời người và cũng là chung cho mọi kiếp chúng sinh. Chính vì thế mà ông phê phán quyết liệt hiện thực ngang trái và đồng cảm với Khuất Nguyên, khuyên hồn ông đừng trở về cõi dương gian:

 

Tảo liễm tinh thần phản thái cực,

Thận vật tái phản linh nhân xi.

Hậu thế nhân nhân giai Thượng quan,

Đại địa xứ xứ giai Mịch La.

Ngư long bất thực, sài hổ thực,

Hồn hề! Hồn hề! Nại hồn hà?

(Phản "Chiêu hồn")

(Hãy sớm thu tinh thần về với thái hư,

Đừng trở lại đây mà người ta mỉa mai.

Đời sau ai ai cũng đều là Thượng quan,

Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La.

Cá rồng không ăn, hùm sói cũng ăn,

Hồn ơi! Hồn ơi! Hồn làm thế nào?)

(Chống lại "Chiêu hồn")

 

Nguyễn Du triệt để khai thác, liên tưởng, nhấn mạnh và đi đến nâng cấp, đúc kết những khía cạnh có tính muôn thuở của con người. Ông luôn đặt mỗi sự kiện, hiện tượng và nhân cách trong tương quan với bản chất sự sống, với cái vô cùng vô tận của thời gian và không gian. Chính vì thế mà ông luôn trở đi trở lại các môtip nấm mồ, đứng trước mồ, bóng chiều, bóng đêm, gió tây, trời tây; luôn ngoái nhìn lại quá khứ với những tuổi xuân, tuổi trẻ, cảnh xưa người cũ đã một đi không trở lại; luôn luôn đặt mình vào một "ngày mai", khi mình đã nhắm mắt xuôi tay, đã đi qua cõi đời, đã cập bến hư vô mà gián cách chiêm nghiệm lại những tháng năm quá khứ. Qua các hình tượng nhân vật lịch sử, một mặt ông bày tỏ rõ thái độ trước những thiện - ác, đúng - sai nhưng cũng đi tới chiết trung, tâm trạng hư vô chủ nghĩa, coi mọi sự sang giàu, chức quyền, buồn vui cũng chỉ là hư ảo:

 

Tôn sách, Lưu phân hà xứ tại?

Thương nhiên nhất vọng tẫn bình vu.

(Sở vọng)

(Đâu là chỗ xưa kia Tôn Quyền, Lưu Bị tranh giành nhau?

Trông chỉ thấy cỏ cây một màu xanh biếc)

(Trông vời đất Sở)

Bá vương trần tích thuộc du du,

Hán thủy thao thao trú dạ lưu.

(Hán Dương vãn diểu)

(Dấu cũ bá vương đã thuộc về dĩ vãng xa xôi,

Dòng sông Hán vẫn cuồn cuộn chảy đêm ngày)

(Ngắm cảnh chiều ở đất Hán Dương)

Du du sự hậu nhị thiên tải,

Đãng đãng thành biên nhất phiến sa.

(Hàn Tín giảng binh xứ)

(Chuyện xảy ra, dằng dặc đã hai nghìn năm,

Nay chỉ thấy bên thành mênh mông một bãi cát bồi)

(Chỗ Hàn Tín luyện binh)

Nhân sinh quyền lợi thành vô vị,

Kim cổ thùy năng phá thử mê.

(Tô Tần đình - Kỳ nhất)

(Cho hay đời người uy quyền danh lợi thực là vô vị,

Mà xưa nay ai phá được giấc mê  ấy)

(Đình Tô Tần - Bài I)

 

Trước đây Nguyễn Du khóc thương nàng Tiểu Thanh mà chạnh lòng xót xa cho thân phận mình một mai  về cõi hư vô: Bất tri tam bách dư niên hậu - Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa - Người đời ai khóc Tố Như chăng?) thì bây giờ ông cảm thương mọi kiếp con người:

 

Sơn hạ kiều tùng, tùng hạ phần,

Luy luy đô thị cổ thời nhân.

Tự do tự tại bất tri tử,

Hoa lạc hoa khai vô hạn xuân.

Phục lạp tử tôn không loại tửu,

Thế gian phú quí đẳng phù vân.

Bách niên đáo để giai như thị,

Hồi thủ mang mang nhất phiến trần.

(Đồ trung ngẫu hứng)

(Chân núi có thông cao, dưới thông là mồ mả,

Ngổn ngang gò đống đều là người đời xưa.

Tự do, tự tại không biết là đã chết,

Hoa rụng, hoa nở, mùa xuân dài vô hạn.

Đến ngày tế lễ, con cháu tưới uổng rượu xuống đất,

Giàu sang trên đời chỉ là mây nổi.

Trăm năm rốt cuộc đều như thế cả,

Ngoảnh đầu nhìn lại chỉ thấy đám bụi mịt mù)

(Dọc đường cảm hứng)

 

Bên cạnh kiệt tác Truyện Kiều cùng các tác phẩm thời trai trẻ (Thác lời trai phường nón, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu) và thi phẩm Văn tế thập loại chúng sinh (còn gọi Văn chiêu hồn), có thể nói bộ phận thơ chữ Hán giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du. Ba tập thơ cho thấy những chặng đường sáng tác phù hợp với các chặng đường đời và tư tưởng tác giả. Xuyên suốt nội dung thơ chữ Hán là tiếng nói trữ tình, tiếng nói nhân văn giữa một thời tao loạn, tiếng nói khắc khoải tìm về ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người.