nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Theo dấu xưa, chuyện cũ: Nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du


Tác giả Truyện Kiều từng làm quan triều Nguyễn, giữ chức Hữu tham tri bộ Lễ, rồi qua đời vì căn bệnh dịch tả. Thi hài của ông được táng tại cánh đồng Bàu Đá, hậu thôn làng Kim Long (Huế), sau đó được cải táng đưa về quê Hà Tĩnh.
 
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu chỉ những viên đá dấu tích nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du
 
Từ đường Lý Nam Đế (P.Kim Long, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), rẽ vào con đường bê tông nơi có nhà thờ của dòng họ Mai Bá ở Kim Long chừng 300 m là đến cánh đồng Bàu Đá, hậu thôn làng Kim Long.
 
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên-Huế, người đã nhiều năm tìm kiếm nơi nguyên táng Nguyễn Du, dẫn chúng tôi ra gò đất, vạch đám cỏ cây um tùm để lộ ra những viên đá mà ông cho biết là dấu tích của mộ nhà thơ. Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Là đại thi hào của dân tộc, nhưng cuộc đời của Nguyễn Du cũng lắm truân chuyên. Ghế quan cuối cùng của cụ là Hữu tham tri bộ Lễ, tương đương với thứ trưởng bây giờ, nhưng cụ chỉ sống và viết ở xóm dệt vải làng Vạn Xuân (thuộc P.Kim Long) bên dòng Bạch Yến – một nhánh thơ mộng của sông Hương và làm quan ở kinh đô Huế. Rồi cụ qua đời vì bệnh tật, nên cũng được người thân vội vã chôn cất sơ sài”.
 
Theo ông Thu, họ Mai Bá vào định cư ở vùng đất Kim Long từ thời vua Lê Hy Tông (1663 – 1716), đến đời thứ 6 thì đổi thành Mai Khắc (bắt đầu từ cụ Mai Khắc Đôn, thầy dạy và là nhạc phụ của vua Duy Tân). Dòng họ Mai Bá – Mai Khắc ở Kim Long nhiều đời là gia đình quyền thế. Ông Thu cho rằng vì lời dặn của tổ tiên phải giữ gìn gò đất nơi nguyên táng Nguyễn Du mà gò đất này may mắn vẫn còn nguyên sau bao biến thiên của lịch sử.
 
Anh Mai Khắc Chính, chắt nội của cụ Mai Khắc Đôn, xác nhận: “Theo lời dặn của nội tổ, con cháu họ Mai và bà con ở hậu thôn vẫn truyền nhau bảo vệ chỗ nguyên táng cụ Du Đức hầu (tước của Nguyễn Du), không cho ai được chôn cất vào đó hay phá đi để cấy trồng. Thú thật, cũng chẳng ai dám xâm phạm. Gần hai trăm năm qua, mảnh đất vẫn còn đó. Mảnh đất hiện do UBND P.Kim Long quản lý”.
 
Chính sử triều Nguyễn cho biết, ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (nhằm ngày 3.2.1820), vua Gia Long mất, tháng 4 năm ấy Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang. Công việc đang chuẩn bị, chưa kịp lên đường thì ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16.9.1820), Nguyễn Du ốm nặng rồi mất vì căn bệnh dịch tả hiểm nghèo, thọ 55 tuổi. Gia đình, thân hữu đưa thi hài cụ đến an táng ở cánh đồng Bàu Đá (Thạch Bàu), thuộc hậu thôn làng Kim Long, tổng Kim Long, H.Hương Trà.
 
Sách Đại Nam thực lục chính biên có đề cập đến cái chết của Nguyễn Du: “Canh Thìn, năm Minh Mạng thứ 1 (1820), mùa thu… Vua dụ bầy tôi rằng: “Gần đây lệ khí lan tràn từ Gia Định trở ra đến Quảng Bình, nhiều người ốm chết, trẫm nghe thấy rất lấy làm thương… Hữu tham tri bộ Lễ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An học rộng, giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì… Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa kịp đi thì chết. Vua (Minh Mạng) thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống. Khi đưa tang về lại cho thêm 300 quan tiền”.
 
Ghi chép trong gia phả họ Nguyễn Tiên Điền cho hay, năm 1824, con trai (của Nguyễn Du) là Nguyễn Ngũ và cháu là Nguyễn Thắng đã vào kinh đô Huế làm đơn xin cải táng mộ thân phụ từ cánh đồng Bàu Đá dời về quê ở Tiên Điền, Hà Tĩnh (trước năm 1831 thuộc trấn Nghệ An). Dù vậy nơi nguyên táng đại thi hào vẫn được người dân Hậu Thôn bảo vệ cẩn thận.
 
15 năm gắn bó với Huế
 
Cuối năm Quý Sửu, 1793, lần đầu tiên Nguyễn Du vào kinh đô Phú Xuân thăm anh ruột là Nguyễn Nễ và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn đang làm quan dưới triều Tây Sơn, Cảnh Thịnh. Tuy vậy, Nguyễn Du đã không theo phò nhà Tây Sơn mà đến năm Nhâm Tuất (1802), khi Gia Long lên ngôi, ông mới chịu ra làm quan. Năm Ất Sửu (1805), ông được thăng Đông Các học sĩ, tước Du Đức hầu. Thời gian 15 năm làm quan và sống tại Huế (1805 – 1820), cũng là giai đoạn mà Nguyễn Du đã sáng tác Truyện Kiều cùng nhiều kiệt tác văn chương truyền lại muôn đời cho hậu thế.
 
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho biết sau khi tìm được nơi nguyên táng thi hào, ông đã đề xuất với chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế cần có một công trình tưởng niệm Nguyễn Du tại đây, vì chính đại thi hào đã từng có 15 năm gắn bó với Huế.
 
Vừa qua, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã giao cho TP.Huế nghiên cứu để đề xuất hướng bảo tồn phát huy giá trị nơi nguyên táng của đại thi hào Nguyễn Du.
 
Theo Bùi Ngọc Long/hatinh24h

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website