nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Thăng Long và Hà Tĩnh trong thơ chữ Hán Nguyễn Du


Quê hương Hà Tĩnh

 

Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du, chúng ta thấy hiện lên một bức tranh tâm trạng cực kỳ phong phú, phức tạp. Nỗi đau thất cước, nổi xót xa thân phận, niềm bi phẫn vì cuộc đời bế tắc, tấm lòng ưu thời mẫn thế, điếu cổ thương kim,..Tất cả, như một dàn hợp xướng nhiều bè cùng tấu lên trong suốt 249 bài thơ của ba tập thơ (Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục), đan xen trong mỗi bài thơ, mỗi hình tượng thơ, thậm chí trong từng câu chữ.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu bức tranh tâm trạng đó, các nhà nghiên cứu thấy nổi lên một hiện tượng rất đáng băn khoăn: Tại sao Nguyễn Du sinh ra và lớn lên trên đất Thăng Long nhưng trong ba tập thơ chữ Hán của ông có rất ít bài viết về Thăng Long? Ngược lại, đối với Hà Tĩnh quê cha, mặc dầu ông rất ít thời gian về sống ở đây, ngoại trừ sáu năm về lánh ẩn sau chặng “thập tải phong trần”, nhưng hình ảnh quê hương xuất hiện nhiều lần, hồi hoàn, luyến láy trong thơ ông?

Trong một bài viết tâm đắc gần đây để tham luận tại Hội thảo khoa học Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, do Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP HCM và Học viện Phật giáo Viện Nam tại TP HCM đồng tổ chức, GS Nguyễn Huệ Chi đã nêu lại vấn đề đó một cách cụ thể như sau: “...không hiểu sao Nguyễn Du không sinh ra ở Hà Tĩnh và cho đến tận những năm lênh đênh trôi nổi ở Quỳnh Hải, Thái Bình quê vợ, ông cũng chưa hoặc nếu có chỉ rất ít những tháng ngày sống ở Hà Tĩnh, song hình ảnh quê hương Hồng Lĩnh lại đi về thường xuyên trong thơ ông...Trái lại, dù chỉ mới rời bỏ Thăng Long, nhà thơ lại không có một lời nào dành cho nỗi nhớ Thăng Long ngoại trừ thời điểm ngắn ngủi ông tạt qua Thăng Long vào năm 1813 trong vai Chánh sứ nhà Nguyễn đi sang Trung Quốc, bấy giờ Thăng Long đã là Bắc thành. Cứ ngỡ như con người này rời bỏ cố đô là “lặn một hơi mất tăm” trong gần suốt 20 năm mà không ngó ngàng gì đến cảnh xưa người cũ. Với Thăng Long văn vật mà mình từng tắm trong nguồn dinh dưỡng tinh thần của nó, thi sĩ Tố Như vô tình đến thế sao?

Để trả lời cho câu hỏi trên, ông biện giải: “Thật ra, lần đọc kỹ thơ Nguyễn Du, mọi chuyện không hoàn toàn như nhiều người vẫn nghĩ. Lý do đầu tiên, nhìn ở mặt nổi, là phần thơ Thanh Hiên thi tập chúng ta còn giữ được ngày nay chỉ là những bài làm vào khoảng Nguyễn Du đã ba mươi tuổi, tức là vào lúc ông giã biệt Thăng Long đã được trên 11 năm rồi. Tức là những bài làm khi mới từ Thăng Long cất bước ra đi, khi mà cảm xúc hẫng hụt trước những mất mát về một nếp sống, một thói quen, một khung cảnh thân thuộc… còn tươi nguyên trong trái tim nóng hổi của nhà thơ, nếu có – mà ta tin là có – chắc chắn đã rơi rụng. Đó là chỗ không may cho người đọc khi muốn tìm hiểu tâm sự Nguyễn Du với Thăng Long. Còn như sau hơn mười một năm chia cách, thì mọi nỗi nhớ nhung tất đã lắng xuống, chìm vào bề sâu, thường tình ai mà chẳng thế...”.

Khảo cứu kỹ toàn bộ thơ chữ Hán Nguyễn Du cùng với các tư liệu liên quan, chúng tôi trộm nghĩ rằng kiến giải nói trên của GS Nguyễn Huệ Chi có lẽ chưa thật sự thuyết phục.

Trước hết, chúng tôi cũng nghĩ rằng thơ chữ Hán nói riêng, trước tác của Nguyễn Du nói chung, đến nay, chắc là mất mát, rơi rụng không ít. Có điều, dù là do tác giả hay do người đời sau thì mỗi bài thơ trong ba tập thơ đều có nguy cơ bị thất thoát như nhau. Tuy vậy, trong quá trình sáng tác và cất giữ, vì tác giả sống trong cảnh trốn tránh, trôi giạt nên Thanh Hiên thi tập có thể bị tổn thất nhiều nhất còn Nam Trung tạp ngâm  Bắc hành tạp lục, ra đời ở giai đoạn cuộc sống của ông đã ổn định, chắc rằng sẽ ít bị tổn thất hơn. Vậy, trong cả hai trường hợp có thể bị thất thoát của ba tập thơ, chẳng lẽ xác suất chỉ rơi vào những bài thơ nói về Thăng Long? Vả chăng, Thanh Hiên thi tập là tập thơ dễ bị mất mát nhiều nhất nhưng số lượng thơ viết về “nổi niềm gia hương” trong tập này, theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, vẫn còn lại đến 34 bài, chiếm tỷ lệ cao nhất so với hai tập kia. Trong khi đó, số lượng thơ viết về Thăng Long ở Thanh Hiên thi tập, cả trực tiếp và gián tiếp, chỉ có 5 bài và Thăng Long cũng chỉ được nhắc đến chứ không phải là chủ đề chính của các bài thơ này.

Về nguyên nhân thứ hai, nếu nói rằng do “...hơn mười một năm chia cách, thì mọi nỗi nhớ nhung tất đã lắng xuống, chìm vào bề sâu, thường tình ai mà chẳng thế...” khiến Nguyễn Du ít viết về Thăng Long thì cũng chưa thỏa đáng.

Theo Gia phả và các tư liệu liên quan, từ ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, Nguyễn Du sống trong tư dinh của nhà họ Nguyễn tại phường Bích Câu. Tuổi thơ của ông trải qua trong cảnh giàu sang của một gia đình đại quý tộc quyền thế nghiêng nước ở chốn kinh kỳ 800 năm lịch sử. Một số tư liệu khác còn cho biết, ông sinh ra tại nhà ông bà ngoại ở xã Hoa Thiều, huyện Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh, cách kinh thành Thăng Long độ 13 km) được 6 tuổi mới trở về phường Bích Câu (Thăng Long) sống trong phủ đệ của cha. Thời niên thiếu, anh em ông thường đi về quê ngoại và có nhiều dịp ở lại chơi dài ngày.

Ấy thế mà, ông không chỉ viết về Thăng Long rất ít mà đến người mẹ ruột và xứ Kinh Bắc quê mẹ cũng không có một dòng nào.

Theo sự suy luận thông thường, phàm là người có một quá vãng vàng son (và ai cũng đoan chắc là đầy ắp những kỷ niệm ngọt ngào) như thế thì không thể nói là không để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm não. Còn như “hơn mười năm trời chia cách” đối với thời gian của một đời người cũng không phải là dài và sự cố tan tác, ly biệt ấy xảy ra ở giai đoạn khi người ta đã trưởng thành thì dù trong quãng thời gian này, người đó có bị đày đọa, dập vùi, “bơ vơ” đến đâu cũng không thể làm “lắng xuống, chìm vào bề sâu” nổi nhớ nhung về nơi chôn nhau cắt rốn. Với một người bình thường, quá trình tâm lý hồi cố diễn ra cũng không thể khác, huống chi đối với Nguyễn Du, vốn được trời phú cho một trí tuệ siêu việt, một tâm hồn cực kỳ nhạy cảm, ông lại càng không thể dễ dàng nguôi quên những nổi niềm đối với một Thăng Long đã trở thành một phần máu thịt trong nhân cách và hồn thơ mình từ thưở bé. Nói cách khác, không những không “lắng xuống, chìm vào bề sâu” mà nổi niềm nhớ nhung xứ kinh kỳ sẽ thường xuyên khắc khoải, bồi hồi trong ông.

Từ những căn cứ trên, chúng tôi thấy: việc ông ít viết về Thăng Long ắt phải là một hệ luỵ của những nguyên do sâu xa nào khác, chứ không đơn giản như chúng ta thường nghĩ.

Trong bài viết nêu trên, vì tập trung làm rõ chủ đề "Biểu tượng đa nghĩa của Thăng Long trong thơ Nguyễn Du" nên tác giả bài báo không quan tâm đến việc lý giải một vấn đề liên quan mà chính ông đã nêu trong bài viết của mình: tại sao Nguyễn Du ít thời gian sống ở Hà Tĩnh mà lại nói nhiều về quê hương như vậy?

Theo thiển ý của chúng tôi, việc giải quyết vấn đề thứ nhất (tại sao Nguyễn Du vốn sống nhiều ở Thăng Long lại ít viết về Thăng Long?) có liên quan đến việc giải quyết vấn đề thứ hai (Tại sao Nguyễn Du vốn ít thời gian sống ở Hà Tĩnh nhưng lại viết nhiều về quê hương Hồng Lam?).

  Để tìm hiểu những vấn đề trên, trước hết, chúng tôi tiến hành làm tư liệu: thống kê số bài thơ viết về Thăng Long và số bài viết về quê hương Hồng Lam (Nguyễn Du toàn tập, tập 1, NXB Văn học-Trung tâm Quốc học, 1996). Trước hết, cố đô Thăng Long, được trực tiếp nhắc đến ở 8 bài/7 đề mục, trong đó, có 3 bài xuất hiện địa danh “Thăng Long”:

         - Ngẫu hứng (bài 5)

         - Long Thành cầm giả ca;

         - Thăng Long (nhị thủ);

         Bốn bài xuất hiện địa danh “Trường An”:

         - Sơn cư mạn hứng;

         - Ký giang bắc Huyền Hư tử;

         - Giang Đình hữu cảm;

         - Ký hữu.

         Hai bài viết về các sự việc với những địa danh cụ thể ở kinh đô:

         - Đại nhân hý bút; (bến sông Nhĩ Thuỷ)

         - Mộng đắc thái liên. (Hồ Tây)

         Ba bài phiếm chỉ Thăng Long bằng các từ quốccố quốc:

         - U cư (bài 2);

         - Độ Long Vĩ giang;

         - Hoạ Hải Ông Đoàn Nguyễn Tuấn “Giáp Dần phụng mệnh nhập Phú Xuân kinh, đăng trình lưu biệt chư hữu” chi tác.

Ngoài ra, bài Ngộ gia đệ cựu ca cơ tuy không nhắc đến một địa danh nào của Thăng Long, nhưng bối cảnh, sự kiện và con người mà nhà thơ đề cập trong bài thơ thì đích thực là Thăng Long. Lại thêm, có ý kiến cho rằng bài “Bát muộn” (Xua nỗi buồn) cũng có phần nội dung đề cập đến Thăng Long. Nếu tính cả bài này thì tất thẩy có 14 bài/249 bài, chiếm tỷ lệ 5,6%.  

Ngược lại, đối với chốn gia hương ở xứ sở núi Hồng sông Lam, mặc dù Nguyễn Du trước đó chỉ đi về thi thoảng và chỉ thực sự về sống khoảng 6 năm (1796-1802) trong giai đoạn phiêu bạt sau chặng “thập tải phong trần” (1786-1796) để tránh loạn, nhưng ông đã trực tiếp và gián tiếp nhắc đến trong rất nhiều bài thơ/cả 3 tập thơ. Bước đầu khảo sát chúng tôi thấy: số lượng bài thơ nói về nỗi niềm “gia hương” có 60 bài/249 bài, chiếm 24%. Trong đó, Thanh Hiên thi tập có 34 bài/249 bài, chiếm 13,6%; Nam Trung tạp ngâm có 19 bài/249 bài, chiếm 7,6%; Bắc hành tạp lục có 7 bài/249 bài, chiếm 2,8%.  

Nhìn vào tỷ lệ của hai bộ phận thơ, ta thấy số lượng thơ viết về “gia hương”  hơn gấp 4 lần số lượng thơ viết về “cố quốc”, viết về Thăng Long. Vậy có phải trong tâm tưởng Nguyễn Du, Thăng Long là biểu tượng của cố quốc, cố quốc ấy chính là nhà cố Lê hay không?

Một mặt, ta biết rằng về thái độ chính trị, Nguyễn Du không đến nổi cố chấp như Nguyễn Nghi (em ruột khác mẹ), Nguyễn Hành (cháu, con anh ruột khác mẹ), những người chống đối nhà Tây Sơn đã đành mà đến triều Nguyễn không phải là kẻ thù trực tiếp của nhà cố Lê, họ vẫn bất hợp tác. Xét kỹ từ hành trạng đến những gì Nguyễn Du ký thác trong văn thơ thì cái gọi là nỗi lòng hoài Lê có vẻ rất mờ nhạt. Chúng ta biết bà huyện Thanh Quan, một nữ sĩ cùng thời với Nguyễn Du, bà cũng chưa phải là bậc “nữ trung hào kiệt” để có thể phải trăn trở nhiều về đạo thần tử như các đấng trượng phu, nhưng 6 bài thơ còn lại của bà, không bài nào là không thấm đẫm nổi niềm hoài Lê, xót xa trước sự tàn phai của cảnh xưa người cũ xứ kinh kỳ nghìn năm.

Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, ở Thanh Hiên thi tập và Nam Trung tạp ngâm, từ chốn xa xôi của nơi lánh ẩn hoặc nơi ông đang làm quan với tân triều, kinh thành Thăng Long hiện ra trong tâm tưởng như một kỷ niệm xa xăm, đau buồn của sự chia cách, như là cái mốc để nhớ về một sự biến đã đẩy ông và thân quyến trôi giạt như "ngọn cỏ bồng" trong cõi vô định:                                                         Trường An khứ bất tức

        
(Từ Trường An ra đi chưa /lúc nào/ ngừng nghỉ)


Ký giang bắc Huyền Hư Tử, Nguyễn Du toàn tập, NXB

Văn học và Trung tâm Quốc học xuất bản, 1996, tập 1, tr.97

(Các trích dẫn tiếp theo về thơ chữ Hán Nguyễn Du chúng tôi đều lấy từ sách này)

         Khi đã rời xa kinh thành về ẩn cư trong một xóm núi nào đó quãng Ninh Bình, Thanh Hóa, nhà thơ ngoái nhìn lại Trường An xa xôi mà cám cảnh:

                            Nam khứ Trường An thiên lý dư,

                            Quần phong thâm xứ dã nhân cư.

                            (Phía nam cách Trường An hơn nghìn dặm,

                            Có kẻ quê mùa ở sâu trong dãy núi).

                                                        Sơn cư mạn hứng, tr.40

         Trường An là nơi xảy ra biến cố, là nơi anh em ông ly biệt nhau, khiến ông "kinh niên biệt lệ nhạn thanh sơ" (Tiếng nhạn đầu mùa khơi lại dòng lệ ly biệt đã bao năm- tr.40).

         Mãi sau này, khi sự biến đã lùi xa, ngắm ánh trăng tròn chiếu sáng trên núi Hồng, ông mới dấy lên cảm xúc bồi hồi nhớ đến Trường An:

                            Hồng Sơn sơn nguyệt nhất luân minh,

                            Thiên lý Trường An thử dạ tình

                            (Một vầng trăng tròn trên núi Hồng,

                            Ở kinh đô Trường An nghìn dặm tình đêm nay)

                                                        Ký hữu, tr.152

         Nhưng nhớ để mà quên, để yên tâm với thân phận, cảnh ngộ hiện thời. Trường An hiện lên như một sát-na giúp tác giả bừng ngộ ra một lẽ sống:

                            Hữu sinh bất đái công hầu cốt,

                            Vô tử chung tầm thỉ lộc minh.

                            Tiễn sát bắc song cao ngọa giả,

                            Bình cư vô sự đáo hư linh.

                   (Lúc sinh ra không mang cốt cách vương hầu,

                   Chưa chết thì rốt cuộc sẽ tìm lợn hươu làm bạn.

                   Thèm chết đi được như người nằm khểnh bên song cửa sổ phía bắc,

                   Thường ngày không có việc gì bận đến tâm tình trong sáng)

                                                        Ký hữu, tr.152

         Bài này, có thể Nguyễn Du sáng tác khi ra Bắc làm Tri huyện Phù Dung (Hưng Yên), khoảng năm 1802. Lúc bấy giờ chí hướng công danh đã nguội lạnh, ông mong được như Đào Tiềm, nằm khểnh ở cửa số phía bắc để hưởng nhàn.

         Trường An trong tâm khảm của nhà thơ chỉ như là chứng nhân cho biến cố, cho một sự thay đổi; hơn thế, đó còn là sự thay đổi tự bên trong tâm hồn thi nhân. Khi trở về quê, đứng ngắm bến Giang Đình, nơi mấy mươi năm trước thân phụ ông về quê nghỉ hưu được quan viên, dân chúng địa phương đón rước linh đình, ông cảm khái:

                            Nhất tự y thường vô mịch xứ,

                            Lưỡng đê yên thảo bất thăng bi.

                            Bách niên đa thiểu thương tâm sự,

                            Cận nhật Trường An đại dĩ phi

                   (Từ khi xiêm áo không còn tìm đâu thấy,

                    Khói trên ngọn cỏ hai bờ sông khiến lòng khôn xiết bi thương

                   Trăm năm của cuộc đời biết bao việc thương tâm,

                   Ngày gần đây Trường An đã khác xưa nhiều)

                                               Giang Đình hữu cảm, tr. 80-81

Tuy có le lói một nổi buồn về sự đổi thay của Trường An, nhưng so với "bách niên đa thiểu thương tâm sự" của nhân gian, ông nghĩ, cũng chẳng đáng kể gì.

Đáng lưu ý là trong những bài đề cập đến cố đô ở tập Thanh Hiên thi, ông đều dùng danh xưng "Trường An". Trường An, hay Tràng An là kinh đô của hơn mười triều đại Trung Quốc (nay là Tây An, thủ phủ tỉnh Tây Thiểm). Trường An (長安) (bình yên lâu dài), trong cách nói của người đương thời được dùng để trỏ kinh đô Thăng Long, với mong muốn người Việt cũng có một đế chế phong kiến với một kinh đô hoa lệ, hoành tráng như Trung Hoa.

Nhưng cố đô ấy vừa mới trải qua một cuộc biến gió tanh mưa máu mà nhà thơ đã bóng gió nói đến trong bài "Bát muộn" (Xua nổi buồn, NDTT, t1, tr.65). Từ sự cố ấy, Nguyễn Du bước chân ra đi phiêu dạt và ông nhận thấy một thực tại lịch sử hư vô đầy chua chát, thất vọng khi sang lánh ẩn ở quân doanh Vị Hoàng:

                            Cổ kim vị kiến thiên niên quốc,

                            Hình thế không lưu bách chiến thanh

                            (Xưa nay chưa thấy triều đại nào dài được ngàn năm,

                            Hình thế đất này chỉ để lại cái danh trăm trận đánh)

                                                        Vị Hoàng doanh, tr.36

Như thế, Tràng An, biểu tượng kinh đô của "thiên niên quốc", giờ đây được nhắc đến trong thơ Nguyễn Du như là một chung cục tất yếu, một quá khứ đau buồn. Một Tràng An kể từ "ngộ biến đến giờ, ong qua bướm lại đã thừa xấu xa" (Đoạn trường tân thanh). Trong các bài U cư (bài 2), Độ Long Vĩ giang, ông không gọi đất Bắc của triều Lê-Trịnh là Trường An nữa mà gọi là "quốc", "cố quốc" (nước cũ), "Thập tải phong trần khứ quốc xa" (Trải mười năm gió bụi, bỏ nước đi xa-U cư, bài 2) hoặc "Cố quốc hồi đầu lệ" (Ngoảnh lại nhìn nước cũ, nước mắt tuôn rơi - Độ Long Vĩ giang).

Đặc biệt, ở bài Độ Long Vĩ giang, nhà thơ ghi lại cảnh giã biệt bạn bè, thân quyến để vượt  sông Lam lên đường tha hương với nổi niềm bùi ngùi, sầu tủi. Bài thơ có câu "Tài quá Long Vĩ thủy, Tiện thị dị hương nhân" (Vừa qua sông Long Vĩ, đã thành người tha hương) làm người đọc nhớ đến bài thơ Độ Tang Càn của nhà thơ/nhà sư Giả Đảo (đời Đường):

                                      Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương,

                                      Quy tâm nhất dạ ức Hàm Dương.

                                      Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy,

                                      Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.

                                      (Làm khách Tinh Châu đã chục sương,

                                      Đêm đêm da diết nhớ Hàm Dương.

                                      Bổng dưng lại vượt Tang Càn thủy,

                                      Ngoảnh lại Tinh Châu đà cố hương)

Giả Đảo “vô đoan cánh độ”, bổng dưng lại phải vượt sông Tang Càn, vượt sông trong tình thế bất ngờ (chạy loạn) và chợt nhận ra mảnh đất lạ Tinh Châu mà mình làm khách mười năm bổng chốc trở thành quê cũ. Nguyễn Du vượt sông Lam trong tình thế chủ động, vượt để tiếp tục cái hành trình “Trường An khứ bất tức”, lưu liên trong cõi “tây phong nhất lộ trần” (gió tây thổi bụi suốt đường đi). Vừa qua sông, ngoảnh lại, ông bổng thấy mình trở thành người quê khác, trở thành một tha nhân. Có thể nói, Giả Đảo vượt sông là để trở lại với chính mình, Nguyễn Du vượt sông là để vượt lên chính mình, chấp nhận làm một người khác. Dù rất đau đớn, nhưng ông đành phải rứt bỏ một quá khứ đau buồn, chứa đầy mặc cảm ở chốn kinh kỳ, cố quốc của nhà cố Lê. Chúng ta hãy để ý đến hàng loạt vần trắc móc hai dòng thơ “Tài quá Long Vĩ thuỷ, tiện thị dị hương nhân” lại với nhau bằng cách phối hưởng các âm trắc nhập rất trầm để vừa tạo nên cảm giác về sự nén lại những tiếng nấc trong lòng vừa gợi cảm giác về hình thế võng sâu của lòng sông trong tâm trạng người vượt sông.

Mặt khác, đúc nên một thi sĩ Tố Như đa sầu, đa cảm sau này chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của những ấn tượng mà ông có được trong những năm tháng sống cùng gia đình ở Thăng Long. Từ thuở ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành, ông gắn bó với kinh đô, với quê mẹ, rồi sống với gia đình ông anh Nguyễn Khản khi bố mẹ đã qua đời những 5, 6 năm. Nhưng, như đã đề cập ở trên, trong số thơ hiện còn không có lấy một bài về quê mẹ, về người anh trai khác mẹ đã cưu mang anh em ông và rất ít bài viết về Thăng Long, nơi chôn rau cắt rốn. Người thường dẫu gặp lúc sung sướng, hãnh tiến cũng ít ai quên được những kỷ niệm tuổi thơ; huống hồ, một tâm hồn thi sĩ như Nguyễn Du, thì những ấn tượng về Thăng Long, về quê ngoại sẽ sâu sắc đến nhường nào?

Tuy sức tàn phá của thời gian là rất lớn nhưng với hơn một thập kỷ trong một đời người, thì đâu đã đủ để “mọi nổi nhớ nhung đã lắng xuống, đã chìm vào bề sâu”. Đó là chưa nói đến tình cảnh trong 11 năm ấy và nhiều năm tiếp theo, Nguyễn Du sống trong gieo neo, nghèo khổ, khốn đốn, cùng cực thì theo lý tự nhiên, quá khứ vàng son của triều đại cũ, cảnh sống cao sang, hào hoa của một gia đình đại quý tộc ở chốn kinh kỳ gắn với những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ phải sống dậy với những cảm xúc nồng nàn, da diết hơn bao giờ hết. Bấy giờ, tâm lý hồi cố sẽ trổi dậy như là sự tự vệ, sự tự hồi phục những thương tổn  mà cảnh ngộ trước mắt đã gây ra cho nhân vật trữ tình.

         Vậy, thực chất vì lẽ gì mà Nguyễn Du lại gần như thơ ơ, hờ hững với những địa chỉ tình cảm nói trên?

         Quả là khó tìm được câu trả lời cho thoả đáng. Theo thiển ý của chúng tôi, có thể vấn đề nằm ở chổ xuất thân của bà mẹ và thân phận con vợ lẽ, nàng hầu của anh em nhà thơ. Theo Gia phả, bà chính thất của Nguyễn Nghiễm là Đặng Thị Dương, người làng Uy Viễn (Nghi Xuân) con gái của Tri phủ Đặng Vinh, có tiếng là người hiền thục, quản việc nhà rất nghiêm. Tuy nhiên, trong một gia đình có đến 8 bà vợ và 21 đứa con, dẫu là một đại quý tộc, thì cũng khó tránh khỏi sự phân biệt đối xử giữa các thành viên con bà lớn/bà bé, con bà xuất thân cao sang với con bà xuất thân hèn mọn. Bà Trần Thị Tần vốn là con một người thừa lại làm chức câu kế (kế toán) và bản thân bà cũng chỉ là một ca kỹ. Rồi gặp phải cảnh ngộ mồ côi cha mẹ sớm, anh em ông phải nương tựa người anh khác mẹ hơn mình đến 31 tuổi là Toản Quận công Nguyễn Khản. Ông Khản tuy là một người con có hiếu và có lẽ cũng rất thương em, nhưng vì khoảng cách tâm lý của sự chênh lệch tuổi tác quá lớn, do đó, cũng khó mà gần gũi nhau; mặt khác, ông suốt ngày lo hầu chúa Trịnh, sau đó lại gặp cơn binh biến, phải căng thẳng lo đối phó với thời cuộc nên càng khó có thời gian để tâm đến những người em côi cút của mình. Chắc rằng, ngoài ăn ngon mặc đẹp ra, anh em Nguyễn Du phải sống thui thủi nhiều tháng ngày trong phủ đệ ông anh như con hầu kẻ ở. Có thể, đã có những chuyện đau lòng xảy ra trong sinh hoạt gia đình và gây thương tổn không nhỏ trong cõi lòng sâu kín cậu chiêu Bảy. Vì vậy, mới có việc đối với một người anh hào hoa, phong nhã, thuộc “nòi tình” chính hiệu như Nguyễn Khản (người đương thời gọi ông là “phong lưu đại thần”) mà Nguyễn Du gần như không có lời nào nhắc đến trong thơ. Trong Thanh Hiên thi tập, có bài “Đại nhân hý bút” (Thay người viết đùa), dường như là một hồi ức về cảnh sống xa hoa của hạng quý tộc như ông Khản, nhưng lại viết với lời lẽ mỉa mai, phê phán:

Thác lạc gia nhân Nhĩ Thuỷ tân,

Cư nhiên biệt chiếm nhất thành tân.

Đông Tây kiều các kiêm thiên khởi,

Hồ Hán y quan đặc địa phân.

Mục túc thu kiêu kim lặc mã,

Bồ đào xuân tuý ngọc lâu nhân.

Niên niên tự đắc phồn hoa thắng,

Bất quản nam minh kỷ độ trần.

(Nhà ai nhấp nhố ven sông nhị,

Biệt chiếm màu xuân cả một thành.

Hồ Hán, xiêm ý đua sắc lạ,

Đông Tây, cầu gác ngất trời xanh.

Dàm vàng, ngựa béo khoe rau tốt,

Rượu quý, lầu son khướt chén quỳnh.

Lạc thú phồn hoa vui mải miết,

Biển nam nào quản bụi mù tanh.)

               Tr.69

Có thể, sau khi đã trưởng thành và phiêu bạt giang hồ, suy sâu nghĩ kỹ về những nguyên do của các cuộc biến loạn đương thời, Nguyễn Du đã phần nào hiểu ra rằng sự ăn chơi xa hoa, sự vô trách nhiệm của những quý tộc như Nguyễn Khản là cái mầm hoạ của quốc gia, của trăm họ. Rõ ràng, qua những lời lẽ chua chát đó, chúng ta thấy những mặc cảm của Nguyễn Du về một tuổi thơ buồn.

Không nhắc đến ông anh Nguyễn Khản đã đành, nhưng với người mẹ kính yêu và cả xứ Kinh Bắc thanh bình, nên thơ quê mẹ cũng không thấy bóng dáng trong thơ ông. Trong thơ, ông chỉ nói đến cha (Giang Đình hữu cảm), vợ (Ký mộng) và nhiều lần nhắc đến anh em ruột cùng con cái mình. Điều này có phải một phần do xuất của mẹ ông chăng?

Trong lịch sử văn học Việt Nam thời cận, hiện đại đã có một lệ chứng điển hình như thế. Đó là trường hợp Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cư xử rất nhẫn tâm với mẹ đẻ mình. Theo Vũ Bằng, trong bài báo “Người ghét Tản Đà  kể lại nguyên do tại sao Ngô Tất Tố lại ghét Tản Đà, trong đó có nguyên do khiến ông Ngô ghét nhất là việc Tản Đà căm giận mẹ. Mẹ Tản Đà vốn là một ca kỹ nổi tiếng ở xóm bình khang được thân phụ ông cưới về làm vợ lẻ, sau khi chồng mất bà đã dắt một người em gái ruột của nhà thơ trở về sống với nghề “xướng ca vô loài”. Vì mặc cảm với bạn bè, vì sự ràng buộc của luân lý nho giáo và thể diện gia phong mà ông đã đối xử với mẹ tàn nhẫn đến mức suốt đời không nhìn mặt, kể cả khi bà nhắm mắt xuôi tay. Tản Đà là nhà nho cuối mùa, gia thế, gia phong cũng thường thường bậc trung lại đang ngày một thêm sa sút, bản thân nhà thơ ít nhiều đã bị Âu hoá, thị dân hoá về lối sống mà còn xử sự như vậy huống là Nguyễn Du, vốn xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc, sống trong môi trường xã hội còn đậm chất phong kiến. Dẫu rằng cả hai nhà thơ, một đại thi hào và một thi bá, vốn giàu lòng thương xót những kiếp tài hoa bạc mệnh nhưng do lòng tự ái, tự tôn bị thương tổn nên cũng khó tránh khỏi cực đoan trong tư tưởng và hành xử.

Lại thêm, sau “Vụ mật án Canh Tý” (1780) , anh em ông đã từng phải về quê ngoại đi làm thuê kiếm sống, trong khi tại đây, Nguyễn Nghiễm có hẳn một thái ấp dành cho mẹ con ông (xem tư liệu đã dẫn ở chú thích 3). Phải chăng, sau khi cha mẹ mất, Nguyễn Khản, Nguyễn Điều lại vướng vào cuộc biến nên tư cơ này bị tranh đoạt, khiến anh em nhà thơ phải lâm vào cảnh ăn nhờ ở đậu đàng ngoại và do đó mà bị khinh rẻ, xúc phạm?  Là những công tử, tiểu thư của một gia đình quan lại cao sang, quý hiển nhất nước, bổng nhiên rơi xuống vực thẳm, bên ngoại lại là một gia đình hèn mọn thì việc bị thiên hạ coi thường, xúc phạm rất dễ xảy ra, ngay cả trong nội bộ gia đình đàng ngoại.

Bên cạnh trường hợp Tản Đà, từ một hoàn cảnh gia đình có phần khác,  trường hợp Xuân Diệu cũng là một lệ chứng rất giá trị giúp ta hiểu sâu thêm trường hợp Nguyễn Du. Xuân Diệu là con vợ bé của ông tú kép Ngô Xuân Thụ. Ông sinh ra và lớn lên ở quê mẹ, Vạn Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Đinh. Sau đó, bà vợ cả ở quê đã đánh đường tìm vào Bình Định để giành lại chồng. Thế là anh em Xuân Diệu phải rời mẹ và bà ngoại về sống cùng bố và  bà cả. Theo sự mô tả của nhà văn Tịnh Hà (tên thật là Ngô Xuân Sanh, em ruột cùng mẹ với Xuân Diệu) trong tự truyện “Đi hoang” (NXB Văn học, Hà Nội, 1989) thì bà vợ cả đã đối xử với mẹ con ông cực kỳ cay nghiệt. Chắc vì thế mà trong toàn bộ sáng tác đồ sộ (15 tập thơ) đã được công bố của Xuân Diệu (Xuân Diệu toàn tập, NXB Văn học, 2001), không có lấy một bài  viết hẳn về quê cha, ngoại trừ bài “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong”, có đề cập đến nhưng với giọng điệu thương cảm xen lẫn chua chát chứ không ngọt ngào, nồng hậu như khi nói về quê mẹ.

Đối với Nguyễn Du cũng vậy, có thể ông giận người này, hờn người kia hoặc chán ghét thói đời bạc bẽo, tráo trở đến mức trắng trợn mà ông gặp phải trong những năm tháng sa cơ thất thế. Nhưng không nhắc đến mẹ, đến quê ngoại, ít nhắc đến Thăng Long không phải là từ trong sâu thẳm cõi lòng, ông không yêu người thân, yêu con người và cảnh sắc, cuộc sống những xứ này mà vì ở đó, ông có quá nhiều kỷ niệm đau buồn, nói đến lại càng thêm khổ tâm, “kể bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu”. Nhà thơ trốn chạy khỏi Thăng Long, cũng là sự trốn chạy khỏi chính mình.

Về sau, khi sự biến đã đi hẳn vào dĩ vãng, tân triều đã thiết lập chế độ cai trị vững vàng trên toàn cõi, cuộc sống của ông đã tương đối ổn định và tâm tư của ông cũng đã đằm hơn, trên đường đi sứ ghé qua Thăng Long (lúc này đã là Bắc Thành) thấy cảnh vật đổi  sao dời ở chốn kinh kỳ thân thuộc ngày xưa, ông sáng tác 4 bài về Thăng Long (Long Thành cầm giả ca, Ngộ gia đệ cựu ca  và Thăng Long nhị thủ) với những cảm xúc ai hoài, da diết.

Trong số những bài thơ về Thăng Long, tác giả tập trung khai thác chiều sâu hồi ức trong ba bài: Mộng đắc thái liênNgộ gia đệ cựu ca cơ và Long Thành cầm giả ca. Mộng đắc thái liên là một trong hai bài viết về giấc mộng của chính tác giả (Mộng đắc thái liên và Ký mộng). Bài thơ của Tố Như làm người đọc nhớ đến Thái liên khúc (Khúc hát hái sen) của Lý Bách. Về mặt ý tứ, bài thơ của Nguyễn Du có nhiều nét kế thừa bài của Lý Bạch, chỉ khác là Mộng đắc thái liên thiên về kể, còn Thái liên khúc thiên về tả. Về nội dung, thơ Lý Bạch tả cái cảnh thực đẹp như mộng của các cô gái hái sen ở suối Nhược Da còn thơ Nguyễn Du lại tả cảnh mộng sinh động như thực khi mơ thấy mình cùng đi hái sen với bạn gái ở Hồ Tây. Hình như, bài thơ của Nguyễn Du, ngoài việc tả cảnh đi hái sen đầy lãng mạn còn bộc lộ một nổi niềm sâu kín. Ở bài 4, tác giả đã viết:

                            Cộng tri liên liên hoa,

                            Thuỳ giả liên liên cán.

                            Kỳ trung hữu chân ti,

                            Khiên liên bất khả đoạn.

                            (Mọi người đều biết yêu thích hoa sen,

                            Nhưng ai là kẻ yêu thân cây sen?

                            Trong thân cây sen rõ ràng có những sợi tơ,

                            Vấn vương không thể dứt được)

                                                        Mộng đắc thái liên , tr. 195

Đến bài 5, tác giả lại viết:

                            Thái chi vật thương ngẫu,

                            Minh niên bất phục sinh.

                            (Hái sen chớ làm tổn thương đến ngó sen,

                            Sang năm hoa sen không sinh lại được)

                                                        Mộng đắc thái liên , tr. 196

Đằng sau cái kinh nghiệm ứng xử với sen, tác giả muốn gửi gắm một triết lý về cuộc sống. Và đằng sau cái triết lý về cuộc sống đó, hình như có một sự day dứt, ân hận đã nhiều năm. Sự day dứt, ân hận đó là gì nếu không phải là trong những năm tháng phiêu bồng, tủi cực vừa qua, nhà thơ đã vì bi phẫn mà phũ phàng với Thăng Long hoa lệ, với những kỷ niệm ngọt ngào trong quá khứ?

Đến bài Ngộ gia đệ cựu ca cơ và Long Thành cầm giả ca thì nét tâm trạng đó càng rõ.

Ở bài Ngộ gia đệ cựu ca cơ, sau khi ký ức về vẻ đẹp và giọng hát say người của cô ca kỷ thưở còn mặc tấm áo hồng vụt hiện, tác giả đã khóc vì cảnh ngộ hiện tại của cả hai người:

                   Hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển,

                   Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly.

                   (Đã từng nghe giọng ca uyển chuyển khi nàng phất ống tay áo hồng,

                   Đầu bạc gặp nhau đây khóc vì nỗi lưu ly)

                                                                  Tr.282-283

 Đến câu kết bài thơ, tác giả lại trở về với mô típ ngó-tơ sen:

                   Phúc bồn dĩ hỹ nan thu thủy,

                   Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti.

                   (Chậu đã lật úp rồi khó mà thu lại được nước,

                   Ngó sen đã gãy,  thương ôi, tơ vẫn không dứt)

                                                                  Tr.282-283

Tất cả đã đổ vỡ! Một sự đổ vỡ, tan nát sau khi nhà thơ chạy trốn khỏi Thăng Long, nơi trung tâm của biến loạn. Thăng Long xưa chỉ còn phảng phất trong mảnh “áo hồng” cũ kĩ, nhàu nát của người đẹp. Nàng ca kỹ tài sắc của người em nhà thơ, khi đi lấy chồng còn mang tấm áo hồng của thời hoàng kim nhưng bản thân nhà thơ trở về gặp lại Thăng Long chỉ còn mái  “đầu bạc”. Bao nhiêu day dứt, ân hận dồn nén đằng sau hình ảnh tương phản đầu bạc/áo hồng!

Nhưng viết về Thăng Long sâu sắc nhất, chan chứa tình cảm nhất thì phải kể đến bài Long Thành cầm giả ca. Đó quả là một kiệt tác, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân sinh, nhiều giá trị lịch sử-văn hoá. Ngoài lời dẫn khá dài của tác giả, bài thơ gồm có 50 câu, chia làm 3 phần. Phần đầu gồm 6 câu giới thiệu sơ lược về nhân vật; phần thứ 2 gồm 30 câu, tả lại cảnh hát xướng của nhân vật thời huy hoàng và thời tàn tạ; phần thứ 3 gồm 16 câu ghi lại cảm nghĩ của tác giả.

Mở đầu bài thơ, người ca kỹ, vốn đã được gọi một cách phiếm định ở đầu đề là “cầm giả” (người gảy đàn), được mệnh danh là “Long Thành giai nhân” (người đẹp thành Thăng Long). Tuy nhiên, trong lời dẫn tác giả cho biết dung nhan của nàng không lấy gì làm đẹp: “người thấp, má phính, trán dô, mặt gãy, thân mình đẫy đà” nhưng “khéo trang điểm....phong nhã tươi tắn”. Ngoài thần thái “phong nhã tươi tắn” ra, tiếng đàn tuyệt diệu chính là chổ sở đắc của nàng. Ở đây, bộc lộ quan niệm về cái đẹp của tác giả: cái đẹp của cô Cầm chính là tài nghệ của cô, là cái phong tình trong “đôi mắt long lanh” đầy kiêu sa “chẳng để ý đến một ai”. Sức sống, sức hấp dẫn của “toà thiên nhiên” ấy dồn vào ngón đàn mê đắm, được thừa nhận là “thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh”(âm thanh hay nhất trên trời và chốn nhân gian). Trong phần 2, tác giả “xuất” hết các “tuyệt chiêu, tuyệt kỹ” thi ca của mình để cực tả tiếng đàn thời hoàng kim của nàng. Từ đỉnh điểm của cao trào cảm xúc hồi cố về tiếng đàn cô Cầm, nhà thơ cảm khái:

                                      Tính tương tam thập lục cung xuân

                                      Hoạt tố Trường An vô giá bảo

                                      (Tưởng đem 36 cung xuân,

                                      Tạo thành một vật báu của kinh đô Trường An)

                                                                                        Tr.270

Như vậy, “người đẹp thành Thăng Long ”, “báu vật vô giá của kinh đô Trường An”, với ngón đàn tuyệt kỹ của nàng là biểu tượng của Thăng Long ngàn năm văn vật. Đáng ngạc nhiên là định danh của Nguyễn Du dùng hơn 200 năm trước cho người ca kỹ đất Thăng Long lại trùng hợp với định danh ngày nay của UNESCO về nghệ nhân dân gian: báu vật nhân văn sống (Living Human Treasures). Hơn hai trăm năm trước, khi xã hội còn coi thường người ca kỹ đến mức gọi họ là “xướng ca vô loài” thì Nguyễn Du đã tôn vinh họ đến mức như hiện nay, UNESCO, một tổ chức văn minh, tiến bộ nhất của nhân loại đã tôn vinh!         

Phần thứ 3 của bài thơ, sau khi đã nói lên những cảm khái của mình về cảnh vật đổi sao dời qua hình ảnh tàn tạ của cô Cầm, tác giả đúc tâm tư của mình lại trong 6 câu thơ đầy ray rứt, đau khổ:

                            Thuấn tức bách niên năng kỷ thì,

                            Thương tâm vãng sự lệ triêm y.

                            Nam Hà quy lai đầu tận bạch,

                            Quái để giai nhân nhan sắc suy.

                            Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng,

                            Khả liên đối diện bất tương tri.

                            (Trăm năm như chớp mắt có là bao,

                            Đau lòng việc cũ lệ thấm áo.

                            Tôi từ Nam Hà trở về đầu bạc trắng hết,

                            Chẳng trách nhan sắc người đẹp tàn phai.

                            Đôi mắt mở trừng trừng luống tưởng chuyện ngày xưa,

                            Thương thay giáp mặt mà chẳng nhận ra nhau.)

                                                                                              Tr. 270-271

                                                                 

Hình ảnh “song nhãn trừng trừng” cho thấy tác giả rất ân hận, đau đớn vì “đối diện bất tương tri”, đối diện với cố Cầm, với hiện thân của Thăng Long mà chẳng nhận ra nhau.

Trong bài Thăng Long (nhị thủ), ông viết về Thăng Long một cách tổng quát, với giọng điệu ai hoài, chua chát chứa chất mặc cảm. Các chi tiết được đưa vào có tích cách gợi cảm và trên cơ sở đối sánh xưa nay. Ông ghé qua lần này thấy Thăng Long ngàn xưa vẫn còn đó với “núi Tản, sông Lô”, nhưng quang cảnh, con người đã khác xưa nhiều lắm. Thăng Long ngày nay đã biến thành Bắc Thành với “quan đạo, tân thành” chứ còn đâu “thiên niên cự thất” với “cố cung” trầm mặc ngày xưa. Nhưng sự thay đổi của con người mới làm ông xót xa, hụt hẫng:

                            Tương thức mỹ nhân khan bão tử,

                            Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông

                            (Người đẹp thưở nào, tay dắt cháu,

                            Bạn chơi thời trẻ, thảy thành ông)

                                                                  Tr. 278

Về gặp lại Thăng Long, nhà thơ mừng lắm, “Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long”, mừng như được trở về nhà mình. Nhưng cảnh xưa người cũ đổi thay, ông trở thành người xa lạ, cô đơn, buồn bã “suốt đêm không ngủ được” trằn trọc với “tiếng sáo từng hồi văng vẳng dưới ánh trăng”. Tâm trạng của ông có nét giống tâm trạng của kẻ “thất cước, thất căn” trong bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương.

Thăng Long trong tâm giới Nguyễn Du là như vậy. Và sau bao năm tháng phiêu bồng, với mái đầu bạc trắng, ông trở về soi vào những dáng nét còn sót lại của Thăng Long, trong thực tại và trong tâm tưởng, chợt thấy mình như người có tội!

Trở lên, chúng ta thấy rằng cả thời trai trẻ gắn bó với Thăng Long, Kinh Bắc nhưng vì mặc cảm nên ông ít viết về chốn thương tâm ấy. Trong khi đó, nhà thơ chỉ có khoảng 6 năm sống ở quê cha (khi đã lớn tuổi) nhưng vì sao trong thơ ông nổi niềm gia hương lại hồi hoàn, da diết đến vậy?

1.Việc này, trước hết, có thể xuất phát từ những truyền ngôn đầy nhiệm ý về nguồn gốc của dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Theo ghi chép của Nguyễn Nghiễm trong Hoan Châu, Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả thì các bậc trưởng lão ngày xưa truyền lại rằng nguốn gốc dòng họ này vốn ở làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Từ xưa, tổ tiên của dòng họ này đã hiển đạt khoa danh. Thời Lê sơ, có một ông tổ là Nguyễn Doãn Địch đậu Thám hoa khoa thi năm Canh Tý (1480), đời Hồng Đức. Đến đời Mạc, cháu nội ông là Nguyễn Thiến (1495-1557), biệt hiệu là Cảo Xuyên, đậu Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn (1532), niên hiệu Mạc Đại Chính. Nguyễn Thiến làm đến Thượng thư bộ Lại, Đông các Đại học sĩ kiêm Đô Ngự sử, tước Thư Quận công. Đến năm Bình Thuận thứ 2 (1551), ông cùng với cả nhà thông gia Thái tể Thượng Quốc công Lê Bá Ly và các con là Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn bỏ nhà Mạc về đầu hàng nhà Lê ở Thanh Hoá. Đến tháng 8/1557, nghe theo lời khuyên của thầy học là Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn lại bỏ Lê về giúp Mạc.

Nguyễn Quyện là danh tướng “bất khả chiến bại” của nhà Mạc. Sau khi Mạc Mậu Hợp bị giết, Nguyễn Quyện thua trận, bị bắt giam, sau chết trong ngục; Nguyễn Miễn không rõ tung tích, một số người con của hai ông bị tử trận, một số hàng Lê, sau có ý làm phản nên bị giết gần hết. Chỉ còn lại một số ít, trong đó có Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm, chạy được vào Tiên Điền, Nghi Xuân mai danh ẩn tích, lập nên dòng họ Nguyễn tại đây. Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm là cháu đời thứ 6 của Nam Dương hầu.

Trừ vị thuỷ tổ là Nguyễn Nhiệm, vốn được phong tước Nam Dương hầu dưới thời Mạc, còn trở đi cho đến đời Nghị Hiên công Nguyễn Nghiễm, các vị tổ tiếp theo được phong công, phong hầu đều là do Nguyễn Nghiễm và con là Nguyễn Khản làm quan to mà được truy phong và gia phong.

Nên biết là Tiên Điền thời Nam Dương hầu đến đây ẩn cư vốn là vùng đất hoang vu. Theo Đông hồ Lê Văn Diễn trong Nghi Xuân địa chí (biên soạn năm 1842), thì Tiên Điền trước đây tên là Vô Điền (không có ruộng), rồi Tân Điền (ruộng mới), sau vì kỵ huý đổi là Phú Điền (ruộng giàu) và cuối cùng là Tiên Điền. Chắc rằng, sự phát triển ngày càng trù phú lên của làng này có sự đóng góp to lớn của Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm. Theo Gia phả (bản trích dịch của cố GS Lê Thước năm 1961), khi mới đặt chân đến làng này, dân ở đây không biết ông là ai, nhưng thấy ông là người có chí khí, muốn làm người hào kiệt, gặp việc khéo quyết đoán nên tôn ông là Nam Dương công.

Đến các đời thứ 4 (Bảo Lộc công Nguyễn Thể), thứ 5 (Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, thân phụ Nguyễn Nghiễm, tổ phụ Nguyễn Du) rất chú trọng đến vấn đề phong thuỷ, địa lý. Gia phả cho biết, Bảo Lộc công đi đánh Hưng Hoá, bắt được một người khách (Hoa kiều) rồi tha cho. Người khách rất giỏi phong thuỷ đã chỉ cho một huyệt quý trên núi để đền ơn. Ông đã đưa mộ tổ lên táng ở đó. Đến đời Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh lại gặp được một người khách quê ở Quảng Tây tên là Ngô Cảnh Phượng cũng rất giỏi địa lý, được Lĩnh Nam công nuôi dưỡng ở trong nhà và xem như bậc thầy. Ông Ngô đã truyền dạy hết mọi bí quyết về phong thuỷ cho Lĩnh Nam công. Sau đó, Nguyễn Quỳnh đã tìm được huyệt đất quý ở các xứ Vô Vi, Văn Sự, đồng Cùng để táng mộ tổ. Theo Lê Văn Diễn, cũng là một thầy địa lý giỏi đương thời thì “Mộ tổ họ Nguyễn ở xã Tiên Điền có 3 ngôi: 1 ở đồng Văn Sự, hình đất “phi hạc lộng quy”; 1 ở đồng Ngang, hình đất “hoàng long cổ lãng”; 1 ở đồng Vô Vi, hình đất “thổ tinh khuyết giác”. Ngôi mộ táng ở đồng Ngang, đương thời ai cũng khen ngợi” (TLĐD, tr.107). 

Không rõ có phải do tìm được huyệt đất quý để táng mộ tổ hay không, nhưng đến đời con Nguyễn Quỳnh thì dòng họ này phát đại khoa, đại quan thực sự. Và cũng từ đời Nguyễn Quỳnh trở đi, các yếu nhân của dòng họ, bên cạnh trước tác văn thơ, sử truyện, nho y đã bắt đầu quan tâm đến phong thuỷ, địa lý. Bản thân Nguyễn Quỳnh đã đem sở học của mình soạn thành tập Đại hiếu chân kinh truyền cho đời sau học tập như là sách kinh điển về phong thuỷ. Trong Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn Gia thế phả (bản dịch đầy đủ), kha nhiều trường hợp ghi chép về địa chỉ mồ mả của người trong dòng họ đều có chua rõ kiểu đất của huyệt mộ.

Chúng tôi dẫn dài dòng về nguồn gốc dòng họ như vậy là để rút ra mấy điều sau đây:

1.1. Hoan Châu, Nghi Tiên Nguyễn Gia thế phả được khởi biên đầu tiên bởi Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm. Nguyễn Nghiễm là người rất chú trọng dương danh gia thế nhà mình trong việc giáo dục con cháu, xây dựng gia phong. Khi về tu sửa lại đền thờ cha mẹ (1762), ông đã cho khắc vào mặt trước bia vị hiệu của song thân, phía trên khắc bốn chữ “Hồng nguyên tuấn lưu” (Nguồn lớn, dòng mạnh); mặt sau bia khắc một chữ “Phúc” rất to, bên cạnh khắc hai câu đối “Niệm thời truy nhật nguyệt, truyền ngữ tại giang sơn” (Tưởng nhớ theo ngày tháng, nổi tiếng khắp giang sơn). Và tất cả những truyền thống được xây nên từ thực trạng cũng như huyền tích về tổ tiên, gia thế chắc là Nguyễn Du đã được thấm nhuần từ nhỏ. Từ đó, đã hình thành vững chắc trong ông một niềm kính yêu, tự hào, tự tin về nguồn gốc, gia thế, quê hương, bản quán của mình.

1.2. Mặc nhiên, khi đã trưởng thành, ông không thể không suy xét đến hành trạng và thái độ chính trị của những vị tiên tổ như Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện, Nguyễn Nhiệm. Rõ ràng, các vị tiên liệt nhà ông ban đầu không phải là thần tử nhà Lê, họ theo Lê cũng vì tình thế bắt buộc. Sau lại thấy nhà Lê không đáng thờ, không hơn nhà Mạc, lại phản Lê về với Mạc. Điều đó, sẽ chi phối không ít đến tư tưởng chính trị có vẻ không rõ ràng của ông sau này. Nếu nói Nguyễn Du hoài Lê là do cảm nhận được rằng tổ tiên mình đội ơn dày triều đại này có lẽ chưa có cơ sở để xác tín. Nói một cách chính xác thì chỉ mới có hai đời: cha ông và các anh ông (Nguyễn Khản, Nguyễn Điều) được hưởng hậu ân nhà Lê. Riêng bản thân ông, mồ côi cha lúc mới 10 tuổi, 13 tuổi mồ côi mẹ, sau đó gặp cảnh binh lửa, loạn lạc, gia đình ông sa sút hẳn. Do đó, cái cảnh giàu sang ông cũng chưa hưởng được bao nhiêu, ấy là chưa nói đến những mặc cảm có thể có vì bị phân biệt đối xử. Nghiên cứu vấn đề này, sẽ góp phần giúp ta hiểu được thái độ, tâm trạng của ông về Thăng Long mà chúng tôi đã trình bày ở trên.

1.3. Thái độ lựa chọn các thế lực để khuông phò của anh em ông cũng phản ánh ảnh hưởng của truyền thống dòng họ. Trong gia đình ông, thực sự chống lại Tây Sơn chỉ có ba ông anh Nguyễn Khản, Nguyễn Điều, Nguyễn Quýnh. Nguyễn Khản, Nguyễn Điều chưa kịp giáp chiến với Tây Sơn đã chết, chỉ có Nguyễn Quýnh là quyết liệt chống Tây Sơn. Lúc bấy giờ Tây Sơn đã chiếm được Bắc Hà, Nguyễn Quýnh “ngầm kết nghĩa sĩ mưu chống Tây Sơn, bị quân Tây Sơn phá làng. Ông bị bắt, không chịu khuất phục, nên bị giết...” (Gia phả). Còn những người khác thì ra làm quan với nhà Tây Sơn, rồi nhà Nguyễn như Nguyễn Nễ (anh ruột cùng mẹ), hoặc làm quan với nhà Nguyễn như ông, Nguyễn Ức (em ruột cùng mẹ), Nguyễn Trứ (anh khác mẹ), Nguyễn Nhưng (em khác mẹ). Như thế, cái đạo “trung thần bất sự nhị quân” cũng đã được anh em ông tiếp thu và hành xử một cách quyền biến.

2. Trở lại vấn đề tình cảm của Nguyễn Du đối với quê cha đất tổ, chúng ta thấy, trong thơ ông xuất hiện nhiều lần các địa danh Hồng Lĩnh, Lam Giang. Núi Hồng sông Lam là hai biểu tượng của quê hương Hà Tĩnh, là nơi nuôi dưỡng linh khí cho mảnh đất này, được khắc lên Anh  đỉnh, một trong cửu đỉnh của nhà Nguyễn. Tổ tiên, dòng họ nhà ông đã bẩm thụ được linh khí đó mà phát tiết anh hoa với đời.

2.1. Núi Hồng sông Lam, từ xưa, đã trở thành đối tượng thẩm mỹ thu hút cảm hứng của nhiều tao nhân mặc khách và được mệnh danh là "Hoan Châu đệ nhất danh thắng". Từ xưa, các danh sĩ nổi tiếng như Phạm Sư Mạnh (thế kỷ XIV), Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nguyễn Thiếp (1723-1804), Bùi Huy Bích (1744-1818), Đoàn Nguyễn Tuấn (1750-?), Bùi Dương Lịch (1757-1828), Nguyễn Du (1766-1820), Nguyễn Hành (1771-1824), Hoàng đế Thiệu Trị  (1807-1847), Dương Thúc Hạp (1835-1920),..đều có thơ hay về núi Hồng sông Lam. Tuy nhiên, trong số đó, không ai viết nhiều về cặp núi sông này như Đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng khác với phần lớn thơ của các danh sĩ nói trên, trong thơ Tố Như, núi Hồng sông Lam không phải là đối tượng ngâm vịnh mà xuất hiện như là những biểu tượng về quê hương, xứ sở, là dấu hiệu đặc định về tấc lòng của nhà thơ đối với quê hương.

Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm lấy biệt hiệu là Hồng Ngư cư sĩ (Kẻ sĩ lánh ẩn ở xứ Hồng Lĩnh, Song Ngư). Ngay Nguyễn Du, khi về sinh sống tại quê cha, cũng tự đặt cho mình biệt hiệu là Hồng Sơn liệp hộ (Phường săn núi Hồng). Chúng tôi thống kê trong ba tập thơ chữ Hán của ông, địa danh núi Hồng, sông Lam xuất hiện khoảng 33 lần/ 33 bài/60 bài thơ có đề cập đến nỗi niềm gia hương, chiếm 56%. Nếu xét trong toàn bộ ba tập thơ, ta có 33 lần/bài/249 bài, chiếm 13%, hơn gấp đôi tỷ lệ những bài thơ đề cập đến Thăng Long (trực tiếp và gián tiếp).

            2.2. Địa danh núi Hồng, sông Lam xuất hiện nhiều nhất trong tập Thanh Hiên thi tập: 20 lần/20 bài. Điều đáng nói là chỉ ở trong tập thơ này, địa danh Hồng Lĩnh/Hồng Sơn-Quế Giang/Lam Thuỷ xuất hiện 4 lần thành cặp /4 bài thơ. Nhìn chung, khi xuất hiện cặp đôi trong thơ, núi Hồng sông Lam biểu trưng cho chổ dựa, nơi khu trú kín đáo để hồn thơ tác giả phục hồi sinh khí.

         Trong bài “Mi trung mạn hứng” (Cảm hứng lan man trong tù), sau khi bày tỏ nổi niềm bi phẩn trước cảnh ngộ “thập tuần lao ngục tử sinh tâm” (mười tuần trong ngục lòng nghĩ đến việc sống chết), nhà thơ nghẹn ngào:

                            Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ,

                            Hồng Sơn sơn hạ, Quế Giang thâm.

                            (Ta có tấc lòng chẳng biết nói cùng ai,

                            Dưới chân núi Hông, sông Quế sâu)

                                                                  Tr.89

Bài thơ được các nhà nghiên cứu cho là Nguyễn Du viết khi bị quân Tây Sơn bắt giam vì có ý định vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh (theo Gia phả). Nhưng xét tình ý bài thơ thì có lẽ không phải như vậy. Có thể do bị nghi oan mà họ bắt giam ông chăng? Gia phả viết thế có thể cũng là cách che mắt sự xoi mói của tay chân nhà Nguyễn đang tìm cách trả thù những gia tộc có ít nhiều dính líu đến tiền triều (nhất là nhà Tây Sơn) chăng? Và “tấc lòng khó nói cùng ai” ấy, ông chỉ biết gửi chốn non cao sông sâu quê nhà.

Trong ba lần xuất hiện còn lại, núi Hồng sông Lam hiện ra trong gam màu tươi sáng hơn, có sinh khí, sinh sắc, bao bọc tâm hồn tác giả. Trong hai bài thơ gửi một người bạn có tên/hiệu là Thực Đình, có lẽ ông bạn đến công cán ở xứ Hồng - Lam, qua lời khuyên bạn, tác giả không che dấu niềm tự hào về núi sông tươi đẹp của quê hương:

                                      Mạc sầu tịch địa vô gia khách;

                                      Lam Thủy, Hồng sơn túc vịnh ngâm

                                      (Chớ buồn ở nơi hẻo lánh không gặp bạn tốt,

                                     Sông Lam núi Hồng đã đủ để ngâm vịnh)

                                                                  Tặng Thực Đình, tr.145

                  

                                      Lam Thuỷ, Hồng Sơn vô hạn thắng,

                                      Bằng quân thu thập trợ thanh ngâm.

                            (Sông Lam, núi Hồng đẹp vô hạn,

                            Khuyên anh hãy thu gom lấy mà giúp vào việc ngâm nga)

                                                        Phúc Thực Đình, tr.48

Núi Hồng sông Lam không chỉ là đối tượng trữ tình, là nguồn thi hứng để ngâm vịnh mà còn là nơi để tác giả vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng khi ốm đau bệnh tật:

                                      Hoàng khuyển truy hoan Hồng Lĩnh hạ,

                                      Bạch vân ngọa bênh Quế Giang biên

                                      (Dắt chó vàng tìm thú vui dưới núi Hồng Lĩnh,

                                       Dưới mây trắng nằm dưỡng bệnh bên bờ sông Quế)

                                                                  Tạp thi I, tr.129           

 Các trường hợp còn lại thì hình ảnh quê hương hoặc gắn với biểu tượng núi Hồng hoặc gắn với biểu tượng sông Lam. Nếu núi Hồng chỉ xuất hiện với hai định danh là Hồng Sơn/Hồng Lĩnh thì sông Lam có nhiều định danh: Quế Giang, Lam Giang, Long Giang, Long Vĩ giang, Lam Hà, Long Vĩ thủy, Lam Thủy. Đó là những cách gọi có tính chất hoán dụ, ẩn dụ tri nhận gắn liền với hình thế, màu sắc nước, vị trí đoạn sông chảy qua quê Nguyễn Du.

Khi xuất hiện một trong hai địa danh thì chủ yếu là gắn liền với những bài thơ nói lên nổi nhớ mong, sầu muộn trong cảnh ngộ trốn tránh, nghèo khó, đau ốm, bệnh tật. Tuy nhiên nội dung này thường gắn với biểu tượng sông Lam nhiều hơn. Điều này chắc là có liên quan đến quan niệm, cảm thức âm dương của tác giả. Núi non là dương, sông nước là âm. Khỏe mạnh, cường tráng thuộc  dương; ốm đau, bệnh tật thuộc âm.

Vì thế, khi nói nói về sông Lam, tác giả hay đề cập đến tình trạng bệnh tật, tâm trạng sầu muộn của mình:

                            Cùng niên ngoạ bệnh Quế Giang tân

                            (Hết năm rồi vẫn đau ốm nằm ở bến Quế Giang)

                                                                 Thu dạ, tr.58

                            Đa bệnh đa sầu khí bất thư,

                            Thập tuần khốn ngọa Quế giang cư

                            (Bệnh lắm sầu nhiều thần khí không được thư thái,

                            Mười tuần nằm co trong nhà bên sông Quế)

                                                                           Ngọa bệnh I, tr. 134

Biểu tưởng núi Hồng cũng xuất hiện trong những bài nói về tình trạng ốm đau, bệnh tật nhưng thường gắn với tâm chí uất hận hoặc lo lắng.

Lúc còn ở quê vợ, chắc là nghe tin ở quê nhà có biến, nhà thơ than thở:

Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán,

Bạch đầu đa hận tuế thời thiên

(Chốn Hồng Lĩnh không còn nhà, anh em tan tác,

Đầu bạc, nhiều nỗi giận,  ngày tháng trôi)

Quỳnh Hải nguyên tiêu, tr. 26

Mặc dầu bản thân đang “nắng mưa thui thủi quê người” nhưng Nguyễn rất lo lắng cho quê hương trong cơn ly loạn. Vì vậy, khi tiễn người bạn là Nguyễn Sĩ Hữu về nam (về trấn nhậm ở Nghệ An), nhà thơ mừng lắm, vì biết bạn sẽ là ông quan tốt:

Hồng Lĩnh hữu nhân lai tố chủ,

Bạch đầu vô lại bất hoàn gia

(Hồng Lĩnh có người về làm chủ,

Ta bạc đầu không chốn tựa nương, không về được nhà)

Tiễn Nguyễn Sĩ Hữu nam quy,  tr.54

Mừng cho quê hương, nhưng lại cám cảnh cho mình.

Trong một bài thơ khác, gửi một người bạn, ông tỏ ra tin tưởng vào “chính khí Hồng Sơn”, tin vào một vận hội sáng sủa sẽ mở ra từ mảnh đất và con người nơi đây:

Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại,

Bách lý Hồng sơn chính khí đồng

(Một trời trăng sáng tình bạn còn mãi,

Trăm dặm núi Hồng chung chính khí)

Ký hữu, tr.93

Chính khí Hồng Sơn” mà Nguyễn Du đề cập là khí hạo nhiên của trời đất, núi sông và con người mà Văn Thiên Tường đã ca ngợi trong “Chính khí ca”

Núi Hồng tràn đầy chính khí như vậy nhưng ông về quê phải nằm bẹp một chổ vì  đau ốm. Tâm trạng ông có vẻ bồn chồn, uất ức:

         Xuân hàn hạ thử cố tương xâm,

         Nhất ngọa Hồng Sơn tuế nguyệt thâm.

         (Mùa xuân lạnh mùa hè nóng cứ  xâm lấn nhau,

         Mới nằm bệnh ở non Hồng mà đã qua nhiều  năm tháng)

                                              Ngọa bệnh II, tr. 136

Bao trùm lên tất cả, núi Hồng sông Lam là địa chỉ tình cảm của nhà thơ. Ở đó, ông có cả một cơ nghiệp mà tiền nhân để lại đã bảy đời. Ông thương anh em tan tác trong ly loạn, ông buồn vì bản thân đau ốm khi về tránh nạn ở quê. Sông Lam là nơi ông gột rửa nổi niềm để cho cái tâm được trong sáng, núi Hồng là chổ trú ẩn đời sống tâm linh của ông. "Hồng Sơn trăm dặm tràn đầy chính khí" là niềm tin, là chổ dựa khi ông trở về sống dưới chân núi, là cái mốc cao trong cõi trời đất Hoan Châu để lúc đi xa ông ngóng trông với bao niềm thương nổi nhớ:

                  Bồi hồi chính ức Hồng Sơn dạ;

                   Khước tại La Phù giang thủy biên

                  (Chính lúc bồi hồi nhớ đến đêm nao ở non Hồng,

                  Thì mình lại đang ở bến sông La Phù)

                                                        Sơ nguyệt, tr. 156

                          

                    Vọng ngoại Hồng Sơn tam bách lý,

                   Tương tòng hà xứ vấn tiền lân

                   (Trông ra Hồng Sơn cách ngoài ba trăm dặm,

                    Biết chốn nào hỏi thăm láng giềng cũ)

                                                        Ngẫu đắc, tr235

Trong Luận Ngữ , thiên Ung Dã , Khổng tử nói : 人 山 Nhân giả nhạo sơn,   trí giả nhạo thủy (Kẻ nhân thích núi, kẻ trí thích nước). Nguyễn Du là người rất thích núi. Trên đường đi sứ qua Tiềm Sơn, một dãy núi ở tỉnh An Huy (Trung Quốc), ông bộc bạch tâm tư:

Túc hữu ái sơn tích,

Biệt hậu tứ hà như.

Lai đáo tiềm Sơn lộ,

Uyển như Hồng Lĩnh cư.

(Ta vốn là người yêu núi,

Sau ngày xa quê nhớ biết chừng nào!

Hôm nay đi trên đườngTiềm Sơn,

Tưởng như đang ở trong dãy Hồng Lĩnh)

                            Tiềm Sơn đạo trung, tr. 562

Ông yêu núi, dãy núi Hồng Lĩnh quê nhà, vì thế, qua Tiềm Sơn, hẳn ông thấy núi này giống Hồng Lĩnh, nên bồi hồi luyến nhớ.

Ông yêu quê, nhớ quê và nhắc đến quê hương nhiều trong thơ còn có những lý do khác. Núi sông quê hương tuy đẹp, nhưng đó cũng là mảnh đất nghèo. Nơi đó có ba người vợ và mười tám đứa con nheo nhóc “đói xanh như tàu lá” mà từ nơi làm quan xa, mỗi lần nghĩ đến là ông quặn thắt ruột gan. Ngoài nổi xót xa, lo lắng cho vợ con, chắc cũng không hiếm khi lòng ông bồi hồi, xao xuyến nhớ lại những cuộc đi hát ví với trai gái các làng xung quanh để giải buồn trong những năm về lánh ẩn ở quê. Đặc biệt, những lần sang hát phường Vải ở Trường Lưu với anh em nhà họ Nguyễn Huy đã đển lại dấu ấn, kỷ niệm sâu sắc trong tâm hồn và trong thơ Nguyễn Du.

Việc ông gắn với quê hương Hà Tĩnh có thể có những lý do chúng ta chưa biết, nhưng tình yêu đối với mảnh đất phát tích mà tổ tiên ông đã nhiều đời đổ công sức khai phá, bồi đắp,  nơi có núi Hồng sông Lam tráng lệ, linh thiêng, hẳn là điều ai cũng phải thừa nhận. Còn bao nhiêu tâm tình ông dành cho quê hương qua những bài thơ khác mà chúng tôi không có điều kiện dẫn ra.

Qua sự phân tích biện giải nói trên, chúng tôi tạm thời tin vào giả thiết mà bản thân rút ra là sở dĩ Nguyễn Du ít viết về Thăng Long, không viết về quê mẹ và bản thân người mẹ ruột của mình không phải vì ông không yêu Thăng Long, Kinh Bắc và thân nhân của mình. Ông không đề cập đến những đối tượng này, phần chắc là vì ông có quá nhiều mặc cảm, nhiều kỷ niệm đau buồn về xứ sở và con người nơi đây. Ngược lại, ông dù  không sinh ra ở Hồng Lĩnh và ít thời gian sống ở đây nhưng thế giới tâm linh, cảnh tình sông núi nơi đây đã làm cho ông gắn bó với quê hương một cách tự nhiên, sâu sắc. Hơn thế, khi sống lênh đênh nơi quê người đầy bất trắc, hung hiểm thì niềm tin vào chính khí “Hồng Sơn - Lam Thuỷ”, vào tổ tiên công đức cao dày, vào sự thiêng liêng của nơi phát tích sẽ là chổ dựa tâm linh, là nguồn động viên an ủi vô cùng lớn đối Nguyễn Du. 

Mỗi nhà văn, đều có một vùng quê cho sáng tác của mình cất cánh. Dù sau này, sáng tác của họ hướng vào đâu cũng không thoát khỏi ám ảnh của vùng quê đó. Với Nguyễn Du, vùng quê văn chương gốc gác của ông chính là Hà Tĩnh, nơi có núi Hồng sông Lam mà ông hằng yêu mến, tự hào, nơi có vợ con ông sống những tháng ngày đói khổ, vật lộn với chốn cồn khô, cát bạc nhưng lại có những đêm trăng hát ví tình tứ, say mê. Thăng Long dù ảnh hưởng không ít đến tâm hồn nhà thơ nhưng sau cuộc biến, kỷ niệm tuổi thơ dường như bị chôn vùi gần hết. Vì ở đó, rất có thể quãng đời từ ấu thơ cho đến trưởng thành của nhà thơ, niềm vui thì ít buồn đau quá nhiều.

Vả lại, Nguyễn Du, theo Gia phả cho biết, vốn là người “có tướng mạo khôi vĩ” lại sinh ra trong một gia đình quý tộc có truyền thống văn võ kiêm toàn và trong thơ, ông cũng không ít lần bộc lộ hùng tâm, tráng chí. Vậy mà suốt cuộc đời, ông hầu như bị rơi vào trạng thái tâm lý uỷ mị, đau buồn. Điều đó, chắc là phải có nguyên nhân từ những chấn thương tâm lý thưở thiếu thời mà ông từng gánh chịu.

May sao, còn nguồn sức mạnh tinh thần của quê cha đất tổ. Núi Hồng sông Lam đã trở thành “nhất điểm linh đài” trong cõi tinh thần đầy đau thương của Đại thi hào dân tộc.


Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website