“ Bắc hành tạp lục” là tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du khi đi sứ nhà Thanh năm 1812- 1813.
Có thể coi việc đi sứ là một dịp đi thực tế của Nguyễn Du. Trên hành trình thiên lí này, tầm mắt nghệ sĩ của Ông sẽ rộng mở thêm. Nguyễn Du sẽ có dịp phát biểu được nhiều điều mà ở trong nước không tiện nói, không thể nói. Tâm sự riêng của nhà thơ vẫn rải rác suốt “ Bắc hành tạp lục” nhưng nó không phải là nộ dung chính như trong “ Thanh Hiên thi tập” và “ Nam trung tạp ngâm” với đầy rẫy ẩn dụ ở quê nhà.
Trên đường đi sứ có rất nhiều thực tế. Gạt bỏ mọi thông lệ thù tạc, tống tiễn và công việc hẳn là bộn bề của đoàn sứ bộ, gạt bỏ những cái lạ nơi xứ người có thể làm thỏa mãn tính hiếu kì của người mới biết lần đầu, Nguyễn Du chú ý tới một thực tế khác. Sự chú ý này của nhà thơ hẳn sẽ làm không ít người thời bấy giờ ngạc nhiên. Nhưng đấy chính lại là phần tâm hồn rưng rưng nhất của Nguyễn, nó làm nên giá trị của “ Bắc hành tạp lục.”
Cùng với sự bày tỏ lòng ngưỡng mộ, ngợi ca với những danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lí Bạch, Văn Thiên Tường, Nhạc Phi, Dự Nhượng… những “ người hiếu tu sống cách đây hai nghìn năm/ Mà nay đất này còn thơm mùi hoa lan, hoa chỉ” ( Tương Đàm điếu Tam lư đại phu I),cùng với lòng cảm thương vô hạn với những kiếp người lầm than, đói rét là thái độ dứt khoát của nhà thơ với các triều đại phong kiến Trung Hoa và những đứa con của nó.
Thói thường, đến nhà người ta thì điều kị nhất là làm mất lòng gia chủ.. Nhưng ngay khi tới cái “ cửa” của hai nước- cái cửa mà nhiều thế hệ những tên xâm lược phương Bắc truyền nhau run sợ “ thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (mười người đi, một người trở về) Nguyễn Du đã mỉa mai Mã Viện:
- Từ xưa gió lạnh thổi xương trắng
Kì công của tướng quân nhà Hán có gì đáng khen?
(Quỉ môn quan)
Cột đồng và lời nguyền ngu xuẩn của viên tướng nhà Hán này( đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt) “ chỉ lừa được đàn bà con gái đất Việt”. Những của cải cướp được bằng tội ác của hắn rốt cuộc “ chỉ để lụy cho con cái trong nhà.”
Qua nhan nhản những đền, những miếu, những bia, những tượng, những đài của cái dân tộc thích sùng bái cực đoan, Nguyễn Du đã có cái nhìn độc đáo, bất ngờ, khác với thông lệ ngâm vịnh, hoài cổ thường thấy. Qua Hứa Đô cũ- bằng chứng của sự tiếm đoạt, phản trắc, Nguyễn Du hỏi Tào Tháo:
- Từ xưa lập quốc phải lấy đạo chính
Sao lại khinh nhờn gái góa, lừa dối trẻ mồ côi?
( Cựu Hưa Đô)
Qua Đài Đồng Tước, nhà thơ lại hỏi hắn:
- Khổ tâm dặn dò chuyện chia hương bán dép
Bậc trượng phu lỗi lạc sao lại làm như thế?
(Đồng Tước đài)
Những câu hỏi chính là những lời buộc tội!
Nguyễn Du vẫn không buông tha mà truy kích đến cùng viên tướng đa nghi, gian hùng này. Ông giết hắn lần thứ hai:
- Tiếng thối đầy săng, giấu kĩ mà làm gì
Nắm xương một tên giặc ngàn đời chửi mắng cũng không biết.
(Thất thập nhị nghi trủng)
Đối với vợ chồng tên gian thần phản bội Tần Cối, Nguyễn Du đã làm tới bốn bài để đả chúng.Nếu như trái tim tên chồng chứa đầy nọc độc( Nhất thế tử tâm hoài hại độc) thì cái lưỡi ba tấc của mụ vợ cũng ghê gớm không kém. Thị là hạng “ gà mái gáy sớm”. Chốn buồng the không phải là để ân ái vợ chồng mà là nơi hai tâm địa độc ác này mưu toan trù tính những việc phản dân hại nước. Mọi cái đều sợ thời gian nhưng ở đây thời gian phải sợ cái xấu xa của chúng: “ Nghìn năm hình hài thị làm nhục nữ giới”
Ở thời nào cũng thế, đáng khinh nhất là bọn cơ hội, xu thời, hãnh tiến. Chúng không từ một dã tâm nào, một thủ đoạn nào để mưu bằng được lợi cho bản thân. Nguyễn Du hẳn biết rõ hạng người này. Qua đình Tô Tần, Ông có dịp lên tiếng:
- “ Trước sao khinh bỉ, nay sao kính trọng”- Câu nói thật bỉ ổi
Mưu Hợp tung không phải để đánh lui quân Tần tàn bạo
Mà để được phú quí rồi lên mặt với người thân
Đâm dùi vào vế chỉ để mưu danh lợi
Ôi khí cục người ấy sao mà nhỏ nhen thế.
(Tô Tần đình II)
Với các đấng “ Con trời”, ngòi bút của Nguyễn Du chưa bao giờ mạnh dạn tới mức dũng cảm như ở đây. Những đấng bậc này chẳng phải tài cao đức dày gì mà trái lại, rất tầm thường, rất ngu dốt. Nhà thơ đã chỉ thẳng:
- Tấm lòng trung khác thường phá được cái ngu của người hỏi chuyện ễnh ương (chỉ Tấn Huệ đế)
(Kê thị Trung từ)
- Thuyết Hợp tung- Liên hoành( của Tô Tần) chỉ lừa bịp được bọn vua chúa tầm thường.
(Tô Tần đình I)
Khác với nhiều sử gia phong kiến Trung Quốc, cũng như Nguyễn Trãi, Nguyên Du biết rất rõ tội ác của tên bạo chúa Minh Thành tổ( 1403- 1434):
- Cướp ngôi của cháu, hắn không phải là bậc nhân quân
Khi cơn giận nổi lên, hắn giết mười họ người ta
Đánh trượng và nấu vạc dầu người trung thần
Chỉ trong năm năm hắn giết hơn trăm vạn nhân mạng
Xương trắng chất thành núi, máu thấm đỏ đất.
(Kì lân mộ)
Nguyễn Du khái quát lịch sử kế tiếp các triều đại của các “ Con trời” Trung Quốc là lịch sử của kẻ cướp, lịch sử của tranh giành chém giết, lịch sử “ ăn thịt người” như nhận xét của Lỗ Tấn sau này:
- Nhà Ngụy cướp ngôi nhà Hán, nhà Tấn lại cướp ngôi nhà Ngụy
Trước sau đều theo một kiểu ấy
(Cựu Hứa Đô)
Ngôi báu đối với chúng không phải là nơi “ thế thiên hành đạo” mà chỉ là miếng mồi để thỏa sức cướp bóc, trụy lạc. Bọn này một mặt xâu xé tranh giành nhau, mặt khác lại tùy thuộc vào địa vị và quyền lực của mình để ăn cướp của nhân dân lao động: “ Họ xơi hầu hết đàn gia súc không sót một con”. Và, mỉa mai thay, khi đất nước có nguy biến trước họa ngoại xâm thì cả triều đình ấy chỉ biết “ ngây như phỗng đứng” ( Dương Phi cố lí) Phải nói rằng Nguyễn Du nếu không căm ghét những đứa gian ác trong cuộc đời thực bấy giờ thì không thể có giọng mỉa mai về những chuyện nước người từ mấy trăm năm trước. Thái độ của Nguyễn Du với chúng không phải là thái độ đạo lí sách vở. Nguyễn Du căm ghét nhiều và mạnh mẽ chính vì nhà thơ yêu thương sâu sắc những con người trong cuộc đời thực.
Trong tình hình đất nước như thế, không thể có được một nhân dân no ấm, thái bình. Nguyễn Du ghi lại hình ảnh một nhân dân Trung Quốc đói khát cơ hàn: “ Mấy trăm hộ chết đói và xiêu tán”, “ Mấy trăm châu ở Hồ Nam chỉ có những người gầy gò, không ai béo tốt”..Những người ăn mày, những người hát rong, những xác người chết nơi ngòi rãnh mà thi thể đáng thương của họ làm mồi nuôi sài lang. Đi ngược lại ông thầy đạo đức của mình, Nguyễn Du thông cảm với những kiếp người lưu lạc, cơ khổ. Về mặt tình cảm, chủ yếu nhà thơ đã đồng tình với khởi nghĩa nông dân. Nhà thơ đã gián tiếp phủ nhận đất nước Trung Hoa của những tên bạo chúa bằng biện pháp nghệ thuật đối lập và những câu hỏi tu từ:
- Ai cũng bảo Trung Hoa đường bằng phẳng
Nào ngờ Trung Hoa đường như thế này
Sâu thẳm quanh co như lòng người
(Ninh Minh giang chu hành)
- Thường nghe nói Trung Hoa ai cũng no ấm
( Không ngờ)
Trung Hoa cũng có người như thế này (hát rong)
(Thái Bình mại ca giả)
- Ai cũng nói nước Trung Hoa trọng tiết nghĩa
Sao ở đây hương khói vắng tanh thế này?
(Quế Lâm cù các bộ)
Đó là đất nước của nhân dân đói khổ, lầm than; của lòng người quanh co, nham hiểm, bạc bẽo và phản trắc. Cái nhìn và thái độ của Nguyễn Du với lịch sử phong kiến Trung Hoa và hiện thực bấy giờ về căn bản là thái độ của quần chúng nhân dân lao động.
Không ngờ những khái quát của Nguyễn Du về phong kiến Trung Hoa đến nay còn nguyên tính thời sự như thế!
Chú thích.
Tất cả các câu thơ trong bài viết được dẫn theo “ Thơ chữ Hán- Nguyễn Du”- NXB Văn học- Hà Nội 1965.