Thứ 3, ngày 7-1-2025
|
Tập trung hoàn thiện Đề án và Nghị quyết về phát triển văn hoá Hà TĩnhNgày 21 tháng 09 năm 2023
Chiều ngày 20/9/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị lần thứ 34 để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Phát triển văn hoá, con người Hà Tĩnh đến năm 2030, định hướng những năm tiếp theo. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Thế Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Theo đó, dự thảo nghị quyết phát triển văn hoá đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển toàn diện văn hóa, con người Hà Tĩnh thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa từ bên ngoài. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển văn hóa giữa các vùng miền, địa bàn dân cư. Xây dựng môi trường văn hóa trong từng gia đình, dòng họ, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh. Tập trung đầu tư nguồn lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để văn hóa Hà Tĩnh phát triển toàn diện, trở thành động lực, sức mạnh nội sinh phát triển kinh tế - xã hội, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.
Trên cơ sở mục tiêu, dự thảo nghị quyết đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển văn hoá, con người đến năm 2030; đề ra 4 nhiệm vụ, 5 giải pháp trọng tâm để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu.
Cho ý kiến tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao việc ban hành Nghị quyết phát triển văn hoá, con người Hà Tĩnh đến năm 2030, định hướng những năm tiếp theo là hết sức cần thiết. Đồng thời, kiến nghị bổ sung, sửa đổi một số mục tiêu, chỉ tiêu trong dự thảo nghị quyết phù hợp với thực tiễn của Hà Tĩnh (công nghiệp văn hoá, trường Cao đẳng Nguyễn Du thành trường chất lượng cao, tỷ lệ người tập luyện thể thao thường xuyên, câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hoạt động có hiệu quả); góp ý thêm một số giải pháp phát triển văn hoá như: xây dựng thêm các sản phẩm văn hoá; xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ; bổ sung quan điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển văn học nghệ thuật vào nghị quyết và đề án; tên của Đề án và Nghị quyết...
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đối với nội dung Đề án và Nghị quyết về phát triển văn hoá Hà Tĩnh. Đồng thời, yêu cầu Ban soạn thảo nghị quyết, đề án tiếp thu, nghiên cứu và có sự bổ sung, sửa đổi phù hợp.
Đi sâu vào nội dung của dự thảo Nghị quyết Phát triển văn hoá, con người Hà Tĩnh đến năm 2030, định hướng những năm tiếp theo, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, việc phát triển văn hoá là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, thống nhất tên nghị quyết sẽ là phát triển văn hoá Hà Tĩnh trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh yếu tố con người. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, Ban soạn thảo cần làm rõ bản sắc con người Hà Tĩnh; phân tích rõ các nguyên nhân của các hạn chế, tồn tại trong phát triển văn hoá thời gian qua, từ đó xây dựng các chỉ tiêu mang tính tổng thể, nổi bật và phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu, quan tâm đến các chỉ tiêu về dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh; có các giải pháp phát huy công năng các thiết chế văn hoá trong phát triển văn hoá cộng đồng.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu ở phần nhiệm vụ và giải pháp cần chú trọng đến cấp uỷ, chính quyền các cấp phải quán triệt, phổ biến sâu rộng các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về lĩnh vực văn hoá; chuẩn mực trong văn hoá quản lý; phát huy tình làng nghĩa xóm; quan tâm xây dựng văn hoá hiếu khách, thân thiện của con người Hà Tĩnh; xây dựng các sản phẩm văn hoá đặc sắc, tiêu biểu; bổ sung các nội dung liên quan lĩnh vực văn học nghệ thuật vào nghị quyết và đề án; chú trọng giáo dục thể chất và kỹ năng cho thanh, thiếu nhi…
Nguyễn Nga
Tin tức sự kiện
| Audio GuideTham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |