nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Sự khác biệt trong cách ứng xử của nhân vật Thúy Kiều trong Kim vân Kiều truyện và Truyện Kiều


Đã có không ít học giả ca ngợi Truyện Kiều không tiếc lời trong bài viết của mình. Tại lễ kỉ niệm ngày mất của Nguyễn Du năm 1924, trong Bài diễn thuyết về quốc văn, Phạm Quỳnh đã say mê bộc bạch tình yêu của mình đối với Truyện Kiều – tác phẩm mà ông cho rất là quý báu, đời đời làm vẻ vang cho cả giống nòi: “Hiện nay suốt quốc dân ta, từ trên hàng thượng lưu học thức, dưới đến kẻ lam lũ làm ăn, bất cứ già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, ai ai cũng biết Truyện Kiều, ai ai cũng thuộc Truyện Kiều, ai ai cũng kể Truyện Kiều, ai ai cũng ngân Truyện Kiều…”. Với ông Truyện Kiều vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là thánh thư phúc âm của cả dân tộc” và cũng “chiếm được một địa vị cao quý” trong nền văn học thế giới.
 
Trong Đặc sắc văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung Truyện Kiều, cố giáo sư Đặng Thai Mai cũng có những đánh giá tương tự về giá trị của Truyện Kiều: “Truyện Kiều cũng như tất cả các áng văn tuyệt tác trong văn học thế giới dường như không hề biết già, mà lại còn có vẻ ngày càng trẻ nữa, trong văn học Việt Nam ngày xưa, Truyện Kiều là một thành công vẻ vang nhất, là áng văn chương tiêu biểu hơn hết, người dân Việt Nam bất kì thuộc tầng lớp nào không ai là không biết kể Truyện Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều… Người ta nhớ lấy từng câu, từng đoạn và dẫn dụng vào câu chuyện hàng ngày, khi nói đến nhân tình thế thái”.
 
Một nhà thơ cũng là nhà văn Pháp Rơnê Crayxắc trong Truyện Kiều và xã hội Á Đông có nhận xét: “Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du là một áng văn chương kiệt tác, tưởng có thể so sánh với những kiệt tác văn chương của bất cứ một đời nào, nước nào không thua vậy”. “Ngày nay không có một người An Nam nào ngâm Truyện Kiều mà không thấy trong lòng xôn xao cảm động, lặng lẽ buồn sầu. Cả nước mê Truyện Kiều đến tin như có cái đức tính thiêng liêng gì vậy”.
 
Qua những nhận xét, đánh giá ấy, chúng ta không thể không đặt cho mình câu hỏi: Tại sao cũng cốt truyện gần với Kim Vân Kiều truyệnTruyện Kiều lại thu hút nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích đến như thế? Việc tìm hiểu sự khác nhau về ứng xử văn hóa giữa nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân sẽ góp một phần nào trả lời cho câu hỏi đó.
 
Một sự thực hiển nhiên ai cũng phải thừa nhận là khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dựa rất sát vào Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng nhân vật, cách nhận thức và lý giải số phận con người trong tác phẩm của ông mang đậm phong cách Việt, cốt cách Việt, tâm hồn Việt - đặc biệt là cách ứng xử của nhân vật trung tâm trong tác phẩm – nhân vật Thuý Kiều. Trước mỗi tình huống, mỗi sự kiện, Kiều đều dẫn người đọc đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác bởi những ứng xử vô cùng tuyệt vời của nàng – của một người con gái mới bước vào độ tuổi Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
 
1. Trong ngày chơi xuân:
 
Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dành một tình cảm ưu ái đặc biệt cho Thúy Kiều – nhân vật chính, đứa con tinh thần của mình. Để có một nàng Kiều lí tưởng, ngay từ đầu khi xây dựng hình tượng nhân vật này, Nguyễn Du đã chú trọng sử dụng bút pháp miêu tả nội tâm nhân vật. Và sự kiện quan trọng đầu tiên chi phối ảnh hưởng đến cuộc đời của nàng sau này đó là cuộc gặp gỡ của Thúy Kiều và Đạm Tiên trong ngày đi chơi xuân.
 
Cả hai tác phẩm đều có tình tiết này. Nhưng trong Kim Vân Kiều truyện, trước nấm mồ của Đạm Tiên, Thúy Kiều nói nhiều mà ít bộc lộ tâm trạng. Có lẽ ông cũng muốn cho người đọc thấy rằng nhân vật của ông cũng rất đau khổ và thương cảm cho những số phận tài hoa bạc mệnh như Đạm Tiên bằng cách cho nhân vật nói lên nỗi lòng mình, nhưng càng nói nhiều nhân vật càng trở nên tầm thường và mất đi cái vẻ chân thực của nó: “Thương ôi, sống làm vợ khắp cho muôn người mà hại thay, lúc chết lại làm ma cô độc!...Hồng nhan bạc mệnh đến thế là cùng. Âu là tiện đây ta tiến thử lại trước mộ để xem bi kí ra sao?”
 
Trong Truyện Kiều lời than đầu tiên của Thúy Kiều trược mộ Đạm Tiên lại không chỉ dành riêng cho Đạm Tiên:   
     
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
 
Từ khi nghe câu chuyện về Đạm Tiên, Kiều đã ý thức được rằng số phận của những người phụ nữ nói chung là như thế, mà Đạm Tiên là một thực tế điển hình đang hiện ra trước mắt nàng:
 
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng
Trước sự thật phũ phàng của tạo hóa, Kiều lại kêu lên đau đớn:
Phũ phàng chi bấy hóa công!
Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha
 
Nếu trước những lời than này không có câu “Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa”, chắc ta khó phân biệt đó là lời than của Thúy Kiều hay của chính tác giả. Nguyễn Du đã nhập thân vào nhân vật để có thể viết ra được những câu tâm trạng như thế này:
 
Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
Lại càng ủ dột nét hoa
Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài
 
Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều truyện không có tâm trạng sâu lắng như thế.
Sự quan tâm của Kiều trước thân phận một ca nhi kỹ nữ xa lạ, chính giọt nước mắt khóc thương cho người xấu số của nàng đã thể hiện một tấm lòng đầy trắc ẩn, ưu tư, ưu hoạn trước con người. Đó là một nét đẹp trong ứng xử văn hoá của nhân vật này.
 
2. Sự việc bán mình, trao duyên
 
Thúy Kiều của Nguyễn Du vốn là một người con gái có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, sâu sắc trong nhận thức, ân tình, nhân nghĩa trong ứng xử. Điều đó giúp ta hiểu rằng tại sao Thúy Kiều lại đớn đau đến thế khi cha và em bị đánh đòn Rường cao rút ngược giây oan bởi thằng bán tơ vu oan giáng hoạ. Rằng tại sao nàng lại dám cắt đứt mối tình với Kim Trọng - một mối tình mà nàng đã cùng người yêu vượt qua rào cản của lễ giáo phong kiến để đến với nhau bằng tất cả sự đắm say sôi nổi để bán mình chuộc cha. Mọi ứng xử ấy đều xuất phát từ một tấm lòng vị tha cao cả, một tấm lòng nhân ái bao dung của người con gái mang cốt cách đa tình, hiếu thảo, thủy chung, luôn sống trọn tình vẹn nghĩa.
 
Lý do nàng đưa ra để khuyên cha đừng tự vẫn hoàn toàn khác hẳn nàng Kiều trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Trong Kim Vân Kiều truyện  vì thương con, không chịu đựng nổi cảnh con phải bán mình chuộc cha, Vương ông đã đập đầu vào tường tự vẫn. Kiều nhi đã lên lớp cha bằng một bài thuyết lý: “Việc đã đến nước này không còn cách gì để giải nguy, cha là bậc đàn ông thường tình tưởng nên bỏ những điều bất nhẫn nhỏ nhen cho tròn việc lớn, chớ đâu lại bắt chước thói thường tình nhi nữ mà mất cả khí khái anh hùng. Con đã cam tâm tình nguyện làm một đứa con dám giết mình để thành nhân há cha không thể làm một bậc trượng phu sáng suốt để giữ mình à?”
 
Không cao đạo, chẳng triết lý xa vời, lý do Kiều trong Truyện Kiều - Nguyễn Du đưa ra thật giản dị cụ thể, thấm đẫm chất ứng xử của văn hoá Việt, của đạo đức truyền thống Việt Nam:
 
- Làm con trước phải đền ơn sinh thành
- Thà rằng liều một thân con
Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây
 
Trao duyên cho em để trọn tình, vẹn nghĩa với chàng Kim. Tấn bi kịch đầu đời của người con gái 15 tuổi đã khiến không ít độc giả nhỏ nước mắt khóc thương. Nhưng những ứng xử của nàng cũng trong đêm đầy đau khổ ấy đã khiến cho nhiều, rất nhiều người phải trân trọng, vị nể. Cái cách nàng trao duyên cho em, sự nhún mình của nàng trước em: “Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa” cho ta thấy một tầm văn hoá cao trong ứng xử của nàng. Rằng nàng đã trân trọng em biết bao nhiêu, nàng hiểu sự khó xử của em trước tình cảnh chị biết nhường nào. Yêu thương trìu mến, với những kỷ niệm vấn vương, Kiều lần giở từng kỷ vật cũ… Đớn đau đến tận cùng, nhưng không một lời ca thán, chẳng một tiếng than phiền, Kiều đã nhận hết trách nhiệm về mình:   
                                                    
Vì ta khăng khít cho người dở dang
- Thề hoa chưa ráo chén vàng
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa
Trời Liêu non nước bao xa
Nghĩ đâu rẽ cửa, chia nhà tự tôi
 
Một người con gái ở độ tuổi 15, trước thử thách khốc liệt đến thế đã không hề đổ lỗi cho hoàn cảnh. Cách ứng xử của nàng, tinh thần dám gánh chịu trách nhiệm của nàng: vì ta; tự tôi đã khiến chúng ta phải động lòng suy ngẫm - đặc biệt trong thời kỳ hiện tại, khi mà tinh thần, sự hữu trách của không ít cá nhân trong gia đình, trước xã hội đang bị xói mòn, bị che khuất.
 
Thất thân cùng Mã Giám Sinh – Kiều thương mình thì ít mà nghĩ thương Kim Trọng đến vô cùng. Tất cả những hối tiếc không sao cứu chữa được của Kiều đều là vì Kim Trọng:
 
- Vì ai ngăn đón gió đông
Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi
- Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
 
Tất cả đã vẽ lên một nàng Kiều không chỉ “sắc đành đòi một tài đành họa hai” mà còn là một người con gái đa tình, đa cảm, hiếu nghĩa đủ đường
 
3. Khi bước chân vào cuộc sống lầu xanh
 
Bán mình cho Mã Giám Sinh, Kiều rơi vào lầu xanh của mụ Tú Bà, không cam chịu cuộc đời ê chề, nhục nhã nàng đã tự tử. Suốt chặng đường mười lăm năm lưu lạc, lúc nào có cơ hội là Kiều lại nghĩ đến người thân. Cha mẹ, hai em và đặc biệt là Kim Trọng luôn sống trong tâm tưởng nàng (có 7 lần nhớ đến cha mẹ, 5 lần nhớ đến Kim Trọng). Nỗi nhớ ấy được thể hiện qua những lời độc thoại nội tâm của nhân vật Thúy Kiều:
 
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm thân gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
 
Kim Vân Kiều truyện nhân vật vẫn nhớ nhung nhưng là chỉ nhớ chung chung, nhớ vì nhân vật phải vậy chư Thanh Tâm Tài Nhân không có dụng ý thể hiện, miêu tả tính cách nhân vật trong những lần nhớ đó. Còn ở Truyện Kiều là cả một tâm trạng cô đơn, buồn da diết, canh cánh bên lòng lời thề thốt cũ, nặng trĩu trên vai bổn phận của kẻ làm con khi phải từ biệt cha mẹ ra đi:
 
Vì lo san sát hơi may
Một trời thu để riêng ai một người
Dặm khuya, ngất tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông
Rừng thu từng biếc chen hồng
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn
 
Giữa lúc cô đơn trống trải và mong muốn giải thoát khỏi cuộc sống lầu xanh thì Kiều gặp gỡ Sở Khanh. Cái cách mà Kiều cư xử trong hai tác phẩm cũng có nhiều điểm khác nhau. Trong Kim Vân Kiều truyện, Sở Khanh sau khi bàn tính dự định cứu Kiều đã một hai đòi nàng tạ ơn trước: “Thúy Kiều lúc ấy cũng muốn cố kết lòng chàng, để chàng tận tâm cứu vớt, vả lại nàng tự xét thấy: Thân này chót đã còn đâu như lúc ngày xưa? Nên cũng tỏ lòng ưng thuận: - Mong chàng ra tay cứu vớt, đâu dám tiếc sự gối chăn, miễn sao thủy chung như một, đừng để thiếp phải mang hận, ngâm khúc bạch đầu”
Thế rồi sau khi đối đáp vài câu, cả hai đã vội vã dắt nhau lên giường. Có lẽ Nguyễn Công Trứ đã lên án Kiều tà dâm là Kiều của Kim Vân Kiều truyện chứ không phải Kiều của Nguyễn Du:
 
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm
                                (Trách Kiều)
 
Đối với Sở Khanh, Nguyễn Du không để nàng Kiều tạ ơn theo kiểu Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều truyện, nó nhiệt thành quá, như vậy ý niệm về nhân cách của Kiều sẽ bị làm cho vẩn đục, nên ông đã để cho Kiều nghi ngờ hắn ngay từ đầu.
 
Kiều của Nguyễn Du trở thành gái lầu xanh không có nghĩa là Kiều cũng tà dâm. Trong bài viết Quyền sống của con người trong truyện Kiều, Hoài Thanh đã thanh minh cho nàng: “Sở dĩ có chế độ mãi dâm là vì có chế độ bóc lột người. Nhưng mãi dâm là một vết nhơ phong kiến không muốn nghĩ đến hay có nghĩ đến thì cứ cho tất cả những người mãi dâm đều là phường vô loại cho yên trí, cho trật tự xã hội khỏi bị lung lay. Thế mà giờ đây lại có một người trong phường vô loại đó được đưa ra giới thiệu với xã hội như một người nếu chưa phải liệt nữ, chưa phải là gương đạo đức thì ít ra cũng là một người biết đau khổ, biết giận hờn, biết chuộng cái hay, biết ghét cái xấu như tất cả mọi người”. Chuỗi ngày sống ở lầu xanh là những tháng ngày tủi nhục nhất trong cuộc đời Kiều. Nguyễn Du đã miêu tả tâm trạng Kiều khi ở lầu xanh lần thứ nhất đó là sự cảm thụ thấm thía giữa các yếu tố đối lập: quá khứ - hiện tại, truy hoan - chán chường, ồn ào tấp nập - cô đơn khủng khiếp. Đó là biểu hiện của sự giằng xé kịch liệt trong tâm hồn một con người có bản ngã trong sạch, vốn sống một cuộc đời “Êm đềm trướng rũ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai” mà nay phải dấn thân vào chốn tận cùng nhơ bẩn. Đoạn này không có trong Kim Vân Kiều truyện, Nguyễn Du đã thêm vào để Kiều có dịp ngồi đối diện với chính mình để tự giày vò khi ý thức được sự nhục nhã ê chề, rồi tự xót mình, cảm thương cho số phật nghiệt ngã:
 
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
Khi sao phong gấm rũ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân
 
Những đoạn độc thoại nội tâm đầy đau đớn ấy chính là sự tự ý thức về nhân phẩm của Kiều mà Thanh Tâm Tài Nhân đã không khắc họa được, và ở đó Nguyễn Du đã làm cho nhân cách của nàng Kiều thực sự tỏa sáng trong tình cảm trân trọng, ngưỡng mộ của bạn đọc.
 
4. Trong màn đoàn viên
 
Kết thúc 15 năm trầm luân với bao biến cố, bao sự đoạ đày, những tưởng gặp lại gia đình, gặp lại tình nhân Kiều sẽ dễ dàng nhận hạnh phúc từ tay em trao lại, nàng sẽ dễ dàng sà vào lòng người yêu để sống chuỗi ngày còn lại trong ấm êm, trong đủ đầy viên mãn. Thế nhưng bằng ý thức tuyệt vời về nhân phẩm và về giá trị của bản thân, nàng đã từ chối không chịu cùng Kim Trọng chăn gối:
 
Thiếp từ ngộ biến đến giờ
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa
Bấy chầy gió táp mưa sa
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn
Còn chi là cái hồng nhan
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh
Đã hay chàng nặng vì tình
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru
Từ rày khép cửa phòng thu
Chăng tu thì cũng như tu mới là
Chàng dù tính chuyện gần xa
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ
Nói chi kết tóc xe tơ
Đã buồn cả ruột lại dơ cả đời

 

Cách cư xử ấy của Kiều, không chỉ làm Kim Trọng thêm yêu nàng mà còn khiến cho độc giả càng thêm quý trọng nàng.
 
Có thể nói rằng tất cả ứng xử của Thúy Kiều trong một chuỗi những tình huống khác nhau trong cuộc đời nàng đều đem đến cho độc giả không ít những suy ngẫm, trăn trở trong sự trân trọng, nâng niu, cảm phục. Vì vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà hầu hết các thế hệ độc giả, các đối tượng độc giả lại yêu Kiều đến thế. Kiều đã từ đời sống văn học bước vào cuộc đời của mỗi người dân Việt Nam bằng tầm cao, bằng chiều sâu của những ứng xử tuyệt vời của một người con mang tâm hồn Việt, cốt cách Việt, văn hoá Việt. Bài học từ những ứng xử của Kiều sẽ luôn mới, luôn sống dẫy, có hồn đối với bất cứ ai muốn đạt tới đích của những người có khả năng ứng xử văn hoá./.
 
Hồ Thị Kim Hoa - Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh)
(Tham luận tại Hội thảo khoa học Nguyễn Du -Truyện Kiều với quê hương Nghi Xuân)

Audio Guide

nguyendu.d.webcom.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website