nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

QUAN ĐÔNG HẢI : TẬP THƠ VĂN ĐẶC SẮC VÀ NHIỀU GIÁ TRỊ CỦA NAM SONG NGUYỄN HÀNH


 
Trong số những danh nhân họ Nguyễn Tiên Điền kể từ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm trở đi, Nguyễn Hành có thể được xem là một vị xử sĩ tài năng, tiếng tăm lan truyền khắp chốn. Không phải ngẫu nhiên khi ông được người đời tôn xưng là một trong “An Nam ngũ tuyệt” xứ Nghệ (thế kỷ XVIII – XIX), sánh ngang với Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du – người chú ruột của mình.
 
 
Cuộc đời ông biến động không ngừng theo sự “xoay vần” của thời cuộc. Với quan niệm “hành - tàng”, “xuất – xử” của riêng mình và tâm thức “cố Lê” (hướng chí nguyện về triều Lê quá vãng – nơi ông nội Nguyễn Nghiễm, bác Nguyễn Khản, cha Nguyễn Điều và toàn gia chịu nhiều ân điển), Nguyễn Hành giữ mình, không chính thức tham gia cộng tác với các vương triều mới (Tây Sơn, Nguyễn).
 
Mặc dầu vậy,  trong quá trình sinh sống, dù ở Kinh đô Thăng Long, ở quê mẹ Bắc Ninh hay quê hương xứ Nghệ, thì danh tiếng của ông cũng vang vọng khắp nơi.
 
Nguyễn Hành không cộng tác với triều Tây Sơn (về chính sự), song vẫn gìn giữ mối quan hệ chân thành với “người của Tây Sơn”, điển hình như với Hải Lượng thiền sư Ngô Thì Nhậm. Đến khi họ Ngô hoàn thành công trình Phật học Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, bèn thỉnh mời ông đề từ, đề tựa. Với cảm tình thuần túy về đạo pháp, Nguyễn Hành bèn nhận lời viết phần Tiểu khấu (Vĩ thanh) cho bộ Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.
Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, triều Nguyễn trung hưng công nghiệp, Nguyễn vương Phúc Ánh chính thức lên ngôi Hoàng đế (1802),  thiết lập tân triều, lấy niên hiệu Gia Long (1802-1820), bắt đầu cho triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam trong lịch sử.
 
Cũng vì tâm thức “hoài Lê” (cố Lê), nên Nguyễn Hành dẫu “bác lãm quần thư” học sâu nhớ rộng, trí tuệ xuất chúng hơn người nhưng vẫn giữ mình không ra phò tá. Tuy nhiên, câu chuyện không tham gia cộng tác với tân triểu (triều Nguyễn) chỉ diễn tiến ở phương diện chính sự, tức ông không tham gia vào bất kỳ một chức vụ nào ở bộ máy hành chính của triều đình (điểm này ông khác biệt với chú mình là Thanh Hiên Nguyễn Du).  Còn lại, trên phương diện chữ nghĩa và giao lưu trao đổi với các mệnh quan của triều Nguyễn thì Nguyễn Hành vẫn thực hiện rất bình thường. Chuyện đó chính được thể hiện ngay trong thơ văn của ông, mà rõ ràng và tiêu biểu nhất là từ phần nội dung của các bài Nghệ An phong thổ ký tự, Hựu Nghệ An Hoan Châu Việt Thường khảo biện Nghệ An phong thổ ký bạt thuộc tập sách Quan Đông hải này.
 
Chẳng hạn, tại phần tiêu đề bài tựa Nghệ An phong thổ ký tự [乂安風土記序]  có chép: “Thừa Đốc học Bùi Tồn Trai tiên sinh giáo cảo, dụng Tiên sinh ý tác chủ” [承督學裴存齋先生教稿,用先生意作主] (Vâng theo bản thảo của Đốc học Bùi Tồn Trai (Bùi Dương Lịch) tiên sinh, dùng theo chủ ý của tiên sinh để biên soạn). Qua đoạn trên, chúng ta biết rằng bài tựa sách Nghệ An phong thổ ký của Đốc học Nghệ An Bùi Huy Bích chính là phần biên soạn của chính tác giả Nguyễn Hành. Theo đó, Nam Song Nguyễn Hành và quan Đốc học Bùi Huy Bích (quan triều Nguyễn) hẳn nhiên có qua lại, trao đổi cùng nhau không ít.
 
Về cuộc đời, sự nghiệp và khảo thuật về hệ thống trước tác của Nguyễn Hành, chúng tôi đã trình bày tương đối chi tiết tại Minh quyên thi tập[1].  Ở đây, chúng tôi chỉ xin nói qua vài điểm nhấn trong tập sách Quan đông hải này.
 
Trước hết, bản thảo Quan đông hải không phải là cảo bản của chính tác giả, mà là nhờ công sức của nhiều người đã chép lại, lưu trữ và sau này, cử nhân Hà Văn Gia đã sưu tầm, biên chép và đặt tên như trên. Điều này cũng được tác giả Nguyễn Ngọc Nhuận nghiên cứu và đi đến khẳng định ở bài viết “Nguyễn Hành và tập Quan đông hải” (Thông báo Hán Nôm học 1996):
 
“Văn bản tập Quan Đông Hải: Quan Đông Hải là di thảo của Nguyễn Hành. Trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện có 3 bản viết tay, mang ký hiệu A.1530, VHv.1444, VHv.81. Bản ký hiệu: VHv.81 có tự đề là: Quan Hải Đông. “Quan Hải Đông” nghĩa là: Ngắm miền Hải Đông. Chúng ta có thể xem lại có phải Quan Hải Đông là một cái tên khác của tập di thảo do Nguyễn Hành đặt không? “Hải Đông” là tên một phủ vùng duyên hải phía Bắc, tương đương với tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Thời Nguyễn Hành, vùng này được gọi là Phủ Hải Đông, đến đời Nguyễn năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) đổi làm phủ Hải Ninh. Xét tiểu sử và những sự kiện liên quan trong cuộc đời Nguyễn Hành, thì vùng đất Hải Đông rất xa lạ với ông. Có lẽ người sao chép đã ghi nhầm tên tác phẩm của Nguyễn Hành là Quan Đông Hải thành Quan Hải Đông. Cũng vì thế, đến các ông Trần Văn Giáp, Tạ Phong Châu... đã ghi là Quan Hải tập.
Xét về nội dung của 3 văn bản A.1530, VHv.1444, VHv.81, người ta có thể thấy được chúng tương tự nhau, có lẽ chúng được chép ra từ một bản gốc. Quan Đông Hải không chỉ là một tập thơ, xen kẽ thơ còn có những bài tựa như: Vô ẩn lục tự, Lạc sinh tâm đắc tập tự... Những bài bạt như: Đẩu số thư bạt, Nghệ An phong thổ ký bạt... Những bài ký như: Đồng xuân ngẫu ký, Nam song ký... hay những bài phú như: Loạn thế độc thư cao phú, Đạo ngộ Bái công phú...”[2]
 
Từ khảo biện của ông Nguyễn Ngọc Nhuận, chúng tôi đã tiến hành đối chiếu kỹ ba bản viết tay Quan đông hải với các ký hiệu: A.1530, VHv.1444 và VHv.81, thì đúng như xác quyết của nhà nghiên cứu này. Tức, các bản này chỉ khác nhau ở người chép, nhưng về nội dung thì tương đối đồng điệu với nhau (một số điểm khác chỉ do nhầm lẫn khi chép, nên có độ lệch nhẹ, nhưng không ảnh hưởng gì quá lớn đối với nội hàm văn bản tác phẩm).
 
Qua đối chiếu và xác định về vấn đề văn bản, chúng tôi đã lựa chọn văn bản A.1530 để làm bản nền (bản đáy, bản cơ sở) phục vụ cho công tác phiên dịch chú thích trong tập sách này, bên cạnh đó, chúng tôi có phần điều chỉnh một số yếu tố cho hợp lý, dựa trên các văn bản của Quan đông hải còn lại, cũng như một số bài ở Minh quyên thi tập, Nghệ An phong thổ ký
 
Tập văn thơ Quan đông hải này cũng tương tự như Minh quyên thi tập của chính tác giả Nguyễn Hành ở tính không đồng nhất về trình bày (có lẽ do người chép sau này đã gom lại nhiều bài ở nhiều nơi, nên chưa có tính thống nhất). Tức, ở đây, nhìn thoáng qua thì thấy người sao chép có phân loại các hạng mục như thơ thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, tứ tuyệt, thơ cổ phong, phú, tự, bạt, ký, từ, tụng… Tuy vậy, khi vào thực tế thì không được rõ ràng về thể loại như cách phân loại của người chép ở trên.
 
Chẳng hạn, mục 記 bắt đầu bằng các bài Hoàng thị gia miếu tiền sơn thủy thụ mộc ký [黃氏家廟前山水樹木記], Đồng Xuân ngụ ký [同春寓記], rồi đến mục Tự dẫn [序引] (với các bài Thất cảm tập tự [七感集序], Tống Khoái Châu phủ Hoàng quý thai phó triệu tự [送快州府黃貴台赴召序]). Xen vào giữa lại là bài thơ Quốc học [國學] (thất ngôn bát cú) và hai bài Đăng hoa (Đăng hoa nhị thủ [燈花二首]) . Tiếp theo lại đến thể 記 (gồm: Tiên Hội miếu môn ký [僊會廟門記], Nam Song ký [南窗記], Đẩu số thư bạt [斗數書跋]); rồi lại đến Tự dẫn序引 (gồm: Lạc sinh tâm đắc tự [樂生心得集序], Quý Sửu văn ký lục tự [癸丑_聞見錄序], Vô ẩn lục tự [無隱錄序], Nghệ An phong thổ ký tự [乂安風土記序], Hựu Nghệ  An Hoan Châu Việt Thường khảo biện [又乂安驩州越裳攷辨], Nghệ An phong thổ ký bạt [乂安風土記跋]…).
 
Các ví dụ trên cho thấy tính không thống nhất xuyên suốt trong cách trình bày ở Quan đông hải, và cũng gián tiếp khẳng định đấy là bản cảo được người sau thu thập ở nhiều nơi, từ nhiều nguồn rồi có lẽ do gấp gáp nên chỉ đưa vào theo thời gian sưu tập (mặc dù có phần ghi về thể loại), chứ chưa dụng công phân loại cụ thể ở từng loại thể.
 
Một vấn đề nữa về tình hình văn bản của Quan đông hải, chính là có yếu tố lặp lại một số bài thơ văn từ tụng ký bạt ở Minh quyên thi tập (với một số từ ngữ, câu cú có khá biệt so với Minh quyên thi tập). Trước tình hình đó, chúng tôi trước khi tìm hiểu về nội dung, đã bỏ nhiều công tiến hành khảo biện, chú thích về tính hợp lý của câu chữ, văn phong trong các bài này.
 
Về nội dung và giá trị tổng quát của Quan đông hải, qua tìm hiểu và phiên dịch, chúng tôi thấy rằng Quan đông hải là tập thơ văn chất chứa nhiều nội hàm ý nghĩa đầy giá trị. Bên cạnh các bài thơ nhiều thể loại (thơ vịnh cảnh, vịnh tình, ngụ ý ẩn tình, thơ châm ngôn giáo dục …) đem lại cho người đọc một cách nhìn tổng quát, đầy đủ hơn về trí tuệ, tình cảm cũng như những cảm xúc thăng hoa, những bước đường bôn tẩu ngược xuôi, nỗi lòng hướng về vợ con, hướng về quê cha đất tổ…, thơ ở Quan đông hải còn là niềm sảng khoái, tự hào về cảnh đẹp quê hương đất nước, về các danh nhân trứ nghiệp trong lịch sử, cũng như các tấm gương tiết hạnh của người phụ nữ, đáng để người đời ngưỡng vọng và noi theo.
 
Nói về người phụ nữ nói chung, về các “Liệt nữ” nói riêng, bài Tự 序 (lời tựa) của Nguyễn Hành trong Liệt nữ nhị thập cửu thủ tịnh tự 烈女二十九首并序 (29 bài thơ về liệt nữ và bài tựa) xứng đáng được xem là một trong những bài giá trị nhất để tôn vinh tiết hạnh và công trạng của phụ nữ. Cùng đó, tác giả còn cho ta thêm rõ về ý nghĩa sâu xa của “càn đạo thành Nam, khôn đạo thành Nữ” 乾道成男,坤道成女 (Cung Càn tạo thành Nam, cung khôn tạo thành Nữ), giúp người đọc hiểu rõ hơn về các khái niệm “tôn – ti” (nam tôn nữ ti) thấm nhuần tư tưởng triết học Phương Đông. Theo đó, trời đất, càn khôn, nam nữ có phương vị cao – thấp theo đúng chức năng, vị trí và vai trò của nó. Vũ trụ điều hòa thì càn khôn phải chính danh, hòa hợp. Tư tưởng này là tư tưởng triết học sâu sắc của Phương Đông, chứ không phải hiểu theo cách phân biệt đối xử “trọng nam khinh nữ”, khinh thường hay tôn cao một ai, một thứ gì. Tác giả viết:
 
Kinh Dịch rằng: “Cung càn tạo thành Nam, cung khôn tạo thành Nữ”. Thơ Quốc phong rằng: “nữ nhân ở nhiều, bậc thánh nhân chọn lấy [người ưu tú]”. Việc thiện lành thì đủ dùng lấy để khuyến khích, việc ác thì đủ lấy đó mà răn dạy, cho nên [đạo lý] chẳng thể ít đi được vậy. Xưa, Lưu Hướng biên soạn Liệt nữ truyện để tán dương họ, tôi phỏng theo ý đó [của Lưu Hướng] mà sáng tác Liệt nữ thi (Thơ về Liệt nữ) gồm 29 thiên (bài thơ), làm rõ theo từng loại vậy” (trích từ lợi Tựa trong Liệt nữ nhị thập cửu thủ tịnh tự).
 
Quan đông hải cũng cho thấy tác giả là người rất uyên thâm về tri thức Nho – Phật – Lão, được người đương thời kính nể, trọng thị. Với Phật giáo, Nhật Nam Nguyễn Hành thấu hiểu sâu xa về giáo lý đạo Phật. Trong lời Dẫn ở bài Đại Chân Viên Giác thanh tổng tán nhất thủ (hiệu Phạm thể, tịnh dẫn) [大真圓覺聲總讚一首(效梵体)并引] , tác giả cho ta hiểu nguồn cơn về việc vì sao ông biên soạn phần Tiểu khấu cho cuốn sách về Phật học của Ngô Thì Nhậm:
 
“Quan Thị trung Đại học sĩ họ Ngô [Thì Nhậm] xem văn chương của tôi, rất nhiều lần xuýt xoa khen ngợi. [Bèn] ban tặng cho tôi một chiếc áo lụa thâm của nhà chùa và giấy bút mực nghiên đủ các loại. Tại kinh đô [Huế] xa xôi, gửi cho tôi [bản thảo] hai mươi bốn “thanh” của Đại chân viên giác thanh, lệnh tôi cùng theo mỗi “thanh” làm một bài xướng, dùng lối văn Kinh Phật. Tôi gửi thư từ chối, chỉ làm riêng hai mươi bốn bài tiểu khấu ở dưới mỗi “thanh”. Phần cuối sách thì làm một đoạn văn tổng hợp bao quát, để đáp lại ý tình của ông, rằng: Nơi Đàn Hạnh dứt tiếng gõ mõ; Các mầm mối học thuyết cãi nhau huyên thuyên. Đạo Nho, Đạo Phật ai đúng ai sai! Bàn đi bàn lại vẫn chưa dám khẳng định. Thày tôi thông suốt ý nghĩa “nhất quán” , Nghĩa lý sâu sắc, mở ra tam tài (trời-đất-người). Như âm thanh tiếng Ca-lăng-tần-già, Kỳ diệu thay, thực là kỳ diệu. Ví như côn trùng trong lúc ẩn nấp , Mà đau đáu với tiếng sấm vang. Lại như tiếng gió thổi ở chòm sao Thiên thược, Gặp chỗ khúc quanh của rừng núi. Há đâu chỉ phát dương cho hiện nay. Mà tiếng vang vọng còn oai chấn tương lai.”.
 
Đối với các bậc uyên thâm đạo học, Phật – Nho hay Đạo giáo nói chung đều cùng một lý, chẳng ai đúng chẳng ai sai. Đúng sai ấy là chuyện của người đời phân định, chứ về uyên nguyên thì “tam giáo đồng quy” (ba đạo đều về một gốc rễ), đó là “nhất quán”. Đạo lý này được Nguyễn Hành chuyển tải khá nhẹ nhàng ở bài Đại Chân Viên Giác thanh tổng tán nhất thủ (hiệu Phạm thể, tịnh dẫn) trên.
 
Trong Quan đông hải, thi nhân Nguyễn Hành có nhiều bài viết tự răn, tự sửa mình, đó chính là tinh thần tự vấn, tự chỉnh sửa thân tâm để góp phần giúp chính mình tránh sai, hướng đến những điều tốt đẹp. Tiêu biểu là các bài viết theo thể “Châm” [ngôn] như Ma đâu châm [磨兜箴], Trị nộ châm [治怒箴], Ẩm thực nam nữ châm nhị thủ tịnh tự [飲食男女箴二首并序]… Những bài “tự răn” này không chỉ có giá trị cho chính bản thân người sáng tác, mà cũng là lời dặn dò gửi gắm đến các thế hệ hậu bối, để tự tiết chế tu sửa mình. Ví như bài Ma đâu châm có đoạn:
 
“Người họ Tần (Tần Quán) có bài minh văn (tự răn mình) ba chữ để bên phải chỗ ngồi của mình, gọi là “cẩn ngôn” (cẩn trọng trong lời nói) vậy. Không lời mà chẳng phải không nói lời gì, đấy là trời cao vậy. Lời nói mà chẳng là lời nói, đó là [lời] của bậc thánh nhân…”
 
Hay như trong lời tựa của Ẩm thực nam nữ châm lại có đoạn:
 
“Sách [Lễ Ký] rằng: “ăn uống, nam nữ là dục vọng lớn của con người”. Ấy nên, ta thường suy nghĩ về đạo lý điều chỉnh cuộc sống, nuôi dưỡng đức hạnh. Ta thuở nhỏ nhiều bệnh, đối với hai thứ ấy đều càng nên cẩn trọng tự răn mình, chứ đương say đắm vào nó thì chẳng làm được điều gì đến nơi đến chốn. Tỉnh giấc trở dậy thì nhanh chóng ngộ ra, tất hãi hùng mà lo sợ vậy, nhân đó viết bài châm để tự cảnh báo mình”
 
Nguyễn Hành là một đại diện tiêu biểu cho thế hệ nhà Nho xử sĩ của thế XVIII-XIX. Ông sống vào thời kỳ “loạn thế”, với nhiều biến động to lớn xảy ra thường xuyên và nhanh chóng của thế cuộc. Cũng bởi vậy, trong thơ văn của ông nói chung, trong Quan đông hải nói riêng xuất hiện nhiều bài viết tự giữ mình, tự tu luyện chân tâm, như Loạn thế độc thư cao [亂世讀書高], hay Vô ẩn lục tự [無隱錄序], Lạc sinh tâm đắc tập tự [樂生心得集序]. Ông viết:
 
“…Ta chẳng mẫn tiệp, thường hỏi các thứ “lưỡng đoan” (từ đầu chí cuối, cho rõ hết ngọn nguồn) cho đến hết mọi điều thay. Đấy gọi là việc ta không che giấu điều gì với người khác, mà chính đã có điều ẩn giấu vậy. Ấy gọi là ta muốn không nói lời nào, mã chính đã có nói lời rồi.
Ô hô! Há chẳng phải muốn biết cái gì gọi là “vô ẩn”, “phi vô ngôn” hay sao? Há chẳng phải muốn biết cái gì gọi là “dục vô ngôn”, “phi vô ẩn” hay sao? Ta ghét ôi những thứ “tri” (biết), ta ghét ôi những thứ “bất tri” (chẳng biết) vậy. Lặng lời mà suy nghĩ, chẳng biết tay mình múa gì, chân mình đạp gì. Chính ở đó là điều “vô ngôn”, mà che giấu ngay tại đó.
Nhân vì đó mà khiến gọi rằng: “vô ẩn lục” (ghi chép điều không che giấu) là đạo ấy vậy. Há bọn giữ riêng thân mình tốt đẹp thì sẽ làm cho người khác sáng tỏ điều gì ư? Chúng lại những mong thấy được đạo “vô ẩn”, để mà chính thân mình thi hành, tâm đắc, để diễn giải được đất của “vô ngôn”? Tất ghi chép những điều mình cân nhắc vậy. Mà ẩn giấu vậy ôi, mà nói lời vậy ôi….” (Vô ẩn lục tự).
 
Đấy đều là những lời đầy trí tuệ, phát ra từ tri thức và sự từng trải của một vị xử sĩ cao quý đương thời.
 
Từ trước tới nay, mọi người mặc nhiên gọi tên ông là Hành 衡 (Nguyễn Hành), trong khi đó, vốn tên trong gia phả họ Nguyễn Tiên Điền của ông là Đàm (倓)[3]. Đấy là điều khiến chúng tôi rất băn khoăn, dẫu vẫn tạm đồng thuận cùng cách gọi phổ biến xưa nay là Nguyễn Hành[4]. Chỉ đến khi tiếp cận và phiên dịch, khảo biện bài Nam Song ký [南窗記] trong Quan đông hải, những điều trăn trở của chúng tôi hoàn toàn được giải mã. Hơn thế nữa, Nam Song ký [南窗記] còn góp phần làm rõ lý do vì sao ông có tên hiệu là Nam Song, cũng như thiên hướng giữ mình ẩn dật của tác giả, khi noi gương theo Ngũ Liễu tiên sinh Đào Tiềm [陶潛] đời Tấn. Chẳng hạn, ở Nam Song ký, ông tự bạch rằng:
 
“… Tôi thường tụng lời của Đào Uyên Minh rằng: “dẫn Hồ trường dĩ tự chước, miện đình kha dĩ di nhan.  Ỷ Nam song dĩ ký ngạo, thẩm dung tất chi dị an[5] (Cầm nậm bối tự chuốc, ngắm cây sân, mặt vui. Dựa cửa sổ nam [Nam song], lòng phóng khoáng, thấy nơi chật hẹp dễ an nhàn). Lời thanh thoát mà ý tứ hội tụ đầy đủ. Nhân đó, tôi lấy Nam Song để tự khiến sai mình vậy.
… …Vả ôi, phương Nam là phương nuôi dưỡng lâu dài (đạo đức), là vùng đất văn minh, Hà Đồ hai mươi bảy quẻ, thì Hỏa ở phía Nam, Lạc Thư bốn mươi chín thì Kim ở phía Nam. Mà quẻ Càn là tiên thiên bát quái, quẻ ly là hậu thiên bát quái, đều ở vị trí phương Nam vậy.
Phương Nam là hướng chính diện của trời đất vạn vật vậy. Đất Hoan Châu xưa là đất Nhật Nam, tổ tiên của tôi là Nam Dương công (Nguyễn Nhiệm) bắt đầu gây dựng cơ nghiệp tại đây, mà Lĩnh Nam công (Nguyễn Quỳnh) là đạo hiệu của Tằng tổ nhà tôi vậy.
Tôi sinh ra vào ngày Bính tháng mạnh hạ (tháng 4), vừa mới nhận thức được thì ông nội Tư đồ (Nguyễn Nghiễm) đặt tên là Đàm (倓), kế đó mà lấy ấm thụ tước vị. Ông nội lại lệnh cho gọi là Hành (衡). Nguyên do lúc xuất lúc sinh, đến lúc được tên, đều từ phương Nam mà đến, lấy hiệu là Nam Song (南窗), tin rằng chẳng phải ngẫu nhiên.
Vả lại, tôi nghe rằng: Hỏa dương căn âm (hỏa là dương, mà gốc thì từ âm), Thủy âm căn dương (thủy là âm, mà gốc từ dương). Tĩnh là chân tính của động, ám (tối) là đất của minh (sáng). Con người chỉ biết Nam là Nam, mà không biết Bắc đối với Nam, là chân tính của Nam vậy thay!”
 
Chính đấy là cứ liệu chuẩn xác để giúp cho độc giả hiểu rõ nguyên nhân vì sao Nguyễn Hành có tên húy là Đàm, lại có thêm tên là Hành (bởi do ông nội là Đại Tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm đặt cho), lại là người cùng hướng đến tinh thần ẩn dật của Đào Uyên Minh, tên hiệu Nam Song từ đó mà nên; và chính ông cũng yêu mến hoa Cúc như xử sĩ Đào Tiềm vậy.
 
 người sinh ra và thuở nhỏ lớn lên trong một gia đình danh vọng, ông cha chú bác đều làm quan lớn tại triều Lê, Nguyễn Hành được giáo dưỡng kỹ càng, học tập và noi gương theo tiền nhân chuẩn mực. Khi lớn lên, vì biến động thời cuộc, ông đã bôn ba sinh sống khắp nơi. Những năm tháng bôn tẩu, lênh đênh sương gió, gặp vô vàn bất trắc khó nhọc … đều hiện lên rất rõ trong thơ văn của Nguyễn Hành. Duy một điều rằng, dẫu như thế nào thì tình quê hương, tâm tưởng hướng về chốn quê cha đất tổ Tiên Điền - Nghi Xuân nói riêng và vùng đất Nghệ An nói chung đã thể hiện khá đậm đặc và đầy sắc sảo trong nhiều bài thơ, từ, ca, phú, ký, tựa, bạt… Những địa danh như Núi Hồng, Sông Lam, đảo Song Ngư, Tiên Điền đàm (đầm Tiên Điền), núi Kỳ Lân, chùa Uyên Trừng Hoa Tạng, phong thổ đất Nghi Xuân, phong thổ đất Nghệ An, Tiên Hội miếu môn… hiện lên dày đặc ở Quan đông hải. Đấy là những bài viết về quê hương với ý tứ sâu sắc, hàm súc chứa đựng nhiều nỗi niềm yêu mến quê hương ẩn sâu trong lòng tác giả.
 
Đặc biệt nhất trong chuỗi các bài về đất Nghệ An, theo chúng tôi, bên cạnh các bài thơ ngụ ý tả tình thì chính những bài Nghệ An phong thổ ký tự, Hựu Nghệ An Hoan Châu Việt thường khảo biệnNghệ An phong thổ ký bạt … đã cung cấp thêm nguồn tư liệu văn bản khá chính xác, để bổ khuyết thông tin cho công trình Nghệ An ký – một tư liệu địa phương chí đặc sắc về vùng đất Nghệ An của Đốc học Bùi Dương Lịch.
 
Trước nay, khi nghiên cứu, khảo biện và phiên dịch về Nghệ An ký (mà theo các nhà nghiên cứu, sách này bắt nguồn từ Nghệ An phong thổ ký), giới nghiên cứu không xác định được có bài tựa (đầu sách), bài bạt (cuối sách) cũng như thời điểm và nguyên nhân ra đời của cuốn sách này là từ đâu. Tất cả những thắc mắc ấy đã được giải đáp một cách tương đối đầy đủ tại Nghệ An phong thổ ký tự, Hựu Nghệ An Hoan Châu Việt thường khảo biệnNghệ An phong thổ ký bạt được biên chép ở Quan đông hải. Qua đó, chúng ta thấy đấy là các bài do Nam Song Nguyễn Hành thay mặt Đốc học Bùi Dương Lịch biên soạn (Nghệ An phong thổ ký tự), viết thay cho Đinh Tường Thúc – tức Đinh Hồng Phiên (Nghệ An phong thổ ký bạt). Nội hàm của những bài này càng khẳng định về trình độ uyên thâm, hiểu biết sâu sắc về quê hương xứ Nghệ của tác giả Nguyễn Hành. Đồng thời, qua đây cũng góp phần khẳng định công lao của Binh bộ Tham tri - Hiệp trấn Ngô Nhơn Tĩnh đối với vùng đất, con người Nghệ An. Tức chính vào năm 1811, Ngô Nhơn Tĩnh được cử ra trấn trị xứ Nghệ An, bên cạnh việc xem xét cai quản mọi điều, viên Hiệp trấn này đã giao cho Đốc học Bùi Dương Lịch thu thập, biên soạn Nghệ An ký:
 
“Năm Tân Mùi (1811), Nhữ Sơn Ngô công (Ngô Nhơn Tĩnh) lấy hàm Binh bộ [Tham tri] đến phủ dụ (nhậm chức) ở đất Nghệ An ta. Trong những lúc rảnh sau thời gian làm chính sự, ông với quan viên bằng hữu bàn luận đến Phong thổ đất Hoan Châu, và có phần chưa thích ý bởi chưa được ghi chép vậy. Theo đó, ông dặn bảo tôi (ý chỉ Bùi Dương Lịch) sưu tập các điều mắt thấy tai nghe, lấy đó biên soạn cuốn sách Nghệ An phong thổ ký. Tôi chẳng thể chối từ, thối lui (dinh quan) mà suy nghĩ về điều đó, hoặc có gì đó để phát huy ra (bắt đầu thực hiện) vậy…”
(Nghệ An phong thổ ký tự),
 
Lại trong Nghệ An phong thổ ký tự, Nguyễn Hành đã đúc kết về tính cách con người và xứ sở (phong thổ) Nghệ An rằng:
 
“Người [xứ Nghệ] coi trọng sự yên ổn, tất học hành phải kiên định, vững vàng thay. Lại do ruộng đất nơi này chật hẹp, nên dân phải chăm chỉ, cần kiệm, dốc hết sức làm (nông) nhưng chẳng đủ. Mà sự hẹp hòi chẳng phải do tâm tính của dân tình, [nghĩa là] chẳng do đó sinh ra. [Người xứ Nghệ] tiết kiệm những thứ thường dùng [trong cuộc sống] còn dư thừa, mà đạo lý liêm sỉ (liêm khiết và biết hổ thẹn) thì không thể mất. … … Bèn [phong thổ các nơi] hoặc thuần túy, hoặc lẫn lộn, tất tuy là trong một làng một ấp mà chẳng thể không có sự khác biệt nhỏ được. Nhưng điều ấy cũng chẳng gây hại gì cho cái tương đồng bao quát giữa các nơi. Nếu đạo trời đương ở lòng người, với nhàn khí[6] đặc biệt sinh ra nơi kẻ sĩ, tựa hồ chẳng thể lấy phong thổ để mà câu nệ (ràng buộc) được. Nhưng cũng chớ phải chẳng lấy tinh hoa của phong thổ để mà tác động (khiến nên) vậy. …  … Nghệ An ngày nay có Phong tục là do có phong tục từ xưa tích tụ rồi. Chỉn hay cũng có sựu thịnh dày và suy bại vậy. Tất có quan hệ ràng buộc với con người. Triều đình lấy sự cổ vũ động viên mà hun đúc nên vậy. Thực là có thể nói hết ý như thế.”
(Nghệ An phong thổ ký tự),
 
Hoặc như Nghệ An phong thổ ký bạt, tác giả cho biết:
 
“… Ôi, phong tục là phong tục vậy. Khí của trời sở dĩ giao hòa với đất, đất thì có núi sông là giới hạn. Khí của đất sở dĩ tiếp biến với trời, phong (gió) từ lửa xuất ra, với mặt trời là đồng loại. Mặt trời tỏa ngàn dặm mà sai nhầm một tấc. Cho nên, đến với ngàn dặm, cũng có phần chẳng giống nhau. Cảm xúc bởi khí chất của núi sông, là ăn uống là khai khẩn ruộng đất, hoặc trước hoặc sau, mà sở dĩ những thứ ấy chính là Phong (tục), cũng tùy từng nơi mà khác nhau. Trong các khoảng dân sinh thì có tục lệ khác biệt, cương nhu nặng nhẹ xa gần đều khác. Năm vị giác khác biệt mà điều hòa, khí giới chế tạo khác nhau, áo quần khác biệt ở chỗ thích hợp từng chốn. Ấy sở dĩ gọi là phong thổ. Cho nên đó là cái khác biệt, mà tất yếu chẳng thể chẳng khác được. Mà sự tương đồng thì từ đầu chưa từng bất đồng vậy.
Bậc Thánh nhân nhân vì khác biệt (giữa các nơi) mà chẳng thay đổi tục lệ (từng vùng). Vốn từ tương đồng (điểm chung tổng quát) để mà tu sửa chính giáo thay. Đó gọi là sự chọn lựa nên đạo lý của trời đất, phụ trợ cho sự hòa hợp của đất trời, lấy dân ở tả hữu (các địa phương khác nhau) mà cai trị. Ôi, là việc cai trị giáo hóa mà chẳng bởi chăm lo quan tâm phong tục, tất tuy non sông vững chãi, sản vật tươi đẹp, nhân dân đông đúc, há được phù hợp mà ứng dụng cai trị sao! Ấy nên, ngài sở dĩ chăm chăm nắm giữ lấy Phong thổ xứ Nghệ An vậy. Ôi, Nghệ An tự có Phong thổ, các ngài rõ đã hiểu và nắm vững rồi. Ngài Hiệp trấn (Ngô Nhơn Tĩnh) mới vừa cai trị, tưởng đã hỏi han được nhiều điều thực tế, mà Đốc học Tiên sinh (Bùi Dương Lịch) sở dĩ dùng đó mà ghi chép, tất đã rõ ràng sáng tỏ thôi vậy.”
 
Nói tóm lại, những luận giải này về đất Nghệ An đã góp phần khẳng định Nguyễn Hành bên cạnh là một nhà Nho uyên thâm, thi nhân xuất chúng, còn là một nhà văn hóa, nhà Nghệ An học tầm cỡ. Và, cũng thông qua các bài tự bạt trên, ta thấy mối quan hệ giữa Đốc học Bùi Dương Lịch, Đinh Tường Phiên và Nguyễn Hành rõ ràng không hề qua quít, đại khái mà thực sự khá thân thiết chân tình. Bởi nếu không vì nghĩa tình khăng khít, đâu thể nào Nhật Nam Nguyễn Hành lại biên soạn giúp bài tựa, bài bạt và bài khảo biện cho Bùi Dương Lịch, Đinh Hồng Phiên như trên.
 
Chúng tôi quan niệm rằng phiên dịch thơ văn Hán Nôm đã là điều rất khó. Bởi lẽ “thi dĩ ngôn chí” (thơ ca lấy ngôn từ để biểu đạt ý chí, tâm thức của người viết), muốn thấu hiểu, cảm thụ thơ văn cổ điển, tất yếu dịch giả cần nắm được “hồn cốt” của thi thư, hiểu rõ phong cách của thi nhân thông qua những yếu tố hỗ tương như tiểu sử, sự nghiệp, các bước đường thăng trầm của họ. Đồng thời, cần nắm vững từng giai đoạn lịch sử vốn có những tác động rất lớn đến tâm thức của người viết. Bên cạnh đó, vấn đề nghệ thuật văn chương cổ, cùng những điển tích điển cố liên quan cần được tìm hiểu, chú thích thấu đáo làm nền tảng cơ sở để nắm vững được nội hàm tác phẩm.
 
Bao quát được những yếu tố trên, dịch giả phải tiến hành thẩm thấu, giải nghĩa cụ thể từng câu chữ, rồi qua đó mới “đồng sáng tạo” (nhất là trong các thể loại thơ, từ, phú, tụng, tán…), có nghĩa là người dịch vận dụng tri thức của mình để chuyển nghĩa đúng loại thể như chính nguyên tác, đấy là yếu tố dịch thơ. Vấn đề này không hề dễ dàng, mà bên cạnh kiến thức văn chương nghệ thuật căn bản, dịch giả còn phải là một “nhà thơ”, một “nghệ sĩ” để chuyển thể phù hợp. Một tác phẩm dịch về thơ phú từ tụng tán… được gọi là thành công, khi và chỉ khi bản dịch sát nhất, bộc lộ tương đối đầy đủ nội hàm của nguyên tác. Bởi vậy, việc dịch thuật thực sự không hề đơn giản. Càng thử thách hơn khi lại tiếp cận và phiên dịch những áng văn thơ của các Nho sĩ uyên bác, trí tuệ như thơ văn Nguyễn Hành.
 
Tuy vậy, những năm qua, chúng tôi được xem là có chút cơ duyên với các danh nhân họ Nguyễn Tiên Điền. Mặc dù trình độ hiểu biết rất hãn hữu so với tiền nhân, nhưng cũng nỗ lực đem chút sở năng phiên dịch và cho ra đời một số công trình về cuộc đời, sự nghiệp và thơ văn liên quan đến Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, Nhật Nam Nguyễn Hành (với Minh quyên thi tập)… Do đó, với tập sách Quan đông hải này, chúng tôi lại tiếp tục thử thách chính mình để mạnh dạn cho ra đời phần phiên dịch gần như toàn bộ tác phẩm[7]. Với trình độ kiến thức nhỏ bé của mình, chúng tôi nghĩ rằng bản dịch dưới đây tồn tại không ít những khiếm khuyết, hạn chế. Song, nếu không đi thì không thành đường, không dấn thân thì không bao giờ tiến lên được. Vì vậy, chúng tôi kính mong quý bằng hữu, độc giả có thể đóng góp ý kiến, chỉnh huấn hoặc bổ khuyết, làm rõ thêm ý nghĩa nội hàm, cũng như cách phiên dịch ở các bản dịch dưới đây. Đấy thực sự là điều rất cần thiết và bổ ích cho người biên soạn.
 
 
Vinh Quang, Trần Vinh
 

[1] Xin xem: “A. Nguyễn Hành: tiểu sử, hành trạng và trước tác” trong sách Minh quyên thi tập của Nguyễn Hành (Võ Vinh Quang chủ biên -  Hồ Bách Khoa - Trần Thị Vinh – Hồ Công Lưu), Nxb Nghệ An, 2017, tr.12-19
[2] Nguyễn Ngọc Nhuận, “Nguyễn Hành và tập Quan đông hải”, Thông báo Hán Nôm học 1996, link online của viện Hán Nôm: www.hannom.org.vn/detail.asp?param=944&Catid=347
[3] Theo Khang Hy tự điển康熙字典, Tử tập trung子集中, Nhân bộ人部 thì chữ 倓 được giải thích là: Đường vận《唐韻》 Tập vận《集韻》 Vận hội《韻會》: “Đồ cam thiết” 徒甘切; Chính vận《正韻》: “Đồ giám thiết” 徒監切; âm ĐÀMThuyết văn《說文》: [Đàm] có nghĩa là an nhàn, yên ổn (An dã 安也); Sách Ngọc thiên《玉篇》: [Đàm] có nghĩa là: Tĩnh lặng, êm đềm, an nhiên chẳng lo ngại gì (Tĩnh giã, điềm dã , hựu an nhiên bất ngại dã靜也,恬也,又安然不疑也)… Lại theo Tập vận《集韻》, Vận hội《韻會》: “thổ cảm thiết” 吐感切, âm THẢM音毯, nghĩa đồng義同 [tức theo nghĩa “cái đệm lông”]… Theo đó, ta có thể suy ra chữ倓 này có âm ĐÀM. Một số bài viết phiên âm “Đạm” là không đúng.
[4] Ngay trong sách Minh quyên thi tập (Nhà xuất bản Nghệ An, 2017), chúng tôi cũng có bàn luận khá cụ thể về vấn đề này. Và ở đó, chúng tôi vẫn khẳng định là chỉ tạm thống nhất theo cách gọi Nguyễn Hành, nhưng vẫn chưa thỏa mãn lý do vì sao.
[5] Dẫn hồ trường dĩ tự chước, miện đình kha dĩ di nhan. Ỷ nam song dĩ ký ngạo, thẩm dung tất chi dị an. 引壺觴以自酌,眄庭柯以怡顏。倚南窗以寄傲,審容膝之易安 (nghĩa là: Cầm nậm bối tự chuốc, ngắm cây sân, mặt vui.Dựa cửa sổ nam, lòng phóng khoáng, thấy nơi chật hẹp dễ an nhàn). Đây là phần đoạn văn được trích dẫn ở bài Quy khứ lai từ của Đào Uyên Minh
[6] Nhàn khí 間氣 (間:đọc gian, cũng đọc nhàn): người xưa quan niệm rằng kẻ sĩ kiệt xuất trong thiên hạ vốn sinh ra từ nguyên khí của trời đất, nên gọi là “nhàn khí” 間氣 (cũng viết nhàn khí 閒氣). Tác giả Tống Quân 宋均 trong sách Xuân Thu Vĩ Diễn Khổng đồ 春秋緯演孔圖 có lời chú rằng: “Chính khí vi đế, nhàn khí vi thần, cung thương vi tính, tú khí vi nhân” 「正氣為帝,間氣為臣,宮商為姓,秀氣為人」(Chính khí là khí tượng của bậc đế vương, nhàn khí là khí tượng của bề tôi (kẻ sĩ kiệt xuất), cung thương là khí tượng của bách tính, tú khí là khí tượng của con người nói chung)
[7] Còn một số ít bài thơ, phú ở Quan đông hải, mặc dù chúng tôi đã phiên dịch, nhưng sau khi nghiền ngẫm lại về ý tình, chúng tôi thấy bản dịch của mình chưa biểu đạt rõ giá trị của nguyên tác. Vì thế, chúng tôi xin lược cắt các bài đó, và sẽ tiếp tục dịch thuật chỉnh lý để đưa vào các công trình về thơ văn Nguyễn Hành trong tương lai.


Nghiên cứu thảo luận
Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Audio Guide

nguyendu.d.webcom.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website