nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Phân cấp quản lý di tích tại địa phương: Nhiều dấu hiệu cho thấy “lợi bất cập hại”


Dư luận những ngày qua quan tâm việc di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang được UBND tỉnh Hà Tĩnh lấy ý kiến về việc chuyển quyền quản lý khu di tích này cho cấp huyện. Nhiều ý kiến cho rằng, giao cho địa phương là đi lùi về quản lý.
 
 Người dân về thăm Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du
 
Trước đó, di tích này thuộc quyền quản lý của BQL di tích Nguyễn Du, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh.
 
Nhiều bất cập
 
Liên quan đến việc đang diễn ra tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du, BQL di tích Nguyễn Du và UBND huyện Nghi Xuân đều có lý khi nói về các hoạt động nhằm phát huy giá trị di tích này. Phía BQL lập luận, Khu lưu niệm Nguyễn Du là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đang thuộc quyền quản lý của Sở VHTTDL, giao về cho UBND huyện Nghi Xuân là một bước lùi về công tác quản lý và đề nghị cho giữ nguyên mô hình quản lý, đề xuất với Sở VHTTDL xây dựng đề án đưa Khu lưu niệm Nguyễn Du về trực thuộc UBND tỉnh. Khác với quan điểm này, UBND huyện Nghi Xuân cũng đưa ra những lý do chứng minh việc đủ sức để tiếp quản và bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
 
Có thể nói đây là một trong những sự việc cho thấy việc phân cấp quản lý di tích tại các địa phương, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt cần có sự nghiên cứu, cân nhắc kỹ càng, với mục tiêu cốt lõi là đảm bảo việc bảo vệ, phát huy được giá trị di sản. Nhìn lại quá trình triển khai phân cấp quản lý di tích tại các địa phương trong cả nước thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được cũng bộc lộ những bất cập, thậm chí tiêu cực trong công tác bảo tồn, nhiều trường hợp làm xâm hại đến di tích. Bình luận trước những ý kiến liên quan đến di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du, ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội nêu quan điểm, Khu lưu niệm Nguyễn Du hiện đang được BQL di tích thuộc Sở VHTTDL Hà Tĩnh quản lý đạt hiệu quả tốt thì nên tiếp tục để duy trì. “Trên thực tế ở cấp huyện, Phòng VHTT nơi nào ổn thì có một cán bộ có trình độ chuyên môn về di sản văn hóa, còn lại hầu hết không có đủ điều kiện, thiếu cán bộ đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ nên không thể đảm đương trọng trách quản lý, phát huy giá trị của những di tích với tầm vóc đặc biệt quan trọng...”, ông Tiến nhấn mạnh.
 
Nhìn nhận, đánh giá hiệu quả thực thi Luật Di sản văn hóa trong những năm qua, hướng đến xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung với những quy định phù hợp với thực tiễn, theo Cục Di sản văn hóa, hoạt động phân cấp quản lý cho các địa phương trên thực tiễn đã bộc lộ những bất cập, là nguyên nhân gây nên những hạn chế trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Cụ thể, việc bảo tồn chưa được ưu tiên và coi trọng tại các khu di sản, việc khai thác mạnh mẽ đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội. Còn hiện tượng vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích, xây dựng công trình mới... khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Đáng nói là còn hiện tượng một số vi phạm chỉ được phát hiện khi cơ quan báo chí lên tiếng.
 
“Vấn đề quản lý các di sản còn bất cập. Do di sản nước ta đa dạng về loại hình, chủ sở hữu nên mô hình quản lý di tích của các địa phương hiện nay rất đa dạng. Các BQL, trung tâm bảo tồn di sản là đơn vị sự nghiệp nên di tích được quản lý tốt. Các di tích cấp tỉnh và di tích trong danh mục kiểm kê chưa được xếp hạng, nhìn chung, chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả bảo vệ, phát huy giá trị di tích còn thấp...”, theo Cục Di sản văn hóa.
 
Những bất cập trong công tác bảo vệ di tích được nêu rõ trong báo cáo của Thanh tra Bộ VHTTDL. Theo đó, tại nhiều địa phương, công tác quản lý, tuyên truyền về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được chú trọng; do vậy hiện tượng xâm hại di tích còn diễn ra phổ biến, đơn cử có thể kể đến việc tự ý phá dỡ, tu bổ đình, chùa Đại Lâm (huyện Yên Phong, Bắc Ninh); việc xây dựng công trình đường lên đỉnh núi Cái Hạ (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) ngay trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình); xây dựng trái phép các hạng mục ngay trong khu vực II của di tích chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội); việc xây dựng trái phép các hạng mục trong khu vực bảo vệ I và II của di tích danh lam thắng cảnh Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)...
 
 Di tích đình Đại Lâm (Yên Phong, Bắc Ninh) bị xâm phạm nghiêm trọng
 
Không “khoán trắng” khi phân cấp
 
Tôn tạo chùa “chui”, phá hủy di tích không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng theo Thanh tra Bộ VHTTDL, một thực tế gây bức xúc là hầu hết các vụ tôn tạo chùa “chui” đều được chính quyền sở tại “phát hiện” khi chùa cổ đã bị hạ giải, phá hỏng các kiến trúc cổ.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn kể trên. Theo đó, nhiều di tích đang xuống cấp cần bảo quản, tu bổ trong khi nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước còn hạn hẹp, nguồn huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế nên công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do không có biên chế chính thức nên đội ngũ bảo vệ trực tiếp tại di tích phần đa đều chưa am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ. Mô hình quản lý di tích còn nhiều bất cập, bộ máy quản lý di tích chưa được củng cố, kiện toàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều nơi, BQL, Ban bảo vệ, trụ trì chưa quan tâm đến di tích, còn để tình trạng xuống cấp một số hạng mục trong di tích...
 
Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực bảo tồn di sản trên địa bàn Hà Nội, ông Trương Minh Tiến cho rằng, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần chú trọng vấn đề phân cấp quản lý di tích nhằm khắc phục những bất cập, bất nhất đang nảy sinh. “Phân cấp quản lý di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa phải nghiên cứu theo hướng xem cấp nào quản lý tốt thì giao cấp đó. Chúng ta thấy rằng, trong hệ thống quản lý di sản của ngành văn hóa, Cục Di sản văn hóa chủ yếu tham mưu cơ chế chính sách về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn cả nước. Cấp tỉnh, thành phố có một đội ngũ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ quản lý. Ở những địa phương có nhiều di tích như Hà Nội thì nên có một bước phân cấp nữa cho cấp quận, huyện...”, ông Tiến nói. Tuy nhiên, ông lưu ý, phân cấp quản lý không có nghĩa “khoán trắng”, ngành văn hóa phải có hướng dẫn về mặt nghiệp vụ, chuyên môn cho các quận, huyện; đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
 
Những di tích quốc gia đặc biệt hàm chứa những giá trị vô cùng lớn của di sản văn hóa dân tộc. Đối với những di tích này, tương tự như trường hợp Khu lưu niệm Nguyễn Du, ông Trương Minh Tiến đề xuất không phân cấp, khoán trắng cho các quận, huyện, thị xã quản lý mà Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương phải trực tiếp quản lý. “Việc trông nom cụ thể, đảm bảo an ninh trật tự thì giao cho địa phương. Nhưng nếu di tích xuống cấp phải tu bổ thì Sở phải trực tiếp làm, tránh tình trạng phá đình chùa, không phát huy giá trị di tích...”, ông Tiến nói.
 
Áp quan điểm trên vào Hà Nội, hiện có trên 20 di tích quốc gia đặc biệt, ông Tiến cho rằng, nếu giao cho các quận, huyện thì sẽ không có bộ máy chuyên môn. Việc phân cấp quản lý di tích cần rạch ròi ở hai việc: Thứ nhất, quản lý về mặt chuyên môn nghiệp vụ phải do các Sở Văn hóa thực hiện; về mặt hành chính an ninh trật tự nên do địa phương trực tiếp quản lý. “Tại Hà Nội, con số 5.922 di tích buộc Hà Nội phải phân cấp quản lý cho các quận, huyện. Tuy nhiên trách nhiệm của những người quản lý sau khi được phân cấp chưa cao, dẫn đến tình trạng xâm hại di tích, khi tu bổ không đúng. Nhiều nơi chọn các nhà thầu không đủ năng lực. BQL dự án tu bổ cũng không đủ năng lực, do đó, việc tu bổ xảy ra nhiều sai phạm cũng là điều dễ hiểu...”, ông Tiến phân tích.
 
Phân cấp quản lý di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa phải nghiên cứu theo hướng xem cấp nào quản lý tốt thì giao cấp đó. Chúng ta thấy rằng, trong hệ thống quản lý di sản của ngành văn hóa, Cục Di sản văn hóa chủ yếu tham mưu cơ chế chính sách về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn cả nước.
 
Cấp tỉnh, thành phố có một đội ngũ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ quản lý. Ở những địa phương có nhiều di tích như Hà Nội thì nên có một bước phân cấp nữa cho cấp quận, huyện...
                    
(Ông Trương Minh Tiến Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội)
 
   
Theo Phương Anh/baovanhoa.vn

Audio Guide

nguyendu.d.webcom.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website