Thứ 3, ngày 14-1-2025
|
Phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư khi quy hoạch di tíchNgày 31 tháng 12 năm 2018
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nghị định nêu rõ một trong các căn cứ lập quy hoạch di tích là lấy ý kiến tổ chức, cá nhân có liên quan; cộng đồng dân cư nơi có di tích.
Hình minh họa: Đình Nông Lục, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn
Ảnh Vi Phong
Theo Nghị định, quy hoạch di tích được lập cho một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.
Trường hợp di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt đồng thời có khu vực bảo vệ là một phần hoặc toàn bộ diện tích của khu du lịch quốc gia, rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển thì chỉ lập 1 quy hoạch di tích, trong đó lồng ghép nội dung giữa bảo vệ di tích với bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên địa chất, địa mạo, quyền và nghĩa vụ của cộng đồng theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về lâm nghiệp, thủy sản và quy định pháp luật khác có liên quan.
Nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch di tích gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; đề xuất phạm vi nghiên cứu quy hoạch, phạm vi quy hoạch; đề xuất nội dung về định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới; xác định kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Quy hoạch phải nêu rõ phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
Nghị định cũng quy định cụ thể nội dung quy hoạch di tích, trong đó cần phân tích, đánh giá hiện trạng di tích và đất đai thuộc di tích gồm: kết quả khảo sát, nghiên cứu về đặc điểm, giá trị di tích; tình trạng kỹ thuật, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; phân tích đánh giá các yếu tố của môi trường tự nhiên và xã hội tác động tới di tích; hiện trạng về sử dụng đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích, mối liên hệ di tích được quy hoạch với các di tích khác trong khu vực nghiên cứu.
Bên cạnh đó, xác định ranh giới khu vực bảo vệ di tích, kiến nghị về việc điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp khu vực bảo vệ di tích; xác định khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới; đề xuất việc xếp hạng bổ sung công trình, địa điểm mới phát hiện.
Nội dung quy hoạch cũng phải nêu rõ phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực quy hoạch; danh mục công trình cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng công trình; nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng tổ chức không gian, độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu của công trình xây dựng mới; định hướng cải tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch di tích...
Theo Vi Phong/cinet.vn
Tin tức sự kiện
| Audio GuideTham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |