Loading...
|
Những di sản đặc biệt gắn với Nguyễn Du trên đất Thái NguyênNgày 11 tháng 01 năm 2016
Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều nổi tiếng của dân tộc Việt Nam, con người và tác phẩm đã được tổ chức Văn hóa thế giới UNESCO công nhận và nhiều người biết đến. Nhân 250 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Du (1766-2015) chúng ta cùng tìm hiểu về những di sản văn hóa gắn với ông ở trên đất Thái Nguyên.
Nguyễn Du làm quan trấn thủ ở Thái Nguyên.
Như chúng ta đã biết, Nguyễn Du sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại quý tộc, cha là quan Đại Tư đồ Nguyễn Nghiễm thời vua Lê, chúa Trịnh (thế kỷ XVIII) từng đỗ Tiến sỹ, làm quan cận thần của cung vua phủ chúa, là một trong những vị quan lại có danh vọng nhất của dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Anh Nguyễn Du là Nguyễn Khản cũng đỗ Tiến sỹ làm quan lớn tại triều, người đã từng dịch tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn sang chữ Nôm. Nói về dòng họ Nguyễn Du ở địa phương đã có câu ca về sự thanh đạt của con cháu hậu duệ dòng họ Nguyễn làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh: “Bao giờ ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước họ này hết quan”.
Điều thú vị là đất Thái Nguyên đã in dấu chân của nhà thơ nổi tiếng. Nguyễn Du từng làm quan trấn thủ tại Thái Nguyên khi mới 20 tuổi, ông vừa thi đỗ Tam trường, do mối quan hệ thân thiết giữa cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm với một ông quan họ Hà ở Thái Nguyên, ông quan họ Hà này có tên đầy đủ là Hà Đình Bảng làm quan dưới quyền của quan Đại Tư đồ Nguyễn Nghiễm. Do ông không lập gia đình, không người nối dõi nên đã nhận Nguyễn Du làm con nuôi.
Năm 1784, ông quan họ Hà mất, chức quan Chánh thủ hiệu đã được truyền cho con nuôi là Nguyễn Du. Hiện nay, tại xóm Gốc Vải, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên còn ngôi đen cấm (đền ông) là nơi thờ ông Hà Đình Bảng - di tích về người cha nuôi nhà thơ Nguyễn Du.
Theo lời kể của ông Lê Viết Hoàn và một số nhân chứng ở địa phương thì trong dân gian vẫn lưu truyền những thông tin về ông Hà Đình Bảng. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân quê xóm Gốc Vải, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Tên thật cùa ông là Hà Đình Bổng khi cúng kỵ gọi chệch đi là Bảng, ông là người mưu trí có võ thuật và tài giỏi về quân sự. Vào thời nhà Lê ông đã có công giúp nhà vua đánh giặc khi chúng rút chạy qua vùng này. Ông Hà Đình Bổng không lập gia đình. Sau khi chúa Trịnh bị kiêu binh nổi loạn chém giết lẫn nhau phế Trịnh Cán lập Trịnh Tông làm chúa, Nguyễn Du lên Thái Nguyên đã được ông Hà Đình Bổng nhận làm con nuôi.
Sau khi ông mất nhân dân nhớ tiếc lập đền Cấm thờ ông. Ngôi đền cấm nằm ở vị trí đắc địa có ý nghĩa về mặt quân sự. Hiện tại muốn đi vào đền phải đi qua sân của đơn vị Sư đoàn 246. Chính khu vực này giữa là con đường Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Cao Bằng, hai bên là núi và khe suối dễ bề kiểm soát, tạo thế gọng kìm vững chắc. Trước ngôi đền có dòng suối ngầm tự nhiên chảy trong lòng đất phun lên không bao giờ cạn.
Trong hệ thống khu đền cấm có một tòa thờ Bản cảnh thành hoàng, một nếp nhà kiến trúc theo kiểu gác sàn làm nơi thờ ông Hà Đình Bảng nên đền cám còn có tên gọi là đền ông đề đối sánh với đền Bà thờ Mẫu Tam phủ ở bên kia đường.
Tại đền còn lưu lại một số cây đại dáng dấp cổ thụ giống như cây đại quan Đại Tư đồ Nguyễn Nghiễm đã trồng tại quê nhà làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và trước cửa nhà Thái học Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
Tại huyện Phú Binh năm 2004, cơ quan ngành văn hóa thông tin đã phát hiện hai cuốn Truyện Kiều, tác phẩm “thiên cổ kỳ bút” của Ngụyễn Du.
Cuốn Truyện Kiều cổ thứ nhất bằng chữ Nôm của gia đinh cụ Phạm Quốc Bảo ở làng Cô Dạ, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình. Thời điểm phát hiện cụ Bảo còn sống cho hay cuốn Truyện Kiều này đã từng được gia đình cụ truyền đời lưu giữ. Năm 2004, khi cụ Bảo xem ti vi biết được ở tỉnh Nghệ An mới phát hiện được cuốn Truyện Kiểu cổ bằng chữ Nôm khắc in năm 1866, cụ đã về quê cũ ở tỉnh Quảng Ninh để tìm lại cuốn Truyện Kiều cổ mà gia đình cụ đã gìn giữ bấy lâu nay.
Cuốn Truyện Kiều cổ của gia đình cụ Bảo là một quyển sách mất bìa. Sách được làm bằng giấy dó, in trên bản khắc gỗ, có kích thước 13 X 22 cm, 98 tờ in mặt, tổng cộng có 196 trang. Mỗi trang có 16 câu thơ lục bát (cả quyển có 3.136 câu thơ). Phần bị mất không rõ, phần còn lại mở đầu bằng câu: “Đã lòng hiển hiện cho xem; Tạ lòng này lại nối thêm vài lời…”. Phần kết thúc với câu: “Lời quê chắp nhặt dông dài; Mua vui cũng được một vài trống canh”. Sau câu này, có một lời chua nhưng đã bị nát không thể luận được chữ. Trong sách được trình bày hai phần chữ Hán và chữ Nôm, trong từng trang lại được chia ra làm ba phần, mỗi phần được khuôn lại từng ô vuông. Phần một số chữ khắc ít hơn so với hai phần sau, nội dung là lời văn theo lối hành văn của thể loại tiểu thuyết. Qua nghiên cứu thì đây có thể là lời văn của cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều tân truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Phần hai, phần ba cũng trình bày theo thể lục bát. Qua bước đầu khảo sát, nghiên cứu cho thấy, đây là một cuốn Truyện Kiều bằng chữ Nôm cổ vốn có tên nguyên văn là Kìm Vân Kiều tân truyện của Nguyễn Du từ xưa đã được phổ biển trong nhân dân. Tuy chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ văn bản, nhưng chúng tôi có một vài nhận xét sơ bộ như sau:
Bản này có những câu khác hẳn với các bản Nôm khác, đặc biệt là bản Quốc ngữ Truyện Kiều (xuất bản thứ XII) do Giáo sư Nguyễn Thạch Giang khảo đính - NXB Hà Nội, xuất bản năm 1999.
Trên đây, mới chỉ nêu lên một số trường hợp làm dẫn chứng để thấy được tính dị bản của văn bản Truyện Kiều mới tìm thấy này. Theo chúng tôi, đây cũng là chuyện thường tình của tình trạng văn bản Truyện Kiều từ xưa cho đến nay. Tuy có tính dị bản, nhưng về cơ bản vẫn có tính thống nhất như nhau. Đây là lần đầu tiên cuốn Truyện Kiều cổ được phát hiện ở tỉnh Thái Nguyên. Dựa vào tình trạng của cuốn Truyện Kiều này thì chữ khắc sắc nét, nét chữ đẫy khá rõ không bị nhoè như một số bản khác. Đem so sánh bản Truyện Kiều mới tìm thấy ở Thái Nguyên với bản của tỉnh Nghệ An được phát hiện gần đây, thì bản của Nghệ An có đầy đủ cả bìa nhưng lật mất nhiều số trang, số câu hơn (bản Nghệ An mất đến hơn 40 trang và khoảng 1000 câu thơ, bản mới tìm thấy ở Thái Nguyên thiếu có 118 câu thơ).
Cuốn Truyện Kiều thứ hai của gia đình cụ Dương Nghĩa Phùng ở làng Xuân La, xã Xuân Phương, huyện Phủ Bình. Cuốn Truyện Kiều này có kích thước 13 X 22 cm, nhỏ hơn cuốn của gia đình cụ Phạm Quốc Bảo. Trải qua thời gian quá lâu gần 100 năm giấy dó in nội dung Truyện Kiều đã sờn, toàn bộ cuốn truyện chỉ còn lại với khoảng gần 100 trang. Văn bản cuốn Truyện Kiều đã bị mất cả bìa đầu và bìa cuối, chữ được in trên bản khắc gỗ, nét chữ mảnh, gãy, hình thức nhàu nát, gáy sách được đóng bằng sợi dây gai. Theo cụ Phùng cho biết cuốn Kiều này là một trong những tài liệu sách Hán Nôm của gia đình được các cụ để lại. Từng trang của cuốn sách cũng được chia ra làm ba phần, phần trên là lời văn bình Kiều, dưới có 2 câu lục bát (trên 6, dưới 8) đó là lời thơ bằng Nôm Truyện Kiều. Qua xem xét cuốn truyện Kiều này cũng có thể được in vào cuồithời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX).
Cụ Dương Nghĩa Phùng bên cuốn sách cổ của gia đình ở làng Xuân La, huyện Phú Bình
Có thể nói những sự kiện gần với cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Du và những di sản văn hóa trong đó có Truyện Kiều mới được phát hiện được ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cũng là một trong những di sản quý cần được tuyên truyền, bảo vệ và phát huy giá trị trong cuộc sống hôm nay.
Theo Nguyễn Đình Hưng/Báo Văn nghệ Thái Nguyên
Nghiên cứu thảo luận
| Tham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |