nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Nhiều phát hiện mới về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”


Tại Viện Văn học vừa diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia nhân kỷ niệm 200 năm Ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du với chủ đề “Nguyễn Du - Truyện Kiều qua văn bản và các liên văn bản văn chương nghệ thuật”, thu hút các nhà nghiên cứu, giảng viên ở trong và ngoài nước với những nhận định và cung cấp tư liệu mới thú vị.
 

Ảnh chụp cảnh phim “Kim Vân Kiều” của hãng Indo-Chine Film sản xuất năm 1924

 
Lần đầu tiên thấy chân dung đại thi hào
 
Tại hội thảo, PGS, TS Trần Thị Băng Thanh (Viện Văn học) và Ths Nguyễn Thị Tuyết (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã giới thiệu về bản “Kim Vân Kiều tân truyện” lưu trữ tại thư viện Anh quốc. Bản “Kim Vân Kiều tân truyện (hội bản)” (còn gọi là Hội bản, ký hiệu OR14844) được tìm thấy ở thư viện Anh quốc từ năm 1994. Những hình ảnh được trình chiếu cho thấy dấu ấn trên cuốn sách thuộc về Hoàng gia triều Nguyễn, cách trình bày bìa lộng lẫy, sao chép cẩn thận, nét chữ thống nhất, tranh minh họa cũng rất công phu, khiến các nhà nghiên cứu nhận định có khả năng Vua Tự Đức là người… biên soạn cuốn sách. Và họa sĩ vẽ minh họa có phần chắc là người Việt, đã đem bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ 19 để minh họa cho các chi tiết trong truyện. 
 
Được biết, cuốn sách đã lênh đênh trôi giạt sang trời Tây, lạc vào hiệu sách cũ rồi may mắn được một học giả sưu tầm, sau hơn 100 năm mới được cố quốc biết đến. GS Trần Đình Sử đánh giá, đây là một khảo cứu công phu về văn bản học, những phân tích ngữ âm chỉ ra dấu vết phương ngữ Huế trong cuốn sách. Ngoài ra phát hiện về bức chân dung Nguyễn Du trong Hội bản có thể coi là bức chân dung đầu tiên về tác giả cũng sẽ mở ra những hướng nghiên cứu tiếp theo.
 
PGS, TS Nguyễn Văn Dân đã so sánh giữa bản dịch của nhà văn Radu Boureanu sang tiếng Rumani thông qua bản dịch Kiều sang tiếng Pháp của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh xưa kia. Bản tiếng Rumani xuất bản năm 1960, được viết bằng thể thơ Alexandrin 12 chân, như một biểu tượng về tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Rumani. Theo ông, việc dịch thơ không chỉ khó ở sự chuyển dịch ngôn ngữ mà còn ở sự khác biệt của hai nền văn hóa Đông - Tây, hai thời đại: trung đại và hiện đại. Bằng tình yêu với văn hóa Việt và dựa trên bản chuyển ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh, nhà văn Radu đã đưa Kiều cùng với những triết lý nhân bản về chữ “Tâm” của Nguyễn Du đến với độc giả Rumani. Cùng chủ đề về các bản dịch “Truyện Kiều”, TS Trương Hồng Quang (nhà nghiên cứu độc lập ở Đức) gửi bản tham luận video về chủ đề “Faust của Goethe ở Việt Nam và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ở Đức - So sánh hai quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa”. Tác giả đặt ra những gợi mở: liệu có mối liên thông giữa motip của hai tác phẩm này không? Cuộc du hành qua các thế giới của Faust và quãng đời 15 năm lưu lạc của Kiều, liệu có tồn tại một bóng dáng phi trần thế? 
 
Đa dạng “nghệ thuật hóa” Truyện Kiều
 
Còn TS Nguyễn Nam (ĐH Fulbright Việt Nam) gửi video trình bày tham luận “Cải biên điện ảnh đầu tiên thời thuộc Pháp: trường hợp phim “Kim Vân Kiều”. Qua đó, có thể thấy bản chuyển thể đầu tiên của “Truyện Kiều” là bộ phim “Kim Vân Kiều” của hãng Indo-Chine Film sản xuất năm 1924. Bộ phim đã thất truyền. Tác giả Nguyễn Nam dựa vào những dữ liệu trên báo Hữu Thanh (1924), Đông Pháp Thời Báo (1924), Trung Bắc Tân Văn (1923) để thuật lại ý tưởng và quá trình dàn dựng của bộ phim cũng như thái độ tiếp nhận của khán giả Việt - Pháp thời đó.
 
Theo khảo cứu của Ths Đào Thị Diễm Trang, từ thế kỷ XIX đến năm 2016, có tới 57 tác phẩm điện ảnh và sân khấu cải biên từ “Đoạn trường tân thanh”. Tập trung vào giai đoạn ba năm 2018 - 2020, Ths Trang cho thấy sự xuất hiện một loạt tác phẩm kịch, nhạc kịch, múa ballet, múa đương đại, múa rối cạn về tác phẩm này. Theo chị: “Việc chuyển thể “Truyện Kiều” thành các tác phẩm sân khấu đương đại là dịp để đối thoại và giãi bày những tư tưởng mới, đưa ra những cách tiếp cận mới”.
 
Khảo cứu của GS, TSKH Nguyễn Huy Mỹ về “Nguyễn Du ở Thăng Long và Tiên Điền bao lâu trước năm 1783?” cho thấy sự công phu khi tìm hiểu về niên biểu cuộc đời, hoạt động của Nguyễn Du. Nhấn mạnh quãng thời gian niên thiếu ở quê hương Tiên Điền và mối quan hệ với dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, GS khẳng định thời gian Nguyễn Du viết “Đoạn trường tân thanh” chính là lúc còn trẻ và ở quê Tiên Điền, chịu ảnh hưởng từ các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu và cả văn hóa Thăng Long.
 
Dường như hội thảo vẫn còn chưa “thỏa” với nhiều tranh luận sôi nổi chưa có hồi kết, nhiều tham luận có giá trị học thuật chưa được trình bày. Chứng tỏ sức hấp dẫn của những giá trị văn hóa tiềm ẩn trong sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du vẫn còn đa dạng, phong phú. Những vấn đề gợi ra từ tác phẩm được nhìn nhận và đánh giá qua lăng kính của giới nghiên cứu đương đại, đem đến cho tác phẩm những sắc màu văn hóa mới.
 
PGS, TS Đoàn Lê Giang với tham luận “Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản” đã đưa ra những khảo sát văn bản học về hệ thống các bản dịch “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sang tiếng Nhật, bên cạnh đó là phát hiện bản “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân còn xuất hiện sớm hơn ở Nhật, từ năm 1754. 
 
 
Theo Thanh Nga/Báo Thời nay

Nghiên cứu thảo luận
Đi tìm bản thảo "ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” của Nguyễn Du Khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng cho người đưa câu đối và lễ vật sang phúng viếng đồng thời thu về Cung tất cả những sổ sách, giấy tờ có trong nhà Nguyễn Du. Chắc rằng sau này khi đưa về " Ngự tiền thư viện " nhà vua đã cho người kiểm tra, nhưng không thấy có gì tỏ ra nguy hiểm nên đã cho vào kho cất kỹ.Trải qua 126 năm (từ 1820 đến 1946 ) với mười một đời vua kế tiếp nhau - sau Minh Mạng, cũng không có vị vua nào đoái hoài gì đến bó tài liệu của Nguyễn Du. Tháng 12- 1946, bọn Pháp tấn công chiếm kinh đô Huế, cụ Nguyễn Đình Ngân được lệnh đưa tất cả các loại sổ, sách, tài liệu... của "Văn hóa viện " chuyển ra huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để chờ tàu hỏa chuyển ra Bắc. Kháng chiến bùng nổ. Mặt trận Huế vỡ ! Mặt trận có ở khắp nơi. Để ngăn các cuộc hành quân của giặc Pháp. Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc " ra lệnh "Tiêu thổ Kháng chiên", đồng bào ở đô thị làm " vườn không nhà trống " và đi" tản cư”. Đường sắt, đường ô tô, ta đều chủ động phá hỏng để cô lập kẻ thù. Chuyến tàu hỏa mà cụ Nguyễn Đình Ngân chờ đợi không còn nữa ! Các cán bộ của " Văn hóa viện " cũng đi "tản cư” với hành trang gọn nhẹ, chuyển sang làm công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc " Kháng chiên thần thánh " - Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ gian khổ, để lại sau lưng Kinh thành Huế bị giặc chiêm đóng! Giặc Pháp tiến đánh Phong Điền. Nhiều làng mạc bị đốt cháy! Số phận bó " di cảo của

Audio Guide

nguyendu.d.webcom.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website