Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Bảo tàng quốc gia Kyoto ngày 14/10 đưa ra tuyên bố gây chấn động giới sử học nước này sau khi khẳng định thanh kiếm vô danh mà bảo tàng được hiến tặng năm 2013 chính là thanh bảo kiếm danh bất hư truyền Shimazu Masamune (Đảo Tân Chính Tông).

 

Thanh bảo kiếm đang được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Kyoto. (Nguồn: Yomiuri)

 

Theo giới chức bảo tàng có trụ sở tại quận Higashiyama ở Kyoto này, có thuyết cho rằng thanh bảo kiếm Shimazu Masamune đã được mạc phủ dâng tặng cho công chúa Chikako Kazu khi kết hôn với tướng quân đời thứ 14 Tokugawa Iemochi, cuối thời kỳ mạc phủ Tokugawa. Nếu được khẳng định chắc chắn, đây được cho là một bảo vật quốc gia.
 


Masamune là bảo kiếm được đúc từ cuối thời kỳ Kamakura và được sử dụng vào thời đại Nam Bắc Triều. Sự tồn tại của Shimazu Masamune được ghi chép trong “Hưởng bảo danh vật chướng” - cuốn sách ghi danh các bảo vật thời kỳ Edo.
 


Trong cuốn “Đao kiếm danh vật chướng” ấn hành năm 1913 cũng có đoạn ghi chép Masamune được tướng quân dâng tặng cho hoàng đế cùng 1.000 lượng vàng.
 


Thanh bảo kiếm này được một doanh nhân ở Osaka bán lại cho một cựu công tước và là cận vệ hoàng cung vào năm 1969. Năm 2013, người này đã hiến tặng thanh bảo kiếm cho bảo tàng quốc gia Kyoto.



Theo số liệu điều tra của bảo tàng, thanh bảo kiếm Masamune này có chiều dài 68,7cm, tương ứng với số liệu chiều dài được ghi trong cuốn “Hưởng bảo danh vật chướng” là nhị xích nhị thốn thất phân.
 


Các chuyên gia bảo tàng xác định nhiều khả năng đây chính là thanh bảo kiếm thất lạc Masamune được người đời ca tụng.



Shimazu Masamune sẽ được trưng bày tại bảo tàng cho khách thập phương đến tham quan từ ngày 15/10 đến 16/11./.