nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Nguyễn Du và Truyện Kiều ở nước ngoài


Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam với vị trí và tầm vóc khó có ai sánh nổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông được thế giới biết đến nhiều nhất trong số tất cả các nhà thơ Việt Nam, bởi một lẽ đơn giản ông là người thể hiện tài hoa nhất tính dân tộc và tâm hồn Việt. Trong số các tác phẩm  của Nguyễn Du Truyện Kiều là kiệt tác hết sức đặc biệt, vừa mang tính văn chương bác học, vừa mang tính phổ cập bình dân, vì thế được đông đảo quần chúng hơn hai thế kỷ qua nồng nhiệt đón nhận và nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu không ngừng bình luận, khám phá.
 
 
Kim Vân Kiều do GS Takeuchi Yonosuke (Nhật Bản) dịch     
 
 Truyện Kiều đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam để đến với độc giả nhiều nước trên thế giới. Tính đến nay đã có trên 30 bản dịch Truyện Kiều ra ngót 20 thứ tiếng nước ngoài, trong đó có 13 bản tiếng Pháp, 10 bản Hán văn và Trung văn, các bản dịch tiếng Nga, Anh, Nhật, Đức, Tiệp, Hungari, Rumani, Hàn Quốc, v.v… Các học giả quốc tế đều đồng thanh ca ngợi Truyện Kiều là tác phẩm xứng đáng nhất của nền thơ cổ điển Việt Nam và Nguyễn Du là nhà thơ lớn có một không hai của dân tộc.
 
Năm 1964 tại Berlin, Chủ tịch đoàn Hội đồng hòa bình thế giới đã chính thức công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới và thông qua nghị quyết kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du. Đây là sự kiện rất đáng tự hào cho văn hóa Việt Nam, đồng thời chứng tỏ vị thế và tầm cỡ của đại thi hào nước ta trong nền văn hóa thế giới. 
 
Truyện Kiều được dịch ra tiếng Pháp từ rất sớm. Tính từ bản dịch đầu tiên của Abel des Michel năm 1884 đến nay đã có tất cả 13 bản dịch khác nhau của Emond Nordenmann (1887), Nguyễn Văn Vĩnh (1913), Thu Giang (1915), René Crayssac (1926), L. Masse (1926), Nguyễn văn Vĩnh (1942), M.R (1944), Xuân Phúc và Xuân Việt (1961), Nguyễn Khắc Viện (1965), Paul Schneider (tức Xuân Phúc, 1981, hiệu đính lại 1986), Lê Cao Phan (1994), Lưu Hoài (1999). Trong đó bản dịch của Nguyễn văn Vĩnh được in đi in lại ít nhất 7 lần và được dịch giả đầu tư nhiều công sức và thời gian nhất trong vòng gần 30 năm. Con số các bản dịch và thời gian xuất bản liên tục như vậy cho thấy mối quan tâm thực sự của độc giả Pháp đối với Truyện Kiều và thi hào của chúng ta. Tuy chất lượng các bản dịch có khác nhau, nhưng chúng bổ sung cho nhau, khắc phục các nhược điểm của nhau để giúp người đọc Pháp ngữ có hình dung hoàn chỉnh nhất về Truyện Kiều.
 
Các học giả Pháp đều coi Truyện Kiều là tác phẩm thể hiện thần tình nhất quốc hồn, quốc tuý Việt Nam. Nhà văn, nhà thơ Pháp René Crayssac, người dịch Truyện Kiều sang Pháp văn đã thốt lên: "Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thật là một nền văn chương kiệt tác, tưởng có thể so sánh với những văn chương kiệt tác của bất cứ đời nào, nước nào cũng không thua vậy1. Các học giả khác như Anbel des Michel, Georges Coocdier, H.Maspero, Duymuchie… cũng đánh giá rất cao văn tài Nguyễn Du. Đối với nhà văn Pháp Joocjo Budaren, Nguyễn Du "là người rất mực nhân đạo ở một thời đại ít nhân đạo" và Truyện Kiều của ông  "quả là một bản trường ca kỳ lạ, nghịch đời, hấp dẫn và hiếm có"2. Theo ông, cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc ít được phổ biến rộng rãi và hầu như không mấy ai biết đến. Nếu Nguyễn Du không dựa trên cuốn tiểu thuyết Trung Quốc ấy viết thành bản trường ca của mình, thì rất có thể chẳng còn ai nói tới cuốn tiểu thuyết đó nữa. Nhà nghiên cứu Georges Coocdier ca ngợi ngọn bút tả cảnh tài tình của Nguyễn Du, chỉ phác mấy nét bút mà vẽ nên phong cảnh đầy khí sắc và cảm tình "giống như thơ hai-ku của Nhật Bản, mà còn có phần tinh tế hơn".
 
Trong văn chương Pháp, chuyện vay mượn cấu tứ, cốt truyện nước ngoài để sáng tác là hiện tượng hết sức bình thường. Molière sáng tác vở kịch Lão hà tiện lấy cốt truyện từ hài kịch Truyện cái nồi  của một nhà soạn kịch La Mã. Plot Raxiz sáng tác bi kịch lấy cấu tứ từ các truyện của Hy Lạp, Do Thái. Coocnây có vở kịch thành công nhất là lấy tích của Tây Ban Nha, truyện ngụ ngôn của La Phôngten cũng có nhiều bài bắt chước chuyện cũ của Esore… Trong văn học Pháp có vô số  điển tích và từ ngữ của cổ văn Hy Lạp, La Mã. Các nhà văn Pháp thế kỷ XVII cũng thường phóng chép cốt truyện của Ơripid, Aristophane, Edov… Nhưng không vì thế mà nền văn học Pháp bị coi là nền văn học không có quốc tính và tinh thần riêng. Khi nhận xét một tác phẩm, điều quan trọng không phải là xét xem cốt truyện ấy vay mượn của nước ngoài hay do tác giả tự hư cấu nên, mà điều quan trọng là đánh giá tác giả tái tạo nó có gì đặc sắc không, có chuyển hoá được theo tinh thần của Tổ quốc mình không. Về Truyện Kiều của Nguyễn Du, René Crayssac  kết luận: "Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thật là có cái tinh thần đặc biệt của nước Nam ở đó"3.
 
Truyện Kiều được đặc biệt dịch nhiều sang thơ chữ Hán và Trung văn hiện đại. Tất cả có 7 bản dịch sang thơ chữ Hán của các dịch giả Nguyễn Kiên, Lê Mạnh Điềm, Từ Nguyên Mạc, Lê Dụ, Lý Văn Hùng, Trương Cam Vũ và gần đây nhất mới phát hiện thêm một bản dịch nữa dưới dạng thơ chữ Hán, nhưng làm theo thể lục bát của cụ Thái Hanh, một Việt kiều định cư tại Úc. Có hai bản dịch sang Trung văn của các giáo sư Trung Quốc Hoàng Dật Cầu và La Trường Sơn
 
Trong các bản dịch Truyện Kiều sang Hán văn, bản dịch của Trương Cam Vũ, xuất bản năm 1996, được đánh giá là công phu và thành công hơn cả. Dịch giả đã chuyển 3254 câu Kiều thành 812 bài thất ngôn tứ tuyệt và một bài thất ngôn bát cú, với hình thức niêm luật chặt chẽ. Các bài thơ Đường luật của ông rất thanh thoát, giàu chất thơ và nhạc điệu mà vẫn bám sát tối đa nội dung của nguyên thi. Mỗi bài thơ dịch đều in phần chữ Hán  phiên âm và được trình bày theo hình thức song ngữ, rất tiện lợi để đối chiếu với nguyên bản. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì khó có bản dịch nào đạt nổi giá trị nghệ thuật so với nguyên tác bản Nôm của thi hào Nguyễn Du.
 
Các dịch giả Truyện Kiều sang Hán văn đều là những người hiểu biết rộng và sâu,  đều đánh giá cao Nguyễn Du và các tác phẩm của ông. Dịch giả người Trung Quốc Lý Văn Hùng gọi Truyện Kiều là "Việt Nam đệ nhất văn nghệ kỳ thư" và theo ông "về lối văn hàm súc như Truyện Kiều, thi sĩ Trung Hoa nào viết giỏi lắm là tới 300 câu, đã ứa máu; thế mà cụ Nguyễn Du viết những 3254 câu, thời trong văn chương cụ quả là một bậc tiên, bậc thánh".
 
Câu chuyện Vương Thuý Kiều là tác phẩm khuyết danh được lưu truyền ở Trung Quốc từ thế kỷ XVI trong Kỷ tiễu Từ Hải bản mạt của Mao Khôn. Đến thế kỷ XVII, XVIII nhiều tác phẩm văn học đã lấy chuyện đó làm đề tài. Tác giả Đổng Văn Thành cho rằng có 11 tác phẩm khác nhau liên quan đến đề tài này. Tiêu biểu nhất về tản văn có Kim Vân Kiều truyện của Dư Hoài, về hý kịch có Song Thuý Viên của Hạ Bỉnh Hoành, về tiểu thuyết có Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ Hải nghĩa (xem Mộng giác đạo nhân) và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. 
 
Theo ý kiến của hai nhà nghiên cứu Trung Quốc Lưu Thế Đức và Lý Tu Chương, trong tất cả các tác phẩm ấy tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có nội dung phong phú và hoàn chỉnh hơn cả. Nhưng bản thân hai ông cũng đưa ra ý kiến hoàn toàn khách quan rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du ở Việt Nam được lưu truyền rộng rãi hơn, vượt xa mức độ lưu truyền của cuốn tiểu thuyết Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc. Mà sự công nhận của quần chúng bao giờ cũng là thước đo cao nhất cho thành công của tác phẩm. Đối sánh với Kim Vân Kiều truyện, hai ông nhận xét rất công bằng rằng Nguyễn Du không thuật lại nguyên vẹn, dập khuôn toàn bộ quá trình diễn biến và các tình tiết trong câu chuyện cũ, mà với khả năng nghệ thuật thiên tài ông đã sáng tạo nên một tác phẩm tuyệt mỹ và hoàn chỉnh mới bằng thể thơ lục bát, thể thơ độc đáo riêng có của dân tộc Việt Nam.
 
Năm 1959, GS. Hoàng Dật Cầu ở Học viện sư phạm Hoa Nam đã bỏ rất nhiều công sức để dịch Truyện Kiều sang Trung văn hiện đại. Ông làm việc với tất cả sự nghiêm túc, thận trọng và lòng nhiệt tình có thể. Tuy nhiên do trình độ tiếng Việt có hạn, do hiểu biết nguyên tác chưa được thấu đáo, như dịch giả tự nhận còn "nông cạn, kém cỏi", mà bản dịch có nhiều chỗ dịch chưa đạt, thậm chí dịch hỏng, gây ra những hiểu lầm tai hại. Những lầm lẫn này, như PGS. TS. Phạm Tú Châu đánh giá là "có quá nhiều", đã được một số nhà nghiên cứu phân tích khá đầy đủ trong các bài viết sau này. Trong khoảng ba chục năm đầu, bản dịch Truyện Kim Vân Kiều ra Trung văn bình yên lưu hành ở Trung Quốc, cho đến năm 1986 thì những dư luận trái chiều bắt đầu nổi lên sau bài viết So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam của nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành. Từ những chỗ bất ổn, dịch sai trong bản dịch của GS. Hoàng Dật Cầu, cũng như từ cách hiểu đánh đồng sáng tác với dịch thuật, đánh đồng hai thể loại khác nhau là thơ ca và văn xuôi, không đếm xỉa đến những đặc điểm bút pháp của chúng… đã dẫn tới những lầm lẫn tai hại trong đánh giá phê bình của nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành. Ông thậm chí cho rằng Nguyễn Du chẳng những mượn đề tài của tiểu thuyết Trung Quốc, mà còn dường như "bê nguyên xi" và "dịch sai" cả nguyên tác. Sau này một số sinh viên, nghiên cứu sinh Trung Quốc do không có tài liệu tham khảo và không cập nhật được thông tin, khi nói về ảnh hưởng của Kim Vân Kiều truyện đối với Việt Nam cũng vẫn tham khảo dựa trên bài nghiên cứu so sánh của ông Đổng Văn Thành.
 
Trước tình hình đó, GS. La Trường Sơn, một học giả Trung Quốc rất gắn bó và có tình cảm sâu nặng với văn học Việt Nam, đã quyết định dịch lại Truyện Kiều sang Trung văn. Ngoài phần ngưỡng mộ và yêu thơ Nguyễn Du, ông muốn gửi đến bạn đọc Trung Quốc một bản dịch Truyện Kiều trung thực và thành công hơn bản dịch của GS. Hoàng Dật Cầu, để các nhà nghiên cứu khi so sánh với Kim Vân Kiều truyện Trung Quốc sẽ tránh được những nhận xét và kết luận sai lầm. Tuy nhiên dù là dịch giả có đủ tiêu chuẩn nhất để dịch Truyện Kiều ra Trung văn, bản dịch của GS. La Trường Sơn vẫn khó có thể sánh được với nguyên tác. Và rất tiếc là tác phẩm dịch xong vẫn chưa in được vì chưa tìm được nguồn tài trợ, vì vậy mục đích của GS. La Trường Sơn vẫn chưa được thực hiện. Năm 1994, nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành cũng tự dịch Kim Vân Kiều truyện in trong Minh Thanh tiểu thuyết giám thưởng từ điển, song là dịch ra văn xuôi, cốt lấy nội dung là chính mà mất hết cái hay cái đẹp của thơ Nguyễn Du.
 
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đương đại gần đây đã có những nhận xét khách quan hơn về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhà nghiên cứu K.C. Leung đã phát biểu "Oái ăm thay, tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân lại bị người Trung Hoa hầu như quên lãng"4. Ông phải công nhận rằng "thật thú vị khi thấy quan hệ giữa tài và nỗi bất hạnh của Kiều trong Truyện Kiều được nhấn mạnh hơn rất nhiều so với trong Kim Vân Kiều truyện" và "người ta có ấn tượng rằng nàng Kiều Việt Nam bất hạnh hơn Thuý Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân". Ông cũng thừa nhận có những khác biệt rõ ràng về ngôn ngữ, thể loại, ngữ khí, phong cách, độ dài, chi tiết miêu thuật giữa hai tác phẩm trên.
 
Truyện Kiều cũng được giới thiệu và nghiên cứu ở Đài Loan. Độc giả Đài Loan chỉ được làm quen với Truyện Kiều của Nguyễn Du qua bản dịch của GS. Hoàng Dật Cầu và một số nhà nghiên cứu cũng dùng lại quan điểm của ông Đổng Văn Thành. Tuy nhiên, có những nhà nghiên cứu hiểu sâu hơn về tác phẩm của Nguyễn Du đã có ý kiến hoàn toàn khác, khách quan và công bằng hơn như GS. Trần Ích Nguyên, người đã nhiều năm nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều hay TS. Trần Quang Huy, học giả Đài Loan từng du học ở Việt Nam.
 
Nguyễn Du và Truyện Kiều được giới thiệu và nghiên cứu khá công phu ở nước Nga. Người dịch đầu tiên tác phẩm này sang tiếng Nga là dịch giả, nhà thơ A.Steinberg 5. Nhiều nhà khoa học đã dày công nghiên cứu Truyện Kiều và tác phẩm của ông, trong đó phải trân trọng nhắc đến những tên tuổi như N.I. Niculin, M.Tcachiov, T.N.Philimonova… Nhờ công sức và tâm huyết của họ, độc giả nước Nga và 14 nước cộng hoà còn lại trong khối Liên bang Xôviết cũ mới biết đến tên tuổi Nguyễn Du và nhiều tác phẩm văn học Việt Nam.
 
Nói chung, dưới thời Xô viết văn học Việt Nam được giới thiệu khá đầy đủ và có hệ thống ở Nga. Hầu hết các đại diện tiêu biểu của văn học Việt Nam đều được dịch ít nhiều, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… cho đến các nhà văn đương đại như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Văn Bổng… Tuy nhiên, bên cạnh việc chuyển tải dù sao cũng dễ dàng hơn các tác phẩm văn xuôi, việc dịch các tác phẩm thơ sang tiếng Nga là vô cùng khó. Đó là những khó khăn dường như không thể vượt qua nổi bởi sự xa cách quá lớn giữa hai hệ thống ngôn ngữ và hai niêm luật thơ. Tiếng Việt thuộc họ ngôn ngữ đơn âm, tiếng Nga thuộc họ đa âm có biến cách. Thể thơ Việt được xây dựng trên sự kết hợp các âm tiết và dấu thanh điệu, trong khi đó thể thơ Nga là kiểu thơ âm tiết - trọng âm, phản ánh tính đa âm tiết của từ vựng và sự có mặt của trọng âm. Thơ Việt Nam dung nổi các thể thơ không thể hình "iambơ", "đakchin", cũng như thơ Nga không thể hình dung nổi "lục bát". Điểm sơ qua về mặt kỹ thuật như thế để thấy rằng việc truyền đạt hình thức nguyên tác thơ sang tiếng Nga là không thể và rất nhiều cái hay cái đẹp của Truyện Kiều đã mất đi trong khi dịch. Song không riêng gì cụ Nguyễn Du của chúng ta phải chịu tổn thất ấy. Puskin, "mặt trời của thi ca Nga", người được toàn thể nhân dân Nga, từ tầng lớp quí tộc, trí thức đến công chúng bình dân, đều thuộc lòng và yêu mến, khi chuyển sang tiếng Việt cũng chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của thiên tài. Nói chung tình trạng "bất khả dịch" là chung đối với việc dịch thơ sang các thứ tiếng đa âm.
 
Nói về cội nguồn đầu tiên của Truyện Kiều, GS. TSKH. Niculin cũng khẳng định Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân "không có nhiều giá trị đặc sắc về nghệ thuật và đã mấy trăm năm nay ở Trung Quốc không hề thấy tái bản"6. Trong khi đó Truyện Kiều đã trở thành sách gối đầu giường của biết bao thế hệ độc giả Việt Nam. Trong Kim Vân Kiều truyện, tác giả quá chú ý đến việc mô tả các biến cố, chồng chất quá nhiều sự kiện vụn vặt, những cảnh thô tục sặc mùi tự nhiên chủ nghĩa. Còn Truyện Kiều do Nguyễn Du sáng tạo là một tác phẩm "độc đáo lạ thường, mang đậm bản sắc dân tộc". Nguyễn Du đã tái dựng một hệ thống hình tượng có màu sắc riêng, độc đáo, được thể hiện một cách tinh tế và đầy sức truyền cảm.
 
Truyện Kiều được dịch sang tiếng Anh tại Sài Gòn từ năm 1963 (Dịch giả Lê Xuân Thuỷ, Nxb Khai Trí), nhưng bản dịch đầu tiên trên đất Hoa Kỳ gắn liền với những biến cố trong chính trường nước Mỹ. Sau những sự kiện của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, người Mỹ bắt đầu băn khoăn tìm hiểu nguyên nhân sức mạnh và những kỳ tích của quân đội "Việt Cộng". Tạp chí The Washingtonian đã đăng một số bài viết, trong đó có bài của GS. Trần Văn Dĩnh về Kim Vân Kiều và được toà soạn đặt cho cái tên Một tài liệu ly kỳ vừa bắt được, tiết lộ tinh thần của địch. Trong những bức ảnh minh họa cho bài viết có hình Tổng thống Johnson với lời chú thích: "Giá như Tổng thống Johnson đã đọc Truyện Kiều thì chắc không phải lâm vào tình trạng rắc rối như ngày nay"7. Tạp chí số đó đã bán rất chạy và gây nhiều phản ứng trong giới chính trị. Thượng nghị sĩ Quốc hội Mỹ O.Hatfield đã kêu gọi phải chú ý đến văn hoá Việt Nam và nàng Kiều chính thức bước vào sân khấu chính trị nước Mỹ. Một số trường đại học Mỹ sau đó đã đưa Kim Vân Kiều vào chương trình giảng dạy của mình. Truyện Kiều bằng tiếng Anh được Random House, nhà xuất bản lớn nhất nước Mỹ cho ra mắt năm 1973 qua bản dịch của GS. Huỳnh Sanh Thông, giảng viên đại học Yale. Bản dịch được nhiều nhà phê bình cho là dịch đúng và hay. Năm 1983, cuốn sách được Nhà xuất bản Đại học Yale tái bản. Dưới ảnh hưởng tốt đẹp của cuốn sách, nhiều giáo sư người Mỹ và người Việt đã kiên trì đấu tranh để Truyện Kiều được dùng giảng dạy trong các môn về Việt Nam và Đông Nam Á. Ngoài ra còn có các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh của Michael Counsell (Nxb Thế giới, 1995), Lê Cao Phan (Nxb Văn nghệ Tp. HCM, 1996).
 
Có hai bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật. Bản dịch đầu tiên là Kim Vân Kiều của Nhà xuất bản Đông Bảo, xuất bản năm 1942. Dịch giả, nhà văn Komatsu Kiyoshi, lấy nguồn là bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, qua người bạn học là nhà thơ Nguyễn Giang, con trai ông Nguyễn văn Vĩnh. Do nguồn đã là bản dịch sang tiếng Pháp, nên công trình này không tránh khỏi một số nhược điểm nhất định. Bản dịch thứ hai công phu hơn, do Takeuchi Yonosuke dịch, Nhà xuất bản Kôdansha - một nhà xuất bản rất nổi tiếng của Nhật - xuất bản năm 1975. Takeuchi Yonosuke là giáo sư Trường đại học ngoại ngữ Tokyo, đã dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam như: Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên, Hồn bướm mơ tiên, Đoạn tuyệt… Ông từng giảng dạy tại Sài Gòn gần 5 năm. Ông dịch xong Truyện Kiều từ 1962, nhưng chưa vừa ý, mãi đến năm 1975 mới chỉnh lý lại và cho xuất bản. Năm 1985 ông cho tái bản một bản dịch khác cô đọng hơn, mang tên Kim Vân Kiều truyện, do Daigakusorin (Đại học Thư lâm) xuất bản.
 
Bản dịch Truyện Kiều của giáo sư Takeuchi Yonosuke là công trình dịch thuật rất công phu, có chú giải kỹ lưỡng từng câu. Sinh viên Nhật Bản cũng như đông đảo bạn đọc quan tâm đến văn học phương Đông và văn học Việt Nam đều đánh giá cao cuốn sách này. Một lý do khiến người Nhật quan tâm tới Truyện Kiều của Nguyễn Du là do cách đây hơn 200 năm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã được dịch ở Nhật Bản với tên gọi Kim Kiều truyện (dịch giả Nishida Isoku). Cuốn sách nổi tiếng một thời, từng được nhiều nghệ sĩ dựa vào phóng tác, cải biên, đưa lên sân khấu Jôruri (tĩnh lưu ly) và Kaburi (ca vũ kỹ). Có tiếng vang nhất là tiểu thuyết phóng tác Kim Ngư truyện của nhà văn nổi tiếng cuối thời Edo Kyokutei Bakin. Vì là tiểu thuyết phóng tác nên Bakin đã thay đổi toàn bộ bối cảnh, thời đại, nhân vật Trung Hoa thành Nhật Bản. Nhưng Kim Kiều truyện và Kim Ngư truyện của Nhật Bản lại chưa phải là những thành tựu tiêu biểu của văn học Nhật Bản. Chúng chỉ dừng lại ở mức văn nghệ "nêu gương", răn đời và đạo nghĩa. Chúng là câu chuyện của một thời chứ chưa phải chuyện của muôn thuở, và điều đó giải thích số phận khác nhau của chúng so với Truyện Kiều Việt Nam.
 
Felich Pita Rodriget, nhà văn Cu Ba khi nói về việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Tây Ban Nha cũng nhấn mạnh đến những tổn thất mà bản dịch phải chịu khi được chuyển ngữ. Ông nói: "Đáng tiếc là sự đẹp đẽ về hình thức, những giá trị biểu hiện tinh vi, nhạc điệu diệu kỳ của một trong những ngôn ngữ nhiều chất thơ nhất, đã không còn nữa khi người ta chuyển nó qua một ngôn ngữ khác và chúng ta đành phải bằng lòng với một hình bóng rất xa với nguyên bản"8. Đánh giá về con người và sự nghiệp của Nguyễn Du, ông cho rằng một phần lớn nhờ vào thiên tài của Nguyễn Du mà văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đã đạt được thời hoàng kim của mình, thời kỳ rực rỡ nhất trong nền văn học cổ điển.
 
Năm 2004, Truyện Kiều lần đầu tiên được dịch và xuất bản ở Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, việc giảng dạy tiếng Việt ở cấp đại học đã bắt đầu từ năm 1967, khi Hàn Quốc có quan hệ ngoại giao với chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Tuy nhiên, sau năm 1975, quan hệ này bị gián đoạn và phải đến năm 1992 quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc với CHXHCNVN mới được nối lại. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam ngày một tăng và sự quan tâm của người Hàn Quốc đối với Việt Nam ngày càng lớn. GS. TS. Ahn Kyong Hwan, trường Đại học Youngsan, đã dịch Truyện Kiều với tất cả niềm say mê và tâm huyết. Ông chọn thể thơ Sijo - thể thơ cổ của Hàn Quốc để dịch, mà không diễn lại bằng văn xuôi. Cuốn sách in song ngữ đẹp, trang trọng, mỗi khổ thơ tiếng Việt xen lẫn một khổ thơ tiếng Hàn, rất tiện đối sánh. Việc dịch và giới thiệu Truyện Kiều đã trở thành một sự kiện văn hoá của năm 2004 ở Hàn Quốc và tác phẩm của Nguyễn Du dần dần có một vị trí nhất định trong lòng độc giả Hàn Quốc.
 
Ngoài ra Truyện Kiều còn được dịch sang tiếng Tiệp Khắc (dịch giả Gustav Franck, 1958), tiếng Đức (dịch giả Franz Faber và Irène, 1964), tiếng Rumani (Nxb Pentru Literatura, 1967), tiếng Hungari (dịch giả Trương Đăng Dung, 1984)... Trong lời đề tặng bản Kiều dịch sang tiếng Đức xuất bản ở Berlin, GS. TS. Johan Dichman đã viết: "Với tác phẩm này, độc giả Đức tìm thấy một thế giới văn học mà cho tới nay họ chưa từng biết tới: trước mắt họ, thấm nhuần trong Truyện Kiều là cả một kho tàng nhân văn, đỉnh cao tuyệt vời của nền văn hoá dân tộc Việt Nam". 
 
Trong sự giao lưu, tiếp biến giữa các nền văn hoá, vai trò của người dịch tác phẩm văn học vô cùng to lớn. Tác phẩm được khai sinh hay khai tử ở ngôn ngữ mới phụ thuộc rất nhiều vào dịch giả. Chính các dịch giả mới là "người môi giới văn hoá" đầu tiên. Họ là người "tái sinh" hay "giết chết" tác giả ở nước ngoài, nhất là đối với việc dịch thơ. Nhưng có một nghịch lý là các dịch giả thơ tuy là những người rất am tường văn hoá, tinh thông ngoại ngữ, nhưng lại không phải là những nhà thơ. Ngược lại các nhà thơ thường rất khó nắm bắt ngoại ngữ. Nguyên tắc tối cao của dịch nghệ thuật là "lấy hồn thơ để dịch thơ". Thực tế cho thấy các bản dịch thành công nhất sang tiếng Việt là thuộc về các thi sĩ: bản dịch đặc sắc Chinh phụ ngâm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm9đã gần như trở thành tác phẩm độc lập với nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn. Bản dịch Đợi anh về được K. Ximonov cám ơn nhà thơ Tố Hữu vì "bài thơ được sống mãi trong bản dịch tuyệt vời" của dịch giả. Hay những vần thơ tuyệt đẹp của Olga Bergons được phục sinh qua các bản dịch tài hoa của Bằng Việt… Những tác phẩm dịch bất hủ thường loé lên từ sự hội tụ hi hữu của   hai yếu tố ấy.
 
Tuy nhiên nếu chấp nhận tư tưởng "bất khả dịch" ("Dịch - đó là cái chết của nhận thức", "Dịch tức là diệt"), thì có nghĩa chúng ta chấp nhận sự đóng kín của các nền văn hoá, sự cô lập giữa các nền văn học. Trên thực tế dịch thuật đang ngày càng trở thành công cụ quan trọng không thể thiếu trong xu thế giao lưu và hội nhập, là cầu nối để các dân tộc ngày càng hiểu biết và đồng cảm với nhau hơn. Thế kỷ XX đã có lúc được gọi là thế kỷ của dịch thuật, và Dante, Goethe, Sakespeare, L.Tolstoi, Dostoevski, Tagore, Hemingway… không còn là báu vật riêng của mỗi dân tộc, họ đã trở thành tài sản chung của toàn nhân loại. Trong thành quả này có sự đóng góp âm thầm của các dịch giả với lao động gian truân, nhọc nhằn và ít khi được đánh giá đúng mức của họ./.
 
 
Theo Từ Thị Loan */Văn hoá Nghệ An
 
Chú thích:
* Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

1 René Crayssac. Truyện Kiều và xã hội Á Đông. Nguyễn Du - về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục, 1999, tr. 990.
2 Joocjo Budaren. Nguyễn Du và Đoạn Trường Tân Thanh.Truyện Kiều - Những lời bình. Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 608. 
3 René Crayssac. Sách đã dẫn, tr. 994.
4.K.C. Leung. Chu trình diễn hoá của Kiều: Lại bàn về kế thừa và sáng tạo. Nghiên cứu câu chuyện Vương Thuý Kiều, Nxb Lao động - Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2004.
5 Những tiếng kêu xé lòngt, Moskva, 1965; Thơ cổ điển Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản. Nxb Văn học nghệ thuật. Moskva, 1977.    
6 Niculin. Nguyễn Du nhà thơ nhân đạo lỗi lạc. Truyện Kiều - Những lời bình. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 630.
7 Trần Văn Dĩnh. Nhân đọc Trên đỉnh Trường Sơn kể Truyện Kiều. Nxb Thanh niên, 2002.
8 Felich Pita Rodriget. Nguyễn Du, nhà thơ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. In trong Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du. Nxb Khoa học xã hội, H., 1967.   
9 . GS. Hoàng Xuân Hãn cho là của Phan Huy Ích.

 

Nghiên cứu thảo luận
Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website