nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Nguyễn Du và những giá trị vượt thời gian


Tưởng nhớ đến đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta tưởng nhớ một trong những người Việt Nam vĩ đại nhất của dân tộc. Đó là một con người được sinh ra như sự chung đúc của non sông đất nước, của nền văn hóa sâu sắc và phong phú của chúng ta; đồng thời cũng là một con người góp phần làm sâu sắc hơn, phong phú hơn văn hóa chúng ta, làm vẻ vang non sông đất nước chúng ta, góp phần làm cho dân tộc ta phát triển trường tồn.
 
 
1. Nói đến Nguyễn Du, người Việt cũng như bạn bè của chúng ta trên thế giới đều nghĩ ngay đến Truyện Kiều - “khúc Nam âm tuyệt xướng” (từ dùng của Đào Nguyên Phổ).
 
Khi Nguyễn Du đưa cho người bạn của mình là Phạm Quý Thích cuốn Đoạn trường tân thanh để đi khắc in ở phố Hàng Gai (Thăng Long), ông không nghĩ tập giấy dó mỏng manh của mình sẽ trở thành kiệt tác và có số phận kỳ lạ vào bậc nhất trong các tác phẩm văn chương của xứ sở này. Nhưng với Phạm Quý Thích, bằng con mắt hiếm có, ông đã tiên đoán ngay tác phẩm này sẽ có sức sống lâu dài: Bạc mệnh cầm chung oán hận trường (Tiếng đàn bạc mệnh của Thúy Kiều đã dứt nhưng oán hận còn mãi). Và quả vậy, từ khi Truyện Kiều được khắc in và truyền bá, từ vua quan cho tới thứ dân, ai cũng đọc Kiều, mê Kiều. Người dân coi việc biết Truyện Kiều là tiêu chuẩn của một người biết sống: “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống trà mạn hảo, xem nôm Thúy Kiều”.
 
Nông dân cũng rất mê Kiều. Người ta ru Kiều, ngâm Kiều trên võng, bên bờ tre, ở bờ ruộng, rất nhiều người thuộc lòng Truyện Kiều… Truyện Kiều đi vào lời ăn tiếng nói, khúc ca điệu hát dân gian: “Sen xa hồ, sen khô hồ cạn/ Liễu xa đào, liễu ngả đào nghiêng/ Anh xa em như bến xa thuyền/ Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên tái hồi”.
 
Năm 1884-1885, Abel des Michels, bác sĩ đồng thời là giáo sư tiếng Việt ở Paris, đã cho xuất bản Kim Vân Kiều tân truyện ở Ernest Leroux, Paris và thuyết trình về Truyện Kiều ở Viện Hàn lâm Văn khắc và mỹ văn Paris (Académie des Inscription et Belles - Lettres). Từ đây, Truyện Kiều đã bước ra khỏi không gian quốc gia để bắt đầu cuộc hành trình đi khắp thế giới. Cho đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra 23 thứ tiếng với gần 70 bản dịch khác nhau và con số này chưa phải con số cuối cùng.
 
2. Điều gì tạo nên sức hút của Truyện Kiều như thế? Phải chăng vì Truyện Kiều kể cho ta nghe câu chuyện khổ đau của kiếp người qua bao nhiêu dâu bể? Con người bị săn đuổi, bị bao vây, dồn ép, bị mua đi bán lại, bị đày đọa mà không ai dám bênh vực, cứu giúp cho đến khi phải tự chọn lấy cái chết mới thôi. Truyện Kiều chia sẻ với chúng ta, băn khoăn cùng chúng ta một câu hỏi lớn về “phận đàn bà” và cũng là số phận con người.
 
Truyện Kiều trong khi thể hiện các số phận khác nhau đã đi sâu vào phân tích tâm lý, từng ngõ ngách tế vi của tâm lý con người, làm cho các nhân vật trở nên vô cùng sống động, như có thể nhìn thấy ngoài đời, như có thể cầm tay, chào hỏi, trò chuyện.
 
Điều kỳ diệu nhất khiến Truyện Kiều còn hiện diện giữa chúng ta hôm nay chính là ngôn ngữ tác phẩm. Đó là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật vô cùng phong phú và tinh tế; nó vừa có cái trang nghiêm cao cả, lại vừa có cái giản dị bình thường; vừa có cái hào hùng mạnh mẽ, lại cũng có cái trầm thống bi thương; vừa có cái mượt mà chải chuốt, lại vừa có cái thô ráp đời thường… Truyện Kiều là bằng chứng hùng hồn nhất cho sức sống tiềm tàng của ngôn ngữ dân tộc, của văn hóa dân tộc, và cũng là của bản lĩnh dân tộc - một dân tộc dù gian khổ, tủi nhục bao nhiêu, nhưng vẫn không bao giờ chịu bị đồng hóa, không chịu cúi đầu.
 
Sức sống, sức lan tỏa tác phẩm của Nguyễn Du cho chúng ta những bài học sâu sắc về thái độ sống của người trí thức và quan niệm sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút. Cuộc sống, đối với Nguyễn Du đó là sự lựa chọn và giải quyết mâu thuẫn giữa thái độ dấn thân làm người có ích nhưng đồng thời không bị vong thân trước quyền lực và danh lợi. Sáng tạo nghệ thuật, đối với Nguyễn Du, đó là con đường gian truân trong sự hoàn thiện tài năng, học vấn và nhân cách, đó là sự lựa chọn chỗ đứng của người nghệ sĩ: đứng về phía những người khốn khổ, những góc tối, góc khuất của cuộc đời để từ đó sáng tạo ra những tác phẩm chân thực, sâu sắc có sức rung động lòng người, giúp cho con người trở nên trong sáng, cao cả và đẹp đẽ hơn.
 
3. Hơn 200 năm nghiên cứu, các nhà thơ, nhà văn, các nhà nghiên cứu phê bình đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về thân thế và tác phẩm của Nguyễn Du, đã chỉ ra nhiều giá trị ẩn tàng trong ấy. Tuy nhiên cũng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.
 
Đó là các vấn đề thuộc về tiểu sử của tác giả: quê hương, gia đình, cuộc đời tác giả. Những tư liệu liên quan đến những giai đoạn khác nhau của cuộc đời Nguyễn Du. Tiếp theo là vấn đề văn bản tác phẩm. Thơ chữ Hán Nguyễn Du có còn gì ngoài 249 bài thơ đã công bố trong cả 3 tập thơ của ông? Những câu đoạn rời rạc còn thấy đây đó trong các tài liệu Hán Nôm cho thấy thơ chữ Hán của Nguyễn Du còn nhiều hơn thế. Đặc biệt tác phẩm Truyện Kiều, chúng ta còn có khả năng tìm được văn bản của chính Nguyễn Du hay gần như vậy không?
 
Thêm nữa là thơ chữ Hán của Nguyễn Du và nhất là Bắc hành tạp lục, cần phải có bản dịch nghĩa, chú thích và dịch thơ tốt hơn nữa. Chúng ta có nên tổ chức thi dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du để từ đó chọn được những bản hay nhất, góp phần đưa Nguyễn Du đến gần hơn với người đọc?
 
Cuối cùng là nghiên cứu phê bình Truyện Kiều. Bên cạnh việc đào sâu hơn nữa vào giá trị của tác phẩm, cũng cần phải nghiên cứu rộng ra sự tiếp nhận của đời sau đối với Truyện Kiều. Việc mở rộng nghiên cứu những người anh em phương xa của Truyện Kiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là một công việc hết sức thú vị.
 
200 năm trước Nguyễn Du lo không có ai hiểu nỗi lòng mình: “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”, chúng ta không dám mạo muội làm người tri âm của ông, nhưng chúng ta là những người trân trọng tấm lòng của ông, trân trọng những đóng góp của ông đối với dân tộc.
 
 
Theo PGS-TS Đoàn Lê Giang/sggp.online

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website