Loading...
|
Nguyễn Du trong dòng thơ ca "Hưởng lạc" Việt Nam và Thế giới cổ trung đạiNgày 28 tháng 01 năm 2016
Phải chăng đã đến lúc cần có những diễn giải mới, cần hiểu rộng hơn, toàn diện hơn và hiện đại hơn về bức chân dung tinh thần của Nguyễn Du trong cuộc đời và trong văn chương?
Nói đến sự nghiệp văn học của Nguyễn Du (1765 - 1820), độc giả thường nghĩ đến Đoạn trường tân thanh, “Văn tế thập loại chúng sinh” đến những bài thơ chữ Hán đậm nỗi niềm ưu tư cá nhân (“Tự thán”, “U cư”, “Tạp ngâm”,…), mẫn cảm thời cuộc (“Sở kiến hành”, “Thái Bình mại ca giả”, “Long Thành cầm giả ca”,…), bình luận lịch sử sắc sảo (“Dương Quý Phi cố lí”, “Phản Chiêu hồn”, “Bùi Tấn Công mộ”,…), ít ai nghĩ đến những bài thơ ca ngợi cuộc sống hưởng lạc của ông[1]. Nếu có nghĩ đến thì vì định kiến một thời về “khuynh hướng hưởng lạc”, “thoát li” tiêu cực, giới nghiên cứu cũng chỉ cho đấy chỉ là sự “miễn cưỡng không thoải mái” hoặc chỉ là “chuyện văn chương”([2]). Người ta càng không nghĩ đến vị trí của ông trong một dòng thơ ca đặc biệt ở Việt Nam thời trung đại nói riêng và trong văn học thế giới nói chung - dòng thơ ca “hưởng lạc”. Kỉ niệm 250 năm ngày sinh của ông, một dịp để nhìn nhận, đánh giá lại toàn bộ sự nghiệp và cống hiến của Nguyễn Du cho nền văn học, văn hoá dân tộc và nhân loại, thiết nghĩ cũng nên bổ sung cống hiến khá độc đáo này, đồng thời minh định nội hàm, tính chất, sắc thái “hưởng lạc” trong thơ ca của Đại thi hào.
1. Đôi nét về dòng thơ ca “hưởng lạc” thế giới và Việt Nam cổ trung đại
Thế nào là dòng thơ ca “hưởng lạc”? Nói một cách chung nhất, có thể định nghĩa như Phạm Vĩnh Cư, đó là dòng thơ ca:
“[c]a ngợi niềm vui sống trên đời, ca ngợi những lạc thú trần gian của con người; những thi nhân ấy đã tìm thấy nguồn thi hứng vô tận trong rượu và tình yêu, trong rượu - thi ca - nhạc - vũ - ái tình, đem những sướng vui đích thực ấy đối chọi với cái vinh hoa phù phiếm, giả dối của bọn vương giả, cái giàu sang lòe loẹt của lũ trọc phú”[3]
Trong nền văn học thế giới, từ văn học dân gian cho đến văn học viết, từ Đông sang Tây, từ cổ đại cho đến hiện đại, luôn luôn tồn tại dòng thơ ca này. Đây là dòng thơ ca có cơ sở triết học, tâm lí học, xã hội rất sâu sắc chứ không chỉ là dòng văn học hướng tới thỏa mãn những nhu cầu tầm thường, dung tục, thời thượng. Ở phương Tây, cũng theo Phạm Vĩnh Cư:
“[t]ừ thời kì Hy La đã hình thành một dòng thơ an lạc (sic) rất được hâm mộ mang tên vị thủy tổ của nó - nhà thơ Hy Lạp Anacréon (…) Dòng thơ ấy sau này lại gặp gỡ và đơm hoa kết trái thêm bởi triết học Épicure. Épicure dạy con người không lẩn tránh việc đời, cả những việc quốc sự, biết hưởng thụ những lạc thú trên đời, trong đó có lạc thú tình ái, nhưng biết đặt lên cao hơn hết sự yên tĩnh tự tại của tâm hồn (...) Hấp thụ tư tưởng minh triết của Épicure, dòng thơ Anacréontique từ hưởng lạc phát triển thành dòng thơ “an lạc” (sic) hùng vĩ với những tác giả rất lớn như Théocrite, Virgile, Horace…”[4]
Ở Châu Âu thời trung đại, dòng thơ này tạm thời bị quên lãng, chìm khuất do sự ức chế của tư tưởng Thần học Thiên chúa giáo, nhưng đến thời Phục Hưng, nó lại hồi sinh mạnh mẽ mà nhân vật tiểu biểu là nhà thơ Pháp Ronsard, nhà thơ Ý Petraca, nhà thơ Anh Shakespear,v.v… Kể từ đó dòng thơ ca hưởng lạc phát triển mạnh mẽ trong nền văn học nhiều nước phương Tây như Đức, Pháp, Nga…với các tên tuổi như Goeth (Đức), Derzhavin (Nga),v.v…
Ở phương Đông, văn học Ấn Độ, Ba Tư đã sản sinh ra những nhà thơ “hưởng lạc” lẫy lừng như Hafiz (Ba Tư, nay là Iran), Surdas, Mirza Galib (Ấn Độ),v.v... Trong văn học Trung Hoa, một nền văn học rất gần với chúng ta, theo Phạm Vĩnh Cư, “không dễ nào tìm thấy những hiện tượng tương đồng” vì “quan niệm ‘văn dĩ tải đạo’ chi phối cảm hứng sáng tác của cả thi nhân nhập thế theo tư tưởng Khổng - Nho hay xuất thế theo tư tưởng Lão - Trang.”[5] Theo chúng tôi, trên thực tế, không hoàn toàn như vậy. Tư tưởng Lão Trang (nhất là tư tưởng Dương Chu, Trang Tử) có những điểm khá tương đồng với tư tưởng “hưởng lạc” của Anacréon, Épicure (như tinh thần “tiêu dao du”, “tề vật luận”, “dưỡng sinh chủ”[6], đối chọi với tư tưởng chuộng vinh hoa, phù phiếm hoặc tư tưởng Nho giáo, Phật giáo đầy tính chất “khắc kỉ”, “hướng thượng”). Đặc biệt, Dương Chu (楊朱)[7] có quan niệm “quý sinh”, “hưởng lạc” khá rõ:
“Trăm tuổi là thọ cao lắm rồi. Sống được trăm tuổi thì ngàn người không có một. Nếu có một người sống được trăm tuổi, thì những năm bồng bế và những năm lẩm cẩm đã chiếm gần một phần phần rồi; giấc ngủ ban đêm và lơ đễnh ban ngày lại chiếm gần mất một phần nữa; đau ốm, buồn khổ, mất mát lo sợ lại chiếm mất một nửa nữa. Liệu trong khoảng hơn mười năm, có được thảnh thơi, tự thích, không lo, không sợ trong một lúc không? Vậy thì người ta sống ở đời để làm gì, có gì vui? Sống là để hưởng cái ngon lành, cái thanh sắc mà thôi” (Liệt Tử, thiên “Dương Chu”)[8]…
Bên cạnh đó, hậu thân của Đạo gia là Đạo giáo cũng có hẳn một phái gọi là phái “phòng trung thuật” mà cơ sở tu dưỡng của nó là dựa trên chuyện “hưởng lạc”, “dưỡng sinh” (tất nhiên ở đó, “hưởng lạc” không phải mục đích, cứu cánh mà nhiều khi chỉ là phương tiện, nhưng nó đã tạo chỗ dựa cho khuynh hướng “hưởng lạc” phát triển). Truyền thống đó (đặc biệt là quan niệm của Dương Chu) đã khơi nguồn cho rất nhiều nhà thơ có tinh thần hưởng lạc như: nhóm Trúc Lâm thất hiền (đời Tấn), Lí Bạch, Lí Thương Ẩn (đời Đường),v.v… Dòng thơ ca “hưởng lạc” Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn từ đây.
Dòng thơ ca “hưởng lạc” trong văn học Việt Nam có lẽ bắt đầu manh nha từ thế kỉ XIV với nhà nho Phạm Nhữ Dực (? - ?). Trong bài “Đại nhân khánh Mạc bản quản sinh nhật”, ông viết:
“Trước tiệc vui, đông đủ những khách giầy châu đùa bỡn/ Các ả đào cùng hát với vành ngọc thúy yêu kiều/ Người đời khi đắc ý, nên cùng nhau vui chơi/ Hà tất phải lo xa mà chúc tuổi thọ như cây tùng, cây xuân”[9].
Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong văn học viết Việt Nam, tác giả dám nói lên nhu cầu được sống, được thỏa mãn lạc thú vật dục của mình trong hiện tại, không màng đến những chuyện phù phiếm, xa xôi. Đây cũng là lần đầu tiên, một nhà nho không khuyên người ta “hành đạo” mà lại khuyên người ta “cùng nhau vui chơi”([10]). Cơ sở nào cho sự xuất hiện của tư tưởng này ở một nhà nho như Phạm Nhữ Dực? Theo chúng tôi, Phạm Nhữ Dực có thể chịu hai luồng ảnh hưởng: một là, thực tiễn đời sống, phong tục còn tương đối phóng khoáng, tự do ở thế kỷ XIV trở về trước mà chưa chịu ảnh hưởng nặng nề của đạo đức, lễ giáo Nho giáo[11]; hai là, không khí xã hội có phần ảm đạm, bi thương thời cuối Trần góp phần tạo nên lối sống “hiện sinh”, hưởng thụ đương thời. Ngoài ra, dường như những điều “bất đắc ý” trong cuộc đời nhà thơ đã đẩy ông đến với tư tưởng “hưởng lạc” ấy. Nếu đúng như vậy thì có thể nói Phạm Nhữ Dực là người đã đặt nền móng cho những nét truyền thống tiêu biểu, căn cơ nhất của dòng thơ ca “hưởng lạc” Việt Nam thời trung đại. Đó là tinh thần phóng khoáng và hơi hướng “lãng mạn” thoát li. Tuy nhiên, tư tưởng “hưởng lạc” của Phạm Nhữ Dực cũng chỉ được phát biểu nhân một lễ mừng sinh nhật một quan chức, hơn nữa ông lại làm hộ mọi người, chứ chưa phải quan niệm thường trực của ông.
Ở thế kỉ XV, chúng ta thấy có quan niệm của Nguyễn Trãi. Quan niệm “hưởng lạc” của Nguyễn Trãi mang đậm ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang những năm cuối đời hoặc những năm thất thế trên chính trường. Trong bài “Côn Sơn ca”, Nguyễn Trãi đã đi những bước đi đầu tiên để hướng tới một quan niệm sống phóng khoáng, từ bỏ lối sống “khắc kỷ phục lễ” của nhà nho truyền thống:
“Ngươi chẳng thấy Đổng Trác vàng chất đầy một ụ/ Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?/ Lại chẳng thấy Bá Di cùng Thúc Tề/ Chết đói ở núi Thú Dương, không chịu ăn thóc?/ Hiền ngu hai đàng không sánh nhau/ Cũng đều tự tìm cái thích của mình”[12]
Tất nhiên, ở bài thơ này, tư tưởng không phải là chủ trương “hưởng lạc”, nhưng cái nhìn “tề vật”, “tiêu dao” đó tạo cơ sở cho những thời điểm ra ngoài “lễ giáo” của Nguyễn Trãi, đặc biệt là trong thơ Nôm (loại thơ ít “nghiêm trang” hơn thơ chữ Hán). Trong một số bài thơ Nôm Quốc âm thi tập, bên cạnh những nỗi niềm ưu thời mẫn thế “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”, ta thấy có tư tưởng “vui chơi”, tiêu biểu là chùm thơ “Tích cảnh” (13 bài). Chẳng hạn:
“Ba bảy mươi nào luống nhọc thân/ Được thua đã biết sự vân vân/ Chớ cười hiền trước rằng dại/ Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân” [“Tích cảnh” - 6][13]
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, tư tưởng “hưởng lạc” ở Nguyễn Trãi vẫn không phải là một triết lí sống xuyên suốt, đó chẳng qua là những liệu pháp tình thế trong cơn bĩ cực. Thực chất, đó là một liệu pháp để cân bằng, giải thoát khỏi những gian nan trắc trở của cuộc đời “hành đạo” nơi ông. Trước sau, Nguyễn Trãi vẫn là nhà nho chính thống với lí tưởng đạo lí, nhân nghĩa.
Bên cạnh đó, có một số bài thơ Nôm trong Hồng Đức quốc âm thi tập ca ngợi những thú vui tao nhã như “cầm, kì, thi, tửu”, “ngư, tiều, canh mục”,… Tinh thần chủ đạo của chúng là sự ca tụng cuộc sống vui vẻ, hoan lạc (dường như chưa thấy có yếu tố sắc dục, hoặc nó bị ẩn đi) thời thái bình thịnh trị. Tinh thần bài thơ toát lên tinh thần tụng ca, chúc hạ mang tính chính trị. Chẳng hạn:
“Chẳng khoe đức, chẳng khoe tài/ Miễn được ơn trên hãy sống dài/ Bao quản thiệt hơn, bao quản khổ/ Có thì ăn mặc, có thì chơi/ Cơ vần chuyển là cơ nhiệm/ Của lưu thông ấy của đời/ Câu cóp làm chi âu chẳng lọ/ Đã sinh thì dưỡng mặc lòng đời” [“Thích rượu” - 2][14]
Đến thế kỉ XVI, ta thấy tư tưởng “hưởng lạc” tương tự ở một nhà Nho tích cực “nhập thế” như Phùng Khắc Khoan. Trong đa số các bài thơ “ngôn chí” của ông, chủ yếu nói lên hoài bão “hoằng đạo”, ta thấy có một bài khuyến khích sự “hành lạc”:
“Khí dương từ trời về, mùa xuân nhân gian tới lại một phen đổi mới/ Quả là trời đất mở mang thái vận, ngày xuân tốt tươi/ Hoa, cỏ hướng mặt trời sinh ý hớn hở/ Da đào phô sắc đỏ, mắt liễu hé màu xanh/ Oanh hót véo von, bướm bay chập chờn tỏ vẻ vui mừng/ Vài ba bạn gặp thời tiết đến/ Phong quang đẹp cảnh vui cho người/ Cảnh đẹp này, thời tiết đẹp ấy/ Muốn hành lạc ta nên theo kịp tiết thanh xuân này/ Hãy hỏi liễu, hỏi hoa để hương thơm đầy tay áo hồng/ Uống chén rưọu, vịnh câu thơ, ca hát át đến tận tầng mây trắng/ Tiến sĩ đánh cầu, cận thần hầu yến/ Việc vui xưa nay hãy còn truyền nghe/ Nay gặp bậc thánh thiên tử/ Thật may mắn được tiến thân” [“Thưởng xuân từ”][15]
Lời dẫn bài từ cho biết:
“Lúc bấy giờ có hai ba người cùng đạo đến đòi thơ, nên ta đùa làm bài từ này. Nay đương lúc mùa xuân, khí hậu thật là đầm ấm; lại có một phen vui vẻ, thật đáng thưởng xuân đẹp. Gặp buổi tiết hay gợi hứng, ta nên du ngoạn. Thích cho người ta chỉ có rượu thôi, mừng có đủ ‘tứ mĩ’ và ‘nhị nan’. Hành lạc nên kịp xuân, tiếc gì ngàn vàng để mua cuộc say tuý luý. Muốn cho đẹp tấm lòng chân thành, bộc trực, phải hát điệu ‘Thấm viên xuân’”[16].
Tư tưởng hưởng lạc của Phùng Khắc Khoan ở đây không gắn với sự bi quan về kiếp người “ngắn ngủi” mà trái lại, nó là biểu hiện của sự thỏa mãn, của kẻ “công thành danh toại”. Tuy nhiên, đó chưa phải là quan niệm sống thường trực. Nhà thơ chỉ “đùa làm bài từ” (một thể loại “văn chơi”) trong một phút cao hứng mà thôi (yếu tố sắc dục, ái tình cũng chưa được nói rõ). Nhưng xét cho đến cùng, đó vẫn là ý thức phải tranh thủ, phải đua tranh với thời gian, để sống hết mình, hưởng thụ những thú vui chính đáng của đời người, tránh xa các tôn giáo siêu hình. Đây là một sự bổ sung cần thiết cho quan niệm “hưởng lạc” thêm toàn diện.
Trải qua thế kỉ XVII đầy loạn lạc, chia cắt đến thế kỉ XVIII, xã hội Đại Việt trải qua cả hai thái cực, hai trạng thái tồn tại đối nghịch: có những thời đoạn tạm gọi là yên bình, thịnh hội; đồng thời cũng có những thời đoạn bĩ cực, suy loạn. Tương ứng với hai thái cực, hai trạng thái đó, cũng tồn tại hai dòng thơ “hưởng lạc” với lượng tác giả - tác phẩm tăng đột biến và chiều sâu quan niệm cũng ít nhiều thay đổi. Một là, dòng thơ ca “hưởng lạc” chuyên ca tụng cảnh thái hoà, thịnh vượng ở những nhà thơ cung đình như Hoàng Sĩ Khải (với Tứ thời khúc vịnh), Trịnh Căn (Ngự chế Thiên Hoà doanh bách vịnh), Trịnh Cương (Lê triều ngự chế quốc âm thi), Trịnh Doanh (Càn nguyên ngự chế thi tập), Nguyễn Nghiễm (các bản nhạc chương chữ Nôm), Nguyễn Khản (thơ Nôm lưu truyền)[17],v.v…Dòng này không có nội dung gì sâu sắc, đôi khi chỉ là khuôn sáo/sáo rỗng, “công lợi chủ nghĩa”. Hai là, do sự khủng hoảng trầm trọng của ý thức hệ quân chủ (Nho giáo) và sự phát triển của đô thị và tầng lớp thị dân, tư tưởng hưởng lạc như một phản ứng trước thực tại là một “liệu pháp” để xoa dịu những rạn vỡ trong tâm hồn mỗi con ngưòi. Có thể kể ra đây những gương mặt tiêu biểu như Đặng Trần Côn (các bài thơ, từ chữ Hán, “Yêu Lai Thạch Thám hoa lai thưởng xuân thiếp”), Phạm Thái (thơ Nôm), Nguyễn Hữu Chỉnh (thơ Nôm), Hồ Xuân Hương (Lưu Hương kí)[18],v.v… Những “con người này” đã đề cao những thú chơi tao nhã, cảm xúc lãng mạn: thơ, rượu, âm nhạc, hội hoạ, hội ngộ tài tử - giai nhân, tri kỉ, ái tình,…như là những dưỡng chất để duy trì cuộc sống của họ. Cần để ý rằng, đó là thú chơi, xúc cảm của những con người tự coi mình là “tài tử”, “tài tình”, “tình chủng” mà quan niệm then chốt là: “Thánh nhân quên tình, bọn hạ ngu không với tới tình, chỗ tình chung đúc chính là ở bọn chúng ta” (Thánh nhân vong tình, hạ ngu bất cập tình, tình chi sở chung, chính tại ngã bối) [lời Vương Nhung trong sách Thế thuyết tân ngữ][19]. Quan niệm này trước đó dường như chưa thấy có dấu ấn xuất hiện trong văn học Việt Nam. Sự xuất hiện của nó cung cấp thêm một cơ sở triết lí cho khuynh hướng “hưởng lạc” mang màu sắc lãng mạn, diễm tình, thoát li trong văn học nói chung và thơ ca nói riêng đương thời.
Như vậy, về cơ bản, tư tưởng “hưởng lạc” trong thơ cho đến cuối thế kỉ XVIII vẫn chưa phải là một triết lí có tính xuyên suốt cả một đời người hay cả thời đại. Nó chủ yếu có tính chất tự phát, nảy sinh do những hoàn cảnh cụ thể và ở những số phận cụ thể, một phản ứng có tính tức từ cả hai cực cảm xúc: hoặc bi quan, thất vọng trước đời sống nhân sinh, trước thời đại loạn lạc hoặc lạc quan, tràn đầy hi vọng trước thời thế, vận hội thái bình. Nó chưa đạt đến trình độ một triết lí nhân sinh phổ biến, bền vững và nhân bản không lệ thuộc vào thời thế, bối cảnh xã hội, thể chế chính trị,... Nó cũng chỉ được phát biểu một cách ngẫu nhiên, đột xuất trong những thời điểm đặc biệt nào đó “ngoài đạo ngoài đức”. Tuy nhiên, có thể thấy, “hưởng lạc” vẫn luôn là khát vọng, là ứng xử có sức sống bền bỉ, có lúc âm ỉ có lúc bừng lên trong đời sống trở thành nguồn cảm hứng vô tận, ngày càng quan trọng thơ ca Việt Nam thời trung đại. Trong đó, dòng thơ ca “hưởng lạc” xuất phát từ những nhận thức về cuộc đời mộng ảo, ngắn ngủi, từ thực tiễn xã hội loạn lạc, bi thương có tính chân thực, sức lay động, có chiều sâu triết học, tâm lí, xã hội hơn, ít vụ lợi hơn các dòng khác. Chính dòng thơ này là tiền đề để phát triển dòng thơ “hưởng lạc” mang tính nhân bản, phổ quát sau này mà Nguyễn Công Trứ chính là một đại biểu, còn Nguyễn Du là chiếc cầu nối. Về mặt hình thức, dễ dàng nhận thấy rằng, những tác phẩm trong dòng thơ ca “hưởng lạc” thường xoay quanh mấy thể chính là: từ, khúc, ca, ngâm, thơ Nôm, hát nói,... Điều đó cho thấy có một ý thức phân công thể loại rất rõ ở các nhà thơ trung đại khi họ sáng tác. Thơ ca hưởng lạc được xếp vào loại thơ chơi, sáng tác lúc trà dư tửu hậu, “mua vui”, khác với loại thơ “ngôn chí”, “tải đạo” nghiêm chỉnh, chính thức.
2. Thơ ca “hưởng lạc” của Nguyễn Du
Về cơ bản, Nguyễn Du vẫn chưa thoát khỏi truyền thống thơ ca hưởng lạc trước ông; nhưng ông hầu như chỉ kế thừa dòng thơ ca “hưởng lạc” mang màu sắc thoát li, an lạc với tư cách là một sự phản ứng lại thực tại bất ổn, bi thương. Sinh ra và trưởng thành trong một thời kì đầy những biến động “thay đổi sơn hà” (chữ Nguyễn Du), “năm sáu đời vua khéo chóng ghê” (Phạm Thái), đại gia đình hưng vượng rồi li tán,… cuối thế kỉ XVIII, bên cạnh sự thể nghiệm những kinh nghiệm nhân sinh sẽ giúp Nguyễn Du viết nên Đoạn trường tân thanh, “Văn tế thập loại chúng sinh” và những bài thơ thấm đẫm tinh thần hiện thực và nhân đạo, ông cũng không thể không nhận thấy, không tự thể nghiệm một luồng tư tưởng đã chảy xuyên suốt mấy thế kỉ trước và đang trỗi dậy, phát triển mạnh mẽ từ cuối thế kỷ XVIII. Đó là dòng tư tưởng hưởng lạc như một phản ứng trước sự ngắn ngủi, vô thường của đời sống nhân sinh, một sự cân bằng lại đời sống tinh thần của những “đấng bậc”, cũng là sự thức nhận tự nhiên của những con người hậu kì trung đại. Dòng tư tưởng đó còn được tiếp sức từ chính hoàn cảnh gia đình ông, từ những vị tiền bối, huynh đệ, bằng hữu của ông. Dòng họ ông là một đại vọng tộc lúc bấy giờ; cha ông (Nguyễn Nghiễm), và đặc biệt là người anh cùng cha khác mẹ (Nguyễn Khản) là những người sống phú quý, phong lưu bậc nhất đương thời [Xem Vũ trung tùy bút, thiên “Dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền”, bài “Giang Đình hữu cảm”,… của chính Nguyễn Du]. Rồi sau này dưới thời Tây Sơn – Nguyễn, người anh Nguyễn Đề, người em Nguyễn Úc, cũng sống có đời sống phong lưu, tài tử nhất định [Xem “Long Thành cầm giả ca”, “Ngộ gia đệ cựu ca cơ”,…]. Tư tưởng của họ ít nhiều đã không còn bó buộc trong những triết lí cứng nhắc của Nho gia mà hướng đến một cuộc sống phóng túng, hưởng thụ hết sức thực tế. Tư tưởng sống đó hẳn đã ít nhiều tác động đến nhân sinh quan, trở thành một phần ứng xử của ông với đời. Thực tế là, Nguyễn Du cũng đã được trải nghiệm cuộc sống “hoa viên” phong lưu đó, và chúng đã để lại nhiều kí ức trong thơ Nguyễn Du, trong đó không ít những kí ức phong tình [Ngoài những bài đã dẫn, có thể kể thêm những bài khác mà điển hình là chùm 6 bài “Mộng đắc thái liên”]. Nếu như đọc tiểu sử Đặng Trần Côn, ta biết đến một ông Hương cống làm quan với chức vụ thấp, nhưng phong lưu, tài tử nổi tiếng khắp Thăng Long, thì không khó hình dung một công tử quý tộc ở phường Bích Câu như Nguyễn Du có thể phong lưu, phóng túng như thế nào! Có thể nói không quá rằng, trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, kể cả thơ làm dưới thời Nguyễn, có không ít bài thực ra là những dòng hồi tưởng “đi tìm thời gian đã mất” và về quá khứ “dưới bóng những cô gái tuổi hoa”. Đó phải chăng là cơ sở để khi đọc thấy trong Lưu Hương kí của Hồ Xuân Hương bài “Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh điện học sĩ Nguyễn hầu”, người ta liền đoán ngay “Nguyễn hầu” không ai khác ngoài Nguyễn Du và chú thích ngay rằng: “Hầu là người Tiên Điền”! Nếu đúng thế, thì Nguyễn Du khác gì những Tốn Phong Thị, Trần Phúc Hiển, Trần Quang Tĩnh,… vẫn hay qua lại “Cổ Nguyệt đường”! Mặt khác, cũng không thể không nói đến sự ảnh hưởng của văn hoá dân gian (folklore) đến tư tưởng và văn chương của một người mẫn cảm thời thế như Nguyễn Du. Ảnh hưởng đó trước hết có thể thông qua người mẹ ruột (rồi sau này là người vợ) quê Kinh Bắc. Sau nữa, chắc chắn hơn, những tư liệu gia phả, giai thoại, rồi một số thơ văn (nhất là thơ văn Nôm) về thời niên thiếu của Nguyễn Du cho thấy ông đã từng giao du rộng, tham gia các sinh hoạt hội hè, đình đám, vui chơi, giải trí (đặc biệt là hát phường vải, hát ca trù); các cuộc giao lưu của nam nữ trong làng, trong vùng [Xem các bài “Thác lời trai phường nón” của Nguyễn Du, “Thác lời con gái phường vải gửi trai làng nón Tiên Điền” tương truyền của Nguyễn Huy Quýnh,…]. Những kinh nghiệm “hưởng lạc” đó đã tích tụ trong ông, để rồi trong “mười năm gió bụi” (1786 - 1795), “dưới chân núi Hồng” (1796 - 1802) nó đã kết sinh trong con người ông thành những “ý tưởng” và hành động hưởng lạc khá táo bạo, dấn thân. Những tên hiệu như “Hồng Sơn liệp hộ” (Kẻ đi săn ở núi Hồng), “Nam Hải điếu đồ” (Gã đi câu ở biển Nam) xuất hiện thời gian này phần nào cho thấy phong thái, đời sống khá phong lưu, phóng túng (dù không hoàn toàn thoải mái) của Nguyễn Du những năm loạn lạc. Bên cạnh đó, từng bước, Nguyễn Du cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Đạo gia[20], Phật giáo[21], coi cuộc đời ngắn ngủi, hư ảo; coi thường danh lợi phù hoa. Điều đó ít nhiều cũng tạo thêm động lực để ông dấn thân vào cuộc sống hành lạc mỗi khi hoàn cảnh, điều kiện cho phép. Những luồng tư tưởng đó gặp gỡ và kết tập thành quan niệm sống, hành vi xử thế của ông trong những thời điểm nhất định. Đây đó, ta bắt gặp tư tưởng hưởng lạc xuất hiện bên cạnh tâm trạng phẫn uất, bi hùng như một lối thoát cho cảnh cùng quẫn, bất lực trong thơ ca của ông:
“Dắt chó vàng tìm thú vui dưới núi Hồng Lĩnh/ Dưới mây trắng nằm dưỡng bệnh bên bờ sông Quế/ Ở thôn quê mua rượu hoài không chán/ Trong túi vẫn còn ba mười đồng tiền” [“Tạp thi” - 1][22]
Hay:
“Cuộc đời trăm năm thương thay chỉ là chớp mắt/ Cuộc vui chơi lúc tuổi già mua vui, tiếc chỉ là thoáng chốc/ Sao biết được rằng ngày khác nằm ở dưới gò tây/ Có thể uống được một giọt rượu nào trong tiết Trùng dương không?” [“Mạn hứng”][23]
Và:
“Ngồi xếp bằng bên song vắng, đôi mắt say mở nhìn/ Thấy vô số cánh hoa rụng xuống trên rêu xanh/ Lúc sống không uống cạn rượu trong bầu/ Thì chết rồi ai tưới chén rượu trên mồ?” [“Đối tửu”][24]
Sự trở đi trở lại quan niệm và hành động “hưởng lạc” như vậy cho thấy nó không dễ gì là một ý niệm ngẫu nhiên, tình cờ và nhất thời (đặc biệt càng không phải chỉ là “chuyện văn chương” theo kiểu “trảm phong”, “lộng ngôn”, viết cho sướng miệng). Nó là một phần máu thịt, thống nhất trong con người “đầy mâu thuẫn” của ông. Đặc biệt, tư tưởng đó thể hiện đậm nét nhất ở chùm bài “Hành lạc từ” trong Thanh Hiên thi tập làm vào quãng từ 1796 đến 1802. Chúng tôi xin được dẫn lại cả hai bài từ này để thấy được toàn bộ quan niệm của ông:
“Chó khoẻ, lông vàng đốm trắng/ Cổ đẹp đeo chuông vàng/ Chàng thiếu niên mặc áo nhẹ/ Dắt chó về núi phía nam/ Núi phía nam nhiều nai hương/ Huyết thịt ngọt lại béo/ Dao vàng thái bày thành bữa tiệc sang/ Rượu quý uống hàng trăm chén/ Đời người không ai sống trăm tuổi/ Nên vui chơi cho kịp thì/ Chớ nên giữ nếp nghèo hèn/ Cả năm chẳng được mở mày mở mặt/ Bá Di, Thúc Tề chẳng danh lớn/ Đạo Chích, Trang Kiểu chẳng lợi to/ Trung thọ chỉ được tám mươi tuổi/ Việc gì tính chuyện ngàn năm/ Có chó cứ nên giết/ Có rượu cứ nghiêng bầu/ Được mất trước mắt còn khó biết/ Việc gì bận tâm đến cái danh xa xôi sau khi chết” [“Hành lạc từ” - 1] [25].
“Trên núi có hoa đào/ Mềm mại như lụa đỏ/ Sớm mai cợt đùa sắc xuân đẹp/ Chiều tối dính bùn nhơ/ Hoa đẹp chẳng trăm ngày/ Người thọ chẳng trăm tuổi/ Việc đời lắm đổi dời/ Kiếp phù sinh nên hành lạc/ Trên tiệc có kỹ nữ đẹp như hoa/ Trong bình có rượu nổi sóng vàng/ Tiếng sáo đẹp, tiếng tiêu ngọc khi mau khi chậm/ Được lúc cao giọng hát thì cao giọng hát/ Anh chẳng thấy/ Vương Nhung tự tay mình cầm thẻ ngà/ Ngày ngày tính toán mà thường chẳng thấy đủ/ Đài Tam công nghiêng, cây mận ngon chết/ Tiền của tiêu tan cho người khác hưởng/ Lại chẳng thấy/ Phùng Đạo tuổi già được tiếng là cực kỳ quý hiển/ Trải mấy triều vua không rời ngôi khanh tướng/ Tiếng chuông ngân, thức ăn trong vạc rút lại thành không/ Nghìn năm sau chỉ còn lưu lại bài “Trường Lạc tự”/ Phú quý trước mắt như phù vân/ Chỉ để người nay cười người xưa/ Mồ mả người xưa đã ngổn ngang/ Người nay sao còn chạy vạy bôn chôn?/ Xưa nay hiền ngu đều chỉ còn một nắm đất/ Cửa ải tử sinh chẳng ai vượt qua/ Khuyên anh uống rượu rồi vui chơi/ Mặt trời đang lặn ở cửa sổ phía tây trời sắp tối” [“Hành lạc từ” - 2] [26]
Có thể nói, lần đầu tiên hai chữ “hành lạc” được dùng để đặt tiêu đề cho các tác phẩm [hai bài “từ” - “từ” ở đây không phải là “từ khúc” mà là những bài “ca hành” cổ phong theo phong cách tự do, phóng túng]. Điều đó cho thấy dụng ý của Nguyễn Du là muốn nếu lên một tuyên ngôn sống rõ ràng, chuyên biệt và vững chắc. Đọc hai bài từ này, ta thấy thấp thoáng bóng dáng bài Tương tiến tửu của Lí Bạch cả về nội dung và nghệ thuật. Lí Bạch do thất vọng vì những hoài bão “kinh bang tế thế” của mình mà tìm đến với tư tưởng Lão Trang, với tinh thần du hiệp, phiêu lãng giang hồ và hưởng lạc với triết lí nổi tiếng: “Xưa nay thánh hiền đều bặt tiếng/ Chỉ có kẻ uống rượu là lưu lại danh tiếng” (Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh). Cái danh “ẩm giả” của Lý Bạch được lưu lại thiên cổ một cách đậm nét nhất qua giai thoại ông say rượu nhảy xuống sông ôm bóng trăng mà chết. Nhưng hình ảnh “ôm bóng trăng” hình như đâu chỉ nói chuyện uống rượu! Nhìn chung, về tư tưởng, Nguyễn Du cũng tương tự như vậy. Ông tìm đến tinh thần “hưởng lạc” như một sự giải tỏa, một sự cân bằng hoá cả về vật chất lẫn tinh thần. Cơ sở và nội dung chủ đạo của tư tưởng hưởng lạc của Nguyễn Du là nhận thức về sự ngắn ngủi, vô thường của đời sống (cơ sở tư tưởng Lão Trang, Phật giáo), sự bế tắc trong việc thi hành những lí tưởng tinh thần cao xa và nỗ lực khắc phục chúng bằng những thú vui trần thế, những ngón nghề trác tuyệt theo chủ trương của Dương Chu. Quan niệm về đời người của Nguyễn Du thực ra chưa có gì mới mẻ. Vẫn là “Trăm năm nào có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” (Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều) và “Ôi, kiếp nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như lửa đá, như chiêm bao, giây phút nên không, dù nhẫn trăm năm cũng chẳng mấy” (Văn tế chị - Nguyễn Hữu Chỉnh). Nhưng có vẻ phản ứng của ông thì quyết liệt và táo bạo hơn những tiền nhân và có tính căn cơ hơn. Đời sống ngắn ngủi là vậy, cho nên tất cả những gì là công danh, sự nghiệp… đều trở nên vô nghĩa, chỉ có lạc thú, sự thỏa mãn cảm giác là có ý nghĩa thực sự. Đó là những “rượu ngon”, “món ăn quý”, “ca nữ đẹp như hoa”, “tiếng sáo đẹp”[27],… tức thú vui vật dục, thanh sắc. Nguyễn Du nhắn nhủ thẳng thắn: “Vui chơi nên kịp thời” và “Sống kiếp phù sinh nên cứ vui chơi”,… Đây quả là những tư tưởng táo bạo trong tâm hồn một con người như Nguyễn Du mà từ trước đến giờ chúng ta đã biết. Táo bạo nhưng không thái quá, không quá vị kỉ. Bởi vì thực ra sự hưởng lạc/ hành lạc mà Nguyễn Du “khuyến khích” vẫn là những thú vui tao nhã, chứ không hề thô tục, phù phiếm; cũng không đến mức bất chấp, hoang tuồng, gượng ép. Đó là thú chơi của người tài tử ý thức được khá rõ cái tôi của mình và của giới mình (cái gọi là “ngã bối”, “phong vận…ngã tự cư” chính là ý ấy).
Hẳn có người sẽ lập luận rằng, tư tưởng hưởng lạc của Nguyễn Du chỉ xuất hiện trong Thanh Hiên thi tập chứ ít thấy trong Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục, nghĩa là chỉ xuất hiện trong thời gian Nguyễn Du “chạy loạn” hay ẩn cư ở quê nhà trước khi ra làm quan. Từ đó, họ cho rằng đó không phải là quan điểm sống xuyên suốt, thường trực của ông (như một số nhà thơ sau này, tiêu biểu là Nguyễn Công Trứ) mà chỉ là một phản ứng tức thời, một khoảnh khắc “nổi loạn” đầy bi phẫn vì hoàn cảnh quẫn bách trong quãng đời dằng dặc u buồn của ông. Vì thế, Nguyễn Lộc đã nhận xét (thực chất là “biện hộ” thay cho Nguyễn Du) rằng: “Hành lạc đối với Nguyễn Du chỉ là chuyện văn chương chứ không phải là một phương thức sống”[28].
Có thật đó chỉ là “chuyện văn chương”? Nếu đúng vâỵ làm sao lí giải được chất “nhà nho tài tử” trong con người Nguyễn Du như nhiều người đã nhận định?[29] Làm sao lí giải được sự am tường của ông đối với những đề tài liên quan đến sự phóng lạc với “yến yến hường hường”? Phải chăng đó chỉ là “chuyện văn chương”, là kinh nghiệm sách vở? Chúng tôi không tin là như thế. Những tên hiệu “Hồng Sơn liệp hộ”, “Nam Hải điếu đồ” có hoàn toàn chỉ là chuyện chữ nghĩa? Hơn nữa, chúng tôi cũng không tin được những sự từng trải của Nguyễn Du trong việc “hành lạc” suốt bao nhiêu năm dưới thời Lê Trịnh, rồi Tây Sơn, và kể cả dưới thời Nguyễn, chỉ là chuyện lí thuyết, văn chương. Ông đã trải nghiệm thực sự, từ đó mà hiểu thấu tất cả mùi đời, lẽ đời để thẩm thấu cả hương vị đam mê lẫn cay đắng của nó. Cái hơn người của Nguyễn Du là ở chỗ: Người đời thường chỉ “hành lạc” để hưởng thụ; ông còn “hành lạc” để tâm suy ngẫm và rút ra từ đó những bài học, những thể nghiệm khác mà đôi khi những cái đó lại lấn át cả sự “hưởng thụ”, cao hơn rất nhiều lạc thú trước mắt. Nhưng điều đó không có nghĩa Nguyễn Du siêu vượt những cảm giác thường tình, trở thành vị “thánh” trong trần thế. Còn vì sao trong thơ Nguyễn Du thời “ra làm quan với nhà Nguyễn” ít mùi “hành lạc”? Theo chúng tôi, như chúng ta biết sau này Nguyễn Du ra làm quan với nhà Nguyễn nhưng với một tâm thái vô cùng thận trọng, kín đáo. Điều này được ghi lại trong sử truyện của nhà Nguyễn cũng như trong chính thơ chữ Hán của Nguyễn Du[30]. Ông không còn ngạo nghễ bày tỏ hùng tâm, tráng chí, sự gai góc, ngạo nghễ của mình như trước đây được nữa. Một sự thận trọng tương tự như thế rất có thể cũng diễn ra trong đời sống và tư tưởng “hưởng lạc” của ông. Ông cũng không thể thể hiện triết lí “hưởng lạc” thẳng thắn, dõng dạc như trước. Những sự thận trọng, thâm trầm (nhiều khi thành “rụt rè”, “ít nói”,…) như thế khiến người ta lầm tưởng Nguyễn Du là một người thiên về suy nghĩ hơn hành động, chần chừ, nấn ná hơn là mạnh mẽ, quyết đoán. Thực chất, nếu đọc kĩ một số bài thơ chữ Hán cũng như tiểu sử Nguyễn Du sẽ thấy ông không hẳn là người như thế. Ông là người có “hùng tâm” như ông đã tự nhận. Ông cũng có ít nhiều dáng dấp “người anh hùng thời loạn” hơn là “một tài tử phong lưu”. Một người dám định vượt biển vào Gia Định để chống Tây Sơn; một người không ngần ngại đọc, rồi viết về một kĩ nữ như Thuý Kiều; viết về người anh hùng “lục lâm” như Từ Hải quyết không phải là một người thiếu bản lĩnh, khí phách. Nhưng vì nhiều nguyên nhân (như không thể đùa được với con rồng đang muốn khẳng định sức mạnh của nó trong buổi “đại định”), trong đó có cả nguyên nhân “sinh kế” (3 người vợ với 18 người con), vì nỗi sợ nghèo hay vì “phúc dày của dòng họ” (ngô môn phúc hậu) (Nguyễn Hành),v.v… Nguyễn Du đã phải “khéo giữ được trọn vẹn” (xảo hoàn) (chữ Nguyễn Hành trong bài “Văn thúc phụ Lễ bộ Hữu tham tri phó âm cảm tác”) hay nói khác đi là phải sống vo tròn, không còn góc cạnh, hay ít nhất là không được công khai tỏ ra góc cạnh. Từ đó suy ra, không thể căn cứ vào việc ít phát ngôn về sau mà cho rằng triết lí “hưởng lạc” của Nguyễn Du chỉ là nhất thời. Chí ít, ông đã phải tiến xa hơn Phạm Nhữ Dực, Nguyễn Trãi và không ít những nhà nho tiền bối khác trong quan niệm về việc “hưởng lạc”. Điều đó đồng bộ với bước tiến của ông trong quan niệm về “thân”, “tâm”, “tình”, “tài”, “mệnh”,… hay những vấn đề khác có liên quan đến nhân sinh (như về cái nghèo, về “tuổi trẻ”,…). Nếu như chúng ta đã nói đến cái gọi là “chủ nghĩa nhân văn”, “chủ nghĩa nhân bản” trong sáng tác của Nguyễn Du thì phải chăng trong đó cần có cả quan niệm về sự hưởng lạc về sự quý sinh? Chẳng phải ngay trong Đoạn trường tân thanh, ngòi bút Nguyễn Du đã hào hứng, bay bổng thế nào khi viết về hạnh phúc trần thế của mối tình Kim Trọng - Thuý Kiều, của cuộc hôn nhân Thúc Sinh - Thuý Kiều hay Từ Hải - Thuý Kiều. Làm thế nào ông có thể viết về điều đó say mê, xuất thần như thế nếu không có một sự đồng cảm, đồng tình? Hay quan niệm về cái nghèo ở Nguyễn Du cũng đã khác rất nhiều các nhà nho trước đó. Không còn “an bần lạc đạo”, “bần tiện bất năng di” nữa, mà là “Chớ nên giữ nếp nghèo hèn/ Cả năm chẳng được mở mày mở mặt” [“Hành lạc từ” - 1]. Phải chăng đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nỗi ám ảnh về cái nghèo trong nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du như một sự đối lập gay gắt với quá khứ vàng son chính ông đã từng trải qua. Cho nên, cái nghèo bắt đầu xuất hiện trong thơ ông sinh động, cụ thể hơn trước. Đây là quan niệm mở đường cho Cao Bá Quát sau này viết “Tài tử đa cùng phú”, Nguyễn Công Trứ viết “Hàn nho phong vị phú” và những bài hát nói “than cảnh nghèo”, tác giả khuyết danh viết Bần nữ thán,v.v… Có lẽ, cũng chính điều đó đã góp phần khiến cho Nguyễn Du có thể đồng cảm hơn, thương xót hơn với cái nghèo của những người bình dân. Chẳng phải, người ta thường nói: người không biết thương mình sao biết thương người khác? Điều đó cho thấy, cái nhìn thực tế, đời thường đã có chỗ đứng vững chắc trong quan niệm nhân sinh và quan niệm nghệ thuật của nhà thơ. Nó cũng là cơ sở khiến cho tư tưởng “hưởng lạc” đã hiện diện thường trực hơn ở nhà thơ và trong thơ ca của ông. Và đừng nghĩ rằng “hưởng lạc” toàn là ích kỉ, là thoát li, tiêu cực; trái lại, nó cũng là cơ sở cho tình thương yêu, đồng cảm với đồng loại sâu sắc và chân thật hơn chứ không phải sự thương hại, thương vay. Tất nhiên, như đã nói, thơ ca “hưởng lạc” của Nguyễn Du cũng có giới hạn của nó: giới hạn trong nội dung tư tưởng lẫn phương thức nghệ thuật. Nguyễn Du không chỉ sống vì “hưởng lạc”, và “hưởng lạc” cũng không chỉ để “hưởng lạc”. Nói khác đi, ông chưa phải một tín đồ của nó. Vì vậy, thơ ca Nguyễn Du không tụng ca “hưởng lạc” một cách tự do, thoải mái, mọi nơi mọi lúc. Dường như cái gốc gác là chữ “tâm”, chữ “thiện” luôn níu giữ ông ở giới hạn đó! Bởi vậy, đối với những đối tượng, “phương tiện” đem lại lạc thú (chẳng hạn người ca kỹ), Nguyễn Du nhìn bằng hai đôi mắt: đôi mắt si mê và đôi mắt cảm thương; trong đó, nhiều khi con mắt cảm thương lấn át đôi mắt kia. Điều đó dẫn đến việc trong thơ văn, Nguyễn Du cũng dành sự ưu tiên cho việc biểu hiện sự đồng cảm, tri ngộ, đau đớn hơn là lạc thú, si mê (điều dễ dẫn đến việc không trân trọng đối tượng, thậm chí tàn nhẫn, coi thường đối tượng, xem đó chỉ là “phương tiện” thuần tuý). Bởi vậy, việc biểu hiện triết lí hưởng lạc chỉ hạn chế trong một số bài thơ có tính “độc thoại”, tự bạch, không có đối tượng cụ thể, rõ ràng; còn tình thương yêu, sự tri ngộ lại thường hướng đến những địa chỉ rõ ràng, những thân phận cụ thể. Điều đó cũng lí giải việc tư tưởng hưởng lạc chỉ xuất hiện trong những bài “tạp thi”, “mạn hứng” hay “từ” chứ không phải trong những sáng tác chính của Nguyễn Du.
Như vậy, với quan niệm ngày một sâu sắc, nhân bản, vững chắc của mình, Nguyễn Du cũng đóng góp cho dòng thơ ca hưởng lạc Việt Nam và thế giới những tác phẩm có giá trị. Nó cũng giúp ông có cái nhìn đa diện hơn về cuộc sống nhân sinh, rũ bỏ phần nào những gánh nặng đạo lí quá nặng nề và cứng nhắc của lí tưởng nhà Nho và vị thế nhà thơ “nhân đạo chủ nghĩa”, nhưng lại giúp cái nhìn “nhân đạo chủ nghĩa” thêm sâu sắc. Phải chăng cũng vì thế mà ông dễ dàng mới tiếp cận với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để rồi viết nên Đoạn trường tân thanh với những câu thơ khá mạnh bạo như: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”…mới có cơ hội tiếp xúc với những người ca nữ đất Long Thành, La Thành,… để rồi viết nên “Long Thành cầm giả ca”, “Điếu La Thành ca giả”, “Ngộ gia đệ cựu ca cơ”,v.v… hết sức xúc động, sâu sắc; mới thể nghiệm hết mọi nỗi nhân sinh để viết nên “Văn tế thập loại chúng sinh” rất “cận nhân tình” (Lâm Ngữ Đường). Hơn nữa, nếu nhìn dưới góc độ lí thuyết “tiếp nhận” (W. Iser, H. Jauss) hay quan niệm về “cái chết của tác giả” (R. Barthes), thì ngay cả khi Nguyễn Du chưa tự giác hết những gì mình viết thì độc giả vẫn có quyền tiếp nhận tác phẩm độc lập với ý đồ, dụng ý tác giả. Theo hướng đó, độc giả hiện đại khi đọc những bài như “Hành lạc từ” có thể tiếp nhận ở đó những quan niệm, triết lí mới mẻ phù hợp với “tầm đón đợi” (Erwartungshorizont) hoặc “kinh nghiệm thẩm mỹ” (ästhetische Erfahrung) của họ.
Hơn nữa, hãy chú ý đến vị trí của Nguyễn Du vắt giữa hai thế kỉ XVIII và XIX. Nguyễn Du là chiếc cầu nối giữa thơ ca hưởng lạc từ thế kỉ XVIII trở về trước với thơ ca hưởng lạc thế kỉ XIX và thậm chí sau này. Nguyễn Du là người khép lại dòng thơ ca hưởng lạc tự phát, “phập phù”, thiên về phản ứng, “đối thoại” với “thời chính” trước đó và mở ra dòng thơ ca hưởng lạc vì nhận thức ra nhu cầu vật dục tự nhiên, nhân bản của cá nhân con người thế kỉ XIX với những Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Phúc Miên Trinh, Lê Văn Hy, Dương Khuê, Dương Lâm, Trần Tế Xương,… Sau Nguyễn Du, thơ ca hưởng lạc Việt Nam còn có những bước phát triển mạnh mẽ, táo bạo hơn và cũng có bản sắc hơn. Triết lí hưởng lạc không chỉ xuất hiện trong một thời điểm đặc biệt nào đó của cuộc đời tác giả, phụ thuộc vào những biến cố cuộc đời, chìm nổi theo thế sự, mà là nguyên tắc, là lí tưởng sống “chung thân” của họ, trong cuộc sống thường nhật, trở thành nội dung chủ đạo của thơ ca, nghệ thuật mà thơ hát nói là điển hình. Nội dung hưởng lạc cũng không chỉ dừng lại ở những thú chơi tao nhã, sang trọng mà đã thấm nhiều hơn phong vị của sắc dục, của sự “phóng túng hình hài” (chữ Nguyễn Tuân) khá hiện đại. Tiêu biểu nhất cho xu hướng đó là trường hợp Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Công Trứ đã đi “từ hồi quang người anh hùng thời loạn đến khuôn hình một tài tử phong lưu”[31], tức là ông đã đi qua Nguyễn Du để đến chính mình. Hành lạc đã trở thành một quan niệm sống xuyên suốt của ông bất kể lúc “đăng hoả” chờ thời hay khi “lên voi xuống chó” hoặc lúc đã “đô môn giải tổ”; bất kể đó là lúc thịnh thời hay khi vãn thế. Nguyễn Công Trứ cũng là người phân biệt rất rạch ròi giữa công việc và chơi. Ông làm việc hết mình và chơi cũng tận lực, không nhập nhằng hai thức đó. Cho nên, cuộc đời và thơ văn ông cũng chia làm hai mảng: mảng hành đạo (lập công danh) và mảng hưởng thụ (hành lạc). Về sự hưởng thụ, ông cho rằng: “Người đời không hưởng thú vui/ Thì dù sống nghìn năm cũng như chết non” (Nhân sinh bất hành lạc/ Thiên tuế diệc vi thương) [“Đánh thức người đời”], hay: “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi bấy/ Nếu không chơi thiệt ấy ai bù” [“Chơi xuân kẻo hết xuân đi” - 1]; “Đường ăn chơi mỗi cách mỗi hay/ Chơi cho lịch mới là chơi/ Chơi cho đài các cho người biết tay” [“Chơi cho phỉ chí”]; “Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí” [“Cầm kỳ thi tửu”]; v.v… Cho nên, đối với Nguyễn Công Trứ đời sống là một cuộc chơi dài, một cuộc chơi mà phần thưởng chỉ dành cho những người ý thức đầy đủ về nó và sống hết mình với nó. Với Nguyễn Công Trứ, sự “hành lạc”/ hưởng lạc không chỉ dừng lại ở những thú chơi cao sang, tao nhã, hay phản ứng trước thời cuộc hoặc biến cố đời tư. Đó còn là nhận thức mới về bản chất “chơi” của con người và bản chất “trò chơi” của cuộc sống. Nguyễn Công Trứ hay nói đến “con tạo” cũng chính là vì thế. “Con tạo” đã chơi thì người đời cũng phải biết chơi. Phạm Vĩnh Cư đã rất xác đáng khi cho rằng: “Nâng tư tưởng hành lạc lên thành triết lí sống, Nguyễn Công Trứ biểu lộ tính nhân bản rất sâu sắc và anh minh, và tỏ ra ‘đồng thanh tương ý, đồng khí tương cầu’ một cách lạ lùng với thời đại ngày nay khi con người ngày càng cần cảm thấy có nhu cầu thể hiện mình không chỉ như một sinh vật tinh khôn (homo sapiens), sinh vật chế tạo (homo faber),v.v…, nhưng còn như một sinh vật chơi (homo ludens)”[32]. Thậm chí, có thể nói đến một “tinh thần hiện sinh trong thơ văn Nguyễn Công Trứ”[33]. Thực vậy, ông không chỉ vận dụng triết lí sống ấy trong cuộc đời mà còn đưa nó vào thành một tuyên ngôn nghệ thuật trong thơ văn (ngay cách đặt tiêu đề các tác phẩm – nếu đúng là do Nguyễn Công Trứ đặt – đã cho thấy dụng ý tuyên ngôn đó). Nội dung thơ văn Nguyễn Công Trứ chủ yếu là nội dung “hành lạc” đã đành; ngay cái hình thức thơ văn ấy cũng chủ yếu là loại văn “hành lạc”, là văn chơi, văn diễm tình. Chúng tôi muốn nói đến bộ phận sáng tác chủ yếu còn lại (không hiểu do chủ quan hay khách quan; và cho dù vì lí do gì thì sự tồn tại của nó đến giờ cũng cho thấy “sức sống”, sức lôi cuốn mạnh mẽ) của văn chương Nguyễn Công Trứ: thể thơ hát nói (và thơ Nôm)[34]. Ở Nguyễn Công Trứ, tư tưởng “hưởng lạc”, văn chương “hưởng lạc” đã đạt đến đỉnh cao giới hạn của nó. Thậm chí, đôi khi Nguyễn Công Trứ còn vượt qua giới hạn của cái “thẩm mĩ” và “phi thẩm mĩ”; “cận nhân tình” và “bất cận nhân tình”, khi ông bất cần biết đến những giá trị khác ngoài giá trị “phương tiện” của những đối tượng dùng để hưởng lạc; ông cũng bất cần biết đến những số phận cụ thể đằng sau cái đối tượng kia và đôi khi bất cần biết đến cả những nguyên tắc đạo lí (chẳng hạn như chuyện tuổi tác, danh giá,…của người ca kỹ). Ở Nguyễn Công Trứ đúng là có “sự lên ngôi của cái tôi cá thể”[35] nhưng với cái tích cực và cả mặt trái của nó (sự vị kỷ, lạnh lùng). Điều đó lí giải vì sao, ông say mê, qua lại với “yến yến hường hường” nhưng lại hạ những câu thơ khá tàn nhẫn với một “bóng hường” điển hình là Thuý Kiều. Trong thơ văn ông cũng không thấy nhiều cái cảm hứng xót thương, đồng cảm với thân phận của người ca kỹ như Nguyễn Du hay một số nhà thơ nhân đạo khác. Đối với ông, họ là những nhân vật vô danh, trừu tượng, phi nhân cách, phi số phận. Nếu phải nói về một nhân vật cụ thể nào đó, thì y như rằng, ông lại xuất hiện như một nhà Nho chính thống, đạo đức bề bề (việc ông bình luận về Thuý Kiều là điển hình). Bằng quan niệm và thực tiễn sáng tác như vậy, Nguyễn Công Trứ và những người cùng chí hướng với ông đã vượt qua những bậc tiền bối như Nguyễn Du với cả những thành tựu lớn và hệ luỵ không nhỏ của nó.
Sinh thời, Nguyễn Du từng viết hai câu thơ: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” [“Độc Tiểu Thanh kí”]. Có lẽ, cùng nhiều yếu tố khác, hai câu thơ này đã rất ám ảnh hậu thế, khiến hậu thế chỉ nhớ đến ông như một biểu tượng của sự sầu muộn, tâm tư, thương cảm, cô đơn, ít thấy lối sống “nghệ thuật” và sự “biết sống”, “sống đẹp” (Lâm Ngữ Đường). Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ Nhân Nguyễn Đăng Tuyển từng cho Nguyễn Du là người “có con mắt trông suốt sáu cõi, tấm lòng hiểu thấu nghìn đời” [“Tựa Đoạn trường tân thanh”]. Người đời sau cũng lại chủ yếu hiểu theo hướng đó là con mắt tinh tường, “cận nhân tình”, tấm lòng bác ái của một bậc có thể gọi là “thánh thơ” (chữ đường dùng để gọi Đỗ Phủ nhưng cũng đúng cho Nguyễn Du, người cũng khá tôn sùng thi hào họ Đỗ). Phải chăng đã đến lúc cần có những diễn giải mới, cần hiểu rộng hơn, toàn diện hơn và hiện đại hơn về bức chân dung tinh thần của Nguyễn Du trong cuộc đời và trong văn chương[36]? Tư tưởng hưởng lạc, thơ ca hưởng lạc của ông, đặt trong bối cảnh Việt Nam và thế giới, có lẽ chính là một trong những nhân tố, những đường nét nên có trong bức chân dung như thế [37]./.
Chú thích:
(*) Bài in trong Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du – 250 năm nhìn lại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, cũng được lược in lại trong kỷ yếu Hội thảo khoa học kỉ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du tổ chức tại Trường ĐH KHXH và NV, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh vào ngày 23/12/2015, do Nxb Đại học Quốc gia TPHCM ấn hành. Bài đăng ở đây có một số vi chỉnh, bổ sung, cập nhật.
[1] Chẳng hạn, gần đây nhất, Nguyễn Thị Nương khi tập trung nghiên cứu Con người Nguyễn Du qua thơ chữ Hán (Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2009), mặc dù chú ý đến “những vần thơ tự hoạ”, “con người đầy day dứt, mâu thuẫn”,… nhưng lại dễ dàng bỏ qua những vần thơ “hành lạc” của ông (chỉ nhắc đến tên bài trong phần Phụ lục thống kê về chữ “xuân” như là biểu hiện của “thời gian nghệ thuật”), cứ như thể đó không phải là “đứa con tinh thần” của Nguyễn Du và chúng không hề làm nên một nét nào rõ rệt trong bức chân dung tự hoạ của Đại thi hào. Hiển nhiên, đó có thể là thiện ý của tác giả để bức chân dung Nguyễn Du thật đẹp, thật lí tưởng. Nhưng đó là quan niệm về “cái đẹp” và “lí tưởng” của người đời sau, chưa hẳn của Nguyễn Du.
[2] Nguyễn Lộc. Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỉ XVIII – hết thế kỉ XIX), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003, tái bản lần thứ 5, tr.305. Xem thêm Nguyễn Huệ Chi "Tìm hiểu thơ chữ Hán Nguyễn Du” (Tạp chí Văn học, số 11/1965). Ông nhắc đến tư tưởng hưởng lạc của Nguyễn Du như là hệ quả của “bế tắc cùng quẫn Nguyễn Du cũng như bao người khác".
[3] Phạm Vĩnh Cư. “Thơ ‘hành lạc’ của Nguyễn Công Trứ với dòng thơ ‘an lạc’ thế giới” [Tạp chí Văn học, số 7 năm 1995], Sáng tạo & Giao lưu, Nxb Hội nhà văn, H, 2004, tr.39. Ở đây, nhiều lúc Phạm Vĩnh Cư dùng khái niệm “an lạc” (thơ an lạc), khi thì dùng khái niệm “hưởng lạc” (thơ hưởng lạc). Đối với thơ Nguyễn Công Trứ, ông dùng khái niệm “hành lạc” (thơ hành lạc). Đương nhiên, việc dùng các khái niệm khác nhau của Phạm Vĩnh Cư là có dụng ý nhất định, tuy nhiên cũng có chỗ chưa rõ ràng dẫn đến việc đánh đồng một số hiện tượng với nhau hoặc có khi tác giả dùng với nội hàm như nhau. Để có tính thống nhất, rõ ràng và tính bao quát, theo tinh thần định nghĩa mà Phạm Vĩnh Cư đưa ra, chúng tôi chọn dùng khái niệm “hưởng lạc” (thơ ca hưởng lạc). Trong tiếng Anh, Pháp “Anacreontic/ Anacréotique” được dịch sang tiếng Việt hoặc tiếng Trung là “phong cách [thơ ca] tửu sắc, phong tình”/ “, còn “Epicurean”/ “Épicurean” / (Épicurisme/ Epicureanism) được dịch là “tính chất hưởng lạc”/“chủ nghĩa hưởng lạc” hoặc “tính chất khoái lạc”/“chủ nghĩa khoái lạc”. Hơn nữa, chúng tôi thiết nghĩ chữ “an lạc” này dễ bị hiểu nhầm sang có màu sắc đạo đức, tôn giáo mang tính siêu thoát (chẳng hạn trong Nho giáo, dễ nhầm thành tư tưởng “an bần lạc đạo”; trong Phật giáo, “an lạc” là trạng thái đạt đạo, chứng ngộ, là cảnh giới thiền hay lạc giới). Chúng tôi cũng không dùng khái niệm “hành lạc” vì ngày nay nó thường được hiểu với nội hàm khá là dung tục, tiêu cực mặc dù ngay ở thời trung đại, các tác giả đã dùng khái niệm “hành lạc” (với nghĩa hành động để hưởng lạc thú, niềm vui). Phần viết về dòng thơ “hưởng lạc” thế giới chủ yếu theo kết quả nghiên cứu của Phạm Vĩnh Cư.
[4] Phạm Vĩnh Cư. “Thơ ‘hành lạc’ của Nguyễn Công Trứ với dòng thơ ‘an lạc’ thế giới”, Tlđd, tr.40.
[5] Phạm Vĩnh Cư. “Thơ ‘hành lạc’ của Nguyễn Công Trứ với dòng thơ ‘an lạc’ thế giới”, Tlđd, tr.39.
[6] Tên những thiên trong sách Nam Hoa kinh của Trang Tử (khoảng 365 – 290 Tr.CN).
[7] Dương Chu (Dương Tử): tương truyền là một ẩn sĩ, học giả thời Chiến Quốc, xuất hiện sau Mặc Tử (khoảng 478-392 Tr.CN), trước Mạnh Tử (khoảng 372-289 Tr.CN). Tư tưởng của Dương Chu được bảo lưu chủ yếu trong sách Liệt Tử (thiên “Dương Chu”). Cũng có thuyết nói Dương Chu không phải là một nhân vật có thật. Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa thì “Dương Chu” cũng đại diện cho một luồng tư tưởng đáng chú ý nảy sinh từ thời Chiến Quốc.
[8] Cao Xuân Huy. Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn học, Hà Nội, 1995, tr.538.
[9] Nguyễn Huệ Chi (chủ biên). Thơ văn Lý Trần, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.544-545. Nguyên văn: “Ỷ tịch đại dồng châu lý hiệp/ Diệu cơ tế xướng thuý hoàn kiều/ Nhân sinh đắc ý tu tương lạc/ Hà tất tùng xuân chúc toán dao”.
[10] Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến những sáng tác có nguồn gốc xác định và có tính chất trực tiếp chứ chưa để cập đến những sáng tác mang tính chất truyền thuyết hoặc hư cấu, gián tiếp (xuất hiện trong các tác phẩm văn xuôi), chẳng hạn: bài thơ “Tức cảnh” tương truyền là của Nguyễn Thị Điểm Bích hay những bài thơ đầy tinh thần hưởng lạc trong “Truyện Hà Ô Lôi” (sách Lĩnh Nam chích quái lục) với những tuyên ngôn bất hủ, những bài thơ đượm mùi sắc dục trong các truyện ngắn của Nguyễn Dữ (Truyền kì mạn lục), bài thơ “Truyền kì” trong Bích Câu kì ngộ kí, những câu thơ trong Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc,v.v... Những đối tượng như thế cần phải được xử lí đặc biệt, biện luận kĩ càng bằng những lí thuyết tiếp cận đặc thù trong những công trình khác.
[11] Các công trình nghiên cứu về lịch sử, xã hội, văn hoá thế kỷ XIV trở về trước cho thấy những quan niệm sống hết sức cởi mở, phóng túng đã từng phổ biến đương thời (chẳng hạn ngay trong Dụ chư tì tướng hịch văn, Trần Quốc Tuấn đã chỉ trích lối sống “hưởng lạc” của các tì tướng). Tuy nhiên, từ thực tiễn đời sống đến việc phát biểu thành tuyên ngôn trong văn học, trong thơ ca thành văn lại là một chuyện rất khác.
[12] Mai Quốc Liên (chủ biên). Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập 1, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr.281-282. Nguyên văn: “Quân bất kiến: Đổng Trác hoàng kim doanh nhất ổ/ Nguyên Tái hồ tiêu bát bách hộc. Hựu bất kiến: Bá Di dữ Thúc Tề, Thú Dương ngạ tự bất thực túc/ Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu/ Diệc các tự cầu kì sở dục”.
[13] Mai Quốc Liên (chủ biên). Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập 3, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nxb Văn học, Hà Nội, 2000, tr.1093.
[14] Khuyết danh. Hồng Đức quốc âm thi tập, (Phạm Trọng Điềm – Bùi Văn Nguyên phiên âm – chú giải – giới thiệu), Nxb Văn học, Hà Nội, 1982, tr.221.
[15] Bùi Duy Tân (chủ biên). Tổng tập văn học Việt Nam, tập 5, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr.903-904. Nguyên văn: “Thiên thượng dương hồi/ Nhân gian xuân chí/ Hựu nhất phiên tân/ Cái văn Thái càn khôn/ Thiều quang úc úc/ Hướng dương quang thảo/ Sinh ý hân hân/ Hồng sấn đào tai/ Thanh khuy liễu nhãn/ Oanh hoàng điệp phách lộng tân phân/ Nhị tam tử/ Ngộ đáo lai thời tiết/ Phong quang khả nhân/ Giá ban mỹ cảnh lương thần/ Dục hành lạc tu cập thử thanh xuân/ Liêu vấn liễu, vấn hoa hương/ Huề hồng tụ nhất thương/ Nhất vịnh ca yết bạch vân/ Tiến sĩ đả cầu/ Thị thần bồi yến/ Cổ lai lạc sự thượng truyền văn/ Kim tao phùng Thánh thiên tử/ Hạnh đắc chí thân”.
[16] Bùi Duy Tân (chủ biên). Tổng tập văn học Việt Nam, tập 5, Tlđd, tr.904
[17] Cũng có những cách thể hiện tư tưởng hành lạc để ca tụng thời thế một cách mộc mạc, thô thiển hơn như hai câu thơ ứng chế của một sĩ tử đi thi thời Lê Trung hưng: “Thời hân phùng chí trị/ Thần nguyện thú tam thê” (Mừng gặp buổi thái bình/ Thần xin được cưới ba vợ” mà Phạm Đình Hổ đem ra để chế giễu một thời đạo đức sa sút ở thế kỷ XVIII) [Xem Phạm Đình Hổ. Vũ trung tuỳ bút, Thiên “Thi thể”].
[18] Cũng có thể nói đến một số bài “thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương”. Nhưng đây là một “hiện tượng” đặc biệt, nên cần thận trọng khi khai thác. Ngoài ra, trong một số bài thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương, yếu tố “tục” đậm hơn nhiều yếu tố “thanh”, tính thẩm mĩ, nhân văn không cao, biểu hiện một thị hiếu thấp kém không đúng tinh thần của thơ ca “hưởng lạc”.
[19] Xem Trần Nho Thìn. “Trào lưu chủ tình của văn học Việt Nam thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX và dấu vết ảnh hưởng của sách ‘Thế thuyết tân ngữ’. Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.523-555.
[20] Xem Nguyễn Thanh Tùng. “Nguyễn Du với tư tưởng Đạo gia (qua thơ chữ Hán)”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9 năm 2011, tr.130-142.
[21] Về ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đối với Nguyễn Du, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu bàn đến như của Trần Trọng Kim, Cao Huy Đỉnh, Thích Nhất Hạnh,… ở đây tưởng không cần phải dẫn lại. Ngay bài “Văn tế thập loại chúng sinh” cũng là tác phẩm thấm đẫm tinh thần hư vô, vô thường của Phật giáo.
[22] Mai Quốc Liên (chủ biên). Nguyễn Du Toàn tập, tập 1, Nxb Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội, 1996, tr.129. Nguyên văn: “Hoàng khuyển truy hoan Hồng Lĩnh hạ/ Bạch Vân ngoạ bệnh Quế Giang biên/ Thôn cư bất yếm tần cô tửu/ Thượng hữu nang trung tam thập tiền”.
[23] Mai Quốc Liên (chủ biên). Nguyễn Du toàn tập, tập 1, Tlđd, tr.132-133. Nguyên văn: “Bách tuế vi nhân bi thuấn tức/ Mộ niên hành lạc tích du du/ Ninh tri dị nhật tây lăng hạ/ Năng ẩm Trùng dương nhất trích vô?”
[24] Mai Quốc Liên (chủ biên). Nguyễn Du toàn tập, tập 1, Tlđd, tr.122-123. Nguyên văn: “Phù toạ nhàn song tuý nhãn khai/ Lạc hoa vô số há thương đài/ Sinh tiền bất tận tôn trung tửu/ Tử hậu thuỳ kiêu mộ thượng bôi?”
[25] Mai Quốc Liên (chủ biên). Nguyễn Du toàn tập, tập 1, Tlđd, tr.108-109. Nguyên văn: “Tuấn khuyển hoàng bạch mao/ Kim linh hệ tú cảnh/ Khinh sam thiếu niên lang/ Khiên hướng nam sơn lĩnh/ Nam sơn đa hương my/ Huyết nhục cam thả phì/ Kim đao thiết ngọc soạn/ Mỹ tửu luỹ bách chi/ Nhân sinh vô bách tải/ Hành lạc đương cập kỳ/ Vô vi thủ bần tiện/ Cùng niên bất khai my/ Di, Tề vô đại danh/ Chích, Kiểu vô đại lợi/ Trung thọ chỉ bát thập/ Hà sự thiên niên kế/ Hữu khuyển thả tu sát/ Hữu tửu thả tu khuynh/ Nhãn tiền đắc táng dĩ nan nhận/ Hà sự mang mang thân hậu danh”.
[26] Mai Quốc Liên (chủ biên). Nguyễn Du toàn tập, tập 1, Tlđd, tr.111-113. Nguyên văn: “Sơn thượng hữu đào hoa/ Xước ước như hồng ỷ/ Thanh thần lộng xuân nghiên/ Nhật mộ trước nê trĩ/ Hảo hoa vô bách nhật/ Nhân thọ vô bách tuế/ Thế sự đa suy di/ Phù sinh hành lạc sự/ Tịch thượng hữu kỹ kiều như hoa/ Hồ trung hữu tửu như kim ba/ Thuý quản ngọc tiêu hoãn cánh cấp/ Đắc cao ca xứ thả cao ca/ Quân bất kiến/ Vương Nhung nha trù thủ tự tróc/ Nhật nhật cối kê thường bất túc/ Tam công đài khuynh hảo lý tử/ Kim tiền tán tác tha nhân phúc/ Hựu bất kiến/ Phùng Đạo văn niên xưng cực quý/ Lịch triều bất ly khanh tướng vị/ Chung minh đỉnh thực cánh hoàn không/ Thiên tải đồ lưu "Trường lạc tự"/ Nhãn tiền phú quý như phù vân/ Lãng đắc kim nhân tiếu cổ nhân/ Cổ nhân phần doanh dĩ luỹ luỹ/ Kim nhân bôn tẩu hà phân phân/ Cổ kim hiền ngu nhất khâu thổ/ Sinh tử quan đầu mạc năng độ/ Khuyến quân ẩm tửu thả vi hoan/ Tây song nhật lạc thiên tương mộ”.
[27] Dường như có một sự đồng thanh thời đại. Nhân vật nhà sư Huyền Quang trong truyện “Yên Tử sơn tự lão tăng” trong sách Sơn cư tạp thuật của Đan Sơn, sau khi phạm giới, đã phải thừa nhận: “Thế gian tam sự nan trừ liễu/ Hảo tửu, phì dương nộn nữ nhi” (Trên thế gian có ba điều khó bỏ/ Rượu ngon, dê béo và con gái trẻ).
[28] Nguyễn Lộc. Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỉ XVIII – hết thế kỉ XIX), Tlđd, tr.305.
[29] Xem Trần Ngọc Vương. Loại hình học tác giả văn học- nhà nho t nhà nho tài tử và văn học Việt Nam. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1995.
[30] Sự thận trọng này khiến chúng tôi tin rằng Nguyễn Du phải viết Đoạn trường tân thanh trước khi ra làm quan cho triều Nguyễn, bởi Nguyễn Du không lạ gì với những vụ án “văn tự ngục” dưới thời Gia Long. Làm sao những câu như: “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” có thể ra đời dưới triều Gia Long vốn bao trùm trong bầu không khí nghi kị, rối ren. Chẳng phải, đã có giai thoại về chuyện có ông vua nhà Nguyễn bảo nếu Nguyễn Du còn sống sẽ nọc ông ra đánh cho một trận bởi viết những câu thơ “trái tai” như thế! Ngược lại, họ Nguyễn hoàng tộc ưa những câu thơ “trung hậu, đạt được thể thái của bậc nhân thần” của Nguyễn Du như: “Thôi thực giải y nan bối đức/ Tàng cung phanh cẩu diệc cam tâm” (Cái đức nhường cơm, sẻ áo khó mà quên được, Dù bị cảnh “cất cung, mổ chó” cũng cam lòng) [“Độ Hoài hữu cảm Hoài Âm hầu”] (Xem Thương Sơn thi thoại của Nguyễn Phúc Miên Thẩm, VHv.105, tờ 48b). Phỏng đoán này tương hợp với các nghiên cứu văn bản học mới nhất về Đoạn trường tân thanh.
[31] Trần Ngọc Vương. “từ hồi quang người anh hùng thời loạn đến khuôn hình một tài tử phong lưu”, in trong: Đoàn Tử Huyến (chủ biên). Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Nxb Nghệ An – Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2008, tr.857-867.
[32] Phạm Vĩnh Cư. “Thơ ‘hành lạc’ của Nguyễn Công Trứ với dòng thơ “an lạc” thế giới”, Tlđd, tr.35. Về tư tưởng và thơ văn “hành lạc” của Nguyễn Công Trứ, có rất nhiều bài viết, bởi vậy, ở đây chúng tôi chỉ điểm qua.
[33] Lê Thanh Nga. “Về tinh thần hiện sinh trong thơ văn Nguyễn Công Trứ, in trong Đoàn Tử Huyến (chủ biên). Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Sđd, tr.1067-1079.
[34] Tương tự, từ đó ít nhiều cũng có thể hiểu được vì sao thể loại từ khúc lại phát triển như thế ở thế kỷ XVIII-XIX và ở một số tác giả có khuynh hướng hưởng lạc, tài tử.
[35] Nguyễn Đình Chú. “Nguyễn Công Trứ: Sự lên ngôi của cái tôi – cá thể”, in trong: Đoàn Tử Huyến (chủ biên). Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Sđd, tr.925-937.
[36] Có vẻ như điều này được làm tốt hơn trong những tác phẩm nghệ thuật hư cấu về Nguyễn Du, chẳng hạn như phim Long Thành cầm giả ca của đạo diễn Đào Bá Sơn và những diễn giải về bộ phim này của các nhà lí luận - phê bình điện ảnh, phê bình văn hoá học.
[37] Viết xong bài này, chúng tôi tình cờ đọc được bài của ông Phan Đình Dũng, "Con người khao khát hưởng thụ trong thơ chữ Hán Nguyễn Du" tại website: http://www.bichkhe.org/home.php?cat_id=147&id=1957 (không rõ thời gian), với những điểm tương đồng, gặp gỡ về ý tưởng, khiến chúng tôi thêm vững tin vào ý tưởng của mình và tin tưởng vấn đề có thể được tìm tòi tiếp tục trong tương lai. Chúng tôi cũng tiếc không được đọc bài này sớm hơn để có thêm những luận cứ và luận chứng cho bài viết vốn đã được ấp ủ từ lâu.
Hà Nội, 2005 –2015
Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng/Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội
| Tham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |