nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Nguyễn Du tầm cao tư tưởng và chiều sâu văn hóa.


Tại hội thảo quốc tế Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại ngày 8.8, trên 100 tham luận, bằng các cách tiếp cận khác nhau, các đại biểu đã đề cập tới nhiều vấn đề mới liên quan đến tầm cao tư tưởng và chiều sâu văn hóa Nguyễn Du cũng như tài nghệ sử dụng ngôn từ, tổ chức tự sự của ông trong Truyện Kiều.
 
 
Nhà tư tưởng lớn
 
Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820), tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê ở xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, sinh ở kinh thành Thăng Long và lớn lên giữa thời tao loạn, chứng kiến bao cuộc đổi thay của dân tộc. Ở hoàn cảnh đó, thơ ông đồng hành với những thăng trầm lịch sử và đời sống tinh thần dân tộc, là đỉnh cao của tiếng nói nhân văn. Đã có nhiều nghiên cứu khẳng định, Nguyễn Du có nhiều nhận thức mới mẻ so với thời đại ông. Điều đó thể hiện ở quan điểm cầm bút của nhà thơ. Nếu như phần lớn nhà thơ trung đại Việt Nam thường dùng thơ ca để ngôn chí, tải đạo thì Nguyễn Du thuộc số không nhiều cây bút dùng thơ văn để ghi lại “những điều trông thấy” và miêu tả thực tại xã hội. Tác phẩm Bắc hành tạp lục cho thấy thực tại xã hội không chỉ khuôn trong phạm vi Việt Nam, mà còn mở rộng ra nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc. Trong ý niệm chung của các nhà nho Việt Nam xưa, con đường đi sứ Yên Kinh tuy vất vả song đó là cơ hội để thỏa chí tang bồng. Tuy nhiên, như PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh nhận xét, Nguyễn Du không thế. Trong các tác phẩm của mình, ông không tỏ ra coi cuộc đi sứ là một vinh hạnh, mà chỉ coi đây là “một cuộc đi về phía Bắc” (Bắc hành). Tập thơ cũng không mang cái tên trang trọng là thơ, ngâm, hay vịnh mà chỉ là tạp lục, với chủ đích rất rõ. Như vậy, với việc “phát hiện ra một Trung Hoa bản chất như thế, Nguyễn Du đã là một nho sĩ đi trước thời đại, một thi nhân thức ngộ sớm, đã lên tiếng cảnh tỉnh nhân loại. Cho nên, với các tác phẩm của mình, trong đó có Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du nên được coi là một nhà tư tưởng lớn”.
 
Cùng quan điểm trong luận giải về tư tưởng Nguyễn Du đương thời, GS. Phong Lê tìm ra những gắn kết mà ông cho là “tuyệt vời” giữa cổ điển và hiện đại trong sáng tác Truyện Kiều của đại thi hào. “Trong toàn cảnh kéo dài hàng ngàn năm thống trị của đạo lý phong kiến, Truyện Kiều xuất hiện như vì sao lạ, bất chấp mọi rào cản của tư tưởng và ý thức hệ, của tâm lý và tình cảm trước sứ mệnh chở đạo, hướng tới bức tranh đời rộng lớn, phủ khắp gần như toàn bộ sự sống nhân sinh không chỉ trăm năm trong cõi một đời người, mà là cả thế gian rộng lớn của trăm họ”. GS. Phong Lê giải thích, bức tranh đời sống trongTruyện Kiều, lễ giáo gần như không gây cản trở gì cho tình yêu. Nguyễn Du đã để cho nhân vật của mình hết sức tự do trong tình yêu.
 
Truyện Kiều - đỉnh cao của văn học Việt Nam
 
Sự nghiệp thi ca của Nguyễn Du trải dài suốt cuộc đời, có cả thơ chữ Hán (tổng cộng 250 bài) và thơ tiếng Việt (chữ Nôm), có cả Đường thi và lục bát dân tộc, có cả thơ trường thiên và đoản thiên. Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khẳng định được vị trí số một trong nền văn học dân tộc Việt Nam và từng bước chiếm lĩnh văn đàn thế giới. Tính đến nay, Truyện Kiềuđã được chuyển ngữ và giới thiệu trong 37 bản dịch với hơn 20 thứ tiếng; nhiều nghiên cứu sâu sắc về nội dung tư tưởng và thi pháp nghệ thuật Truyện Kiều cũng đã được công bố. Tuy nhiên, từ tầm nhìn và trình độ của khoa học nhân văn hiện đại, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã khám phá nhiều vấn đề liên quan đến tầm cao tư tưởng và chiều sâu chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du cũng như tài nghệ của ông trong sử dụng ngôn từ, tổ chức tự sự... Theo GS.TS. Trần Đình Sử: Truyện Kiều tuy sáng tác theo một cốt truyện có sẵn của Trung Quốc, song tư tưởng của nó bắt nguồn từ văn mạch dân tộc, từ cội nguồn văn học dân gian và văn học viết thế kỷ XVIII. Ông không chỉ làm phong phú cho chủ nghĩa nhân đạo trong văn học, mà còn từ cơ sở đó đổi mới mô hình tự sự của truyện, đổi mới điểm nhìn và thành phần ngôn từ trần thuật của tác phẩm, làm nên đỉnh cao chói lọi của văn học Việt Nam”. 
 
TS. Bountheng Souksavatd, Viện Khoa học Xã hội Quốc gia Lào nhìn nhận: Truyện Kiềuhàm chứa nhiều quan niệm nhân sinh, triết học tôn giáo, thực trạng xã hội và khía cạnh tâm lý của con người, đầy đủ các phương tiện tốt - xấu, khen - chê, vinh - nhục, thịnh - suy, thiện - ác... muôn màu sắc khó mà diễn tả hết được. Tuy nhiên, nhìn chung Truyện Kiềucủa Nguyễn Du vẫn luôn tồn tại và thắp sáng trong mỗi con người Việt ở Lào, cho dù là người già hay người trẻ. Và điều quan trọng hơn đối với người Việt ở Lào là hiếm có tác giả và tác phẩm nào ngấm vào máu thịt của họ và có sức sống lâu bền đến vậy. 
 
Nghiên cứu Truyện Kiều khá sâu sắc, đồng thời dịch Truyện Kiều sang tiếng Trung, GS. Triệu Ngọc Lan, Trường Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết: Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện chiều sâu về vốn liếng văn học, văn hóa Trung Quốc; nhưng tác phẩm vẫn thể hiện sức sống mạnh mẽ bắt nguồn từ nền thổ nhưỡng của văn hóa dân tộc Việt Nam. Bà dẫn chứng, với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng dạng thức thi ca lục bát thấm đẫm bản sắc dân tộc để sáng tác, câu Kiều ngâm vịnh lên nghe sang sảng, trơn tru, dễ được quần chúng nhân dân đón nhận và yêu thích. Đơn cử trong một số câu thơ cụ thể, Nguyễn Du đã dùng cái thường thức đời sống thể hiện trong câu thơ: Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dồn lại một ngày dài ghê, nhấn mạnh nỗi lòng thương nhớ của Thúy Kiều với Kim Trọng, càng kìm nén bao nhiêu thì nỗi nhớ mong càng thêm da diết; giống với ý trong câu thơ của thi nhân Trung Quốc Lý Bạch: Mượn rượu tiêu sầu, sầu thêm sầu (Tá tửu tiêu sầu sầu cánh sầu). GS. Triệu Ngọc Lan khẳng định, “Truyện Kiều của Nguyễn Du xứng đáng được gọi là tác phẩm kinh điển của sự hòa quyện hai nền văn hóa Trung - Việt. Nguyễn Du không chỉ để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản văn học quý giá, mà đại thi hào đã có cống hiến bất diệt cho sự giao lưu văn hóa Trung - Việt”.
 
Theo Dbnd.vn

Nghiên cứu thảo luận

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website