nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Nguyễn Du - Chỉ một chữ Người!


Nguyễn Du (1766 - 1820) là nhà thơ nổi tiếng (Đại thi hào) của dân tộc Việt Nam, được UNESCO liệt vào hàng danh nhân văn hóa thế giới. Sinh thời, Nguyễn Du đi nhiều nơi, thấu rõ nỗi khổ của nhân dân giữa thời phân hóa ly loạn của Việt Nam thế kỷ XVIII. Vì thế, tiếng nói thi ca của ông đậm tình người, ngát hương nhân bản. Trong phần biên khảo này, người viết khảo sát tư tưởng của đại thi hào chỉ qua Truyện Kiều.

 

Phá đổ quan niệm lỗi thời

 

Về cuộc gặp gỡ giữa Kiều và Kim Trọng lần đầu, sau ngày du Xuân, Nguyễn Du cảm tác: Nàng rằng: Gió bắt, mưa cầm,/ Đã cam tệ với tri âm bấy chầy./ Vắng nhà được buổi hôm nay,/ Lấy lòng gọi chút sang đây tạ lòng!/ Lần theo núi giả đi vòng,/ Cuối tường dường có nẻo thông mới rào./ Xắn tay mở khóa động đào,/ Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai…

 

Cuộc gặp gỡ phá đổ ngay nền văn hóa cũ chịu ảnh hưởng Nho giáo phương Bắc, nền văn hóa trói buộc con người trong phạm trù giá trị của Trung, Hiếu, Tình, Nghĩa ước lệ, đặc biệt là trói buộc nữ giới với “tam tòng”, “tứ đức”, “nam nữ thụ thụ bất thân”. Bước đi của Kiều, người giỏi cả cầm, kỳ, thi, tửu, họa, là bước đi của cách mạng văn hóa, xây dựng nền văn hóa dân chủ, đầy tình người, đầy nhân bản. Đây là tư tưởng nhân bản lớn của Việt Nam, thế kỷ XVIII.

 

Bên cạnh đó, Nguyễn Du quan niệm con người chỉ có một con tim trong sáng, một tấm lòng chân thật, con tim đó hướng về bố mẹ thì gọi là Hiếu, hướng về nhân dân, đất nước thì gọi là Trung, hướng về người yêu (lứa đôi) thì gọi là Tình, hướng về anh em thì gọi là Lễ, hướng về láng giềng thì gọi là Nghĩa, hướng về con người (tha nhân) thì gọi là Nhân. Thế nên, với Kiều lúc bán mình chuộc cha thì Nguyễn Du viết: Như nàng lấy hiếu làm trinh,/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay.

 

Tư tưởng của Nguyễn Du giải phóng con người ra khỏi ràng buộc của chữ Trinh chật hẹp, ra khỏi nghĩa ước lệ của Trung, Hiếu, Tình, Nghĩa của Nho học, ra khỏi các bi kịch do quan niệm chật hẹp của văn hóa cũ gây ra. Công bằng mà nói, đó là tư tưởng xứng đáng với giải “Nobel”, đầy nhân ái, đầy tình người.

 

Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng Tranh: Ngọc Mai

 

Ngậm ngùi trước phận người

 

Không phải chỉ một mình Kiều, nhan sắc tài ba, chịu kiếp đoạn trường, mà mọi người ở đời, nhất là các kẻ tài ba, đều thế. Hãy lắng nghe những vần thi tiêu biểu này: Trăm năm trong cõi người ta,/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (câu 1 - 2). Lạ gì bỉ sắc tư phong,/ Trời kia quen thói má hồng đánh ghen (câu 5 - 6). Phận hồng nhan có mong manh,/ Nửa chừng Xuân thoắt gãy cành thiên hương (câu 65 - 66). Đau đớn thay phận đàn bà,/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung (câu 83 - 84). Rằng hồng nhan tự nghìn xưa,/ Cái điều bạch mệnh có chừa ai đâu (câu 207 - 108)…

 

Cuộc đời nếu được nhìn kỹ thì là khổ đau như Phật giáo đã nói: “Đời là bể khổ”. Tất cả là do nghiệp lực mỗi người tạo ra trong quá khứ để hình thành cái thân vật lý và tâm lý này, và do các hành động thân, miệng, ý ta tạo ra trong hiện tại hiện hành ra các kết quả hiện tại. Không có bàn tay siêu nhiên nào can thiệp vào cả. May mắn, mọi người đều có nguồn thiện tâm, nếu trang trải cho đời nguồn thiện tâm này thì đời sẽ vơi đi nhiều khổ đau. Nguyễn Du tin vào giáo lý Nghiệp này và đã viết lời cắt nghĩa: Đã mang lấy nghiệp vào thân,/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa./ Thiện căn ở tại lòng ta,/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (câu 3249 - 3252).

 

Đây là tư tưởng nhân bản cổ súy mọi người hành thiện, xây dựng văn hóa hành thiện. Cũng là ý nghĩa ở đây chỉ có nhân bản và thực tại do con người xây dựng, gạt ra khỏi văn học Việt Nam các thuyết “thiên mệnh”, “định mệnh”, “hồng nhan bạc mệnh” hay “tài mệnh tương đố”.

 

“Tòa án nhân dân” đầu tiên

 

Xã hội phong kiến bệ rạc sản sinh ra các hiện tượng tiêu cực như tham nhũng, tứ đổ tường, buôn bán người, buôn bán nô lệ, vị kỷ và nhiều mục nát khác. Nguyễn Du rất quan tâm đến các hiện tượng tiêu cực đó đã gây thêm sóng gió cho cuộc bể dâu, Nguyễn Du đã để Từ Hải mở một tòa án nhân dân tượng trưng để xử lý, xử án rất công chính: Trong tòa án này, Kiều là nạn nhân của xã hội ấy trở thành quan tòa (chánh án) để tuyên án. Các tội nhân lần lượt ra hầu tòa. Với Hoạn Thư tâm độc địa, Kiều phán: Tha ra thì cũng may đời,/ Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen./ Đã lòng tri quá thời nên,/ Truyền quân lệnh xuống, trướng tiền tha ngay (2375 - 2378). Với những người khác như Bạc Hạnh, Bạc bà, các loài Ưng Khuyển, Sở Khanh, Tú Bà cùng Mã Giám Sinh, Kiều phán: Nàng rằng: ‘lồng lộng trời cao!/ Hại nhân, nhân hại, sự nào tại ta!/ Trước là Bạc Hạnh, Bạc bà,/ Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh;/ Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,/ Các tên tội ấy đáng tình còn sao?/ Lệnh quân truyền xuống nội đao,/ Thế sao thì lại cứ sao gia hình (câu 2381 - 2388).

 

Với Nguyễn Du, xã hội an bình, công chính, lương thiện mới đúng là xã hội con người đúng nghĩa, nhân ái, nhân bản, đáp ứng được mong chờ của các độc giả Việt Nam của mọi thời đại: Rất người và rất nhân bản. Xã hội Việt Nam là thế, phải xây dựng như thế trên nền tảng giá trị con người, hạnh phúc, an lạc của con người, của mọi người. Đây có lẽ là tâm sự của Nguyễn Du, cái tâm sự mà Nguyễn Du hồ nghi không biết đời sau có người chia sẻ không: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

 

Triết lý Việt Nam chỉ có một chữ Người, và thực tại con Người sống với.

 

 

Theo TSKH, Hòa thượng Thích Chơn Thiện/Daibieunhandan.vn


Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website