Loading...
|
Ngựa với những nhân vật trong Truyện KiềuNgày 25 tháng 02 năm 2016
Trong Truyện Kiều, hình ảnh con ngựa gian nan cực khổ cùng con người trong đời thường và trong trận mạc được Nguyễn Du mô tả một cách tài hoa.
Con ngựa với Trai tài gái sắc.
Tháng ba, tiết Thanh Minh mọi người rủ nhau đi tảo mộ đông đúc như những đàn chim én, đông tới mức “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” nối tiếp nhau hết lớp này đến lớp khác như nước chảy. Ba chị em Thúy Kiều đi tảo mộ, khi về gặp nấm mộ bên đường “hương khói vắng tanh” Thúy Kiều thương tâm thắp hương khấn vái, làm thơ vịnh người dưới mộ, quên là đến lúc phải về, bóng chiều đã xuống và hai em thôi thúc. Khi còn đang dùng dằng thì “Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần”. Đó là tiếng nhạc ngựa của văn nhân cũng đi thanh minh “lỏng buông tay khấu”, thong thả tiến lại phía chị em Kiều. Văn nhân hào hoa, phong nhã, ngồi trên con ngựa rất sung sức “Tuyết in sắc ngựa câu giòn”. Khi đã tỏ mặt người, khách xuống ngựa. Hai Kiều e lệ, chàng Vương ra chào vì họ vốn là đôi bạn. Không hẹn mà gặp trong buổi du xuân, qua ánh mắt và nụ cười, Thúy Kiều - Kim Trọng “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Do trời gần tối, nấn ná không được nên diễn ra cảnh “Khách đà lên ngựa người còn ghé theo” xao xuyến, bịn rịn.
Con ngựa với người đa đoan.
Sau buổi du xuân về, Thúy Kiều ngóng trông Kim Trọng. Bất chấp thói lề phong kiến “nam nữ thọ thọ bất thân”. Thúy Kiều “đánh đường” đến với Kim Trọng. Hai người hẹn ước “Trăm năm tạc một chữ đồng từ đây”. Ngày vui thì ngắn, con tạo lại trớ trêu, Kim Trọng hay tin chú ruột mất nên về quê chịu tang. Hai người than vắn thở dài, trách cứ ông tơ. Kim Trọng phải “Buộc yên quang gánh vội vàng” ra đi với nỗi buồn da diết, con ngựa dường như cũng âu sầu.
Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí, gia đình Kiều gặp nạn. Vương ông bị mắc oan “Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” đến bắt cha của Thúy Kiều, nàng phải bán mình chuộc cha. Nàng nghĩ tình duyên của nàng với chàng Kim đã hết, hẹn kiếp sau “Làm thân trâu ngựa đến nghì trúc mai”. Nàng phải theo Mã Giám Sinh, kẻ nói mua Kiều về làm vợ nhưng lại phủi tay bán Kiều vào lầu xanh, với 15 năm lưu lạc. Biệt ly gia đình, quê hương, Thúy Kiều đến Lâm Truy, trên con đường bất hạnh “Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”.
Ngồi trong xe ngựa, Kiều buồn bã nghĩ thân phận mình bèo dạt mây trôi về đâu, nhụy đào tan nát, nàng cảm thán than khóc suốt đoạn trường. Chốn lầu xanh, Thúy Kiều gặp Sở Khanh “Rằng ta có ngựa truy phong”. Hắn là tên cò mồi, đẩy nàng dấn thân sâu hơn vào chốn thanh lâu. Hắn rủ nàng đi trốn, kỳ thực dẫn nàng vào cạm bẫy của Tú Bà, khi “Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!”. Y chuồn cửa sau mất tăm.
Cũng ở lầu xanh, Kiều gặp khách làng chơi hào phóng, tốt bụng. Thúc Sinh say đắm tài sắc Thúy Kiều. Thúc đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, lấy nàng làm vợ lẽ, dù cha chàng không ưng thuận và kiện chàng ra chốn cửa quan. Cảm phục tài sắc của Kiều, quan xử kiện cho Thúc lấy Kiều. Hai người chung sống một thời gian, Thúc về thăm vợ cả là Hoạn Thư, “Người lên ngựa, kẻ chia bào”. Xa Kiều, Thúc không lấy gì làm vui. Chàng nghe ngóng hàng xóm láng giềng và ý vợ xem như thế nào. Đã biết tin Thúc lấy Kiều, Hoạn Thư vẫn tỏ ra vui vẻ vì trong thâm tâm đã dự sẵn cơ mưu. Hoạn Thư khuyên chàng đến thăm cha mẹ. Hai ông bà vì buồn chuyện của Thúc Sinh nên đã chuyển đến sống ở một nơi khác, “Vó câu thẳng ruổi nước non quê người”.
Chàng Sinh đã đi xa, Thúy Kiều liền bị “Vực ngay lên ngựa tức thì”. Thúc Sinh đâu biết Thúy Kiều đã rơi vào nanh vuốt của Hoạn Thư. Một đêm trăng mờ, Thúy Kiều trốn thoát khỏi bàn tay họ Hoạn, nương tựa trong ngôi chùa có sư Giác Duyên trụ trì.
Con ngựa với người anh hùng và người thành đạt.
Biết Hoạn Thư rình rập theo dõi, Giác Duyên gả Kiều cho Bạc Hạnh là con của Bạc Hà. Ngờ đâu Bạc Hà lại đưa Kiều vào lầu xanh lần thứ hai. Tại đây Thúy Kiều gặp Từ Hải, một đấng anh hùng hàm én, mày ngài. Say về tài sắc, cảm phục tâm tình của Thúy Kiều, Từ Hải chuộc Kiều, lấy nàng làm vợ. Khi Từ Hải “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng giong”, Thúy Kiều ở nhà ngóng trông. Từ Hải chiến thắng trở về, tổ chức cưới nàng “Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài”...
Nay nói về Kim Trọng, nghe cha mẹ Thúy Kiều kể về sự việc, lòng chàng “càng ràu như dưa”. Thực hiện lời năn nỉ của Thúy Kiều trước khi nàng lưu lạc, cha mẹ Thúy Kiều đã kết tóc se duyên Thúy Vân cho chàng Kim. Thời gian trôi qua, Kim Trọng và Vương Quan (em Thúy Kiều) đều thi đỗ làm quan, được điều đi nhậm chức “Sắm sanh xe, ngựa vội vàng”. Mỗi người một phía, hai người tiện đường tìm kiếm Thúy Kiều...
Theo Quỳnh Trang/Bình Phước online
Nghiên cứu thảo luận
| Tham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |