Loading...
|
Mùi vị trong Truyện Kiều.Ngày 14 tháng 10 năm 2015
Để giải thích Truyện Kiều, các nhà nghiên cứu thường dựa vào các hành động, sự kiện, ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ người kể chuyện... Tuy nhiên không chỉ có các yếu tố thi pháp nói trên có giá trị trong việc giải thích mà còn có các yếu tố khác, như mùi vị chẳng hạn.
Mùi vị là một thành tố của không gian và thời gian (setting) trong văn bản văn học. Nó biểu lộ cảm xúc, thái độ của nhân vật, cho thấy tính chất trong quan hệ giữa các nhân vật và bộc lộ quan niệm, cái nhìn của người kể chuyện đối với nhân vật. Trong Truyện Kiều, mùi vị còn cho thấy đặc điểm của các thế giới nhân vật cũng như số phận của chúng, đồng thời còn góp phần làm hình thành các yếu tố thi pháp khác. Có thể tiến hành phân tích, khảo sát mùi vị, ý nghĩa và vai trò, chức năng của nó trong Truyện Kiều xoay quanh một trong các nhân vật chính là Kiều và quan hệ giữa nhân vật này với các nhân vật khác. Sau khi miêu tả sự xuất hiện của mùi vị, có thể đưa ra các nhận xét.
Nguyễn Du nhạy cảm với mùi vị. Ông hay dùng mùi vị để quan sát, phẩm bình. Cuốn sách hay, quí, đối với ông là phải thơm tho (Cảo thơm lần giở trước đèn). Đối với ông, mùi vị là cái chuẩn để thẩm âm, đánh giá, phân tích ca ngâm. Ông dùng mùi vị để miêu tả ca ngâm, âm nhạc. Ca ngâm với ông đa dạng vì nó có mùi vị (Mùi vị ở đây được nói một cách hình ảnh, bóng bẩy) (Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm). Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng nhiều mùi vị để miêu tả nhân vật, các quan hệ giữa chúng. Đó là các mùi mặn mà, nồng, nồng đượm, cay đắng, hôi tanh, sực nức. Tuy nhiên, mùi thơm (hương) là mùi xuất hiện nhiều nhất (33 lần). Do vậy, mùi thơm trong Truyện Kiều mang nhiều hàm ý và có ý nghĩa tượng trưng, so sánh, ẩn dụ, có giá trị bản lề trong việc phân tích, đi tìm chức năng của mùi vị trong tác phẩm này.
Mùi thơm xuất hiện rất nhiều mỗi khi Nguyễn Du đề cập đến Kiều và các quan hệ của nhân vật này, dù không phải lúc nào cũng dày đặc như nhau trong các chặng đường đời của nàng. Nhưng trước hết, cũng thấy rằng, Nguyễn Du có dùng vị mặn để phác họa Kiều và Thúy Vân (Kiều càng sắc sảo mặn mà và Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai). Tuy vậy, đây không phải là mùi đặc trưng, không mang ý vị phong tình nhưng cần có vì thi pháp và tư tưởng Nguyễn Du có tính nhị nguyên, vừa bị ràng buộc bởi truyền thống, vừa muốn vượt thoát khỏi truyền thống, biểu hiện trên từng chi tiết. Cái đẹp mặn mà là cái đẹp của người phụ nữ phúc hậu, có thể tòng phu nhưng cái phong tình ở Kiều vẫn là vượt trội, vị “mặn mà” không lấn át được mùi thơm tho phong hoa, tình tứ, đa đoan. Nguyễn Du, qua lời các nhân vật khác, xem Kiều là cánh hoa thơm đến từ cõi trời, cõi tiên (Đã nên quốc sắc thiên hương và Than ôi! Sắc nước hương trời). Các mùi vị “thiên hương”, “hương trời” được dùng để chỉ người đẹp, nhan sắc hay nhan sắc được chuyển tả qua mùi vị. Danh tiếng về tài sắc của Kiều thì thơm tho như mùi hương (Trộm nghe thơm nức hương lân). Khi Kiều xuất hiện dưới hoa đào, đã để lại cho Kim Trọng cảm giác là “hương còn thơm ngát”. Chiếc thoa của nàng thì “thoang thoảng hương trầm” còn Kim Trọng nhặt được thoa mà nói là đã nhặt được “chút thơm rơi”. Trang phục của Kiều cũng có hương quyện vào (Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng). Trong khi đó, thân thể nàng lại thơm như hương như hoa (Hoa hương càng tỏ thức hồng) (Hoa hương ở đây chỉ nhan sắc và thân xác Kiều). Kiều và Kim Trọng thề nguyền cũng trong hương thơm (Đài sen nối sáp, song đào thêm hương và Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa). Nơi Kiều ở, dẫu là lầu xanh, vẫn có mùi thơm, là hương khuê (Thiếp hồng tìm đến, hương khuê gởi vào) và Kiều vẫn còn các sinh hoạt đài các ở đó (Khi hương sớm, khi trà trưa). Kỷ vật trong quan hệ Kiều - Kim Trọng có hương thơm (Mảnh hương còn đó, phím đàn còn đây) và Kim Trọng nhớ Kiều thì “đốt lò hương”, nhớ qua mùi hương (Đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa và Hương gây mùi nhớ, trà khan giong tình). Kim Trọng cũng là nhân vật được miêu tả có các sự kiện mang hương thơm. Cuộc hôn nhân nối điêu với Thúy Vân là một (Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây) và sau khi chàng đại đăng khoa là hai (Hoa chào ngõ hạnh, hương bay dặm phần). Trong khi đó, một nhân vật tài sắc khác là Đạm Tiên cũng tỏa hương thơm mỗi khi xuất hiện. Ở lần thứ nhất thì “Ở trong dường có hương bay ít nhiều”, ở lần thứ hai lại cũng phảng phất mùi thơm (Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây). Nguyễn Du cũng gọi Đạm Tiên là cành hoa thơm đến từ trời (Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương).
Đối lập hoặc khác xa về tính chất của mùi vị đi kèm khi miêu tả Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng là các mùi hôi tanh của Mã Giám Sinh (Tuồng chi là giống hôi tanh). Nguyễn Du cũng nhắc đến một mùi khác, dù ông không nói cụ thể khi đề cập đến nhân vật này (Quen mùi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa). Mùi mà có lẽ nhà thơ muốn nói đến là mùi son phấn lòe loẹt, mùi của sự phóng đãng. Mã Giám Sinh quen với mùi này thì hẳn ông ta cũng có mùi đó. Mùi vị mà Nguyễn Du sử dụng để nhận xét các quan hệ tình yêu không phải là quan hệ Kiều - Kim Trọng cũng không giống với mùi vị dùng cho quan hệ này. Đối với quan hệ Kiều - Thúc Sinh, ông nói, “Chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng” còn trong quan hệ Kiều - Từ Hải, nhà thơ cũng dùng mùi vị khá tương đương với quan hệ Kiều - Thúc Sinh. Đó là, “Nửa năm hương lửa đương nồng”.
Mùi vị trong Truyện Kiều như thế có nội hàm rộng, đa nghĩa. Mùi thơm trước hết chỉ sắc đẹp, sự quí phái. Nó cũng chỉ sự trong trắng, trinh nguyên (cho nên Kiều nói với Kim Trọng là đừng “vớt hương dưới đất” và ở một chỗ khác ông nói sự trinh nguyên có hương thơm (hoa thơm phong nhị). Mùi thơm còn là một mùi vị không thể thiếu trong tình yêu phong tình, phong nguyệt trong Truyện Kiều. Mùi vị trong Truyện Kiều đã phân tuyến các nhân vật. Đây là một trong các chức năng của nó. Mùi thơm tho của các nhân vật tài tử và nhan sắc (Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng) đưa họ vào chung cùng một thế giới, cao quí, đẹp đẽ, tài danh. Trong khi đó mùi hôi tanh của Mã Giám Sinh là có tính đại diện. Cần chú ý là Nguyễn Du gọi ông ta là “giống hôi tanh”. “Giống” hàm nghĩa có những cá thể khác đồng dạng với ông ta. Nguyễn Du không nói Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Tú Bà... có mùi gì nhưng ông có một thái độ như nhất đối với các nhân vật này. Hẳn là các nhân vật như thế đều có cùng một mùi vị như mùi của Mã Giám Sinh. Mùi vị ở đây đã có ý nghĩa tượng trưng. Tài tử, nhan sắc thì thơm tho, do đó hầu như mỗi lần các nhân vật này xuất hiện thì đều có sự miêu tả mùi thơm. Trong khi đó, kẻ hèn hạ, bất lương thì hôi hám, hôi tanh. Mùi ở đây đã có tính biểu tượng cho phẩm cách, đẳng cấp. Khi Kiều nhận ra mùi tởm lợm ở Mã Giám Sinh, Kiều ghê tởm và càng có ý thức về giá trị, loại hạng của bản thân, tiếc cho thân, đau đớn khi phải tiếp xúc thân xác với kẻ có mùi đó (Thân nghìn vàng để ô danh má hồng). Ở đây, như vậy, mùi vị đã thể hiện cảm xúc, thái độ và quan hệ của nhân vật đối với nhau. Nguyễn Du cho thấy Kim Trọng đã bị ngây ngất, bị quyến rũ và mê hoặc trước tiếng tăm , tài sắc của Kiều, bằng việc miêu tả danh tiếng ấy với ngữ tính từ “thơm nức”. Trong khi đó, Kiều cảm nhận được mùi hương thanh tao của Đạm Tiên bởi cả hai cũng đều là kẻ tài sắc mà đoạn trường, với những câu thơ miêu tả hương vị khi nhân vật này hiện diện như đã thấy ở trên. Mùi vị, vì thế cho thấy các nhân vật có tương hợp, đồng thanh khí với nhau hay không. Thậm chí, qua miêu tả mùi vị, cho thấy họ đối nghịch với nhau, không thể dung hợp (quan hệ Kiều - Mã Giám Sinh). Khi các nhân vật tương hợp, mùi vị thơm tho xuất hiện (như quan hệ giữa Kiều - Kim Trọng, Kiều - Đạm Tiên). Ngược lại khi không mấy tương hợp, nó ít xuất hiện (tại dinh Hoạn Thư, mùi thơm chỉ xuất hiện đúng một lần) và khi hoàn toàn không thể dung hợp, thì có sự xuất hiện của một mùi khác, rất khó chịu (mùi hôi tanh của Mã Giám Sinh).
Mùi thơm có liên quan đến nhân vật trung tâm Thúy Kiều được miêu tả càng lúc càng thưa thớt dần. Nếu từ khi Kiều gặp Kim Trọng, cho đến khi Kim Trọng phải về hộ tang, Nguyễn Du đề cập 11 lần đến mùi thơm thì sau đó, ở tiểu đoạn từ lúc Kiều vào lầu xanh cho đến khi thành hôn với Thúc Sinh, mùi thơm chỉ được nói đến 5 lần. Sau đó mùi vị này thưa vắng dần cho đến cuối truyện. Chỉ khi Kim Trọng xuất hiện trở lại trong tác phẩm, mùi thơm mới được chú ý nhắc tới nhưng không nhiều. Vì mùi thơm có ý nghĩa tượng trưng cho sự trong trẻo và nhan sắc, nhất là ở thuở đầu đời của Kiều nên sự thưa vắng dần dần của nó thể hiện sự phôi phai, phai lạt nhan sắc và vẻ tinh khôi của nhân vật. Nhân vật càng lúc càng buộc phải dấn thân vào đời và do đó các mùi vị khác (cay đắng chẳng hạn) cũng xuất hiện. Điều này cho thấy một bút pháp logic, hợp lý, tôn trọng hiện thực của nhà thơ. Sự tan biến của mùi vị và sự hình thành của các mùi khác có liên quan tới giọng điệu của tác phẩm. Nếu như giọng thơ ở phần đầu Truyện Kiều, với không gian khu biệt, chỉ duy nhất có hương thơm, là dạt dào, trìu mến, có lúc pha đùa cợt thì càng về sau, với các không gian đau khổ (lầu xanh, hành viện, dinh Hoạn Thư), có đủ các mùi vị của cuộc đời, thì giọng thơ trở nên day dứt, đau đớn.
Mùi vị là một thủ pháp, một thành tố cho thấy quan niệm, thái độ của người kể chuyện Nguyễn Du đối với tài tử, nhan sắc và cuộc đời, chứ không chỉ có các bàn luận trực tiếp của ông mới có giá trị. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ cho hương thơm xuất hiện dày đặc trong khi miêu tả quan hệ Kim Trọng - Kiều. Kim Trọng là một nho sinh tài tử, có thể là hình ảnh của Nguyễn Du thời hoa niên, còn Kiều là nhân vật nhan sắc và cả hai đều được ông đặc biệt yêu mến. Có thể nói Kiều đã “tỏa hương” mỗi lần tiếp xúc với Kim Trọng. Điều này có nghĩa là chỉ có tài tử đích thực mới là kẻ có thể cảm nhận được cái đẹp một cách toàn vẹn, mới xứng đáng với nhan sắc. Hương thơm chỉ sự cao quí, chỉ có tài tử mới được “gieo cầu”, những kẻ khác, nếu không phải là tài tử, khó lòng mà tương hợp hoàn toàn với nhan sắc. Tình yêu của Kim - Kiều có mùi đặc trưng là thơm tho nhưng các quan hệ tình cảm khác của Kiều (Kiều - Thúc Sinh, Kiều - Từ Hải) lại có vị “mặn” và “nồng”, thảng hoặc “sực nức”. Điều này cũng cho thấy quan niệm của Nguyễn Du về tài tử và nhan sắc. Nói một quan hệ nào đó là mặn, nồng, có nghĩa là quan hệ này có cái gì đó đậm đà, mặn mà, thắm đượm nhưng là thông thường, theo lẽ hằng thường vốn có trên đời nhưng nói một quan hệ là thơm ngát thì đã muốn nhấn mạnh cái phong tình, phong nguyệt, phong hoa, lãng đãng, hoa bướm, rất tài tử. Trong Truyện Kiều, chỉ duy nhất có tình yêu Kim - Kiều mới có phong vị như thế. Do đó, chỉ riêng mùi vị thôi đã cho thấy thái độ, cảm tình của Nguyễn Du đối với tài tử, nhan sắc và tình yêu của họ.
Khi Kiều hạnh phúc (với Thúc Sinh), Nguyễn Du nói nơi nàng ở là “phòng hương” (căn phòng có mùi thơm) (Chạy vào chốn cũ phòng hương) còn khi nàng bất hạnh, nơi ở là “môn phòng” (Vực nàng tạm xuống môn phòng) (ở dinh Hoạn Thư). Điều này cho thấy, riêng việc miêu tả mùi vị thôi đã thể hiện được những trải nghiệm của nhân vật. Sự phai lạt mùi vị thơm tho và dần về sau, có các mùi khác xuất hiện, thể hiện các bước đường đời gập ghềnh của Kiều. Mùi vị cũng được dùng để chỉ tính chất của các quan hệ của các nhân vật trong Truyện Kiều, có khi là bay bướm, có lúc tởm lợm và đôi khi là đằm thắm. Mùi vị còn biểu lộ thái độ của Nguyễn Du. Câu thơ nói Mã Giám Sinh là “giống hôi tanh” là song thanh, song điệu, vừa là lời độc thoại của Kiều, vừa là lời của tác giả. Như vậy, mùi vị trong Truyện Kiều có ý nghĩa thú vị, cung cấp thêm một phương tiện để khám phá một truyện kể đã làm nao lòng độc giả qua nhiều thế kỷ.
Theo Trần Ngọc Hồ Trường/Tạp chí Non nước - Số 200
Nghiên cứu thảo luận
| Tham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |