nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Một góc nhìn về Nguyễn Du


Nguyễn Du, tự là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm 1765, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
 
Ông xuất thân trong một gia đình có nhiều người đỗ đạt cao, lại nổi tiếng về văn học. Theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền thì đương thời có năm danh sĩ gọi là An Nam ngũ tuyệt, họ Nguyễn đã chiếm hai: Nguyễn Du và Nguyễn Hành. Thuở nhỏ ông có tướng mạo khôi ngô. Lên 6 tuổi Nguyễn Du đi học, học rất thông minh, sách vở xem qua một lượt đã thuộc. Từ lúc 10 tuổi trở đi trong nhà ông xẩy ra nhiều biến cố dồn dập: cha mất rồi mẹ cũng qua đời. Nguyễn Du ở với anh là Nguyễn Khản.
 
Năm 19 tuổi ông đi thi Hương và đậu Tam Trường. Tài năng Nguyễn Du bộc lộ từ sớm. Hồi còn là học trò ở Thăng Long ông theo học một thầy đồ ở Gia Lâm, bên kia sông Nhị thường qua sông bằng đò ngang. Cô lái đò là cô gái xinh xắn, giỏi chữ. Một hôm đến sớm mà chờ mãi đò không sang, sợ chậm học thầy quở tránh, ông đã làm bài thơ như sau:
 
Ai ơi chèo chống tôi sang ,
Kẻo trời trưa trật, lỡ làng tôi ra.
Còn nhiều qua lại , lại qua,
Giúp cho nhau nữa để mà...
 
Câu thơ cuối bỏ lửng để thử tài cô gái. Nhận được thơ thông cảm với người đi học, cô vội ra chở. Khi khách lên bờ cô đã giúi vào tay hai từ cuối "quen nhau".
 
Tài năng thơ văn của Nguyễn Du càng rạng rỡ khi được bổ sung bằng vốn ngôn ngữ nhân dân. Trong những năm ở làng Tiên Điền ông có một cái thú là thường sang Trường Lưu hát Ví phường vải, điều đó ảnh hướng lớn đến sáng tác thơ Nôm của ông. Làng Trường Lưu thuộc huyện Can Lộc nổi tiếng về hát phường vải và nghề dệt vải. Làng Tiên Điền thì có nghề làm nón, con trai phường nón thường kéo nhau sang hát phường vải ở Trường Lưu. Trong các chuyến đi có cậu Chiêu Bảy (Tên gọi lúc đó của Nguyễn Du) ít khi vắng mặt. Có một đêm nọ, cậu Chiêu Bảy gặp một cô gái tên Cúc người đẹp, giọng hay có tài kể chuyện, chỉ có một nỗi muộn chồng . Chiêu Bảy liền bẻ ngay một câu như sau:
 
Trăm hoa đua nở về xuân ,
Cớ sao Cúc lại muộn màng về thu ?
 
Chiêu Bảy ý như  nói về hoa nhưng kỳ thực là ám chỉ về người. Nhưng cô Cúc nào phải tay vừa  thoáng nghe đã hiểu ý và đáp lại:
 
Vì chưng tham chút nhụy vàng,
Cho nên  cúc phải muộn màng về thu.
 
Chính nhờ những bài dân ca, nhưng câu ca dao Nguyễn Du gặp, nhớ ở quê nhà đã ảnh hướng lớn đến việc sáng tác Tuyện Kiều sau này. Trong bài "Thanh minh ngẫu hứng ", ông có câu "Thôn ca sơ học tang ma ngữ" (Ta bắt đầu học lời nói từ kẻ hái dâu, trồng gai qua những lời ca từ nơi  thôn dã).
 
Dưới triều vua Lê Cảnh Hưng, Nguyễn Du được giữ một chức quan nhỏ. Nhưng rồi phong trào Tây Sơn thắng lợi đánh bại tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh  - Nguyễn . Ông sống nhiều năm ở Thái Bình trở thành "dân chài biển Nam"  khi vợ mất, con còn nhỏ dại. Nhà thơ  đã thốt lên:
 
"Môn yểm tà phi , nhất viện bần "
(Cảnh cổng xiêu vẹo nhà nghèo túng)
 
Hoặc:
 
Tam xuân tích bệnh bần vô dược
( Ba xuân ốm liên miên ,nghèo không có thuốc )
 
Sau đó Nguyễn Du quay về Hà Tĩnh quê cha làm chỗ dựa để sống từ năm Bính Ngọ 1796 đến năm Nhâm Tuất 1802 trở thành " phường săn núi Hồng ". Mười năm sống trong cảnh lưu lạc, nghèo túng khi thì Thái Bình quê vợ, khi thì Hà Tĩnh quê cha đã giúp ông hiểu biết và thông cảm với quần chúng khốn khổ. Đó là những năm có ý nghĩa trong việc đào luyện nhà thơ Nguyễn Du.
 
Nguyễn Ánh  lên làm vua, ông ra làm quan nhà Nguyễn nhưng mang trong lòng nỗi buồn rầu bất đắc chí. Ông làm Tri Phủ ở Phù Dung, Khoái châu, Trấn Sơn Nam. Đêm trăng nhớ quê nhà và tâm trạng buồn Nguyễn Du làm bài thơ "Ký hữu" (Gửi bạn):       
 
Hồng sơn sơn nguyệt nhất luân minh
Thiên lý Tràng An thử dạ tình
(Đêm nay trên núi Hồng vừng trăng tròn sáng vằng vặc
Ở Tràng An cách xa ngàn dặm ,lòng ta thật ngao ngán)
 
Hoặc:  
 
Thái phác bất toàn chân diện mục
Nhất châu hà sự tiểu công danh
( Viên ngọc trong đá không còn giữ được bộ mặt thật nữa rồi
 Chút công danh nhỏ ở một châu có đáng gì )
 
Có lần ông bị nhà vua quở trách: " Nhà nước dùng người, ai giỏi thì cất lên, không phân biệt người Bắc, người Nam. Khanh được Trẫm biết tài mà bổ dụng, làm quan đến chức Tham Tri, biết điều gì cứ nói, để bàn hết chức trách của  mình sao lại rụt rè, sợ  sệt, chỉ dạ dạ vâng vâng thế thôi".
 
Ông  đã tìm đến đạo Phật, đạo Lão, lấy thú vui đọc sách, làm thơ,... làm những  liều thuốc hòng làm  dịu vết thương lòng .
 
Thời kỳ làm quan trong triều đình nhà Nguyễn ông có viết tập thơ "Nam Trung tạp ngâm" (Ngâm nga lặt vặt lúc ở Miền Nam). Sinh hoạt của Nguyễn Du có ổn định hơn  nhưng cảnh đời mới không làm cho ông vui. Nguyễn Du vẫn nhớ về quê nhà và bộc lộ tâm trạng của mình qua bài thơ "Ngẫu hứng".
 
Mười miệng đói kêu ngoài cửa Bắc ,
Một mình bệnh rục góc thành Đông .
Bạn thường trách bảo hay sầu mộng ,
Thiên hạ ai người thực tỉnh không ?
 
Nhân chuyến đi sứ sang Trung Hoa ông làm tập thơ "Bắc hành tạp lục" ghi lại những điều trông thấy ở Trung Hoa cũng giống cảnh quê nhà, "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Qua các tác phẩm: "Sở Kiến hành", "Độc Tiểu Thanh Ký"..
Tháng chạp năm Nhâm thân 1812 Nguyễn Du đang nghỉ phép về quê  thì có lệnh triệu ông vào kinh. Tháng hai năm 1813 ông được thăng chức Cần chánh điện đại học sĩ và cử làm Chánh Sứ sang Trung Hoa. Ông đi qua Thăng Long và thấy kinh thành thay đổi. Vua Gia Long phá thành cũ xây thành mới nhỏ hơn. Nhà thơ xúc động nhớ về một thời quá khứ đã qua với hiện tại đổi thay đã thốt lên:
 
Thiên niên cũ thất thành quan đạo,
Nhất phiến tân thành một cố cung.
(Những ngôi nhà đồ sộ ngàn xưa nay thành đường cái
Một tòa thành mới làm mất dấu vết cung  điện xưa )
 
Nguyễn Du giỏi thơ chữ Hán, nhưng nổi tiếng hơn vẫn là những tác phẩm  thơ chữ Nôm  như Tuyện Kiều, Văn chiêu hồn. Văn chiêu hồn là một bài thơ về tình thương  người, tấm lòng của tác giả mênh mông như trời biển, thương (mười loại chúng sinh), thương tất cả những người chết, nhất là đối với quần chúng lao động chết khổ. Tuyện Kiều là tác phẩm lớn nhất trong văn học cổ Việt Nam. Công trình nghệ thuật thiên tài này đã tố cáo chế độ phong kiến suy tàn, chà đạp lên con người lương thiện một cách tàn nhẫn, đã nói lên những ước mơ tốt đẹp về tự do, công lý của những con người bị áp bức trong chế độ thời bấy giờ .
 
Năm 1820 Nguyễn Du lại được cử đi làm chánh sứ sang Trung Quốc nhưng chưa kịp đi thì bị bệnh. Ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân . Họ nói với ông "đã lạnh rồi", ông nói "được" rồi mất không nói thêm một lời (Theo Đại Nam chính biên liệt truyện ).
 
Cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du xứng đáng là đại thi hào dân tộc, là danh  nhân văn hóa thế giới.
 
 
Hoàng Đình Nguyên - Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh)

Nghiên cứu thảo luận

Audio Guide

nguyendu.d.webcom.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website