nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Hoạn Thư - nhân vật đặc biệt của Truyện Kiều


Thế giới nhân vật của Truyện Kiều có nhiều kiểu khác nhau như nhân vật lý tưởng, nhân vật anh hùng, nhân vật đại diện cho cái xấu ác của xã hội… nhưng Hoạn Thư lại khác, Hoạn Thư là con người của cuộc sống như vốn có của nó…
 
1.
 
Khi nói đến Hoạn Thư không ít ý kiến coi đây là nhân vật tiêu biểu cho sự tàn bạo độc ác, một con người có tính ghen tuông cay nghiệt… nhưng thật ra đó chỉ là lớp vỏ bề ngoài. Vượt qua tất cả, Hoạn Thư còn là một con người luôn biết cách giữ cho gia đình êm ấm, tránh điều tiếng, giữ gìn danh dự cho chồng, cho mình, trả thù thói đen bạc của chồng nhưng không đối xử cạn tàu ráo máng với tình địch mà còn có chút vị tha, trước hoàn cảnh bờ vực vẫn tỏ ra bình tĩnh, khôn ngoan để thoát chết… Có thể nói trong Hoạn Thư có đầy đủ phẩm chất của con người hiện thực.
 
Hoạn Thư vốn là vợ của Thúc sinh, nhưng giữa hai gia đình không được môn đăng hộ đối. Thúc Sinh tuy cũng là nòi thư hương, nhưng cha lại là một nhà buôn, có ngôi hàng ở Lâm Truy, không phải xuất thân quan lại nên không sánh được với “họ Hoạn danh gia/ Con quan Lại bộ”. Họ kết hôn chẳng qua là “Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa” chứ không phải từ tình yêu say đắm. Nhưng dù sao đi nữa thì Hoạn Thư vẫn đối xử với chồng rất tốt “Ở ăn thì nết cũng hay”, không bao giờ tỏ vẻ con nhà thế gia vọng tộc mà ức hiếp chồng hay bắt chồng phải làm theo ý mình… Nhưng bao nhiêu đó vẫn chưa đủ, bởi Thúc Sinh vốn là con người háo sắc và “quen thói bốc rời” nên mới sinh ra việc dan díu với Kiều. Và khi Hoạn Thư biết chuyện “Từ khi vườn mới thêm hoa / Miệng người đã lắm, tin nhà thì không” thì thử hỏi sao Hoạn Thư không “Lửa tâm càng dập càng nồng / Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa”, thử hỏi ruột gan nào mà không như xát muối, dẫu biết rằng cảnh chồng đèo bòng thêm cũng không xa lạ gì trong xã hội cũ, nhưng xưa nay có người phụ nữ nào thích thế đâu!
 
Thực tâm mà nói, Hoạn Thư cũng không muốn làm to chuyện “Ví người thú thật cùng ta/ Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên/ Dại gì chẳng giữ lấy nền/ Hay gì mà được tiếng ghen vào mình”. Nhưng nàng hận là ở chỗ Thúc Sinh cứ “bưng bít giấu quanh” và đã vi phạm vào nề nếp của gia đình quý tộc nhà nàng. Chính vì thế mà nàng mới quyết định dạy cho Thúc Sinh bài học nhớ đời nhớ kiếp “Làm cho nhìn chẳng được nhau/ Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!/ Làm cho trông thấy nhãn tiền/ Cho người thăm ván bán thuyền biết tay”. Dù giận là vậy, toan tính kinh sợ là vậy, nhưng Hoạn Thư vẫn không làm ầm ĩ, không theo thói thường tình đánh ghen như bao người khác. Nàng vẫn cố giữ cho gia đình êm ấm như không có chuyện gì “Nỗi lòng kín chẳng ai hay/ Ngoài tai để mặc gió bay mé ngoài/ Tuần sau bỗng thấy hai người/ Mách tin ý cũng liệu bài tâng công / Tiểu thư nổi trận đùng đùng/ Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi/ Chồng tao nào phải như ai/ Điều này hẳn miếng những người thị phi/ Vội vàng xuống lệnh ra uy/ Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng/ Trong ngoài kín mít như bưng/ Nào ai còn dám nói năng một lời”. Quả thật Hoạn Thư rất đáng nể phục trong phương diện xử lí thông minh khéo léo chuyện nhà là vậy. Một người vợ, bị phụ tình đã làm được những việc không phải ai cũng có thể làm được, giữ cho gia đình ngoài kín trong êm như vậy thật không hề dễ.
 
Một mặt là bảo vệ chồng khỏi điều tiếng dư luận, một mặt là dằn nén để xem thái độ của chồng ra sao. Ở khía cạnh này ta dễ dàng đồng cảm với Hoạn Thư hơn. Còn gì vui hơn vợ chồng gặp nhau sau bao ngày xa cách và còn gì đau đớn tủi cực hơn khi Hoạn Thư phải trong vai người vợ nồng thắm với chồng chỉ bằng cái vẻ bề ngoài, còn sâu thẳm bên trong thì vật vã oán hờn với con người trăng hoa đen bạc “Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra”. Thật ra cái mà Hoạn Thư mong mỏi ở Thúc Sinh cũng đâu có gì quá đáng hay khó khăn. Nàng chỉ cần được chồng báo tin là chuyện đã như vậy, được chồng thú thật, để rồi nàng sẽ dung lượng trên mà bao dung tha thứ sắp xếp một cách đàng hoàng, ổn thỏa. Nhưng điều đáng tiếc là Thúc Sinh không phải là con người tri âm tri kỉ. Thấy vậy cứ tưởng mọi chuyện còn kín chưa ai hay biết. Một mặt nào đó Thúc Sinh cũng thuộc loại nhát gan, lo sợ mọi việc bại lộ. Sự im lặng của chàng Thúc đã đẩy kịch tính đến mức tai hại. Hoạn Thư, một người vợ tốt phải mang tiếng ghen tuông cay nghiệt muôn đời của sử sách. Thúy Kiều, con người tội nghiệp thì phải rơi vào tình cảnh nhục nhã, đau đớn đến ê chề.
 
Thú quê thuần vược bén mùi
 
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô
 
Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ
 
Một màu quan tái bốn mùa gió trăng
 
Đó là lúc mà chàng Thúc muốn ra đi và Hoạn Thư cũng dư biết. Nàng biết chàng ở bên mình chỉ là cái xác, còn hồn thì ở tận Lâm Tri. Chính vì thế mà nàng không hề ngăn cản, mà còn động viên chàng đi cho sớm. Còn về Thúc Sinh thì quá vô tư “Được lời như mở tấc son/ Vó câu thẳng ruổi nước non quê người”. Đứng trước việc phải làm là dày vò tình địch, dằn mặt dạy cho ông chồng bài học Hoạn Thư phải chọn cách nào đây? Nếu thủ tiêu Kiều thì chắc gì chuyện không bại lộ mà chuyện bại lộ thì coi như mất chồng, gia đình tan nát. Nếu đánh động cho Kiều cao chạy xa bay thì chàng Thúc làm sao dứt khỏi tơ lòng vương vấn, rồi mải tìm, rồi dù có về thì cũng về bằng cái xác. Một lần nữa ta thấy Hoạn Thư khôn ngoan khi chọn chiêu bắt cóc Kiều, đốt nhà thế xác, tạo hiện trường giả… để Thúc Sinh xem như đã hết mà toàn tâm toàn ý trở về “Chạnh lòng nhớ cảnh gia hương,/ Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê”. Hay là ở chỗ đó mà cay nghiệt cũng là ở chỗ đó.
 
Thúy Kiều bị bắt về quan Lại Bộ (nhà cha mẹ của Hoạn Thư), nơi đây Kiều phải một phen mưa gió tan tành “Hoa trôi nước chảy đã yên/ Biết đâu địa ngục là miền trần gian”, rồi bị bắt làm thị tì, sau đó Kiều mới được chuyển về làm con hầu ở nhà Hoạn Thư. Việc hành hạ thể xác của Kiều chỉ dừng đến đấy, chứ không đến mức tàn nhẫn mất hết nhân tính. Thực ra, đó cũng chỉ là chuyện giận cá chém thớt, chứ Hoạn Thư muốn bắt về trị tội chính là cái kẻ “thăm ván bán thuyền” Thúc Sinh mới phải lẽ. Cho nên không khi nào ta thấy hình ảnh Thúy Kiều hiện lên một như một đối tượng chủ yếu và trực tiếp trong cơn ghen tức, hay trong nỗi tam bành của Hoạn Thư.
 
Và cái gì tới đã tới, khi Thúc Sinh trở về chạm mặt Kiều một cách bất ngờ, choáng váng “Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm./ Rõ ràng thật lứa đôi ta,/ Làm ra con ở chủ nhà đôi nơi”. Có thể nói lúc này là lúc Hoạn Thư hả hê nhất. Nàng bắt “ kẻ thứ ba” phải khoan nhặt cung đàn, quỳ tận mặt mời tận tay Thúc Sinh chén rượu. Còn kẻ lòng dạ đen bạc kia thì phải phách lạc hồn xiêu, gan gầy ruột héo “Sinh càng như dại như ngây/ Giọt dài giọt ngắn chén đầy chén vơi”, rồi phải giả say để lảng ra nhưng khổ thay lại kẹt vào thế khác “Tiểu thư vội thét con Hoa/ Khuyên chàng chẳng cạn thì ta cho đòn/ Sinh càng nát ruột tan hồn/ Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay”; Khi nghe Kiều đàn, Thúc nước mắt lả chã mà cũng không dám khóc, phải gượng nói gượng cười “Sao chẳng biết ý tứ gì/ Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi/ Sinh càng thảm thiết bồi hồi/ Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua”. Cái cảnh này thật là bi hài, và có lẽ trên đời này hiếm có người vợ nào trị tội đen bạc của chồng một cách vừa nhẹ nhàng mà lại vừa cay độc đến như vậy. Nhưng dù cay độc mà không đến nỗi quá tàn ác “Giọt rồng canh đã điểm ba/ Tiểu thư nhìn mặt dường đà cam tâm/ Lòng riêng khấp khởi mừng thầm/ Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay”.
 
Nhưng người đọc sẽ đặt một câu hỏi: Tại sao qua sự vụ này Hoạn Thư không tống khứ Kiều đi mà lại nhận lời Kiều cho nàng xuất gia chép kinh ở Quan Âm Các (chùa của nhà Hoạn Thư)? Điều này cho thấy Hoạn Thư không đến mức nhẫn tâm, không ép Kiều đến cùng cực, mà chừng mực nào đó Hoạn Thư cũng có lòng từ bi. Vì về với Phật là coi như trần duyên chấm dứt! Hoạn Thư rõ là người yêu ghét phân minh. Khi thấy Kiều viết chữ đẹp, Hoạn Thư cũng khen “So ra với thiếp Lan Đình nào thua”, nàng cũng mến tài Kiều và ở khía cạnh này Hoạn Thư cũng có nét tài hoa. Bởi chỉ có kẻ tài hoa mới nhận ra kẻ tài hoa ngay giữa hồng trần gió bụi. Và thậm chí Hoạn Thư còn khen Kiều trước mặt Thúc “Ví chăng có số giàu sang,/ Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên”. Thử hỏi trên đời này dễ mấy ai đủ bản lĩnh để đưa ra một lời khen tuyệt đỉnh đối với tình địch của mình như vậy.
 
Tiếp theo là vấn đề Hoạn Thư về nhà cha mẹ vấn an, thực ra đó chỉ là phép thử cuối cùng để khẳng định lòng dạ của Thúc – Kiều như thế nào. Khi nghe hai người sụt sùi khóc than rồi Kiều hở ra ý trốn chạy: “Liệu mà mở cửa cho ra,/ Ấy là tình nặng ấy là ơn sâu” và rồi Thúc sinh quyết dứt tình: “Liệu mà cao chạy xa bay,/ Ái ân ta có ngần này mà thôi”, Hoạn Thư mới xuất hiện với vẻ mặt và cử chỉ vui vẻ, mãn nguyện. Hoạn Thư khen ngợi Kiều rồi nàng cùng chồng về lại thư trai. Chi tiết này cho ta thấy Hoạn Thư quả là người vợ thông minh tót vời và đã nắm chắc phần thắng về mình. Việc còn lại chỉ còn là gia ân cho Kiều, là tạo sơ hở để Thúy Kiều bỏ trốn mà thôi. Ở đây phải khẳng định rằng Hoạn Thư là con người của trí tuệ khôn khéo, con người có bản lĩnh phi thường và một nhân cách cao thượng đáng khâm phục.
 
Và y như sự tính toán, Kiều đã nghĩ và đã hành động “Phận bèo bao quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh lênh/ Chỉn em quê khách một mình/ Tay không chưa dễ tìm vành ấm no/ Nghĩ đi nghĩ lại quanh co/ Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân/ Bên mình giắt để hộ thân/ Lần nghe canh đã một phần trống ba/ Cất mình qua ngọn tường hoa/ Lần đường theo bóng trăng tà về tây”. Việc Kiều lấy đồ và trốn đi, Hoạn Thư đều biết rõ, nhưng nàng vẫn không truy đuổi và coi đó là con đường giải thoát cho con người hoạn nạn, con người tài hoa mà nàng đã có phần thương phần trọng.
 
2.
 
Đọc Truyện Kiều đến đây, ta cứ ngỡ Hoạn Thư và Kiều mọi chuyện đã chấm dứt, nhưng cuộc đời lại không dễ dàng bỏ qua ân oán tình thù cho họ. Và họ lại gặp nhau ở một tình thế đảo ngược : Kiều báo ân báo oán. Sau khi rơi vào lầu xanh lần thứ hai, Kiều được Từ Hải cứu và đưa nàng lên ngôi vị phu nhân cao quý. Và cũng chính Từ Hải đã giúp nàng báo ân báo oán. Hoạn Thư xưa là chủ nhà thị uy thì nay trở thành “chính danh thủ phạm”. Kiều từ một thị tì nay trở thành vị quan tòa có đủ mọi quyền hành sinh sát trong tay. Trong tình huống sinh tử này, ta thấy Hoạn Thư một lần nữa hết sức khôn ngoan, nhờ đó mà thoát án tử hình.
 
 Đầu tiên là Kiều mỉa mai đay nghiến Hoạn Thư: “Thoắt trong nàng đã chào thưa/ Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây/ Đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan/ Dễ dàng là thói hồng nhan/ Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”, cho ta thấy ý đồ của Kiều sẽ xử Hoạn Thư thế nào, bên cạnh đó là quan quân, gươm giáo chực sẵn. Rõ ràng Hoạn Thư đang đối mặt với tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Lúc này nàng không có thời gian để nghĩ suy cân nhắc như ở nhà lúc trước và cũng không người thân nào bên cạnh để bàn bạc. Còn anh chàng Thúc Sinh thì “mặt như chàm đổ mình dường dẽ run” còn làm được cái gì nữa. Khoảnh khắc sinh tử là phụ thuộc vào khôn khéo của bản thân Hoạn Thư. Và nàng đã tự bào chữa.
 
Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,
 
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
 
Nghĩ cho khi các viết kinh,
 
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
 
Lòng riêng riêng những kính yêu,
 
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
 
Trót đà gây việc chông gai,
 
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.
 
Tám câu lục bát này quả thật có sức mạnh thần diệu. Đầu tiên là Hoạn Thư cho mình là vô tội. Còn việc “kẻ cắp, quỷ quái tinh ma, thói hồng nhan, cay nghiệt”, đó chẳng qua là chuyện ghen tuông thường tình của đàn bà, đã là đàn bà thì ai mà chả vậy. Đó là quy luật của tạo hóa, chứ không phải do riêng Hoạn Thư gây ra. Vấn đề này đã tác động đến suy nghĩ của Kiều, vì nàng cũng là đàn bà, đổi lại nàng, thì nàng cũng làm như vậy mà thôi. Vấn đề thứ hai là Hoạn Thư nhắc lại chuyện “khi các viết kinh”, và thầm nhắc lại công trạng của mình đối với Kiều. Đó là sẵn sàng chiều theo ý Kiều cho xuất gia ở Quan Âm Các, xóa kiếp làm thị tì, rồi đến khi Kiều bỏ trốn Hoạn Thư cũng chấm dứt thù oán. Ở điểm này Hoạn Thư còn lịch sự không nói ra việc Kiều lấy đồ kim ngân trốn đi, cốt yếu là để tránh làm cho Kiều mất mặt. Tất cả điều đó Kiều rõ hơn ai hết và không thể không thừa nhận. Vấn đề thứ ba là Hoạn Thư đưa ra cảnh chồng chung, mà chồng chung thì ai nhường cho ai? Đó cũng là cái quy luật của tạo hóa, tâm lý chung của đàn bà, dù Kiều đang ngồi ở ngôi vị nào đi nữa vẫn không thoát khỏi quy luật đó. Vấn đề này buộc Kiều phải suy ngẫm và không thể bẻ lại được. Cuối cùng là Hoạn Thư thừa nhận đã “lỡ lầm gây việc chông gai”. Và cầu xin “lượng bể thương bài nào chăng”. Câu nói này Hoạn Thư vừa hạ mình vừa tôn Kiều lên thành “lượng hải hà”, là người bề trên. Không lẽ người bề trên không rộng lượng với kẻ dưới, người bề trên sao lại phải cố chấp với kẻ lỡ lầm… Và Kiều cuối cùng đã thốt “Làm ra thì cũng con người nhỏ nhen”, thế là Hoạn Thư được tha bổng. Có thể nói đây là phiên tòa có một không hai trong lịch sử văn học.
 
 
Theo Đào Thái Sơn/giaoducthoidai.vn

Nghiên cứu thảo luận
Đi tìm bản thảo "ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” của Nguyễn Du Khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng cho người đưa câu đối và lễ vật sang phúng viếng đồng thời thu về Cung tất cả những sổ sách, giấy tờ có trong nhà Nguyễn Du. Chắc rằng sau này khi đưa về " Ngự tiền thư viện " nhà vua đã cho người kiểm tra, nhưng không thấy có gì tỏ ra nguy hiểm nên đã cho vào kho cất kỹ.Trải qua 126 năm (từ 1820 đến 1946 ) với mười một đời vua kế tiếp nhau - sau Minh Mạng, cũng không có vị vua nào đoái hoài gì đến bó tài liệu của Nguyễn Du. Tháng 12- 1946, bọn Pháp tấn công chiếm kinh đô Huế, cụ Nguyễn Đình Ngân được lệnh đưa tất cả các loại sổ, sách, tài liệu... của "Văn hóa viện " chuyển ra huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để chờ tàu hỏa chuyển ra Bắc. Kháng chiến bùng nổ. Mặt trận Huế vỡ ! Mặt trận có ở khắp nơi. Để ngăn các cuộc hành quân của giặc Pháp. Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc " ra lệnh "Tiêu thổ Kháng chiên", đồng bào ở đô thị làm " vườn không nhà trống " và đi" tản cư”. Đường sắt, đường ô tô, ta đều chủ động phá hỏng để cô lập kẻ thù. Chuyến tàu hỏa mà cụ Nguyễn Đình Ngân chờ đợi không còn nữa ! Các cán bộ của " Văn hóa viện " cũng đi "tản cư” với hành trang gọn nhẹ, chuyển sang làm công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc " Kháng chiên thần thánh " - Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ gian khổ, để lại sau lưng Kinh thành Huế bị giặc chiêm đóng! Giặc Pháp tiến đánh Phong Điền. Nhiều làng mạc bị đốt cháy! Số phận bó " di cảo của

Audio Guide

nguyendu.d.webcom.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website