Thứ 7, ngày 21-12-2024
|
Góc nhìn về Kiến trúc trong Truyện KiềuNgày 08 tháng 09 năm 2015
"Riêng tôi, những câu thơ trong Truyện Vương Thúy Kiều đã giúp tôi tìm ý trong một số công trình mà sự việc này đến với tôi một cách thật là ngẫu nhiên" - Từ những phân tích, nhận định đánh giá, vẽ phác thảo cụ thể các công trình có trong Truyện Kiều để người đọc thấy được sự sáng tạo của Đại thi hào Nguyễn Du trong lĩnh vực kiến trúc... Đó là góc nhìn mới: Kiến trúc trong Truyện Kiều của cố kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn.
Một trong những phác thảo kiến trúc trong truyện Kiều của Cố kiến trúc sư Nguyễn Nọc Ngoạn
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Nguyễn Ngọc Ngoạn tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1934 - 1939), ông đã làm việc ở trường Trung học Albert Saraut Hà Nội, Học viện Thủy lợi, Đại học Nông Lâm, Đại học Y dược, Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp Hà Nội... và là một kiến trúc sư nhưng rất say mê văn học cổ điển Việt Nam đặc biệt tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Thói quen của ông là vừa làm việc vừa ngâm Kiều, chính Truyện Kiều đã giúp ông thành công trong thiết kế chùa Quán Sứ Hà Nội. Ngày mới ra trường ông chưa tìm ra lối đi tối ưu trong kiến trúc của công trình tôn giáo và bỗng câu thơ “sẵn Quan âm các vườn ta” trong Truyện Kiều đến với ông đã làm ông nghĩ đến Khuê Văn Các ở Văn miếu và ông đã cùng với kiến kiến trúc sư Nguyễn Xuân Tùng lấy ý tưởng đó để thiết kế chùa Quán Sứ và nay chùa Quán Sứ vẫn hiện hữu giữa lòng thủ đô Hà Nội - Trung tâm Hội phật giáo Việt Nam vẫn giữ nguyên kiến trúc thửa ban đầu. Với thành công đó, ông nghĩ thơ là tinh túy của nghệ thuật, kiến trúc cũng đòi hỏi tâm hồn và nghệ thuật, kiến trúc và thơ gặp nhau ở một điểm, do vậy ông đã chọn trước tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du - Tác phẩm đạt đỉnh cao về nghệ thuật để làm ý tưởng cho công việc sáng tạo của mình và cơ duyên mới đã đến với ông trong việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc trong Truyện Kiều. Để có những thành công trong góc nhìn mới về kiến trúc trong Truyện Kiều ông đã tham khảo rất nhiều bản Truyện Kiều khác nhau, tài liệu nghiên cứu, đối chiếu so sánh với thực tiễn các công trình kiến trúc Việt Nam xưa - nay, đưa ra góc nhìn mới để thấy được sự tài tình, tinh tế trong nghệ thuật kiến trúc của Đại thi hào Nguyễn Du. Để có cơ sở khoa học mang tính thuyết phục cao, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn đã đọc, suy ngẫm kỹ 3.254 câu kiều, càng đọc càng thấy hay, càng đọc càng thấy ngấm và phát hiện ra những công trình kiến trúc trong Truyện Kiều đã được Đại thi hào Nguyễn Du xây dựng hết sức tinh tế, chuẩn xác, mang đậm âm hưởng bản sắc văn hóa Việt. Từ nếp nhà đơn sơ đến những ngôi nhà sang trọng, từ nhịp cầu nhỏ chốn thôn quê đến những thành quách, dinh thự, lầu son gác tía nơi thị thành, từ am tháp đến chùa chiền… tất cả được Đại thi hào Nguyễn Du phối cảnh chặt chẽ, các công trình kiến trúc gắn với không gian, với phong tục tập quán, với đời sống con người và môi trường thiên nhiên đầy thân thiện “Mấy lần cửa đóng then cài/Đầy thềm hoa rụng biết người ở đâu” hay “Gương nga chênh chếch nhòm song/Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng xuân”. Đi sâu vào cụ thể kết cấu từng ngôi nhà riêng biệt, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn đã nhận thấy rằng Đại thi hào Nguyễn Du có tư duy của nhà kiến trúc thật hợp tình, hợp lý, các hạng mục xây dựng đều đúng với nguyên tắc, tiêu chuẩn, yêu cầu... Ví như: ngôi nhà của gia đình thường thường bậc trung Viên ngoại có tường thấp bao quanh, lối cổng gạch nho nhỏ, cánh cổng làm bằng gỗ, từ phòng khách, phòng ở của Thúy Kiều, Thúy Vân được trang trí nội thất, bố cục hoàn hảo phù hợp với gia phong “ngoài song thỏ thẻ oanh vàng” hay “Tựa ngồi bên triện một minh thiu thiu”; còn khi tả đến ngôi nhà Ngô Việt, một thương gia giàu có, nơi Kim Trọng đang thuê để trọ, Nguyễn Du lại thiết kế một ngôi nhà rộng lớn, chủ nhà sử dụng không hết không gian “Buồng không để đó người xa chưa về”. Ngôi nhà ấy là một biệt thự có khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, có ghế đá, có núi giả, có lối dạo chơi “Lần theo núi giả đi vòng” “có cây, có đá sẵn sàng”; về kiến trúc của nhà Hoạn bà thì quả thật là một nhà đại phong kiến, với kiến trúc bề thế, lộng lẫy “Cửa nhà đâu tá lâu đài nào đây” “Ngẩng lên tòa rộng dãy dài”... và không chỉ riêng kiến trúc nhà ở mà cả những am, tháp, chùa chiền được Nguyễn Du “xây dựng” đơn sơ nhưng tao nhã, vừa thâm nghiêm, vừa gắn liền với phong thủy của một công trình tôn giáo: “Đánh tranh chụm nóc thảo đường/Một gian nước biếc mây vàng chia đôi”...Tài năng kiến trúc của Đại thi hào Nguyễn Du thể hiện trong Truyện Kiều không chỉ có nhà cửa, am tháp, chùa chiền mà cả các công trình như lầu Ngưng Bích, hồ bán nguyệt, cầu bắc qua sông, loại hình nào, công trình nào Nguyễn Du cũng “thiết kế” hết sức khoa học, các công trình đó đều thỏa mãn được ước vọng của con người: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc trong Truyện Kiều, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn không chỉ phân tích, nhận định, đánh giá mà ông còn vẽ phác thảo rất cụ thể các công trình có trong Truyện Kiều để mọi người thấy được sự sáng tạo của Nguyễn Du trong lĩnh vực kiến trúc. Chính ông đã thốt lên rằng “Nếu là một nhà kiến trúc, Nguyễn Du là một thiên tài” và ông đã đưa ra ý kiến: Riêng tôi, những câu thơ trong Truyện Vương Thúy Kiều đã giúp tôi tìm ý trong một số công trình mà sự việc này đến với tôi một cách thật là ngẫu nhiên" ... Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn qua đời năm 1990, những bản vẽ, bản thiết kế các công trình của ông đã có nhiều đóng góp cho đất nước và tập bản thảo góc nhìn mới về kiến trúc qua trước tác Truyện Kiều vẫn chưa đến với độc giả, đến với những người yêu mến Truyện Kiều. Tôn trọng những gì ông để lại, năm 2007 Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tiến hành xuất bản cuốn sách “Tìm hiểu kiến trúc qua Truyện Kiều” đúng nguyên bản thảo và di nguyện của ông để lại. Cuốn sách ra đời đã đưa ra một góc nhìn mới về Kiến trúc trong Truyện Kiều được nhiều nhà kiến trúc, thiết kế xây dựng đón nhận làm tư liệu, hành trang quý trong quá trình tìm ý tưởng sáng tác, thiết kế các công trình phục vụ sự phát triển của đất nước. Những tư liệu nghiên cứu và góc nhìn của cố kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn về kiến trúc trong trước tácTruyện Kiều bất hủ cùa Đại thi hào Nguyễn Du là tư liệu quý cho ngành kiến trúc, thiết kế xây dựng. Từ góc nhìn đó các công trình kiến trúc trong tương lai đều giữ được bản sắc văn hóa Việt sẽ là sự hài hòa, tương đồng như kiến trúc trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh(1765 -2015), vinh danh Danh nhân Văn hóa Thế giới Đại thi hào Nguyễn Du vào cuối thàng 11 - 2015 tại thành phố Hà Tĩnh và trên quê hương của Đại thi hào - Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (Xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) tỉnh Hà Tĩnh đang khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tổng thể Khu văn hóa - du lịch Nguyễn Du và từ góc nhìn mới Kiến trúc trong Truyện Kiều của cố kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn sẽ bổ sung nhiều ý tưởng cho các nhà quy hoạch, thiết kế các công trình kiến trúc trong Quy hoạch tổng thể mang đậm dấu ấn của phong cách kiến trúc truyền thống - Đó là nét kiến trúc có đủ sự hội tụ, đúc kết nét kiến trúc xưa - nay để Quy hoạch Khu văn hóa - du lịch Nguyễn Du đạt tới ước vọng chung của nhân dân Việt Nam và nhân dân trên toàn Thế giới về sự tôn vinh, ngưỡng mộ tài năng của Đại thi hào - Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Du.
Bách Khoa - Trần Vinh Nghiên cứu thảo luận
| Audio GuideTham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |