Chủ nhật, ngày 22-12-2024
|
Dòng họ Nguyễn Tiên Điền - suối nguồn văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn Tố NhưNgày 02 tháng 10 năm 2015
Bao giờ Ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước, họ này hết quan” là câu ca nói về truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân. Cùng với sự ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa bản địa, dòng họ nổi tiếng về văn chương, khoa bảng dưới thời Lê trung hưng ấy là suối nguồn trong mát thẩm thấu, nuôi dưỡng tâm hồn Đại thi hào Nguyễn Du... Làng Tiên Điền giữa buổi trưa mùa hè chang chang nắng lửa thưa vắng bóng người. Con đường quanh co vào làng, ngôi nhà thờ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền đượm nét thâm trầm. Tuy ở đây không trưng bày các hiện vật của dòng họ nhưng những rêu phong trên mái ngói, trên từng thớ gỗ, sự tịch lặng, trang nghiêm của kiến trúc ngôi nhà thờ như đang âm thầm kể cho tôi nghe câu chuyện về dòng họ nổi danh một thời. Và trong ban trưa thanh vắng, từ đâu đó trong những thăng trầm thời gian, ký ức về những truyền thống của dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã trở lại trong tôi. Đền thờ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm (Ảnh Văn Thành) Vào đầu thế kỷ XVII, một người tên là Nguyễn Nhiệm quê ở trấn Sơn Nam (nay là tỉnh Hà Tây) vào Tiên Điền sinh cơ lập nghiệp, hướng dẫn cư dân trong vùng đắp đê, ngăn mặn, biến mảnh đất cằn nơi đây thành cánh đồng xanh tốt. Từ ông tổ đời thứ nhất là Nam dương hầu Nguyễn Nhiệm đến tổ đời thứ 6 (đại vương Tiến sỹ Nguyễn Huệ, Đệ nhị giáp tiến sỹ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng) là thời cực thịnh của dòng họ này. Thời kỳ ấy, dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cùng với dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu và Phan Huy ở Canh Hoạch (Can Lộc) là 3 dòng họ có công lớn trong việc xây dựng trấn Nghệ An thành một vùng đất thi thư văn vật. Dù chưa có sự khẳng định nhưng Nguyễn Quỳnh (đời thứ 5) từ bao lâu nay vẫn được nhắc nhớ là người đầu tiên của dòng họ bộc lộ thiên hướng yêu thích sách vở, chú trọng đường cử nghiệp, biết tìm niềm vui trong hứng thú sơn thủy. Tuy vậy, chí hướng Nguyễn Quỳnh lại không để ở công danh, ông chỉ cầu một cuộc sống giản dị, thanh nhàn. Và phải đến Nguyễn Nghiễm (đời thứ 6) mới thực sự là người bắt đầu con đường khoa bảng rực rỡ, “mở đường lối văn chương” cho dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, “làm vẻ vang cho đời trước, để phúc ấm cho đời sau” (Theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền). Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, Nguyễn Nghiễm (1708-1775) đã chịu ảnh hưởng phong khí học hành khoa cử của quê hương. Ngay từ lúc 5 tuổi, Nguyễn Nghiễm đã được cùng học với người anh cả là Nguyễn Huệ - một người “văn chương tươi đẹp, có những câu làm cho người ta kinh ngạc” (Theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền), từng đậu khoa Hoành từ, được bổ Tri huyện La Sơn nhưng lại không chú trọng đường công danh. Nguyễn Nghiễm đã tiếp thu nhiều từ người cha ở phương diện sách vở, văn chương, song, ý nguyện của ông là muốn được thi thố tài năng, dùng sở học của mình phục vụ đất nước. Ông đã biết bổ sung và hoàn thiện những phẩm chất cũng như tư chất vốn có được truyền từ cha và ông nội, đó là khả năng võ biền, tinh thần hiếu học, lòng yêu trọng học vấn văn chương cũng như thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm với công việc được giao. Chính vì vậy, con đường của ông là con đường cử nghiệp. Với khả năng văn chương và học vấn như thế, sau khi đỗ Hoàng giáp, ngay năm sau (1732), Nguyễn Nghiễm được nhận chức Hàn lâm viện Hiệu lý, hàm chánh thất phẩm. Bắt đầu từ đây, ông có nhiều cơ hội thể hiện tài “kiêm văn võ” của mình. Bề dày tri thức cùng sự từng trải, lịch lãm và phong cách nghiêm cẩn của ông là tấm gương cho con cháu dòng họ noi theo. Đặc biệt, ảnh hưởng quan trọng của Nguyễn Nghiễm chính là đã gây dựng cho con cháu một nếp sống văn hóa và tình yêu văn chương hiếm có. Các con cháu ông phần lớn đều có chí học hành, có tư chất và thiên hướng văn chương, nhiều người đã coi văn chương là nơi gửi gắm tâm sự của đời mình. Và có thể nói, vai trò định hướng về học vấn văn chương của Nguyễn Nghiễm đối với các thế hệ con cháu ít nhiều đã được khẳng định qua thành tựu văn chương rất phong phú của dòng họ Nguyễn Tiên Điền nổi tiếng ở Bắc Hà. Người nối tiếp cha, góp phần làm cho dòng họ Nguyễn Tiên Điền thịnh đạt và được biết đến như một dòng họ văn hóa ở đất kinh kỳ Thăng Long là Nguyễn Khản (1734-1786). Nguyễn Khản được nhiều sách ghi lại là người tài hoa và phong lưu rất mực, vừa giỏi thơ nôm, vừa có tài hội họa, đỗ đạt sớm, làm quan đến Nhập thị Bồi tụng. Cuộc sống cũng phóng khoáng, không quá câu nệ hình thức, lễ nghi. Nhưng về sau, biến cố dồn dập đến, con người phong lưu ấy trở thành một tội nhân phải chạy lánh ẩn, phải cải trang trốn lên Sơn Tây, rồi về quê ở Tiên Điền. Quãng thời gian được sống với Nguyễn Khản, Nguyễn Du đã chịu nhiều ảnh hưởng của anh trai trong việc hình thành nhân cách. Cách sống hào hoa, phóng khoáng và cả nhu cầu thưởng thức sáng tạo văn chương của ông đều ít nhiều có bóng dáng cuộc đời Nguyễn Khản. Và hiển nhiên, tất cả những biến động, đổi thay dồn dập, thậm chí là một “cuộc tang thương” của gia đình và thời thế không thể không ảnh hưởng đến những cảm nhận về sự đa đoan, bất trắc của cuộc sống trong tâm hồn Nguyễn Du. Những câu hỏi da diết và niềm khắc khoải mong chờ người tri kỷ trong thơ ông như một lời chất vấn khôn nguôi đối với cõi nhân thế về nỗi cô đơn của con người: Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? Những sinh hoạt văn hóa tao nhã và lý thú tại gia đình ở phường Bích Câu Thăng Long cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến tư chất văn hóa và năng khiếu thơ Nôm của 2 người con gái Nguyễn Khản – là con dâu của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu. Hai bà lần lượt làm vợ Nguyễn Huy Tự và có thể nói, chính 2 bà là hồng nhan tri kỷ thực sự của Nguyễn Huy Tự trong sáng tác văn chương cũng như đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người con trai là Nguyễn Huy Vinh và Nguyễn Huy Hổ. Mối quan hệ giữa 2 dòng họ văn hóa và khoa bảng nổi tiếng này cũng là yếu tố giúp Nguyễn Du được tắm táp nhiều hơn trong những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là những giá trị đẹp đẽ của dân ca ví, giặm. Soi vào gia tài văn chương của Nguyễn Du, ta có thể khẳng định, ông đã tiếp nhận nền tảng văn hóa sâu dày từ truyền thống dòng họ ở một tầng bậc cao hơn. Hai nguồn tri thức là văn hóa và vốn sống mà Nguyễn Du được thừa kế từ dòng họ văn chương nổi tiếng chính là những nhân tố quan trọng góp phần kiến tạo nên thi tài Nguyễn Du. Hiện nay, tại xã Tiên Điền có hơn 400 hộ thuộc dòng họ Nguyễn. Truyền thống văn chương, khoa bảng vẫn được con cháu duy trì. Tuy không xuất hiện những ngôi sao sáng trong thi đàn nhưng số con cháu họ Nguyễn Tiên Điền đỗ đạt giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, đại học... trong và ngoài nước rất nhiều. Dòng họ, quê hương cũng như ảnh hưởng từ văn hóa của xứ Kinh Bắc, đất kinh kỳ đã kiến tạo nên tâm hồn, cốt cách, tài năng của Đại thi hào. Và chính người con dòng họ Nguyễn Tiên Điền - Nguyễn Du đã làm rạng danh quê hương xứ sở bằng chính tài năng của mình. Sự nghiệp văn chương của họ Nguyễn ở Tiên Điền có thể nói được khơi nguồn từ Nguyễn Nghiễm, phát triển rực rỡ ở các con trai Nguyễn Đề, Nguyễn Du và 2 người cháu là Nguyễn Thiện, Nguyễn Hành, góp vào thi đàn dân tộc những thi phẩm tồn tại mãi với thời gian. Tuy nhiên, người khắc tạc truyền thống văn chương của dòng họ Nguyễn Tiên Điền vào tâm tư nhân loại phải là Đại thi hào Nguyễn Du. Những tác phẩm trác tuyệt của Nguyễn Du để lại cho hậu thế muôn đời. Theo QueHuongOnline.vn
Nghiên cứu thảo luận
| Audio GuideTham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |