Nhớ lại những ngày...

(Nhân lần in thứ tư, 2015).

 

 

Thời chống Mỹ, tôi được giao nhiệm vụ hoạt động đơn tuyến chống văn hóa địch giữa lòng Sài Gòn, bấy giờ là thủ đô ngụy quyền. Ngoài việc phê phán các biểu hiện suy đồi trong văn hóa, văn nghệ, tôi luôn tìm cách đề cao các giá trị của văn hóa dân tộc. Đến ngày sinh nhật của thi hào Nguyễn Du, Bộ Văn hóa của chế độ cũ vẫn tổ chức lễ tưởng niệm, đặc biệt là ca ngợi tác phẩm Đoạn trường tân thanh. Hầu hết các vị được mời đến thuyết giảng là những người có học vị cao, có những công trình nghiên cứu văn hóa cổ, nhưng đa số các vị không thoát khỏi những cái nhìn đã quá cũ. Do vậy, nếu không bị ngồi trong tù, vì thời ấy tôi phải bị giam giữ đến 5 lần, tôi luôn có bài đăng báo viết về Truyện Kiều để chào mừng sinh nhật cụ Nguyễn Du và tôi cố gắng đề cao giá trị của tài phẩm thiên tài bằng cách khai thác những sự kiện mà chưa ai đề cập đến.

 

Bài đầu tiên tôi viết là “Đôi mắt nàng Vân, nàng Kiều” gởi đăng trên một tuần báo văn hóa được vài hôm thì một buổi sáng sớm tôi thấy có chú tiểu đồng ăn mặc lối xưa, hai tay bưng một cái khay phủ lớp nhiễu điều tiến vào nhà tôi, bấy giờ ở trong ngõ hẻm của đường Nguyễn Thông nối dài. Đó là người nhà của cụ Đông Hồ đem bài tôi viết trên báo được ông cắt ra, bọc giấy kim tuyến, kết bằng chỉ hồng để tặng lại tôi, kèm những dòng chữ “trân trọng cám ơn vì chưa bao giờ được đọc một bài lý thú như thế viết về Truyện Kiều”.

 

Sau bài “Từ Hải, sự lỡ tay của thiên tài” đăng trên Tạp chí Bách Khoa, thì một ngày nọ ông Lê Ngộ Châu, chủ của tờ báo, đã trao cho tôi gói quà của nữ sĩ Mộng Trung – mà tôi chưa hề được gặp – từ Pháp gởi về tặng tôi và nhờ ông chủ báo thay mặt bà để nói với tôi một tiếng “cám ơn” về bài viết ấy.

 

Nhưng điều tôi thật không ngờ là bài “Trường hợp hai Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh” đăng trên Tạp chí Bách Khoađược khoảng chừng vài mươi hôm thì tôi gặp đồng chí Hai Vũ, bấy giờ là cán bộ của Khu ủy vùng Giải phóng hoạt động bán công khai tại Sài Gòn, trao cho tôi tờ Bách Khoa có ghi hai chữ “Rất hay” trên bài tôi viết với một tên tắt mà đồng chí Hai Vũ cho biết là của ông Trần Bạch Đằng gởi vào. Sự khích lệ ấy, của cấp lãnh đạo là nguồn trợ lực rất lớn cho sự sáng tác của tôi.

 

Vào năm 1970, khi tôi được rời nhà lao Tân Hiệp để về Sài Gòn, tôi có ghé lại Trung tâm Văn bút Quốc tế (PEN CLUB) mà tôi là hội viên để thăm linh mục Thanh Lãng, chủ tịch Trung tâm, và cám ơn ông đã từng yêu cầu chính quyền trao trả tự do cho vài nghệ sĩ. Linh mục cho biết gần đến ngày lễ tưởng niệm sinh nhật thi hào Nguyễn Du và Bộ Văn hóa đã nhờ Trung tâm giới thiệu một nhà văn thuyết giảng trong ngày lễ ấy, nay tôi đã được tự do, ông đề nghị tôi làm nhiệm vụ này. Một tuần sau, tôi được tin là Bộ Văn hóa đã không đồng ý với sự giới thiệu của linh mục Thanh Lãng vì “Vũ Hạnh hoạt động cho Cộng sản” và nhờ linh mục đề cử một người khác. Với tôi, đăng đàn hay không cũng chẳng có gì bận tâm vì tôi đã có bài để đăng báo tôn vinh thi hào. Nhưng điều bất ngờ là trước ngày lễ một hôm tôi được thư mời của Bộ Văn hóa và tôi đã đến, nói về chủ đề: “Tính chất phi thường trong con người bình thường Thúy Kiều”. Bài này, sau đó, đã đăng trên Bách Khoa.

 

Và linh mục Thanh Lãng đã cho tôi biết sự việc như sau: Ông không trả lời đề nghị thay người của Bộ Văn hóa, cho đến cận kề ngày lễ, Bộ đã cấp tốc gọi xuống cho ông, thì được ông trả lời rằng: “Theo chúng tôi, không ai xứng đáng hơn nhà văn Vũ Hạnh để làm công việc này”. Do không còn thời gian để chọn lựa, Bộ phải đành mời tôi vậy.


Thiện cảm của bạn đọc ngày ấy đối với các bài tôi viết về Truyện Kiều khá nhiều, song chỉ xin nêu một số sự việc còn ghi ấn tượng sâu đậm nơi tôi. Còn nhớ vào năm 1965, được biết miền Bắc tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du, tôi đã hưởng ứng ngày lễ lớn ấy bằng cách gom lại các bài đã viết để in thành tập Đọc lại Truyện Kiều. Nhưng tác phẩm chưa đến vài trăm trang giấy đem in từ 1965 cho đến 1966 mới xong vì bấy giờ Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam, đa số những thợ in trẻ đều bị bắt lính để bổ sung cho quân đội Sài Gòn. Do vậy, sách được bày bán ở trên thị trường với một vòng băng bọc ngoài, in đậm dòng chữ: “Kỷ niệm 201 năm sinh thi hào Nguyễn Du”.

 

Điều khiến tôi thật xúc động là sau Giải phóng, trong bộ Từ điển Văn học của Trung ương ấn hành vào năm 1984 đã có nhận xét như sau: “Đọc lại Truyện Kiều thể hiện một cách cảm thụ tài hoa và một sự đánh giá đúng đắn tác phẩm cổ điển này của dân tộc”. Có lẽ, nhờ sự đánh giá ấy mà vào năm 1987, Nhà xuất bản Tổng hợp Nghĩa Bình đã cho in lại tác phẩm với một số lượng khá lớn.

 

Năm nay, tác phẩm lại được tái bản để chào mừng 250 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du, do Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học ấn hành.

 

Tp. Hồ Chí Minh, 22/01/2015