nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Độc đáo chữ "Hồn" của Nguyễn Du trong kiệt tác Truyện Kiều


Nhân kỷ niệm 250 ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hoá thế giới, Bộ môn Tâm lý và Giáo dục trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Văn Tịnh, giảng viên, Hội viên Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Tĩnh, in trong Tuyển tập “Vọng mãi lời quê” (2015) của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Tĩnh.  
 
 Bàn về tâm lý, tâm hồn, tâm linh, Giáo sư, Viện sỹ Phạm Minh Hạc, nhà nghiên cứu tâm lý học nổi tiếng của nước ta viết: “Quan niệm coi trọng tâm lý con người có tâm linh xuất phát từ triết lý coi trời - đất (vũ trụ) này, toàn bộ thiên nhiên này tất cả là một dòng khí. Con người và cả thiên nhiên nữa đều có “hồn” bay trong dòng khí đó, và hôm nay, khi con người còn sống thì nó ở trong con người, còn ngày mai nó sẽ ở trên không trung khi con người chết đi. Người sống và hồn của người đó ở thế giới bên này, còn hồn của người chết cùng người đơ tồn tại ở thế giới bên kia. Hồn này có thể hòa trong không khí, bay lơ lửng trong bầu trời mênh mông và hồn của người này có thể gặp hồn của người khác”.
 
Nghiên cứu khái niệm “hồn”, “tâm hồn” trong tâm lý học hiện đại trong quá trình giảng dạy sinh viên đã gợi mở cho tôi việc tìm hiểu, khám phá chữ “hồn’ trong Truyện Kiều - một kiệt tác bất hủ  của Nguyễn Du, Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới với những điều thật bất ngờ, thú vị. Thực tế, trong khoa học, từ xưa tới nay, người ta đã bàn rất nhiều về khái niệm tâm lý, tâm hồn, hồn con người dưới những cách tiếp cận khác nhau.  
 
Theo Từ điển Tiếng Việt (2003) của Viện Ngôn ngữ học, “tâm hồn là ý nghĩ và tình cảm làm thành đời sống nội tâm, thế giới bên trong của con người; hồn là tư tưởng và tình cảm của con người”.
 
Tác giả Phan Văn Các trong Từ điển Từ Hán Việt (2003) định nghĩa: hồn là tinh thần như phần hồn: “Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao”; “Hồn còn mang nặng lời thề” (Kiều), “Hồn tử sỹ gió ù ù thổi” (Chinh Phụ Ngâm), “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?” (Vũ Đình Liên), “Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ” (Tố Hữu).
 
Trong tiếng Latinh, “Psyche” có nghĩa là “linh hồn”, “tinh thần”. “Logos” là “học thuyết”, “khoa học”. Tâm lý học (Psychology) là khoa học về tâm hồn.  Dưới ánh sáng của tâm lý học khoa học, “hồn” trong tâm hồn được hiểu là toàn bộ những hiện tượng tâm lí làm thành đời sống nội tâm, đời sống tinh thần của con người, là đối tượng nghiên cứu của tâm lý học trong mọi thời đại.
 
Nghiên cứu lịch sử tâm lý học thế giới cho thấy: trong các di chỉ của người nguyên thuỷ đã có những biểu hiện chứng tỏ con người có quan niệm về sự tồn tại của “hồn”, “phách” sau cái chết của thể xác. Những bộ Kinh của Ấn Độ thời Cổ đại đã đề cập đến “hồn” và cũng đã có những nhận xét về tính chất của “hồn”. Ngoài ra, một số học thuyết thời Cổ đại cũng đã đề cập đến tâm tính của con người. Đó là những ý tưởng tiền khoa học về tâm lý.
 
Khổng Tử (551-479 TCN) và các học trò tiêu biểu của ông cũng đã nhiều lần nói đến chữ “Tâm” trong các bài giảng của mình. Tính “Thiện” xuất phát từ “Tâm” mà khi sinh ra ai cũng có. “Tâm” chi phối đời sống tâm lý và hành vi của con người. Nhân tướng học cũng cho rằng “tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”. Qua đó, có thể khẳng định rằng, từ xa xưa con người đã nhận biết vai trò và tác động của yếu tố tâm lý đối với đời sống của mình.
 
Truyện Kiều, một kiệt tác của Nguyễn Du làm rạng danh dân tộc Việt Nam trên văn đàn thế giới đã chạm đến rất nhiều vấn đề của cuộc sống trong đó có đời sống tâm lý, tinh thần của con người phản ánh rõ nét, sâu đậm qua các khái niệm: tâm hồn, linh hồn.  Phải chăng “Có sự gặp gỡ của các hồn thật không? Việc gặp gỡ gắn kết đó diễn ra như thế nào? Bằng thần giao cách cảm hay các luồng điện hiện lên trong trường sinh học? Hay đơn giản chỉ là người sống hướng tất cả ý nghĩ về người chết? Đây là vấn đề cực kỳ phức tạp và tế nhị”, Viện sỹ Phạm Minh Hạc băn khoăn. Không biết giới nghiên cứu, phê bình văn học đã bàn đến vấn đề này hay chưa? Còn trong tâm lý học thì đã có khá nhiều công trình nghiên cứu từ xưa tới nay.   
 
Nhân đọc Từ điển Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1974 và Nguyễn Du toàn tập, Tập 2, Nhà xuất bản Văn học, 1996 tôi có mấy suy nghĩ, xin được chia sẻ cùng bạn đọc.
 
Hồn, trong Truyện Kiều, theo Từ điển Truyện Kiều có hai nghiã: 1) Linh hồn; 2) Tâm hồn.  
 
Theo Đào Duy Anh, trong Truyện Kiều có tới 15 lần Nguyễn Du nhắc đến chữ “hồn”. Điều  trùng hợp kỳ diệu và đặc biệt là nó gắn với cuộc đời 15 năm lưu lạc của nàng Kiều. Đó là cuộc đời đau đớn của một kiếp “má hồng, phận bạc”, “sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên”:hết sa vào thanh lâu làm kiếp cầm ca cho người ta ôm ấp, lại phải khoác thanh y làm con hầu để chủ nhân vùi dập. May sao Thuý Kiều nhờ được tướng cướp Từ Hải xưng vương, vẫy vùng một cõi, lấy làm phu nhân, và giúp nàng trả được việc oán ân. Nhưng chẳng được bao lâu chính nàng lại bị mắc lừa khi khuyên Từ Hải ra quy hàng triều đình. Từ Hải chết, còn nàng thì tự vẫn tại Sông Tiền Đường. May thay, sau đó  lại được cứu sống, nàng đã xuống tóc vào chùa và được gặp lại cha mẹ, các em và chàng Kim. Nàng từ chối lời Kim muốn nối lại duyên tình và mượn cánh cửa từ bi cùng kinh kệ để giải bớt oan nghiệp. Đời Kiều là cả một minh chứng cho sự trói buộc của định mệnh “Mới hay muôn sự tại Trời”, nhưng đồng thời cũng nói lên sự tự do của lý trí để vượt lên  hoàn cảnh và số phận: “Có Trời mà cũng có Ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.” Cụ thể, trong đó:
 
“Linh hồn” có 3 lần được Nguyễn Du nhắc đến: 1) “Hồn còn mang nặng lời thề/Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai” ý nói thân yếu ớt này dù có chết đi nữa cũng mong trả được nghĩa với Kim Trọng; 2)“Nào hồn tinh vệ biết đâu mà lần (2972) nói về oan hồn của Thúy Kiều gắn với tích xưa kể rằng: con gái vua Viêm Đế chết đuối hóa làm chim tinh vệ, ngày ngày ngâm đá ở núi Tây Sơn về lấp biển Đông cho hả giận; 3)“Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên” (3202) nói về Vua nước Thục và con chim cuốc. Xưa vua nước Thục là Đỗ Vũ, hiệu là Vọng Đế bị mất nước đã hóa làm con chim cuốc, thường kêu “quốc quốc” nghe rất ai oán như gợi lòng tiếc nước khôn nguôi. 
 
Còn về “Tâm hồn” có đến 12 lần Nguyễn Du nói đến: 1) “Cạn lời hồn dứt máu say”(757): hồn dứt là ngất đi (chết ngất), máu say là máu xông lên đầu khiến người ta say, mê - đau đớn ly biệt với chàng Kim; 2) “Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai” (1715) - nói về giấc mộng kê vàng bởi theo Chẩm trung ký, Lư Sinh đi thi không đậu, vào quán gặp đạo sỹ Lã Ông đương nấu nồi kê, Lư Sinh than vãn, Lã Ông đưa cho cái gối nằm nghỉ. Lư Sinh chiêm bao thấy mình thi đậu, lấy vợ giàu có làm quan to…chợt tỉnh dậy, nồi kê vẫn chưa chín, Lã Ông cười nói: “Việc đời thì cũng như giấc mộng thôi”, bởi thế mới có giấc mộng hoàng lương; 3)“Sinh đà phách lạc hồn xiêu” (1823)- vì sợ quá, Thúc Sinh sợ Hoạn Thư đến như vậy, nhưng lúc dụ dỗ Thúy Kiều lấy mình thì lại quả quyết rằng “Đường xa chớ ngại Ngô Lào/Trăm điều hãy cứ trông vào một ta”; đúng là “miệng hùm, gan sứa”; 4) “Sinh càng nát ruột tan hồn” (1845)- trạng thái đau khổ, vừa thương, vừa sợ của Thúc khi thấy cảnh Thúy Kiều bị hành hạ; 5) “Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” (2236): nói về nỗi nhớ quê hương da diết của Kiều; 6)“Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời”(2390): hồn sợ hãi, vía lìa xa, cũng giống như hồn lạc, phách xiêu trước cảnh  xử Bạc Hạnh, Bạc bà; Ưng Khuyển, Sở Khanh, Tú Bà và Mã Giám Sinh; 7)“Dầm dề  giọt ngọc thẫn thờ hồn mai”(2796): theo sách Long Thành lục, Triệu Sư Hùng đi chơi núi La Phù (tỉnh Quảng Đông) gặp một người con gái đẹp dẫn vào quán rượu, uống say, nằm ngủ thiếp đi. Sáng dậy thấy mình nằm ngủ dưới gốc cây mai, nghĩ lại chỉ là giấc mộng; Nguyễn Du đã dùng tích này để nói về tâm trạng Kiều khi gia biến và chia tay với Kim Trọng; 8)“Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao”(2836): thường thấy chiêm bao, hồn lìa xác mà gặp người yêu - Hoạn Thư biết Thúc Sinh lấy Kiều làm vợ bé, giận sai đi bắt về. Ưng, Khuyển bắt Kiều, đốt nhà, sẵn thây vô chủ bên sông cũng đem ném vào lửa. Thúc Ông tưởng Kiều chết nên thương xót làm ma. Thúc Sinh về tới khóc than "Thương càng nghĩ, nghĩ càng đau /Dễ ai rấp thảm quạt sầu cho khuây". Cứ thế "tháng trọn ngày qua", "sầu dài, ngày ngắn, Đông đà sang Xuân". Ðến khi "nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê", tới nhà thì Hoạn Thư cho Kiều ra lạy mừng. Thúc Sinh "phách lạc hồn xiêu", "giọt ngọc sụt sùi như sa". Hoạn Thư hỏi, Thúc Sinh trớ rằng "Hiếu phục vừa xong/ Suy lòng trắc dĩ đau lòng chung thiên"; 9) “Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay” (990) nói về Tú Bà, sợ quá mà mất hồn, mất vía; 10) “Tôi đà phách lạc hồn bay” (1651) nói về cảnh Kiều bị Hoạn Thư hành hạ ; 11) “Mơ màng phách quế hồn mai” (2711): hồn, phách trong câu này ý nói hồn của Kiều trong lúc mơ màng gặp lại Đạm Tiên; 12) “Hoạn Thư hồn lạc, phách xiêu” (2363): để diễn tả nỗi sợ mất hồn, mất vía của Hoạn Thư khi bị xử trước tòa khi nhìn thấy cảnh tượng “dưới cờ gươm tuốt nắp ra”, “máu rơi thịt, nát tan tành”. Khiếp đảm đến lúc xuống lỗ. Người ta nói: Nỗi sợ cái chết, khẳng định sự sống rất có lý vì vậy.
 
Từ những dẫn chứng trên cho thấy, phần lớn mỗi chữ “hồn” trong Truyện Kiều đều gắn với mỗi điển tích cụ thể, nên muốn hiểu sâu các khái niệm khá trừu tượng này phải nắm được điển tích của nó. Đặc biệt hơn, Đại thi hào Nguyễn Du đã vận dụng một cách tài tình để mỗi chữ “hồn” trong tác phẩm của mình gắn với hoàn cảnh, tâm trạng, xúc cảm “ái, ố, hỷ, nộ” nhằm thể hiện sâu sắc tình ngươì, tình đời  của mỗi nhân vật, mỗi số phận, nhất là đối với nàng Kiều trong mười lăm năm “gió dập, sóng dồi”, “lênh đênh mệnh bạc tình yêu khôn đầy” (Tố Hữu).
 
 Có thể nói một cách không lên gân rằng, phải có một trái tim lớn của một nghệ sĩ lớn “yêu thương rất mực, căm giận đến điều” như Nguyễn Du mới có thể khai thác khía cạnh chữ “hồn” nhằm phản ánh một cách sâu sắc đời sống tâm lý, tinh thần của con người ở một đỉnh cao nghệ thuật, góp phần làm nên Truyện Kiều bất hủ, “một viên đá triết học trong văn học Việt Nam” (Đỗ Lai Thúy). 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
Đào Duy Anh (1974), Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội.
Nguyễn Du toàn tập (1996), NXB  Văn học.          
Phạm Minh Hạc (2006), Tâm lý học nghiên cứu con người trong thời kỳ đổi mới, NXB Giáo dục.  
 
  
Theo http//pes.htu.edu.vn

Nghiên cứu thảo luận
Đi tìm bản thảo "ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” của Nguyễn Du Khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng cho người đưa câu đối và lễ vật sang phúng viếng đồng thời thu về Cung tất cả những sổ sách, giấy tờ có trong nhà Nguyễn Du. Chắc rằng sau này khi đưa về " Ngự tiền thư viện " nhà vua đã cho người kiểm tra, nhưng không thấy có gì tỏ ra nguy hiểm nên đã cho vào kho cất kỹ.Trải qua 126 năm (từ 1820 đến 1946 ) với mười một đời vua kế tiếp nhau - sau Minh Mạng, cũng không có vị vua nào đoái hoài gì đến bó tài liệu của Nguyễn Du. Tháng 12- 1946, bọn Pháp tấn công chiếm kinh đô Huế, cụ Nguyễn Đình Ngân được lệnh đưa tất cả các loại sổ, sách, tài liệu... của "Văn hóa viện " chuyển ra huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để chờ tàu hỏa chuyển ra Bắc. Kháng chiến bùng nổ. Mặt trận Huế vỡ ! Mặt trận có ở khắp nơi. Để ngăn các cuộc hành quân của giặc Pháp. Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc " ra lệnh "Tiêu thổ Kháng chiên", đồng bào ở đô thị làm " vườn không nhà trống " và đi" tản cư”. Đường sắt, đường ô tô, ta đều chủ động phá hỏng để cô lập kẻ thù. Chuyến tàu hỏa mà cụ Nguyễn Đình Ngân chờ đợi không còn nữa ! Các cán bộ của " Văn hóa viện " cũng đi "tản cư” với hành trang gọn nhẹ, chuyển sang làm công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc " Kháng chiên thần thánh " - Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ gian khổ, để lại sau lưng Kinh thành Huế bị giặc chiêm đóng! Giặc Pháp tiến đánh Phong Điền. Nhiều làng mạc bị đốt cháy! Số phận bó " di cảo của

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website