Một chiều cuối đông, gõ cửa Đan viện Thiên An (Huế), chúng tôi may mắn được phép đan sĩ Hoàng Hữu Trí diện kiến bộ sưu tập Kiều Nôm từng đoạt giải Vàng hội chợ sách T.P Hồ Chí Minh cách đây mười năm

Rất sẵn lòng, ông Hoàng Hữu Trí hướng dẫn chúng tôi thăm kho sách của Đan viện Thiên An - nơi đang lưu giữ khoảng 10.000 bản sách các loại.

Đan sĩ Nguyễn Hữu Trí giới thiệu các bản Kiều Nôm tại Đan viện Thiên An

Ông Trí từ tốn giới thiệu những bộ sách thuộc loại qúi hiếm, được sưu tầm và hiến tặng từ những nguồn khác nhau, phần lớn được trao từ các nhà sưu tập. Tiện tay, ông rút ra quyển từ điển Pháp - Việt của học giả Đào Duy Anh, bản in năm 1936, tại nhà in Quan Hải Tùng Thư (Huế). Đây chỉ là một trong số rất nhiều sách quí thuộc bộ sưu tập từ điển đồ sộ hiện có tại Đan viện Thiên An, trong đó có các bộ đại từ điển bách khoa Anh, Pháp xuất bản từ thế kỷ 18. 

Ông Trí mang cho chúng tôi xem một trong những quyển từ điển địa lý Đông Dương bìa bọc da, được ấn hành tại Paris (Pháp) năm 1883. Nói về giá trị nguồn sách tại thư viện này, ông Trí kể: “Đầu năm 2013, một nhà nghiên cứu Pháp tìm đến, xin xem một số tài liệu về lịch sử Việt Nam và Đông Dương. Ông ấy cho biết, Đan viện Thiên An có những tài liệu rất quí mà hiện không thể tìm thấy ở Pháp”.

Một trong các trang Kiều chép tay cuối thế kỷ 19 bằng chữ Nôm 

Ngoài sách đời, Đan viện Thiên An lưu giữ một lượng lớn sách đạo, trong đó có những quyển sách kinh ra đời từ đầu thế kỷ 17, đến nay chất lượng vẫn còn tốt. Nhưng điều thú vị ít ai ngờ là nơi đây đang sở hữu nguồn sách dồi dào và đa dạng về Kiều, với 30 bản Kiều Nôm, hơn 300 bản Kiều dịch tiếng Việt và tiếng nước ngoài cùng hơn 1.500 bản sách, tài liệu về truyện Kiều. Kể cả sách Kiều bằng chữ Bờ-rai dành cho người khiếm thị.

Không nề hà, ông Trí bắc thang, vươn người lên giá cao, trao cho chúng tôi xem những bản Kiều Nôm trên giấy bổi đã ngả màu. Toàn bộ di sản quí ấy được nhà thờ Tân Sa Châu (TP Hồ Chí Minh) sưu tầm, chuyển cho Đan viện Thiên An cách đây chưa lâu. Đây cũng chính là bộ sách đoạt giải Vàng Hội chợ sách T.P Hồ Chí Minh năm 2004. Ngoài một bản phục chế, 29 bản Kiều Nôm còn lại đều là bản gốc, được in khắc gỗ tại Việt Nam và Trung Quốc.

Bản Kiều Duy Minh Thị được đặt in tại Trung Quốc năm Tân Mão 1891,
do Thiên Bảo Lâu phát hành 

Một cách cẩn trọng, ông Trí cho chúng tôi xem một trong các bản Kiều được ấn hành tại Trung Quốc. Đầu truyện đề Tân Mão niên tân thuyên, cuối sách đề Nhâm Thân niên trùng san”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thoa (T.P Hồ Chí Minh), điều này cho biết, sách in mới lại năm Tân Mão, theo bản đã được san dịch lại năm Nhâm Thân. Đây là bản Kiều Duy Minh Thị thứ 3, được đặt in ở Trung Quốc do Thiên Bảo Lâu phát hành năm Tân Mão 1891. Hai bản còn lại được in vào năm Nhâm Thân (1872), do Kim Ngọc Lâu ấn hành và năm Kỷ Mão (1879), do Bảo Hoa Các ấn hành. Đây là những bản Kiều từng được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn lưu tâm nghiên cứu.

Ngoài các bản đặt in ở Trung Quốc, chúng tôi được tiếp cận một số bản Kiều Nôm cổ được in trong nước, trong đó có bản Kim Vân Kiều mà theo nhà Hán Nôm học Nguyễn Quảng Tuân, là một sự phát hiện mới về sách Kiều. Sách bị mất trang đầu nên không biết năm in và xuất xứ. Nhưng qua độ cũ của giấy và lối khắc chữ Nôm khá chính xác, các nhà nghiên cứu nhận định, đây là bản Kiều được in trong nước vào cuối thế kỷ 19, do các hiệu in ở nước ta thực hiện. Theo GS Nguyễn Quảng Tuân, mẫu chữ Nôm của bản Kiều này được khắc khá chính xác, không sai lầm chữ như các bản Duy Minh Thị đặt in ở Trung Quốc.

Đáng chú ý, trong số 30 bản Kiều cổ tại Đan viện Thiên An có một bản chép tay (từ câu 2313 đến cuối câu 3254). Giới chuyên môn nhận định, có thể bản này gồm 3 quyển, đã bị thất lạc các quyển đầu. Người chép đã y sao theo bản Duy Minh Thị Giáp Thìn 1904 để viết lại, sửa chữa những chỗ sai lầm và viết theo thể chữ Nôm khá chính xác. Người chép còn sao lục thơ Nôm vịnh Kiều, một số ít thơ trong nguyên truyện, trong đó có bài văn tế Thúy Kiều bên sông Tiền Đường. Đáng tiếc, bài văn tế nhiều chữ bị mất. Và đáng tiếc hơn, sách không ghi lại dấu tích người chép cũng như thời điểm sao chép.

Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác của dân tộc. Tác phẩm từ khi in ra đã được nhân dân truyền đời đón đọc, trở thành viên ngọc sáng đẹp nhất, độc đáo nhất, lan tỏa và trường tồn trong đời sống văn học nước nhà.

Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu Truyện Kiều đã đi theo một xu hướng mới là tìm về những bản Kiều Nôm cổ, gần với nguyên tác nhất để khôi phục lại nguyên bản Truyện Kiều của chính Nguyễn Du. Cùng một số bản Kiều Nôm cổ được phát hiện như bản Liễu Văn Đường (in khắc gỗ dưới thời Tự Đức 1866), bản chép tay năm 1870 của Nọa Phu (Nguyễn Hữu Lập), hàng chục bản Kiều Nôm tại Đan viện Thiên An là nguồn tư liệu quí cho công tác nghiên cứu, so sánh, hiệu đính khi đọc những bản Kiều Nôm khác mà do tính sao chép, dị bản, không ít bản có nhiều sai lệch.

Bởi sự trân quí về mặt tư liệu ấy, mới đây, Đan viện Thiên An đã đồng ý cho Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế và Thư viện Khoa học TP. Hồ Chí Minh sao chụp, số hóa nhằm giới thiệu đến bạn đọc, phục vụ công tác nghiên cứu về lâu dài.