Năm 1806, vua Gia Long cho mời Nguyễn Du ra làm quan ở kinh đô, phong tước Du Đức Hầu, giữ chức Đông Các Học Sĩ; năm 1809, làm Bố Chính tỉnh Quảng Bình; tháng 2 năm 1813, Nguyễn Du được thăng Cần Chánh Điện Học Sĩ, rồi có chỉ sai làm Chính sứ đi Trung Hoa và năm 1815 ông trở về Kinh được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri. Nguyễn Du mất ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch tức ngày 16-9-1820 trong một cơn đại dịch, hưởng dương 56 tuổi.

 

Bảo tàng Nguyễn Du, Hà Tĩnh

 

Khi ông mất có em là Nguyễn Ức và cháu là Nguyễn Thảng, con Nguyễn Khản, đang làm quan ở Phú Xuân bên cạnh. Ông được an táng ở cánh đồng Bầu Đá, xã An Ninh, Phú Xuân.

 

Cháu của ông là Nguyễn Hành bấy giờ ở Bắc Thành được tin ông mất, có làm thơ khóc chú và nói lên cái chết nhanh chóng bi thảm đến với ông :

 

Dịch lệ hà năng tốc công tử?

Tam thu xuân lạc thử thành trung…

 (Bệnh dịch sao có thể làm chú chết mau đến thế? Ba năm lưu lạc ở thành này).

 

Đến mùa hè năm Giáp Thân (1824), con trai ông là Nguyễn Ngũ đem hài cốt của cha về táng ở quê nhà, xứ Đồng Mát, nơi vườn cũ của ông ở lúc sinh thời, thuộc xóm Tiên Giáp (nay đổi là Tiên Mỹ). Năm 1928, cải táng sang xóm Đồng cùng ở xóm Tiên An, cách làng 2 cây số về phía Đông Nam trên một bãi cát hẻo lánh. Con cháu có dựng một ngôi nhà thờ ở vườn cũ. Năm 1940, hội Khai Trí Tiến Đức có quyên tiền xây một ngôi nhà thờ gạch, lợp ngói, mặt trước có gạch kẻ hoa, chính giữa đề 4 chữ “Nhân kiệt địa linh”. Hai cột hai bên có câu đối Nôm:

 

Khúc đâu lưu thủy hành vân để tiếng tài tình chung đất nước/  Chốn ấy san hồ cổ thụ nhớ người thanh khí nặng non sông.

 

Tháng 7 năm 1954, chiến tranh phá hủy ngôi nhà thờ này.

 

Như vậy Nguyễn Du được an táng lần đầu vào năm 1820 ở cánh đồng Bầu Đá, An Ninh, Phú Xuân. Cải táng lần thứ nhất năm 1824 về xứ Đồng Mát, cải táng lần thứ hai năm 1928 về xóm Đồng trên một bãi cát hẻo lánh ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

 

Mộ Thi hào Nguyễn Du tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh

 

Có lý do gì mà gia đình và các hậu duệ của ông phải cải táng ông nhiều lần như vậy hay đó là di chúc của người thiên cổ? Sau mỗi lần cải táng có xảy ra biến cố gì không, đặc biệt là lần cải táng sau cùng vào năm 1928?

 

Một trăm lẻ bốn năm sau người ta lại cải táng lần thứ hai. Ai là người đã đưa ra ý kiến đó và các người có trách nhiệm có nghiên cứu kỹ về ngôi mộ đầu tiên của ông ở cánh đồng Bầu Đá hay chưa? Phải giải thích cho giòng họ như thế nào để thuyết phục mọi người chấp nhận hay là chỉ vướng mắc một vấn đề tế nhị.

 

Huyện Nghi Xuân là một vùng đất có nhiều nhân tài khoa bảng, đặc biệt là quê hương của ông tổ ngành phong thủy địa lý Việt Nam: Tả Ao.

 

Vậy việc cải táng này có điều gì bí ẩn không?

 

Trước khi khảo sát và xác định trên thực địa mộ táng của Nguyễn Du tại Huế, chúng tôi phải tìm hiểu thời gian ông sống hơn 12 năm cuối đời từ 1806-1820 ở Phú Xuân. 


Chúng tôi phải sưu tra lại các vấn đề địa lý, hình thể và phát triển của vùng đất Thuận Hóa-Phú Xuân đồng thời tái tạo lại nó một cách có thể chấp nhận được bằng đồ họa trên máy tính, phải đối chiếu thực tế trên mặt đất với các bức không ảnh chụp từ vệ tinh của các chương trình Google Map Satellite, World Map, Earth… với nhiều độ phóng đại để có thể hình dung vùng đất này, nhất là vùng thượng nguồn của các con sông (Bạch Yến (Catu), sông Lấp, vùng An Đô, La Chữ, Kim Long, Kẽ Vạn, Xước Dũ, Eo Bầu, Nham Biều, Giáp Hạ, Linh Mụ, Chợ Thông…và đặc biệt hình thể vùng núi đá và các khoảng ruộng ở An Ninh thượng, hạ và cánh đồng Bầu Đá nơi an táng lần đầu tiên của Nguyễn Du. 

 

Bầu Đá là một cánh đồng nằm ở phía Tây Bắc thành phố Huế (nay thuộc Lựu Bảo-An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên). Cánh đồng Bầu Đá là một thung lũng, một vùng lòng chảo, bao quanh 3 mặt là rú đá, riêng phía Tây hở chạy thẳng đến núi An Đô, dựa lưng vào dãy Trường Sơn. 

 

Bầu Đá cách kinh thành Huế về phía Tây khoảng 8km đường chim bay, sau lưng đồi Hà Khê - chùa Linh Mụ, qua bên kia sông Bạch Yến có một vùng núi đá thấp thường gọi là Rú Đá. Quần thể rú Đá gồm các ngọn đồi thấp dưới 30m. Có một đoạn các ngọn rú Đá này chạy liên kết nhau tạo thành ¾ một vòng tròn. 

 

Rú Đá còn gọi là rú Bầu Đá, rú Kèo Đá, rú Vi, rú Ri thuộc địa giới vùng Lựu Bảo. Rú có chiều dài khoảng 500m. Thung lũng nhỏ dưới chân rú là cánh đồng Bầu Đá, nay còn có tên là Bầu Sắn (Bàu Sắn) với đường kính khoảng gần 1km, trên cánh đồng nổi lên một cái cồn nhỏ. 

 

Trên đỉnh và lưng chừng rú Bầu Đá có vô số ngôi mộ chôn cất san sát nhau. Có những ngôi mộ rất cổ, có cả nghĩa trang của các nhà thờ Thiên Chúa giáo, duy chỉ có trên cánh đồng Bầu Đá nổi lên một cái cồn nhỏ cô đơn. Nếu đi từ cầu Xước Dũ lên đến đỉnh rú Bầu Đá khoảng 3km. 

 

Nơi an táng Nguyễn Du trên cánh đồng Bầu Đá nay không còn một dấu vết nào. Có chăng chỉ còn một ruộng lúa xanh mướt trải dài, một luống bắp đang trổ cờ, một tiếng gió rít qua kè đá… “Dấu giày từng bước in rêu rành rành”. Ở giữa cánh đồng này hiện nay chỉ có một ngôi mộ độc nhất của vị thượng thư họ Hoàng. 

 

Vị trí ngôi mộ của ông thượng thư họ Hoàng như sau: Phía chính Tây là núi An Đô đồ sộ, phía sau dãy Trường Sơn hùng vĩ, phía Đông gác chân lên rú Đá thấp hướng ra biển. Tả hữu là 2 ngọn núi thấp có dáng dấp Thanh Long, Bạch Hổ, có một mạch nước phía trước. Theo thuật phong thủy gọi là “tích phúc tụ thủy” nghĩa là “lấy lộc cho cháu con”. Chung quanh mộ có rú Đá thấp bao bọc, đó là thế đất tốt, có núi làm bình phong, có mạch nước minh đường thủy tụ… Một địa huyệt mà bất cứ thầy địa lý nào cũng mơ tưởng như trong lý thuyết.

 

 Mộ Thượng thư Hoàng Hữu Thường tại cánh đồng Bầu Đá

 

Thượng thư Hoàng Hữu Thường người xã Quảng Tế, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1873 đỗ Giải Nguyên, năm 1875 đỗ Tiến sĩ, năm 1882 ông cùng với Khâm sai Trần Đình Túc thương thuyết với quân Pháp. Thời vua Đồng Khánh, ông làm Thượng thư bộ Công, Hiệp Biện Đại Học Sĩ. Ông mất vào tháng 12 năm 1887, an táng tại cánh đồng Bầu Đá.

 

Đã là Thượng thư bộ Công, làm quan trải qua 6 đời vua (Tự Đức, Dục Dức, Kiến Phúc, Hiệp Hòa, Hàm Nghi, Đồng Khánh) là người đứng đầu cơ quan chuyên xây cất lăng tẩm, miếu mạo… hẳn ông là người học vấn uyên thâm và thông thạo về thuật phong thủy địa lý hơn ai hết. Vậy thì khi chọn cho mình một nơi yên nghỉ ngàn năm tất phải phù hợp với sở học, phải nghĩ tới tiền đồ của con cháu, dòng họ và ước mơ của mình.

 

Nói về ngôi địa huyệt của quan Thượng thư bộ Công và cánh đồng Bầu Đá thuộc vùng An Ninh Thượng, về sau này và trước đó còn có rất nhiều bí ẩn cần phải giải mã. Như chuyện con Ma Ơi và cái Lỗ Sứt, những chuyện thảm khốc chung quanh việc cải táng ngôi mộ của quan đại thần… các bạn có thể tìm hiểu thêm nơi bà Hồ Thị Sâm 75 tuổi là người đang giữ mộ của Thượng thư họ Hoàng.

 

Trước khi đi tìm nơi chôn cất đầu tiên của Nguyễn Du chúng tôi có nghiên cứu thêm về thời gian Nguyễn Du sống tại Huế như địa chỉ nhà của ông ở đâu? Ông bị bệnh gì mà chết, căn bệnh đó có ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường hay không? Dự đoán khoảng cách từ nhà ở đến chỗ an táng bao xa? Qua các sử liệu có độ tin cậy cao nhất ví dụ như địa chỉ nhà ở của Nguyễn Du qua bài thơ Ngẫu Hứng là ở xóm dệt vải ở vương đảo Kim Long, bệnh án tử vong của Nguyễn Du qua bài điếu văn của Nguyễn Khản, cháu gọi ông bằng chú ruột, tình trạng lây lan của căn bệnh ở thời điểm đó trong Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu và bài Khóc Nguyễn Du của Xuân Hương… 


Về nguyên tắc khi chọn một địa huyệt để an táng:

 

Phải chọn được cảnh đẹp, phải là nơi cao ráo, hậu chẫm phải được che chắn, trước mặt phải có mạch nước có bình phong, tả hữu phải được bảo vệ…

 

Nếu không có được điều kiện ấy thì phải xem tuổi tác, ngày giờ chết, nhân thân của người chết hay người thân của người đó…

 

Mộ táng của quan Đại thần Thượng thư bộ Công đáp ứng với các điều kiện căn bản đó, đó là địa huyệt thuộc loại Lôi trạch quy muội (Gái về nhà chồng - nghĩa là mang theo của cải tiền bạc, mang theo sung mãn con cái làm ăn phát tài, danh vọng…), Tọa đoài hướng chấn (Đầu người chết về hướng Tây chân gác trên rú thấp về hướng Đông), Triều sơn (núi quy tụ về một chỗ).

 

Quan sát mộ táng của vị Thượng thư bộ Công mới thấy hết cái sở học uyên thâm của ông về khoa địa lý và phong thủy khi chọn địa huyệt là chỗ dung thân ngàn năm.


Ngôi mộ của ông, một địa huyệt mà bất cứ thầy địa lý nào cũng mơ tưởng như trong lý thuyết.

 

Để xác định tọa độ nơi người ta chôn cất nhà thi sĩ nhất mực tài hoa này, chúng tôi đã:

 

- Khảo sát thực địa, xác định vùng xã An Ninh, vùng cánh đồng Bầu Đá và tọa độ ngôi địa huyệt.

 

- Riêng về tọa độ ngôi địa huyệt là vấn đề thuộc chuyên môn sâu hơi khó khăn.

 

- Chúng tôi cho mời 10 nhà phong thủy địa lý đến hiện trường ở những thời điểm khác nhau, họ mang theo la bàn và dụng cụ đo đạc chuyên môn để chỉ trả lời cho chúng tôi một câu hỏi duy nhất: Trên cánh đồng nhỏ bé này, chỗ nào là địa huyệt lý tưởng? Chín trên mười các nhà phong thủy đều có cùng một đáp số: 16027’31.41" vĩ Bắc, 107032’8.66" kinh Đông.

 

Chúng tôi kiểm tra lại trên bản đồ không ảnh của Google Earth, tọa độ đó trùng hợp với mộ của quan Đại thần Thượng thư bộ Công Hoàng Hữu Thường.

 

Có thể giải thích một cách đơn giản là 67 năm sau khi Nguyễn Ngũ cải táng cha mình thì tọa độ đó chỉ còn là một bãi đất trống và quan Đại thần Thượng thư bộ Công là người đã nhìn thấy long mạch ở đó.