nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Dấu xưa Nguyễn Du trên bến Giang Đình


Có lẽ trên con đường hành hương qua bến bờ cổ độ huyền thoại này, thơ Nguyễn Du là thứ lửa duy nhất có đủ sức soi rõ bao cuộc trăm năm, cho người đời sau có thể nương vào ánh sáng ấy mà lần dò ra từng quá khứ...
 
“Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim”.
(Nguyễn Du)
 
 
 
Bến Giang Đình là một trong “bát cảnh” danh thắng nổi tiếng của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) - quê hương của đại thi hào Nguyễn Du. Tôi đã  bao lần có dịp về Tiên Điền viếng thăm khu lưu niệm và bảo tàng Nguyễn Du nhưng để được một lần thưởng ngoạn cái bến xưa “Giang Đình cổ độ” từng lấp lánh hình ảnh của Tố Như trên bến sông này: “Bạch phát sa trung kiến/Ly hồng hải thượng văn” (Tóc trắng in trên cát bãi/Chim hồng gọi ngoài biển xa) thì quả đây là lần đầu tiên. Lại rơi đúng vào cái kỳ gian: “Thanh minh trong tiết tháng ba”!
 
Theo các nhà am tường địa chí của huyện Nghi Xuân, bến Giang Đình thuở xa xưa có tên là bến đò Tả Ao, cùng tên với tên làng Tả Ao nằm bên bờ Nam của dòng sông Lam. Vào năm Tân Mão (1771), Tể tướng Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm về quê Tiên Điền trí sĩ, quan lại phủ huyện địa phương đã sức dân dựng cái Giang Đình trên bến sông để đón rước Xuân Quận công trở về. Kể từ đấy, bến sông này được đổi tên thành bến Giang Đình.
 
Tác giả (bìa trái) và nhà thơ Ngân Vịnh thăm mộ Đại thi hào Nguyễn Du ở Hà Tĩnh

 

Năm ấy, Nguyễn Du vừa mới 6 tuổi, được theo cha (Nguyễn Nghiễm) ngồi trên xe ngựa trong cuộc đón rước tưng bừng tại bến Giang Đình. Có lẽ đây là hình ảnh huy hoàng nhất về quê nhà trong cái thiên đường ký ức của tuổi thơ Nguyễn Du. Để rồi về sau, khi trở lại ngồi trên bến xưa, từ hồi quang lung linh của ký ức, Nguyễn Du đã viết bài thơ “Giang Đình hữu cảm”, mô tả lại cảnh huyên náo rộn ràng ngựa xe đưa rước của một thời vang bóng ấy: “Ức tích ngô ông tạ lão thì/Phiêu phiêu bồ tứ thử giang mi/Tiên chu kích thủy thần long đấu/Bảo cái phù không thụy hạc phi...” (tạm dịch: Nhớ xưa cha ta cáo lão về hưu/Xe tứ mã rộn vang trên bến sông quê/Thuyền tiên lướt sóng như rồng thần giao đấu/Lọng tán che bay giữa trời không như chim hạc báo tin lành)...

 

Và trên con đường hành hương qua bến bờ cổ độ huyền thoại này, thơ Nguyễn Du là thứ lửa duy nhất có đủ sức soi rõ bao cuộc trăm năm, cho người đời sau có thể nương vào ánh sáng ấy mà lần dò ra từng quá khứ.
 
Tôi đã từng đứng hàng giờ trên bờ đê dòng sông, nhìn một dải đất bồi ngút ngát xanh lưa thưa từng chùm bóng cây bần hoang dại. Thiên nhiên tuồng như bày biện trước mắt bao chuyện biến dịch lở bồi, có khi diễn ra từng ngày, từng khoảnh khắc chứ nào phải đâu đợi đến một cuộc trăm năm. Mà Nguyễn Du của cái thời “Giang Đình hữu cảm”, tính từ những bước chân thơ dại tung tăng trên bến bãi này trong cuộc đón rước vang lừng Xuân Quận công về quê trí sĩ cho đến bây giờ cũng đã ngót phần tư thiên niên kỷ rồi. Vậy thì chuyện “trải qua một cuộc bể dâu” (Kiều) hay nhiều cuộc bể dâu như thế cũng là chuyện thường tình của “con tạo”, của “trăm năm trong cõi người ta” (Kiều)! Thế nên, có chú tâm dán con mắt vào hình sông thế núi mà đoán định ra cái bến Giang Đình hoặc là cái gian nhà lá mà Nguyễn Du từng dựng lên trên bãi cát bồi ven sông thì với tôi, chỉ còn cách tựa vào thơ Tố Như dẫn đường.
 
Long Vĩ giang đầu ốc nhất gian
U cư sầu cực hốt tri hoan
Đạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt
Xử sĩ môn tiền thanh giả san...
(Tạp ngâm II)
 
Tạm dịch: Dựng một gian nhà ở đầu sông Long Vĩ (Long Vĩ là một quãng sông Lam chảy qua địa phận Nghi Xuân)/Ẩn cư sầu chất ngất, bất chợt gặp một niềm hoan lạc/Lòng người khoáng đạt như vầng trăng sáng tỏ/Trước cửa nhà kẻ xử sĩ vẫn (nhân chứng) là những ngọn núi xanh.
 
Tới đây thì thơ Nguyễn Du dẫn đường cho tôi, không phải vì cái men say sau những ngày xuân bước lạc đường, lạc ngõ theo dòng sông Lam lạc bước đến cửa hội chân trời mà là gặp... Ức Trai - Nguyễn Trãi! Ức Trai sinh ra trước Nguyễn Du đến 385 năm, nghĩa là cũng từng bao cuộc trăm năm bãi bể hóa nương dâu. Nhưng có một thứ không thể nào chuyển dịch thay đổi được, đấy là những ngọn núi xanh kỳ vĩ cao đẹp, sừng sững trong tâm thức của dân tộc. Nếu như Ức Trai - Nguyễn Trãi, vào những tháng năm quay về ẩn dật ở Côn Sơn, nghe ra từ núi thiêng ấy đêm ngày: “Đàn cầm suối trong tai dội/Còn một non xanh là cố nhân” (*) thì với Tố Như - Nguyễn Du, vào những tháng ngày thanh bần ở Tiên Điền, con mắt đau đáu nhìn lên đỉnh Hồng Sơn, tựa núi cao kia làm nhân chứng: “Trước cửa nhà kẻ xử sĩ/Vẫn những ngọn núi xanh nhân chứng”. Hai cái đỉnh non thiêng từ Côn Sơn cho tới Hồng Lĩnh ấy, một nơi lấp lánh soi bóng xuống Lục Đầu giang, một nơi lung linh ảnh trầm trên dòng Lam thủy, tinh anh ấy vĩnh hằng trên đường đi của dân tộc. Để giờ đây, mỗi bước chân hành hương qua những địa chỉ văn hóa và lịch sử, ta lại nghe ra, tưởng ra tiếng người xưa quanh quất đâu đây. “Nước chảy âu không xiết bóng non”. Đấy là thơ Ức Trai  nói về cái bóng núi Côn Sơn in xuống Lục Đầu giang, cho dẫu dòng nước xiết trôi đi, chảy đi, dẫu cho sông cạn đá mòn thì cũng chẳng thể nào cuốn mất đi bóng núi ấy được.
 
Trên bến Giang Đình này cũng vang dội những thanh âm, cũng huyền ảo một bóng núi như thế. “Hồng Sơn nhất sắc lâm bình cừ/Thanh tịch khả vi hàn sĩ cư/ Thiên lý bạch vân sinh kỷ tịch/ Nhất song minh nguyệt thưởng cầm thư...” (Tạp thi II). (Tạm dịch: Núi Hồng Sơn soi bóng nước một màu trong xanh/Cảnh thanh tịch của kẻ hàn sĩ ở ẩn/Có mây trắng ngàn dặm bay về quanh chỗ nằm/Trăng soi vào song cửa chiếu sáng thư đàn...).
 
Một nơi trên bến Giang Đình mà sao lại chẳng khác mấy với cảnh Nguyễn Trãi ở Côn Sơn? “Láng giềng một áng mây bạc/ Khách khứa hai ngàn núi xanh”. Có tiếng tâm linh nào vọng xuyên suốt thời gian, không gian kỳ diệu như thế! Mây trắng ngàn dặm bay quanh lót chỗ nằm của Tố Như và mây trắng láng giềng thân thiết Ức Trai, xem ra có khác gì nhau đâu!
 
Dòng sông Lam trong xanh lặng lờ xuôi về cửa Hội ửng sáng sắc mây bạc mùa xuân đẹp đến nao lòng. Viết về quê xứ, mà rõ nhất là dòng sông Lam, có lẽ xưa nay không mấy ai viết nhiều hơn Tố Như. Tôi đoan chắc điều này, dù chỉ lướt qua 3 tập: “Thanh Hiên tiền hậu tập”, “Nam Trung tạp ngâm” và “Bắc hành tạp lục” (**). Sinh ra và lớn lên tại Bích Câu - Thăng Long và mất tại Huế, kỳ thực, thời gian Nguyễn Du về ở tại quê nhà của mình không nhiều so với cả cuộc đời dằng dặc lắm phong trần kia. Thế nhưng, quê hương xứ sở dường như tuần hoàn thường hằng trong máu huyết của Nguyễn Du, hiện lên rõ nhất là trong thơ. Ngay với những nhà nghiên cứu địa chí, thơ Nguyễn Du cũng là một thứ lửa giúp cho đời sau truy tìm “lý lịch” của đất. Ví như một địa danh trong thơ Nguyễn Du tại bài “Dạ Xuân”: “Nam Đài thôn ngoại Long giang thủy” (Thôn Nam Đài ở ngoài dòng sông Long thủy - tức sông Lam). Vậy là ngoài cái tên làng Tả Ao, hay Giang Đình, qua thơ Nguyễn Du, chúng ta còn phát hiện thêm cái tên thôn Nam Đài nằm bên bờ Nam sông Lam. Chỉ có điều, lang thang trên con đường chạy dọc theo bờ sông, tôi hỏi một vài người gặp trên đường, chẳng thấy ai biết những tên làng, tên đất ấy...
 
Ngồi xuống trên bờ sông, vốc từng vốc nước mát lạnh khỏa vào mặt mũi. Trong phút giây đó, niềm hoan lạc lên tiếng hay nước sông Lam là thứ nước biết réo gọi mù khơi trí nhớ ùa về hòa điệu cùng cơn gió xuân phơn phớt lạnh, để tôi hào sảng ngâm tràn câu thơ người xưa, như hàm dưỡng âm vang dòng sông vang dội mãi tiếng thơ bất tuyệt! “Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim”! Vâng, tiếng sóng lạnh nghìn thu vẫn ngày ngày tiễn đưa kim cổ…
 
(*) Trích thơ Ức Trai trong “Nguyễn Trãi toàn tập”
(**) Các tập thơ Nguyễn Du được trích dẫn
 
 
Theo Nguyễn Nhã Tiên/ nld.com.vn

Nghiên cứu thảo luận

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website