Đào Nguyên Phổ dấn thân vào sự nghiệp quan trường vào tuổi 23, sau khi thi đỗ cử nhân. Ông bước vào làng báo, viết văn ngay khi chưa thi đỗ tiến sĩ. Khốn nỗi, bước đầu họan lộ của ông lại diễn ra đúng lúc vua quan nhà Nguyễn đã và đang hứng đủ hậu quả những sai lầm trong quan hệ Pháp – Việt, kể từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi.
Vua Hàm Nghi tự ý dời khỏi cung thành với ý chí kháng Pháp vào một buổi đêm, thì từ hai cung thái hậu Từ Dũ và hoàng hậu Lệ Thiên Anh (chính thất của vua Tự Đức); với sự a dua ráo riết của quan lại triều đình thân Pháp đưa Nguyễn Phúc Ưng Đường lên ngôi, niên hiệu Đồng Khánh. Ba năm sau Đồng Khánh chết yểu, như Nguyễn Phúc tộc thế phả đã viết “vua vốn thể chất yếu đuối, nhiều bệnh, tính tình hiền lành, thích trang sức là ông vua đầu tiên của triều Nguyễn công nhận sự bảo hộ của Pháp, tiếp xúc rộng rãi với nền văn minh tây phương và đã dùng hàng hóa cũng như thực phẩm của Pháp.” Dục Đức - ông vua ba ngày - bị quyền thần sát hại có một người con tên là Nguyễn Phúc Bửu Lân , từng phải theo mẹ về cư ngụ ở quê ngoại, mới trở lại kinh thành Huế, được quan khâm sai người Pháp là Rheinart cùng các chức sắc và hai cung đánh tiếng đồng tình, trao ngôi vua cho ông. Bởi vậy, trong dân gian mới lưu truyền thuật ngữ “bốn ngày ba vua”, số phận dun dủi thế nào người thứ ba này lại chính là vua Thành Thái (1889 - 1907). Mồ côi cha từ lúc tuổi mới lên năm, mười tuổi thì đảm nhiệm cương vị đứng đầu triều chính. Giai thoại dân gian vẫn kể rằng “tuy nhỏ tuổi nhưng vua rất thông minh hoạt bát,sáng dạ mà học giỏi, giỏi cả chữ Hán và tiếng Pháp.Tính khí thất thường, không chịu nghe lời can gián, nhiều đêm tự mình cưỡi ngựa ra khỏi kinh thành đi chơi tự do không ai giữ được lại còn tỏ ra ngang trái, có biểu hiện thái độ bất bình với Pháp. Ở ngôi được ba năm thì có tin đồn vua bị điên, có lẽ là cách đặt chuyện của đám quần thần Trương Quang Đán, Tuy Lý Vương, Nguyễn Trọng Hợp…để che mắt thực dân Pháp. Lo sợ bị lộ cơ mưu của vua, triều đình bố trí cho vua “an dưỡng trị bệnh tại cung Bồng Dinh ở hồ Tĩnh Tâm”, thực chất là giam lỏng. Song chắc chắn là không có sự đe dọa cưỡng bức nào làm thay đổi được nguyện vọng cứu nước của ông, nên 14 năm còn lại trong quãng đời 18 năm đương chức, vua Thành Thái đã bị thực dân Pháp và các thế lực đồng mưu vô hiệu hóa.
Mở đầu câu chuyện về Đào Nguyên Phổ lại nói hơi dài về ba đời vua, nhưng đúng là không thừa, bởi vì một người sinh ra và lớn lên sớm tham chính, thì tính cách chí hướng của họ nhất thiết phải gắn mình với thời cuộc. Ở đây, vua Thành Thái là nhân vật có liên quan trực tiếp đến động cơ chính trị và chủ trương bạo động của Đào Nguyên Phổ.
Đào Nguyên Phổ được trang bị đầy đủ, có chất lượng khối kiến thức Nho học nhờ nếp gia phong có truyền thống Nho học và trưởng thành trong thời gian ấy, vào thời điểm vua quan nhà Nguyễn đã và đang trải qua những biến cố mất quyền tự trị. Thân sinh ông là cử nhân Đào Văn Lịch, người cũng từng dùi mài kinh sử chờ thời ra giúp nước cứu đời, mà rủi phận không có cơ hội thuận lợi, sau mấy năm thử sức ở xứ công đường, thấy không ổn, đành trở về quê hương bản quán giữ trọng trách ông đồ. Giai thoại văn nghệ ở làng Thượng Phán có kể, năm Đào Nguyên Phổ 16 tuổi, lúc đó còn mang tên khai sinh là Đào Thế Cung,bà con họ gần thường gọi là cậu Ba (theo thói quen ở địa phương, vì Cung là con trai thứ 3) đã được cha cho theo hai anh đi thi hương tại trường thi Nam Định, chắc là để làm quen với môi trường đi lại.Chi tiết này nhiều sách đã chép nhầm là Đào Nguyên Phổ đỗ cử nhân năm 16 tuổi. Sau lần “tham quan ” ấy, Đào Thế Cung trở về nhà tiếp tục “xôi kinh nấu sử”, tham gia “tập sự” dạy học cùng các anh trai ở hai vùng lân cận là Duyên Hà(nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình) và Phù Cừ bên kia sông Luộc (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Trước năm 1890 các địa danh trên đều thuộc tỉnh Hưng Yên và Nam Định.
Năm 1884 Đào Thế Cung đổi tên thành Đào Văn Mại, nộp hồ sơ dự thi hương tại trường thi Thanh Hóa. Sách Quốc triều hương khoa lục (1893) của Cao Xuân Dục có chép : “Trường Hà Nội – Nam Định; lấy đậu 52 người. Nguyên trúng 50 người, bộ duyệt lấy thêm 2 người là Bùi Khắc Thực và Nguyễn Xuân Diễn. Khoa này mới giảng hòa ở Bắc Kỳ, trường thi chưa được tu bổ nên hai trường thi chung ở trường Thanh Hóa…Đào Văn Mại người xã Thượng Phán, tỉnh Nam Định”(2) đỗ cử nhân. Ông được đi nhậm chức huấn đạo, quan to nhất trong ngành giáo dục ở huyện Tam Nông (gồm 5 tổng, 32 xã) rồi quản lý giáo dục ở cấp phủ, phủ Đoan Hùng (gồm 5 huyện, 32 tổng) của trấn Hưng Hóa. Đào Văn Mại đã đảm nhiệm một quan chức nhà nước ở cấp địa phương ngay từ khi vừa thi đỗ năm 1884. Những biến động xã hội vang dội dư luận rất gần với thời điểm này như : Tháng 4 năm 1882, Henri Riviere điều động 7 tầu chiến và 2 xuồng máy từ Hải Phòng ngược dòng sông Hồng, đánh chiếm Hà Nội. Hoàng Diệu viết biểu trần tình, quyết chiến với quân Pháp.Vua Tự Đức mất ngày 17-7 năm 1883, quan quân triều thần phân hóa tư tuởng thành hai phe “chủ chiến” và “chủ hòa”. Pháp tấn công cửa Thuận An (tháng 8 năm1883), vua Hiệp Hòa nghị hòa, bãi binh, phá hủy hệ thống phòng ngự, mở cửa kinh thành Huế đón Pháp. Pháp đánh chiếm gần hết các tỉnh Bắc Kỳ vào cuối năm 1884.Với Hiệp ước Harmand ngày 25 tháng 8 năm 1884, nhà Nguyễn đã bán đứng quyền độc lập tự chủ của Việt Nam cho Pháp, dưới danh nghĩa “thuộc địaNam Kỳ” , “bảo hộ Bắc Kỳ” và “Trung Kỳ của Nam triều”, do Pháp chỉ đạo tất cả, đã gây nên biết bao nỗi uất hận hờn căm trong mọi tầng lớp nhân dân.
Trước tình cảnh đó, Đào Văn Mại không thể làm ngơ, mà thực tế đối với ông, ngày càng ngấm ngầm tôi luyện tinh thần yêu nước, từng bước tranh thủ cơ hội truyền bá tư tưởng đoàn kết, vùng lên đánh đổ ách thực dân phong kiến. Hiềm nỗi, các học trò của ông ở cả đồng bằng và trung du, miền núi, nơi ông đã từng dạy học và quản lý việc học hầu như còn mơ hồ về chính trị, họ vẫn đang theo đuổi học hành , thi cử theo nếp cũ “dấn thân yêu đời”như bài bản Tứ thư, Ngũ kinh. Một số Nho sĩ bình dân và các thân hào nghĩa sĩ yêu nước cũng chỉ biết tập hợp nhau lại, đi tìm minh chủ hoặc tự phát hành động lẻ tẻ, rồi cũng bị kẻ thù dìm trong bể máu. Dẫu có thông hiểu Nho giáo, mẫn cảm với thời cuộc, Đào Văn Mại cũng chưa thể xoay xở gì được trong tình thế trước mắt, khi mà ông mới tham chính chưa được bao lâu. Tiền của, nhân lực, tuổi đời, uy tín… của ông đều chưa đủ điều kiện để ông thực hiện hành động yêu nước cụ thể như các bậc anh hùng tiền bối.
Ở chức huấn đạo hơn 5 năm thì Đào Văn Mại được bổ nhiệm làm tri huyện Võ Giàng (gồm 6 tổng, 43 xã thôn) thuộc phủ Từ Sơn, tiếp giáp với huyện Yên Thế của phủ Lạng Giang cùng xứ Kinh Bắc vào khoảng năm 1890 - 1891. Giữa lúc ấy, ở miền Hưng Hóa, Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, quan tổng đốc, tiến sĩ Nguyễn Quang Bích dựng cờ cứu nước đã hơn 10 năm, đang mở rộng địa bàn hoạt động gần hết các vùng miền núi phía Bắc, chẳng may ông bị bệnh qua đời năm 1891; nêu tấm gương sáng về nhân cách của một tri thức yêu nước “gập gềnh nào sợ bước gian nan / cứu nước thân già dạ sắt son”. Danh tính của tướng quân Đề Thám một thủ lĩnh xuất sắc trong số hàng chục thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế, đang áp đảo thực dân Pháp.Và như chính Vergrìete một viên chức của Pháp đã viết: “tên tuổi của Đề Thám đã trở thành như một biểu tượng rất được trân trọng để liên kết tất cả những người bất mãn. Xung quanh tên tuổi của Đề Thám đã hình thành một huyền thoại về chủ nghĩa anh hùng, về tài năng của một chiến binh…đối với người An Nam, đó là vị thủ lĩnh bách chiến bách thắng”.
Xuất thân từ một miền quê vốn có truyền thống yêu nước, lại được thừa hưởng một nền giáo dục khá chu đáo, chắc chắn là tinh thần yêu nước của Đào Văn Mại đã được hun đúc từ rất sớm. Ông khao khát được vào cuộc đấu tranh, song kinh nghiệm va vấp cuộc sống chưa từng trải. Khi vừa được giữ chức tri huyện Võ Giàng, ông đã vội toan tính, tìm cách cho người lấy tiền thuế, lúa gạo…định tiếp tế cho nghĩa quân Đề Thám. Việc bại lộ, một số viên chức đồng tình ủng hộ che dấu, Đào Văn Mại chỉ bị cách chức, thải hồi.
Bị cách chức vào tuổi “tam thập nhi lập”, Đào Văn Mại về quê, khi tỉnh Thái Bình vừa được thành lập(4). Không hề bận tâm về việc mất chức tri huyện do chính phủ bảo hộ trao cho rồi lại lấy đi, vì thực chất đây cũng là cơ hội chuyển hướng cho ông tiếp tục nung nấu ý chí bạo động chống Pháp của mình một cách âm thầm sâu kín. Làm thế nào đây để bày tỏ được ý nguyện đánh giặc cứu nước có chiến lược văn hóa, có cơ sở lý luận phù hợp với thực tiễn. Ý tưởng thì lớn, nhưng để hành động thực hiện được thì đâu có dễ? Nỗi niềm tâm sự này của Đào Văn Mại được dịp chia sẻ cùng các thân sĩ, Nho gia cả vùng Sơn Nam Hạ cũ và khắp dải Trung Kỳ trong khoảng thời gian từ 1891 đến 1898.
Về Thái Bình , Đào Văn Mại đến ngay huyện Kiến Xương thắp hương tưởng nhớ, tìm hiểu thêm lai lịch của Nguyễn Mậu Kiến (1819 - 1879), Nguyễn Quang Bích (1832-1890), Bùi Viện (1844 - 1878), Nguyễn Hữu Bản (1841 - 1883)…đều thuộc thế hệ cha anh, cho rộng đường suy ngẫm. Bước chân nán lại ít ngày ở quê hương, Đào Văn Mại biết thêm những cơ sở hoạt động yêu nước bằng cách tuyên truyền vận động, phổ biến tài liệu tân thư,tìm cách xuất dương mở rộng kiến văn. Ông kết thân nhiều bạn mới đồng chí hướng như Nguyễn Hữu Cương(1855 - 1912) “tính hào mại, có tài hùng biện, tầm mắt thông suốt”, sinh trưởng trong một gia đình nổi tiếng đương thời với các bậc cha con, anh chị em nội, ngoại đều dốc lòng cầm gươm súng đánh Pháp.Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925) từ bỏ mọi danh vọng, chỉ một niềm yêu nước thương nòi “Tấm lòng hăng hái chưa tiêu hết / Trông núi mang gươm dựa đỉnh đài”. Ngô Quang Đoan (1872 - 1945) người học trò xuất sắc của phó bảng Trần Xuân Sắc; nối nghiệp cha, duy trì phong trào kháng Pháp ở Bắc Kỳ.…Tất cả, hầu như tất cả lớp người thuộc thế hệ Đào Văn Mại và cả lớp đàn anh đàn em nữa, đang hồ hởi cùng nhau tìm cách đánh giặc cứu nước bằng vũ trí trí tuệ của chính mình.Tri thức cửa Khổng sân Trình phải mau chóng biến thành sức mạnh tinh thần, các Nho sĩ cũng phải chuyển biến nhận thức,học thêm tiếng Pháp để hiểu Pháp mà đánh Pháp. Những kỷ niệm tốt đẹp ấy đã lưu giữ mãi trong tâm tư tình cảm của cử nhân Đào Văn Mại, dường như một sức mạnh vô hình góp phần khích lệ ông trên bước đường hướng tới thi đạt học vị tiến sĩ, tạo thêm điều kiện để ông thực hiện hoài bão của mình. Từ những quan hệ mới ở đây, Đào Văn Mại biết thêm một số văn thân nghĩa sĩ yêu nước xung quanh thành Nam Định, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng…để rồi sau 4 năm giao du bè bạn; năm 1895 Đào Văn Mại lại đổi tên là Đào Nguyên Phổ, lên đường vào kinh đô Huế dự kỳ thi tuyển vào học trường Giám.
Điển lệ thời Nguyễn đến thời vua Thành Thái đã có những qui định khá chặt chẽ về việc chọn tuyển các giám sinh, được vào học ở Quốc Tử Giám từ 2 đến 4 năm, để chuẩn bị thi hội. Mỗi giám sinh đều phải trải qua 4 kì thi, ai đạt điểm yêu cầu thì được dự tiếp kì thi đình để lấy bằng tiến sỹ (có 3 cấp : đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ – đệ nhị gíap tiến sĩ xuất thân và đệ tam giáp đồng tiế sĩ xuất thân ). Giám sinh gồm 3 loại, con cháu hoàng tộc gọi là tôn sinh, con quan lại gọi là ấm sinh, con dân thường gọi là cống sinh. Song, bất kể giám sinh thuộc loại nào, ai cũng phải là những thí sinh đã đạt điểm cao qua các kỳ thi và có bằng cử nhân, có đủ chứng chỉ của 4 kì thi hội. Đào Nguyên Phổ vào học trường Giám ở kinh thành Huế từ năm 1895,với tư cách là cống sinh đã vượt qua các kì thi, rồi dự thi khoa Mậu Tuất, niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1898).
Choán hết mặt bia ghi danh tiến sĩ 2 khoa (1898) và (1891), theo bản dập 108/26 – N0 16492 – tư liệu viện nghiên cứu Hán Nôm; bên phải mặt bia ghi rõ : “Hoàng triều Thành Thái thập niên Mậu Tuất khoa tiến sĩ đề danh bi. Tứ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân nhất danh : Đào Nguyên Phổ, tọa giám cử nhân, niên canh Tân Dậu tam thập bát tuế Thái Bình tỉnh, Thái Ninh phủ, Quỳnh Côi huyện, Đồng Trực tổng, Thượng Phán xã.” (Bia nêu tên tiến sĩ khoa Mậu Tuất, triều Thành Thái năm thứ 10.Ban cho đỗ nhị giáp tiến sĩ một người: Đào Nguyên Phổ học ở Quốc Tử Giám, cử nhân, sinh năm Tân Dậu, thi đỗ năm 38 tuổi, người xã Thượng Phán, tổng Đồng Trực, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình). Cần ghi chú thêm, kết quả khoa thi này không có người đỗ “chính trúng cách ” để vua ban “đệ nhất giáp”. Ở hạng “thứ trúng cách” vua ban chỉ một Đào Nguyên Phổ “đệ nhị giáp”. Như vậy,nếu không tính tên gọi dân gian của Đào Nguyên Phổ là “cậu Ba” khi còn nhỏ tuổi thì tên khai sinh của ông là Đào Thế Cung, khi đi thi hương đổi tên là Đào Văn Mại, khi đi thi hội và thi đình đổi tên là Đào Nguyên Phổ. Sau khi thụ lễ ban yến của vua Thành Thái, Đào Nguyên Phổ về quê vinh quy bái tổ.
Trên đường đi từ Huế về Thái Bình, qua mỗi trạm nghỉ tạm, theo điển lệ đương triều, ông được đổi 4 người hộ tống khác, sau mỗi chặng đường. Qua những cuộc tiếp xúc với binh lính, người hộ tống, với thực tế đời sống dân tình,Đào Nguyên Phổ tự nhận thức được rất nhiều điều sinh động mới, khiến ông thấy được rõ ràng hơn nỗi khổ nhục của người dân mất nước. Không ít quan lại ươn hèn, co mình lại cầu an ích kỉ. Chuyến hành hương này có thể coi là một lần thâm nhập thực tế của quan nghè, nó thôi thúc tư tưởng yêu nước vốn có trong ông, khiến ông phải làm gì trước vận hội mới để đánh đuổi giặc Pháp. Nhớ người bạn vong niên Kiều Oánh Mậu, người có chung niềm yêu thích văn học dân tộc, đã và đang hiệu đính Truyện Kiều, Đào Nguyên Phổ không quên mang sách về Hà Nội tặng.Theo đoạn văn cuối bài tựa của Đào Nguyên Phổ thì đây là bản in truyện Kiều năm 1865, như ông viết: “Năm Ất Mùi tôi đang học ở Quốc Tử Giám, có công tử họ ngoại nhà vua cầm đến tặng tôi một bản Kiều mới, nhan đề là Đoạn trường tân thanh. Tôi mở sách ra đọc, thấy châm chước từng chữ, từng câu thay cũ đổi mới, danh bút phê bình, cơ trời linh động; lại được vua phê cho đôi câu đối ở đầu sách. Người đẹp văn hay, được đóa thiên hương làm tăng thêm khí sắc, vậy nên ngâm vịnh quí hơn được ngọc bích, người truyền nhau sao chép, giá giấy đắt như giấy quí Lạc Đô.
Mùa hè năm nay tôi ở kinh vinh qui, mang sẵn bản Kiều ấy đưa biếu Giá Sơn. Giá Sơn trông thấy liền mừng cuống lên, nhân thể gia công kiểm duyệt tinh tường, rồi khắc in để cho nhiều người thưởng thức.” Cuối bài tựa ghi rõ : “Thượng tuần tháng 11, mùa đông năm Mậu Tuất, niên hiệu Thành Thái - tức năm 1898. Dĩ nhiên là bài tựa tập trung chủ đề về truyện Kiều, nhưng đoạn giữa bài vẫn toát lên một tình cảm đặc biệt, bộc lộ một cách suy nghĩ kín đáo trong hành văn lối viết. Đọc lại Nguyễn Du chính là một dịp rèn giũa ngòi bút hiện thực cho mình. Hiện thực trứơc mắt mà Đào Nguyên Phổ, Kiều Oánh Mậu phải viết, liệu có theo được phần nào? “Lời lẽ xinh xắn mà văn hoa, âm điệu ngân vang mà tròn trịa, tài liệu tinh mà rất rộng, lượm lặt những diễm khúc tình từ của cổ nhân, lại góp cả phương ngôn ngạn ngữ nước nhà. Mặn mà vụn vặt không sót, quê mùa tao nhã đều thu. Nói tình thì nói được hình trạng hợp ly, cam, khổ, mà tình không rời cảnh; tả cảnh thì bày hết thú vị tuyết nguyệt phong hoa, mà cảnh tự vướng tình.Mực muốn múa mà bút muốn bay, chữ muốn phô, mà câu hay nói, khiến người cười,người khóc, người vui, người buồn, khiến người giở đi giở lại ngàn lần, càng đọc lại càng không biết chán…”Sau khi truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du ra đời, rồi tác phẩm trở thành tài sản vô giá của nhân loại thì người đầu tiên viết lời
Sau 3 tháng vinh quy bái tổ, Đào Nguyên Phổ trở vào Huế chờ bổ nhiệm quan chức. Biết vị tiến sĩ tân khoa Đào Nguyên Phổ có suy nghĩ đồng cảm với mình, vài ba lần vua Thành Thái đã tri kiến với ông, nhưng vua không có thực quyền, vả lại tuổi đời của vua qúa nhỏ, mới ở độ 15,16 tuổi, nên mọi công chuyện triều chính đều do các quan đại thần lo liệu dưới sự điều hành của chính phủ Pháp. Mọi điều tâm đắc với nhau cũng chỉ dừng lại ở mức biết vậy, chứ chưa người nào “tỏ mặt anh thư”, vì hoàng thân quốc thích, quan chức đương triều còn đang lưỡng lự, mỗi người một vẻ. Năm 1899 Đào Nguyên Phổ được vào làm việc tại Quốc Tử Giám, chức hàn lâm viện thừa chỉ, phụ trách việc sưu tập sách, tài liệu phục vụ cho việc học tập của các giám sinh và nhận lưu giữ, chú giải các văn thơ, phú, chiếu, biểu... trước khi phổ biến rộng trong nhân gian.Một thời gian sau, trong trường Giám có mở lóp bổ túc tiếng Pháp, gọi là Pháp tự quốc gia học đường cho các giám sinh. Lớp học mang tính tự nguyện nên cũng có nhiều người bảo thủ, không theo học. Đào Nguyên Phổ ghi tên và học lớp tiếng Pháp rất đầy đủ. Ông xác định rõ mục đích biết tiếng Pháp, để trực tiếp đấu tranh trển trường báo chí trong dự kiến và rộng mở tầm nhìn ra thế giới. Tuy thời gian học và làm trong trường Giám kéo dài hơn 6 năm, ông đã đỗ tiến sĩ và nhận một chức quan nhỏ, nhưng tâm trí Đào Nguyên Phổ không khi nào sao nhãng với thế sự nhân sinh, trước cảnh nước mất nhà tan. Trước kì thi tiến sĩ một năm, Đào Nguyên Phổ vẫn náo nức tâm can với Hịch Kỳ Đồng, do nghĩa quân Mạc Đĩnh Phúc đọc tại chùa Minh Khánh ở ngay gần quê ông, đêm ngày 16 tháng 12 năm 1897 mượn lời thiên tử : “…Lũ bạch quỉ phương tây ngạo ngược dám xâm lược thánh địa của ta để chiếm tài nguyên, hãm hại lê dân và tàn sát các ngươi…. Còn vua quan nhà Nguyễn tuy được tạm thời làm chủ đất nước, nhưng quỳ gối đầu hàng lũ quỷ, cam phận tà ma tôi tớ, nên thượng đế nổi giận lôi đình.”(5) Trên địa bàn hoạt động của Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế, giờ đây có một đội quân yêu nước với gần 1 vạn người, trong đó có cả binh sĩ khố xanh, khố đỏ, Nho sĩ yêu nước, giả danh tập đoàn khai hoang mở đồn điền dưới ngọn cờ đại nghĩa của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, sau 10 năm du học trở về. Người bạn cùng xã của Đào Nguyên Phổ là tiến sĩ Phạm Huy Du, tri phủ huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), đã từng từ chối làm quan để đi thi tiếp, lấy học vị cao hơn liệu đường kháng Pháp, cũng vừa bí mật giao toàn bộ tài sản và nhân lực phủ Kiến Thụy cho nghĩa quân Kỳ Đồng - Mạc Đình Phúc,bị thực dân Pháp bắt đi đày Côn Đảo. Hành động của Phạm Huy Du khiến cho Đào Nguyên Phổ hồi tưởng lại việc ông đã từng làm cách đây gần 10 năm với tướng quân Hoàng Hoa Thám. Kết cục, gần 10 năm đương nhiệm của vua Thành Thái (1888 - 1907),thực chất chính quyền ngụy nhà Nguyễn đã bị thực dân Pháp vô hiệu hóa hoàn toàn.
Trước thềm thế kỷ XX, vận mệnh đấu tranh giải phóng dân tộc đã trao hẳn vào tay mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, từ một xã hội phong kiến đô hộ phương Bắc hàng nghìn năm, đến nửa sau thế kỷ XIX đất nước lại rơi vào tình cảnh thuộc địa nửa phong kiến, nên sự chuyển hướng tư tưởng xã hội hướng tới cách mạng dân chủ tư sản phải trải qua những thử nghiệm của nhiều thế hệ.
Cũng như các nhà khoa bảng được đào tạo trước cách mạng tháng Tám (1945), Đào Nguyên Phổ có tên hiệu là Cần Giang, tự là Hoành Hải. Ngoài ra, Đào Nguyên Phổ còn ký tên bằng một số bút danh khác như : Tảo Bi, Đình Đào, Quang Hoành, Phán Thủy Đào…v.v. trên mặt báo và một số bài tựa sách. Nghiễm nhiên đứng vào đội ngũ tri thức Việt Nam, nhà báo Đào Nguyên Phổ là một trong những tiến sĩ sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước, nhưng phải đến dư tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, Đào Nguyên Phổ mới có cơ hội gặp được những nhà Nho yêu nước theo xu thế canh tân; cả trong tiếp xúc trực tiếp và cả trong dư luận xã hội. Biến đổi nhận thức đã tạo ra quyết định từ quan của Đào Nguyên Phổ vào khoảng cuối năm 1901, ông ra ở Hà Nội tiếp tục cộng tác dịch bài cho tờ Đại Nam đồng văn nhất báo – tờ công báo được xuất bản mỗi tuần một kì, từ năm 1892 bằng chữ Việt và chữ Hán. Báo do F.H.Schneider người Pháp làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Đến ngày 28 tháng 3 năm 1907 báo đổi tên là Đại Nam (Đăng cổ tùng báo), do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút mở rộng các mục văn nghệ hài đàm, không chỉ lệ đăng công báo. Từ năm 1902 đến 1907 Đào Nguyên Phổ chỉ cộng tác dịch và biên tập giúp cho chủ bút. Có thể một số tiểu phẩm, thơ ca của Đào Nguyên Phổ được Nguyễn Văn Vĩnh cho đăng vào 33 số cuối, còn trên những số ra trước năm 1907, nếu Đào Nguyên Phổ có cộng tác thì báo cũng không đăng tác phẩm văn học và báo chí. Khoảng cuối năm 1905 trở đi, Đào Nguyên Phổ còn viết bài cho tuần Đại Việt tân báo, do Ecnext Babuyt chủ nhiệm và Hàn Thái Dương chủ bút. Chưa khi nào và chắc là không bao giờ Đào Nguyên Phổ làm chủ nhiệm hoặc chủ bút ở hai tờ báo này. Không phải lý do thiếu tiền hoặc không đủ uy tín mà là do ông là người cầm bút già tay nghề, thông thạo Hán – Việt – Pháp, ông cần một cơ chế tự do, một cơ quan ngôn luận thực sự của những người yêu nước. Hai tờ báo trên đều ra đời và hoạt động theo sự chỉ đạo của chính phủ bảo hộ, lại được chỉnh đốn bởi Sắc lệnh về chế độ báo chí ở Đông Dương do tổng thống Pháp ban bố ngày 30 – 1 – 1899. Với các điều khoản nội dung “Chủ nhiệm phải là người Pháp hoặc có quốc tịch Pháp” và “Tuyệt đối cấm không được viết, in, lưu hành, bán hoặc nhập các loại sách báo, tranh ảnh có hại cho chính phủ Pháp ”; thì Đào Nguyên Phổ cũng như các tác giả yêu nước khác, chỉ có thể viết và in tác phẩm thể hiện tư tưởng một cách khôn khéo, thâm sâu theo kiểu nghĩa tự Hán – Việt, hoặc chủ ý đề cao lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trở lại hoạt động báo chí ở Hà Nội , Đào Nguyên Phổ quen biết thêm nhiều bậc trí thức lớn, có tư tưởng canh tân đất nước, nhưng ông vẫn giữ lại tất cả ấn tượng tốt đẹp về những con người nghĩa khí ở Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định…và nối lại mối quan hệ giao du.Nghỉ việc quan ở triều đình Huế, Đào Nguyên Phổ tìm lại bạn cũ, tập trung trí tuệ cho việc tuyên truyền tư tưởng yêu nước từ lúc chuẩn bị rời khỏi Huế. Do biểt nhau từ trước nên người đầu tiên Đào Nguyên Phổ tìm gặp là phó bảng Kiều Oánh Mậu (1854 - 1912), ông đã treo ấn từ quan,hiện đang làm cho Đại Nam đồng văn nhất báo.
Trước khi vào học ở Huế - Đào Nguyên Phổ biết rõ ở Động Trung (Kiến Xương – Thái Bình) - nơi ông từng đến và gặp nhiều văn thân yêu nước, nơi ông biết một gia đình có ba cha con Nguyễn Mậu Kiến,Nguyễn Hữu Cương, Nguyễn Hữu Bản đã tập hợp hàng nghìn quân , huấn luyện vũ trang đánh Pháp giữ làng vẫn tồn tại một nhà in Chiêm Bái Đường. Thăm lại Nguyễn Hữu Cương vào khoảng đầu năm 1906, Đào Nguyên Phổ được đọc nhiều áng thơ ca, phú, đối phản ánh nội tinh thần yêu nước của các tác giả được lưu hành và in ở đây. Vốn có thiện cảm với thơ văn của cha con Ngô Quang Bích, Ngô Quang Đoan; Đào Nguyên Phổ gặp Ngô Tầm ( chắt nội Ngô Quang Bích, gọi Ngô Quang Đoan là ông chú) ; ông có cảm tình ngay. Ngô Tầm có tên hiệu là Đức Dung (1880 - 1967), thông minh, học giỏi,bất bình với thời cuộc nên ông không đi thi, ở nhà dạy học và làm thuốc. Điều đáng lưu ý hơn, Ngô Đức Dung đã sưu tầm tài liệu viết được cuốn Việt sử mông học khá đầy đủ các sự kiện lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến năm 1879 khi mới 27 tuổi (1906). Trong quá trình hoàn thiện bản thảo, tác giả lấy nó làm tài liệu dạy học. Đọc bản thảo của Ngô Đức Dung, Đào Nguyên Phổ cảm động vô cùng, ông cầm bút viết lời tựa và nói với tác giả nên cho khắc in ngay đẻ phổ biến rộng. Nhưng chủ tâm của Ngô Đức Dung còn muốn tiểp tục hoàn thiện và muốn giữ bí mật để truyền bầu nhiệt huyết yêu nước của ông với lớp trẻ. Vì nhiều lý do khác nhau, Việt sử mông học ở dạng bản thảo cứ bám riết cuộc đời tác giả cho đến tận những ngày cuối đời. Cách mạng tháng Tám thành công, trải 9 năm trường kỳ kháng chiến, cải cách ruộng đất rồi chống Mỹ cứu nước…Ngô Đức Dung vẫn không nản lòng với công việc nặng nhọc ấy; ông tìm kiếm tài liệu,cắt bớt,chêm dặm, bổ sung cho cuốn sách ngày một đầy đủ, ngắn gọn, xúc tích hơn. Vượt qua mốc thời gian khi Việt sử mông học đã được Đào Nguyên Phổ đề tựa, Ngô Đức Dung viết tiếp về thời Nguyễn,về thời đại Hồ Chí Minh đến 1945. Trong Phàm lệ của cuốn sách, ông đã viêt : “Còn từ triều Nguyễn vàthời kỳ Pháp thuộc thì căn cứ vào cuốn Hoàng triều thực lục của Giáp Đậu, đến như thời kỳ mới đây, những điều mắt thấy tai nghe, có bằng chứng xác thực cũng ghi chép thành văn; xin bạn đọc coi như tín sử mà không phải nghi ngờ gì nữa.”
Bài tựa Việt sử mông học của Đào Nguyên Phổ không dừng lại tóm tắt nội dung, đánh giá chủ quan chất lượng công trình, như một số người trước ông đã từng làm.Đào Nguyên Phổ chỉ nhân đọc Việt sử mông học, thấy tác giả có quan điểm sử học tiến bộ, tư liệu phong phú, văn phong trong sáng mà mến mộ tài năng của của Ngô Đức Dung; ông viết bài chính luận ở đầu sách, gây cảm tình với phong trào cách mạng dân chủ đang cuộn lên những làn sóng dạo đầu. Trích đoạn mở đầu và giữa bài sau đây sẽ chứng tỏ điều này : “Xét nước Việt Nam ta dựng nước đã lâu đời, cùng ngang hàng với nhà Đường nhà Ngu Trung Quốc. Tổng kết từ xưa đến nay đều chia làm ba thời kỳ(…)
Nói tóm lại, thời kỳ nghi sử như thủy tổ của giống nòi, như nền móng của đất nước. Thời kỳ khuyết sử như môi giới cho nền khai hóa, như mẹ đẻ của nền tự chủ. Thời kỳ tín sử thì sáng tỏ như ban ngày, mạnh như thủy triều , oai phong chấn động đến triều Nguyên triều Minh(…) đất đã mở rộng dân càng đông. Hồi tưởng lại, tổ tiên ta đã để lại cho đời sau phong tục tốt,chính trị hay, đủ để giáo dục cho đời sau, khích lệ lòng người.Còn như nguyên nhân lúc chia lúc hợp, lúc thịnh lúc suy, đâu phải đâu trái, chỗ nào nên soi để bắt chước chỗ nào nên răn để tránh, trên mặt giấy đã có thấy, trước mắt đã có gương, không phải đi tìm ở đâu” (9). Những lời lẽ uyển chuyển, những câu văn chắc lịch của Đào Nguyên Phổ, làm cho người đọc tin cẩn hơn vào tác phẩm của Ngô Đức Dung. Mặt khác, do người viết lời tựa tôn trọng sự thật khách quan, đánh giá đúng công lao đóng góp của Ngô Đức Dung, làm cho mọi người thấy rõ những mối quan hệ biện chứng trong tiến trình văn hóa của dân tộc Việt Nam. Điểm sáng nhất trong bài tựa là ở những dòng kết thúc; đây chính là suy nghĩ nung nấu của Đào Nguyên Phổ về cách mạng tư sản, vượt tầm định hướng của các nhà Nho và văn thân nghĩa sĩ đương thời. Sự chín chắn đến mực thước của ông đã trở thành nội lực tinh thần; bền bỉ chịu đựng, gắng công học hành thành đạt để đợi chờ cơ hội hành động. “Nhân dân ta trước hết hãy đọc sử nước nhà, để trong đầu óc mình lúc nào cũng có tư tưởng về tổ quốc Việt Nam; lại phát huy cái hay cái tốt của nước mình, cái tinh hoa của dân tộc mình để đào tạo tính chất cho thanh niên, sau đó lại tham khảo đến sử các nước Á Đông để xem xét về cách tiến bộ đột xuất, xem rộng ra đến sử châu Âu châu Mỹ, để biết những cái tinh xảo kỳ diệu, để rõ lẽ hơn được kém thua, so sánh cái giỏi cái kém giữa ta và người ngoài, để cải cách xã hội, xét xu hướng của thời vận, chuyển nghèo thành giầu, đổi yếu thành mạnh, người dạy và người đọc sử đều có trách nhiệm đóng góp.”(10)
Cuối năm 1906 Đào Nguyên Phổ còn có dịp viết bài tựa cuốn Việt sử tân ước toàn biên của Hoàng Đạo Thành (? – 1908 - thân phụ nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy) , nguyên tính danh là Cung Đạo Thành cử nhân đồng khoa năm 1884 với ông ở trường thi Thanh Hóa, quê ở làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Khác với Đào Nguyên Phổ, sau khi thi đỗ ông nhận chức giáo thụ ở các huyện Quốc Oai,Hoài Đức, Từ Sơn …v.v; rồi chức tri huyện Quế Dương, đồng tri phủ phân phủ Thuận Thành, đến năm 1902 thì về nghỉ hưu.Tuy vậy, trong thời gian đương chức, Hoàng Đạo Thành cũng u uẩn nỗi niềm yêu nước thương dân mà chưa thể hiện được. Ngoài Việt sử tân ước toàn biên, ông còn để lại Đại Nam hành nghĩa liệt nữ truyện. Cả hai tác phẩm đều đã được ấp ủ từ trước, nhưng chỉ đến lúc hưu trí ông mới tu đính lại, đồng thời có cộng tác hoạt động với phong trào Duy Tân bằng năng khiếu thơ văn của mình. Bài tựa Việt sử tân ước toàn biên của Đào Nguyên Phổ ghi lại ngày viết “Thượng tuần tháng mười một năm Bính Ngọ”(từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 11 năm 1906). Ở đây, Đào Nguyên Phổ đã nêu chính kiến “sử của một quốc gia không có phân biệt nước nhỏ hay nước lớn” và“nghiên cứu lịch sử là một khoa học là một khóa trình phổ thông” cho mọi người. Vào những năm đầu thế kỷ XX, luận điểm thứ nhất của ông là táo bạo và mới nhất ở Việt Nam, nó vừa đề cao tinh thần độc lập dân tộc vừa tỏ thái độ dứt khoát với đế quốc Pháp, đang là kẻ thù số1 của nước Đại Nam. Luận điểm thứ hai của Đào Nguyên Phổ có ý nghĩa chiến lược giáo dục lâu dài, không chỉ với những năm 10 của thế kỷ XX, mà cho đén ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo ông , giáo dục lịch sử dân tộc cho người Việt Nam phải được duy trì thường xuyên ,trong hệ thống trường lớp. “Trẻ em từ 7 đén 8 tuổi vào lớp vỡ lòng,phải cho luyện tập ngay việc đọc quốc văn quốc sử.Với phụ nữ cũng vậy. Sở dĩ phải in vào trí não mọi người hai chữ quốc gia,sao cho bền vững không lay chuyển, bó bện khôngcởi bỏ được; vì khi tuổi đã lớn, việc học hành đã có thành tựu thì ai cũng có mối quan hệ thân thiết giữa tổ quốc – gia đình – bản thân. Làm sao cho ai cũng biết coi đất đai của tổ quốc như tài sản của mình, gặp người trong nước coi nhau như cùng một bọc sinh ra, hợp lại với nhau đông đảo thành một đoàn thể lớn, lo liệu đén sự bình yêu chung, mưu tíng đến lợi ích chung. Người người đèu có nghĩa vụ cống hiến cho sự nghiệp giầu mạnh của quốc gia; đó không phải là chuyện ngẫu nhiên (…) Cái gọi là thực học thì điều kiện quan trọng số 1 là sử nước nhà…Với thời nay thì việc đọc sử nước Nam là việc có ý nghĩa số 1. ” Đề cập đến các nhân vật lịch sử có công với nước,Đào Nguyên Phổ viết : “Nhớ tổ tông ta đã để lại cho con cháu nhiều phong tục tốt đẹp đáng gìn giữ, phép nước lấy điều thiện làm đầu đáng tuân theo, nết tốt lời hay đủ cho nền giáo hóa lâu dài.Phong cách anh hùng lẫm liệt của các bậc tiền bối vĩ đại đủ cho lòng người vùng dậy.” Đủ cho lòng người vùng dậy từ những căn cứ lịch sử với tầm nhìn khoa học của Đào Nguyên Phổ, thiết tưởng đã quá rõ tư tưởng bạo động của ông trước khi trở thành một trào lưu đang gieo mầm trỗi dậy.
Còn nữa,tư tưởng bạo động của Đào Nguyên Phổ còn thể hiện ở bài tựa sách Việt sử yếu lược do chính Đào Nguyên Phổ soạn. Hiện nay sách có một bản ở thư viện viện Hán Nôm.Nội dung sácg gồm có : 1- Bài tựa. 2 - Niên biểu đối chiếu Việt Nam – Trung Quốc – La Mã từ Kinh Dương vương đến Thành Thái năm thứ (1907). 3 – Quốc sử tự. 4 – Việt sử yếu ước. Bài tựa ký tên Phán Thủy Đào (nguyên văn là Phán Thủy Đào bút) khá ngắn gọn, xúc tích: “Người nước Nam ta biết Thái Sơn cao, Hoàng Hà sâu mà không rõ Tản Sơn từ đâu đến, sông Cửu Long bắt nguồn từ đâu chảy về. Lại biết Khổng Minhvà Địch NhânKiệt mà chẳng rõ Tô Hiến Thành và Trần Quốc Tuấn oai phong khí tiết thế nào ? Tuy nhiên gió có thổi ngược nhưng không gẫy được cột cờ,nước có thể vỡ bờ nhưng sóng xoáy mấy cũng không thể ngiêng trụ. Giờ đây cuốn Việt sử yếu lược đã được soạn và lưu hành, mọi người cùng đọc. Thế là dân trí sẽ tăng, dân tài thêm rộng mở. Những mong trẻ già toàn quốc hãy gắng học đi, hãy gắng xem đi ! Đó là điều các Nho gia chúng tôi hằng mong đợi. ”Một lần nữa, Đào Nguyên Phổ bộc lộ minh bạch thái độ không hợp tác với giặc Pháp bằng tri thức khoa học, bằng nghị lực và ý chí của cả cuộc đời. Bên cạnh những bóc tách trên đây về tư tưởng bạo động sớm của Đào Nguyên Phổ qua bốn bài tựa sách; ông cũng là người tham gia viết sách giáo khoa cho trường Đông kinh nghĩa thục, nên không ít lần ông còn gủi vào nhiều trang sách quốc văn, luân lý …
Cuộc vận động cách mạng dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam hiện đại là phong trào Duy Tân (1905 - 1908). Đó chính là thành tựu mở rộng kiến văn của các tri thức Nho giáo Việt Nam, hiểu biết tân thư, nhận thức ngày một sáng tỏ bản chất xâm lược của “mẫu quốc”. Tuy nhiên, do hạn chế tầm nhìn trong đường lối đấu tranh chính trị và ngoại giao, do nôn nóng tự ti hiếu thắng nên phong trào sớm bị dập tắt. Dù sao, phong trào Duy Tân cũng đã để lại bài học lịch sử xương máu, tô thắm hơn truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Đào Nguyên Phổ là một chí sĩ yêu nước có trình độ cao,không savào hoàn cảnh chung của một số Nho sĩ đồng thời. Song, cá nhân ông chỉ là giọt nước trong biển rộng; vả lại chẳng may ông bị xốc thuốc sớm qua đời, để lại một tài sản tinh thần bằng các tác phẩm văn chương, báo chí cho nhiều thế hệ
_________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1 – Nguyễn Văn Xuân - Phong trào Duy Tân – N.x.b Đà Nẵng . 1995.
2 – Chương Thâu - Đông kinh nghĩa thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX – N.x.b Văn hóa – thông tin . H, 1997.
3 - Văn thơ Đông kinh nghĩa thục – N.x.b Văn hóa . H, 1997.
4 - Cao Xuân Dục – Quốc triều hương khoa lục – N.x.b Thành phố Hồ Chí Minh . 1993.
5 - Ngô Đức Dung – Việt sử mông học – N.x.b Văn học . H, 1998. 6 – Thơ văn yêu nước chống Pháp ở Thái Bình. Sở Văn hóa – Thông tin Thái Bình. 1997.
7 – Danh nhân Thái Bình – Sở Văn hóa – Thông tin Thái Bình.
8 – Danh nhân Hà Nội – N.x.b Hà Nội . 2004.
9 – Kiều Oánh Mậu – Bản triều bạn nghịch truyện – Bộ quốc gia giáo dục . S, 1963.
10 – Truyện Kiều và các nhà Nho thế kỷ XIX – N.x.b Văn học . H, 2000.
11 – Nguyễn Phúc tộc thế phả - N.x.b Thuận hóa . Huế,1995.
12 – Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền – N.x.b Văn học – H, 1959.