nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Đại thi hào Nguyễn Du được an táng lần đầu tại đâu?


Đại thi hào Nguyễn Du mất năm 1820 khi đang là quan triều Nguyễn và an táng tại Huế. Thông tin tưởng là rõ, vậy mà giới nghiên cứu cả nước tìm kiếm từ lâu nay vẫn chưa ra.
 
Cánh đồng Hậu Thôn - nơi mà các vị tiền bối họ Mai Khắc truyền dặn là nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du.
 
Đại thi hào Nguyễn Du mất năm 1820 khi đang là quan triều Nguyễn và an táng tại Huế. Các tài liệu lịch sử đều chép nơi án táng là Bàu Đá, xã An Ninh, huyện Quảng Điền, thuộc dinh Quảng Đức (tức Thừa Thiên - Huế ngày nay). Thông tin tưởng là rõ, vậy mà giới nghiên cứu cả nước tìm kiếm từ lâu nay vẫn chưa ra.
 
Sau nhiều giả thiết đưa ra với nhiều ý kiến trái ngược nhau, sáng 22-2, UBND TP Huế đã tổ chức một cuộc tọa đàm để bước đầu tập trung các ý kiến của giới nghiên cứu nhằm làm rõ một trong những dấu tích của đại thi hào Nguyễn Du trong gần 11 năm sống tại Huế, làm quan triều Nguyễn đến chức Hữu Tham Tri Bộ Lễ (tương đương thứ trưởng ngày nay).
 
Năm 1824, con cháu của cụ cải táng và đưa hài cốt cụ về quê.
 
Bàu Đá nằm ở đâu?
 
Mười năm trước (2008), nhà nghiên cứu Hồ Đắc Duy ở TP.HCM đã công bố công trình nghiên cứu "Đi tìm nơi an táng của thi hào Nguyễn Du tại Huế", xác định Bàu Đá là cánh đồng nằm sau chùa Linh Mụ, nay thuộc hai làng Lựu Bảo và An Ninh Thượng, thị xã huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. 
 
Sau khi con cháu cụ Nguyễn cải táng hài cốt cụ về quê, một thời gian sau (năm 1887), quan thượng thư bộ Công tên Hoàng Hữu Thường đã được an táng ngay vị trí huyệt mộ của Nguyễn Du (đã cải táng) và tồn tại cho đến ngày nay. 
 
Giả thiết này gây sự chú ý nhưng chưa thuyết phục được giới nghiên cứu Nguyễn Du.
 
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền (Huế) đã đưa ra giả thiết cánh đồng Bàu Đá không phải nằm ở vị trí mà ông Hồ Đắc Duy đưa ra, mà nó nằm ở Hậu Thôn của làng Kim Long - TP Huế.
 
Từ giả thiết này, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu đã cất công nghiên cứu đầy đủ hơn. Tại cuộc tọa đàm sáng nay, ông Dương Phước Thu đã trình bày kết quả nghiên cứu của ông.
 
Dựa trên các căn cứ văn bản là gia phả họ Nguyễn ở Tiên Điền - Hà Tĩnh (tức họ Nguyễn của cụa Nguyễn Du), sách sử của triều Nguyễn, các tài liệu làng xã, dòng họ liên quan, cùng kết quả nghiên cứu thực địa, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu đi đến xác định: nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du đặt tại cánh đồng Bàu Đá, còn gọi là Thạch Bàu, Bàu Thôn, thuộc xóm Hậu Thôn, làng Kim Long, nay thuộc tổ 2 - phường Kim Long, TP Huế.
 
Vị trí này nằm gần đường Lý Nam Đế (phường Kim Long), gần nhà thờ họ Mai Khắc (tức cách vị trí mà ông Hồ Đắc Duy đặt ra khoảng 2km đường chim bay) .
 
Xác định của NNC Dương Phước Thu và Trần Viết Điền khởi đầu từ một lời giới thiệu của ông Mai Khắc Chính, chắc nội cụ Mai Khắc Đôn - thượng thư bộ lễ thời Duy Tân. 
 
Tại tọa đàm, ông Chính cho biết ông được thân phụ nhắc lại một lời truyền từ đời ông cố, rằng cái gò đất hoang nằm ngoài đồng Bàu Đá đó chính là mộ của cụ Du Đức Hầu (tức cụ Nguyễn Du). Ông Chính cho hay cả Hậu Thôn đều biết điều đó nên không dám xâm phạm.
 
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu trình bày tại cuộc tọa đàm - Ảnh: Trần Văn Dũng
 
Cần lập nhóm nghiên cứu và một bộ hồ sơ khoa học
 
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên - Huế) đề nghị phải hết sức thận trọng và cần nghiên cứu thêm địa bạ (tức hồ sơ đất đai) làng An Ninh Thượng và Hạ, để xem ghi chép thế nào về xứ Bàu Đá. PGS.TS Đỗ Bang (Hội khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế) thì nói rõ đó là địa bạ thời Gia Long và Minh Mạng, và địa bạ này hiện có tại Trung tâm lưu trữ quốc gia. 
 
Ông Cao Huy Hùng - Giám đốc Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế cho rằng phải xác định được vị trí chính xác để tiến hành thám sát khảo cổ học.
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng các lập luận của ông Dương Phước Thu lẫn ông Hồ Đắc Duy trước đó vẫn nặng tính suy diễn, thiếu tính chính xác của khoa học. Ông đề nghị cần phải thành lập một nhóm nghiên cứu và xây dựng một bộ hồ sơ khoa học cho vấn đề này.
 
Kết luận cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Đăng Thạnh - phó chủ tịch UBND TP Huế - cho biết tìm kiếm nơi nguyên táng Đại thi hào Nguyễn Du cũng như các dấu tích của ông tại Huế, không chỉ là mong ước của hậu thế mà còn thỏa mãn nhu cầu tham quan của du khách đến Huế. 
 
Và đây mới chỉ là bước đầu trong cuộc tìm kiếm đó.
 
Ông Thạnh nói sẽ tổ chức một cuộ hội thảo khoa học với sự tham gia giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Sau đó, mới tiến hành việc nghiên cứu khảo cổ học trên hiện trường. 
 
Trong khi chờ đợi các nghiên cứu đó, ông Thạnh đề nghị chính quyền địa phương phải bảo vệ nguyên tạng khu vực nghi vấn là nơi nguyên táng của Đại thi hào Nguyễn Du.
 
 
Theo Minh Tự/tuoitre.vn
 

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website