nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Chữ Tâm kia mới bằng ba Chữ tài (Đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du)


Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài là câu Kiều được bạn đọc vận dụng nhiều nhất trong giao tiếp khi có một hoàn cảnh thích ứng muốn đề cao cái tâm trong cuộc sống (Theo cách hiểu từ cái tâm trong việc bán mình cứu cha của Kiều đã được khái quát lên như vậy). Nhưng đọc kĩ văn bản, ta bỗng chột dạ, Nguyễn Du đang nói chữ Tâm kia, một chữ Tâm rất riêng chứ đâu phải chữ Tâm chung chung. Như một sự gợi mở, ta thấy chữ Tâm đã được Nguyễn Du đề cập ở những khía cạnh khác nhau chứ không đơn nghĩa. Chữ Tâm kia là chữ Tâm nào vậy?
 
Trong Truyện Kiều, chữ Tâm được dùng năm lần ở những ngữ cảnh khác nhau. Chữ Tâm đầu tiên được dùng ở đoạn kể Kim Trọng chia tay Kiều để về hộ tang chú, Kiều thề thốt Đã nguyền hai chữ “đồng tâm”/ Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai để khẳng định lòng chung thủy của mình trước tình yêu. Tiếp đến là chữ Tâm dùng chỉ họ Chung, một người “được coi” là từ tâm, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn, cụ thể ở đây là giúp nhà họ Vương lo lót “chạy án”. Chữ Tâm tiếp theo dành cho Thúy Kiều hai lần dưới góc nhìn của Tam Hợp đạo cô Bán mình đã động hiếu tâm đến trời và của Đạm Tiên Tâm thành đã thấu đến trời khi Kiều bán mình chuộc cha và em. Chữ Tâm cuối cùng là của người kể chuyện (tạm hiểu là Nguyễn Du) khi kết thúc thiên truyện Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài. Chữ tâm kia (chứ không phải chữ tâm), viết như thế không biết cụ Nguyễn có dụng ý gì đây?
 
Trong dòng mạch kể chuyện, mặc dù đã đan xen yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận nhưng chưa hề một lần Nguyễn Du dành chữ Tâm cho Kiều. Để chữ Tâm của Kiều dưới góc nhìn của Tam Hợp đạo cô và Đạm Tiên (Đạm Tiên Cùng người một hội, một thuyền đâu xa với Kiều, vì thế ta chỉ xem xét vấn đề từ phía Tam Hợp đạo cô), như thế có phải Nguyễn Du đã tạo sự đánh giá rất khách quan hoạt  động của nhân vật hay không?
 
Trong Truyện Kiều, sự nhìn nhận của Tam Hợp đạo cô về hành động bán mình của Kiều được đánh giá rất cao, đã động hiếu tâm đến trời. Còn ở Kim Vân Kiều truyện, khi gia đình Kiều trong cảnh gặp khổ nạn, nàng đã hiếu thảo một lòng. Dù gián tiếp hay trực tiếp, cả hai tác phẩm, dưới góc nhìn của Tam Hợp đạo cô đã thống nhất việc đề cao chữ Tâm của Kiều trong hành động bán mình chuộc cha. Đó cũng là cách hiểu truyền thống của người tiếp nhận khi tìm hiểu Truyện Kiều. Bởi thế, Nguyễn Đôn Phục đã coi cái Tâm cứu cha của Kiều là điều hiếm thấy Tự mình cân nhắc ngay lấy chữ tình, chữ hiếu, xem bên nào nặng hơn, rồi quyết ngay một bề, làm thân trâu ngựa để chuộc tội cho cha; coi vậy thời làm được một người, kén chọn được một chữ mà cầm, cũng khó lắm thay! (Trích “Văn chương và nhân vật trong Truyện Thúy Kiều”). Hay Lê Đình Kỵ đã đánh giá rất cao quyết định của Kiều Hành động như một liệt nữ, đã nêu tấm gương cao cả về sự hi sinh không bờ bến (Trích “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du”). Ta không thể phủ nhận cái tâm của Kiều trong việc chọn chữ hiếu đã bán mình, giá trị đạo đức của con người luôn luôn được đề cao, trân trọng, nhưng sự hi sinh của Thúy Kiều trong tình huống này chưa thực sự có ý nghĩa bởi đặt vào hoàn cảnh cụ thể, nếu biết kết hợp nhiều yếu tố, ta thấy có thể thay đổi được tình thế hiện tại. Mổ xẻ tác phẩm từ các tình tiết xây dựng truyện theo một hệ thống mang tính logic, ta thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du không đề cập chữ Tâm theo cách hiểu xưa nay. Dựa vào nội dung biểu đạt của tác phẩm, ở góc độ nhìn nhận khác, ta thấy Bi kich đầu tiên, cũng là nguyên nhân của chuỗi bi kịch trong cuộc đời Thúy Kiều là bán mình chuộc cha và em. Chỉ nhìn ở hành động, nàng quả là người hiếu nghĩa, sự hi sinh thật đáng ngợi ca! Nhưng xét theo tác động của sự việc thì hành động này là biểu hiện của cách xử sự vội vàng, thiếu suy đoán (xem thêm: “Nhân vật Thúy Kiều nhìn từ bi kịch ứng xử cá nhân” – Cùng tác giả). Chính cách xử sự nông cạn dẫn đến hành động vô thức, nàng đã trở thành kẻ tiếp tay cho những thế lực có nguy cơ làm bộ máy nhà nước nhiễu loạn. Do thiếu hiểu biết, chính nàng đẩy mình vào bi kịch và nàng trở thành kẻ thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm trước xã hội. Phải chăng đó chính là TÂM - HỌA?(xem thêm: “Ý thức, trách nhiệm cá nhân trước xã hội”)
 
Có một điều tưởng như mâu thuẫn trong cách thể hiện của Nguyễn Du: ông đã luôn dùng  ngôn ngữ ước lệ để tôn thờ vẻ đẹp hình thức của Kiều trong mọi hoàn cảnh, nhưng phân tích tình huống truyện, ta lại thấy ông không hề đồng tình về cách ứng xử của nàng trước cuộc sống. Một cái bình tuyệt mĩ chỉ chứa đựng những bông hoa tương xứng để tỏa hương giữa cuộc đời. Phải chăng Nguyễn Du đang khao khát cái đẹp hoàn hảo ở đứa con tinh thần của mình? Có lẽ vậy mà từ góc nhìn riêng của mình, ông đã cân nhắc kĩ lưỡng đến mức không dành cho Kiều một chữ Tâm?
 
Không dành chữ tâm cho Kiều, vậy chữ tâm của nhân vật nào tương ứng với chữ Tâm kia? Nếu chữ tâm của Kiều, chữ tâm của hành động vô thức đã đưa đến tai họa thì rõ ràng chữ tâm của nhân vật  nào đó phải là chữ tâm của  hành động có ý thức để vượt lên hoàn cảnh nhằm đưa lại điều tốt đẹp cho mình và làm cho cuộc sống có ý nghĩa? Bằng sự liên tưởng hợp lí, ta nghĩ ngay đến nhân vật Hoạn Thư. Thứ nhất, đứng trước thử thách của hôn nhân, với cái tâm làm vợ, Hoạn Thư đã biết tìm mọi cách dành lại chồng để giữ gia đình yên ấm. Thứ hai, trước thử thách của chính mình trong màn báo oán, tình thế vô cùng nguy hiểm, tính mạng đang như “cá nằm trên thớt”, Hoạn Thư đã biết vận dụng tài ứng xử để thoát hiểm, đó cũng là cách biết cứu, biết thương lấy chính mình - một lòng hướng về sự sống, không phó thác cho hoàn cảnh. Thứ ba, khi xử lí tình địch Tình huống truyện từ chỗ căng kéo đã bất ngờ chùng xuống, “Chút tình” khép lại màn diễn, đồng thời tấm lòng bao dung, độ lượng, sự hiểu biết của Hoạn Thư “Tài nên trọng mà tình nên thương” đã mở đường sống cho Thúy Kiều “Áo xanh đổi lấy cà sa/ Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền” trong không gian thanh tịnh ở Quan Âm các để “giữ chùa chép kinh”. Cho đến giờ Thúc Sinh đâu đã thật lẽ với Hoạn Thư, vậy mà nàng vẫn dành cho tình địch một cuộc sống yên ấm trong không gian đẹp đẽ, thanh tĩnh ở gia đình họ Hoạn “Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa/ Có cổ thụ, có sơn hồ” để tu tịnh. Khi Thúy Kiều chạy trốn đã cắp theo “chuông vàng, khánh bạc” - những đồ thờ  quí giá trong chùa - vướng điều cấm kị nhất ít ai dám làm, tiểu thư không hề truy đuổi (xem thêm: “Một góc nhìn về giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều” - Cùng tác giả). Bao dung, độ lượng, mở đường sống cho “kẻ không đội trời chung” là biểu hiện cái tâm của một con người. Rồi tiếp đến chữ tâm thứ tư, đó là khi đứng trước tình địch, lợi thế tài năng của Kiều được Hoạn Thư trân trọng, đề cao một cách triệt để (Trong lúc đó, trước cách ứng xử của Hoạn Thư khi Thúc Sinh đi gặp Kiều ở Quan Âm các, do kinh hãi Kiều phải thốt lên ấy mới tài chứ đâu phải một cách thừa nhận). Một người dám trực tiếp thừa nhận tài năng của người khác, người ấy lại là địch thủ của mình thì cái tâm đó lại càng lớn lao. Như thế, chính tiểu thư họ Hoạn là người biết vận dụng tài năng ứng xử trong việc chống chọi trước nguy hiểm để gìn giữ bản thân, biết  tìm cách đưa lại hạnh phúc cho gia đình, sống đúng đồng đúng lượng để đem lại điều tốt đẹp cho cuộc sống, như thế chẳng phải chữ tâm vừa nói đến là chính cái tâm của nhân vật Hoạn Thư hay sao? Cả thiên truyện không hề có chữ Tâm nào trực tiếp dùng cho Hoạn Thư, một chữ Tâm ngầm ẩn, như thế chẳng phải là cách Nguyễn Du đã dành cho người đọc một sự soi xét thỏa đáng, khách quan  và cũng phải rất tinh tế khi tiếp nhận? Nếu Tâm của Kiều là TÂM - HỌA thì tâm của Hoạn Thư sẽ là TÂM – PHÚC! Chữ Tâm kia, một chữ Tâm rất cụ thể, chứ không mang nét nghĩa chung chung. Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, cái chữ Tâm bằng ba chữ Tài ấy, cũng có nghĩa trong chữ Tâm kia đã bao hàm chữ Tài rồi, một chữ Tài có giá trị ứng dụng thiết thực trong cuộc sống - tài trí của con người.
 
Trong biện pháp nghệ thuật so sánh Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, nếu Chữ Tâm kia dùng để chỉ nhân vật họ Hoạn thì tương đồng với nó, chữ Tài sẽ được dùng để chỉ một nhân vật nào đấy được đưa ra so sánh với  Hoạn Thư. Trong câu thơ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, chữ Tài được dùng để chỉ nhân vật nào?
 
Về chữ Tài trong Truyện Kiều được dùng cho nhiều nhân vật ở các phương diện khác nhau. Đạm Tiên Nổi danh tài sắc một thì; Kim Trọng Phong tư tài mạo tót vời, là kẻ thiên tài; Thúc Sinh thực là tài tử; Từ Hải lược thao gồm tài, thiên tài; Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài. Riêng với Kiều, chí ít cũng mười bảy lần ông nói về chữ Tài ở nhiều khía cạnh khác nhau. Không dành cho Kiều một chữ Tâm nhưng Nguyễn Du đã rất khách quan khi ca ngợi tài đàn, hát, thơ, họa của Kiều. Từ nhìn nhận của Kim Trọng Khen: Tài nhả ngọc phun châu, hoặc cân nhắc của Mã Giám sinh cân sắc, cân tài, đến quan phủ phải thốt lên Tài này, sắc ấy nghìn vàng chưa cân, hay Thúc ông trọng vì tài, rồi họ Đô nhận xét tài sắc ai bì. Đặc biệt Hoạn Thư - tình địch của Kiều cũng đã bốn lần nhắc về chữ Tài, khi thì thương tài, khi thì đề cao tài nên trọng, khi thì tiếc hữu tài vô duyên, khi thì khen Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài. Với Nguyễn Du cũng đã ca ngợi Sắc đành đòi một, tài đành họa hai của Kiều. Như thế, ở mọi góc nhìn để soi chiếu, tài năng của Kiều đều được khẳng định. Trong các nhân vật được ghi nhận bằng chữ Tài, chỉ có nhân vật Thúc Sinh và Thúy Kiều có mối quan hệ với Hoạn Thư, như thế dấu hiệu chữ tài dùng để chỉ nhân vật trong sự so sánh với Hoạn Thư không ai khác ngoài một trong hai nhân vật này. Điều dễ nhận thấy là trong mối liên quan với Hoạn Thư, Thúc Sinh là chồng nhưng rất nhợt nhạt, không biết xử sự theo cách đàn ông, không còn đáng mặt đàn ông lại thì sao có thể đem chữ Tài trong câu thơ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài dùng cho chàng Thúc trong sự so sánh với Hoạn Thư. Bằng phép loại trừ, nếu chữ Tâm kia dùng chỉ Hoạn Thư thì rõ ràng chữ Tài trong câu thơ trên sẽ được dùng để chỉ Thúy Kiều bởi dựa vào cách thức xây dựng tình huống truyện, ta thấy giữa Hoạn Thư và Kiều đã từng có những cuộc đối mặt đầy kịch tính, vì thế so sánh Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài trong sự hơn thua giữa Hoạn Thư với Kiều mới là điều hợp lí. Ba lần Kiều gộp lại mới bằng được Hoạn Thư, vì sao có sự không ngang bằng ấy? Hạ thấp Kiều so với Hoạn Thư, câu thơ trữ tình ngoại đề của Nguyễn Du đã thể hiện cách phán xét của tác giả đối với nhân vật Thúy Kiều và đề cao Hoạn Thư. Tài đến thế nhưng Kiều đã không biết đem tài năng phục vụ cho cuộc sống của chính mình, vì thế không ít lần Nguyễn Du xót xa về chữ tài của Kiều Thương ôi tài sắc bậc này, hoặc Hại thay, mang lấy sắc tài làm chi!. Xây dựng nhân vật Thúy Kiều, một bậc tài sắc có một không hai nhưng trước thử thách chông gai đã không thể vượt qua, Nguyễn Du bộc lộ một thái độ rất rõ ràng khi tài năng đang bị phí phạm Có Tài mà cậy chi Tài?/ Chữ Tài liền với chữ Tai một vần. Một người tài năng mức ấy, vậy mà nàng đã để cho lãng phí, chỉ đưa đơn thuần cái tâm đối phó thử thách để rồi nhận lấy thất bại cay đắng giữa cuộc đời. Đọc Truyện Kiều, ta thấy một cái tâm cứu cha, nhưng cái tâm đặt không đúng chỗ nên không được Nguyễn Du đề cao Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa. Đối phó hoàn cảnh bằng sự lựa chọn bán mình (chứ không phải bán cơ đồ, tài sản hay dựa vào các yếu tố khác), nên chính cái Tâm vội vã, không suy nghĩ đắn đo sâu sắc đã gieo nên nghiệp chướng đầu tiên của đời nàng. Thật đáng tiếc cho nhân vật Thúy Kiều, một bậc tài sắc, thông minh nhưng chẳng thắng nổi tai ương, chướng ngại giữa cuộc đời, rốt cuộc chỉ chuốc lấy những tai họa vào mình. Không đồng tình về Kiều nhưng Nguyễn Du đã đề cao tiểu thư họ Hoạn. Một Hoạn Thư không có lợi thế như Kiều, vậy mà trước thử thách, khi cái chết kề tận cổ vẫn biết cách đấu tranh dành giật sự sống trong kiêu hãnh. Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, qua cách so sánh ấy, phải chăng Nguyễn Du đã ca ngợi, trân trọng người phụ nữ có những phẩm chất tốt đẹp, sống có hiểu biết và biết cách đối nhân xử thế giữa cuộc đời? Như thế, ngoài tài năng trời ban, có năng khiếu về nhiều lĩnh vực, con người cần phải có tài ứng xử để khi tai ương ập xuống sẵn sàng đối phó nhằm bảo vệ chính  mình và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống.
 
Theo như phân tích trên, ta có thể đặt giả thiết: trong câu thơ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, có thể chữ Tâm Kia chỉ nhân vật Hồ Tôn Hiến và chữ Tài chỉ Từ Hải thì sao? Dựa vào cách xây dựng nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều, suy luận ấy cũng có phần hợp lí. Là một Quan tổng đốc trọng thần, bằng tấm lòng tận trung cùng mưu lược tài tình trong hành xử việc nước, Hồ Tôn Hiến đã có công lớn trong việc thống nhất giang sơn, như thế cũng đã thể hiện cái Tâm đối với đất nước(xem thêm: “Cách hành xử của những người ở phương diện quốc gia” - Cùng tác giả). Từ Hải cũng rất  tài năng Côn quyền hợp sức, lược thao gồm tài nhưng do thiếu khả năng ứng xử nên đã thất bại trước mưu lược của Hồ Tôn Hiến. Và như thế chữ Tâm kia (Hồ Tôn Hiến) cũng có thể  so sánh với chữ Tài (Từ Hải) trong sự hơn thua. Mặc dù có thể đặt giả thiết như vậy, nhưng soi xét tác phẩm một cách tổng thể trong hệ thống logic xây dựng truyện, ta thấy Nguyễn Du muốn thông qua hình tượng nhân vật chính - Thúy Kiều nhằm thể hiện tư tưởng chủ đề của truyện - bài học của cách ứng xử của con người (xem thêm: “Cách hành xử của những người ở phương diện quốc gia” - Cùng tác giả). So sánh thất bại của Từ Hải và Thúy Kiều trong việc ứng xử, cách xây dựng truyện trong việc thể hiện ứng xử của Thúy Kiều đa dạng, toàn diện hơn và được soi chiếu ở nhiều điểm nhìn khác nhau. Hơn nữa, trong 3254 câu của Truyện Kiều, câu Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài đứng ở vị trí 3252, cũng có nghĩa nằm ở phần kết thúc truyện thể hiện ý đồ “chốt” lại vấn đề chính đặt ra trong tác phẩm. Từ điều đã phân tích, ta có thể khẳng định Nguyễn Du dành chữ Tâm kia cho nhân vật Hoạn Thư, chữ Tài cho nhân vật Thúy Kiều.
 
Thật thú vị về những câu mở đầu và kết thúc Truyện Kiều khi Nguyễn Du đều nói đến chữ Tài, chữ Mệnh nhưng không đồng nhất về nội dung phản ánh. Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau, sao cứ phải được cái này thì phải kém cái kia khi mà trước thử thách vẫn có những lợi thế nhất định mà mình không cố giành lấy, không có ý thức đấu tranh cho sự tồn tại, phát triển? Xây dựng nhân vật Hoạn Thư bên cạnh Kiều, ta nhận ra rằng cùng một sự việc đấu tranh bảo vệ mình, tại sao Kiều có ưu thế nhất định nhưng đã thất bại, còn Hoạn Thư không được trời ban thông minh, tài năng như Kiều vẫn chiến thắng? Một cuộc đọ sức công bằng. Không ai ngăn cản Kiều trong việc đấu tranh để bảo vệ mình, không ai mở đường cho Hoạn Thư chiến thắng, tất cả dồi dào ra đấy, chỉ có điều Kiều không biết cách dành lấy để rồi chữ tài, chữ mệnh đã trở nên xung khắc. Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, chắc Nguyễn Du rất đau lòng khi không còn hy vọng về sự chứng tỏ tài năng của Kiều trước cuộc sống!  Giá như Kiều biết cách ứng xử giữa cuộc đời để giành lấy những gì tốt đẹp cho mình? Cứ nghĩ câu thơ Chữ Tài, chữ Mệnh dồi dào cả hai ta lại tiếc cho một bậc tài năng xuất chúng nhưng chỉ biết sử dụng bó hẹp trong giới hạn trời ban để rồi trước những vấn đề xảy ra trong thực tế chỉ giải quyết như một công cụ. Chữ Tài, chữ Mệnh dồi dào cả hai, câu thơ đầy tính triết lí gợi cho chúng ta một ý thức sống tích cực để dành lấy điều tốt đẹp nhất trong những điều kiện, hoàn cảnh có thể!
 
Chú thích
1. Những đoạn trích Truyện Kiều trong bài được lấy từ Truyện Kiều của soạn giả G.S. Vũ Ngọc Khánh, Nhà xuất bản Thanh Hóa.
2. Những đoạn trích Kim Vân Kiều truyện trong bài được lấy từ Kim Vân Kiều truyện do Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh dịch, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.
 
 

Theo Phan Thị Thanh Thủy (Trường THCS - Chu Văn An- Hương Khê- Hà Tĩnh)/ssh.htu.edu.vn


Nghiên cứu thảo luận
Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Audio Guide

nguyendu.d.webcom.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website