nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

"Truyện Kiều” một danh tác tinh hoa


“Truyện Kiều” là sáng tạo của thiên tài Nguyễn Du đồng thời là sản phẩm lịch sử tất yếu. “Truyện Kiều” là kết quả của quá trình văn hóa - văn học, một quá trình hình thành môi trường sáng tạo của thiên tài Nguyễn Du.
 
Bản nôm “Truyện Kiều” 1902 do Kiều Ánh Mậu chú thích
 
Xét về thể loại, “Truyện Kiều” thuộc thể loại truyện nôm, nhưng thuộc nhóm truyện nôm bác học. Cho đến nay, giới nghiên cứu đã thống nhất, những truyện nôm đầu tiên xuất hiện khoảng thế kỷ 17 là truyện nôm bình dân, kiểu truyện kể dùng thơ lục bát kể lại các truyện cổ tích dân gian như “Phạm Công Cúc Hoa”, “Tống Trân”, “Phạm Tải Ngọc Hoa”, “Phương Hoa” …  
 
Mô thức cốt truyện của truyện nôm bình dân thường kể về nhân vật nam mồ côi cha, nhà nghèo, phải đi ăn xin nhưng quyết chí học hành, đỗ đạt; nhân vật nữ là con nhà giàu, xinh đẹp, có tình thương yêu người hàn sĩ, quyết tâm nuôi chồng ăn học và kiên trinh chờ đợi, dẫu cho trải qua nhiều thử thách.
 
Tác giả của truyện nôm bình dân là các nho sĩ bình dân, những người không đỗ đạt cao, sống trong môi trường nông thôn.  Có thể nói, truyện nôm bình dân đáp ứng nhu cầu tâm lý của tầng lớp nho sĩ bình dân đang có hy vọng vươn lên đổi đời, thay đổi thân phận nghèo hèn bằng nỗ lực sôi kinh nấu sử trong điều kiện nhà nước phong kiến đề cao khoa cử, xem “hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
 
Đồng thời, các truyện nôm bình dân cũng chuyển tải nội dung xã hội đậm đà, nhất là các quan hệ xã hội, các vấn đề thế thái nhân tình, hay nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc, truyện nôm bình dân đặt vấn đề bảo vệ tình vợ chồng, bảo vệ hạnh phúc gia đình và tên của nhiều truyện nôm bình dân được cấu thành từ tên của những cặp vợ chồng . Kiểu truyện này còn tồn tại mãi đến đầu thế kỷ XX trong các văn bản quốc ngữ hóa cho thấy chúng đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của một bộ phận công chúng nhất định trong một thời gian dài, được chuyển thể thành tích chèo, tuồng.
 
Truyện nôm bình dân của người Việt đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trong truyện nôm các dân tộc ít người, tiêu biểu là truyện nôm Tày, Thái. Vậy là kiểu truyện nôm bình dân có một không gian lưu truyền khá rộng, trong một thời gian vài ba thế kỷ.
 
Bên cạnh sự tồn tại của dòng truyện nôm bình dân, một số  nhà nho Việt Nam từ thế kỷ 18 đã tiếp nhận ảnh hưởng của loại tiểu thuyết tài tử giai nhân ở Trung Quốc để từ đó xuất hiện một loại truyện thơ nôm kiểu mới mà giới nghiên cứu thường gọi là truyện nôm bác học để phân biệt với kiểu truyện thơ nôm bình dân.
 
Nội dung của truyện nôm bác học phong phú, đa dạng. Các tác giả thường viết về những mối tình của những giai nhân tài tử, yêu nhau một cách tự do vượt ra ngoài khuôn khổ lễ giáo phong kiến. Ngoài ra cũng có những tác phẩm không phải chỉ nói đến tình yêu mà còn đặt những vấn đề khác có ý nghĩa nhân sinh và xã hội rộng lớn như “Truyện Kiều”.  
 
Vì sao bên cạnh các truyện nôm bình dân, lại xuất hiện truyện nôm bác học vay mượn cốt truyện và chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân ?
 
Chất lãng mạn của các mối tình tài tử giai nhân của tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc là sản phẩm của đời sống đô thị khá phát triển từ đời Đường trở đi có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà nho Việt Nam sống trong môi trường đô thị Thăng Long. Khi ấy, tâm lý đạo đức thẩm mỹ của nhà nho luôn trong thế lưỡng phân. Một mặt, họ muốn viết những tác phẩm có nội dung giáo huấn đạo đức, đưa tình yêu nam nữ vào vòng kiểm soát nghiêm khắc của lễ giáo. Mặt khác, họ lại hứng thú ngấm ngầm với tình yêu tự do, trai tài gái sắc không nghĩ đến “phụ mẫu chi mệnh” khi hứa hẹn chung tình.  
 
Nhìn chung, truyện nôm bác học theo mẫu hình tiểu thuyết tài tử giai nhân cuối Minh đầu Thanh bổ sung cho bức tranh văn học trung đại Việt Nam thêm mảng màu sắc văn chương thành thị.
 
Tuy nhiên, các tác giả Việt Nam chỉ chọn truyện cổ dân gian Việt Nam và tiểu thuyết tài tử giai nhân để chuyển thể thành truyện thơ lục bát mà không chọn tiểu thuyết lịch sử của Trung Quốc. Sự lựa chọn truyện dân gian và tiểu thuyết tài tử giai nhân để kể lại cho thấy định hướng mỹ học của thể loại truyện thơ nôm lục bát có những nét riêng.   
 
Trong nhóm truyện nôm bác học mang màu sắc tiểu thuyết tài tử giai nhân, “Truyện Kiều” hầu như tách riêng ra, có một vị thế đặc biệt, “đột ngột như một ngọn cô phong ở giữa đám quần sơn vạn hác vậy”.
 
Trong khoảng 250 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, không bắt gặp bài thơ nào viết về tình yêu nam nữ mạnh dạn, có nhiều sắc thái dục tính như trong “Truyện Kiều”. Cả ba người tình chủ yếu Kim Trọng - Thúc Sinh - Từ Hải mỗi người một vẻ nhưng đều giống nhau ở tâm lý tính dục. Và cũng trong thơ chữ Hán, không có bài thơ nào viết về nhân vật nổi loạn chống triều  đình như nhân vật Từ Hải trong “Truyện Kiều”.
 
Những tư tưởng nghệ thuật được Nguyễn Du nung nấu đã thấp thoáng đây đó trong các bài thơ chữ Hán cho đến khi Nguyễn Du đọc “Kim Vân Kiều truyện” - một tác phẩm được cho là truyện nôm bác học - thì định hình rõ nét. Có thể đoán đây là một trong những lý do chính quyết định việc Nguyễn Du vay mượn cốt truyện. Sự “nổi loạn”, bung phá về chính trị, đạo đức và thẩm mỹ, tôn vinh con người nhân bản đầy tinh thần phục hưng trong môi trường văn hóa chính trị phong kiến cấm kỵ ngặt nghèo cần phải được thể hiện một cách an toàn.   
 
Nếu quan hệ Thúy Kiều - Kim Trọng làm nên dáng dấp của tiểu thuyết tài tử giai nhân thì quan hệ Thúy Kiều –Thúc Sinh, Thúy Kiều - Từ Hải lại làm nên sắc thái của tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết nhân tình thế thái. Đây là một hướng lựa chọn khiến cho triển vọng thành công của tác phẩm cao hơn hẳn việc chọn các cốt truyện thuần túy tiểu thuyết tài tử giai nhân. Sau khi lựa chọn cốt truyện  , nhà thơ vận dụng các thành tựu văn học Việt Nam đương thời như thể loại ngâm khúc, thể loại truyện thơ nôm quen thuộc để kể lại câu chuyện. Giới nghiên cứu đã chỉ ra việc Nguyễn Du tiếp nhận kinh nghiệm của ngâm khúc để miêu tả tâm lý nhân vật Truyện Kiều. Nguyễn Du cũng thay đổi mô hình tự sự của “Kim Vân Kiều truyện” , đổi mới cho phù hợp với thể loại truyện nôm, tăng cường tính trữ tình và giảm bớt nhiều chi tiết, gạt bỏ các bài thơ của các nhân vật trong nguyên truyện để trực tiếp miêu tả nội tâm nhân vật.   
 
Trên nền văn hóa tự sự của dòng truyện thơ nôm Việt Nam, “Truyện Kiều” đã xuất hiện trong tư thế một danh tác. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du không đơn thuần là một bản dịch từ “Kim Vân Kiều truyện”  vì danh tác này nằm trong một mối quan hệ liên văn bản chằng chịt với văn học và văn hóa Việt Nam thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19. Nguyễn Du hấp thụ tinh hoa văn hóa dân gian và văn học bác học của nhiều vùng miền. Không gian Thăng Long, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình, Huế và không gian văn hóa Trung Hoa ẩn sau những thành tựu nghệ thuật của nhà thơ vĩ đại.  
 
“Truyện Kiều” lại phát huy ảnh hưởng đến sáng tác đương thời, có sức lan tỏa rộng kể cả trong phạm vi Việt Nam và vượt ra ngoài biên giới Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng . “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng trở lại với môi trường diễn xướng thơ lục bát dân gian, thành hành trang văn hóa của người dân Việt Nam, một sự kiện hiếm có trong lịch sử văn học nhân loại.
 
Theo PGS.TS Trần Nho Thìn/laodongthudo.vn

 


Tin tức sự kiện

Audio Guide

nguyendu.d.webcom.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.d.webcom.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website