nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Triều Lý và giá trị của "Đàn xã tắc triều Lý"


1. Mở đầu
Giá trị lịch sử, giá trị tinh thần, giá trị tâm linh, giá trị văn hóa, giá trị quốc gia, giá trị dân tộc, giá trị truyền thống… của “Đàn xã tắc triều Lý” như thế nào, trước hết, nó phải được phát huy trong chính thời Lý, rồi sau đó mới ảnh hưởng đến đến toàn bộ lịch sử dân tộc kế tiếp. Lí do xác đáng của kế hoạch đi tìm ‘’Đàn xã tắc triều Lý” là nằm ở đó, và lí do xác đáng của việc chúng ta bảo vệ Di tích đã được công nhận này cũng nằm ở đó.
 
Vậy thì làm sao biết được những giá trị đó?
 
Cách thứ nhất, hoặc chúng ta đã đào và phát hiện được một di vật quí báu tựa ngọc ngà mà ở đó cung cấp cho ta những thông tin chính xác, vô giá về những giá trị trên. Từ thông tin đó, chúng ta “đọc” được lịch sử, chúng ta tái hiện được SỬ THỰC, chúng ta định giá được sự quí báu của nó và đặt được nó trong chuỗi vận động theo thời gian để tri nhận lịch sử.
 
Cách thứ hai, hoặc chúng ta phải dựa vào thông tin quá khứ (thành văn hay dân gian) đã từng công nhận những giá trị nó một cách cụ thể (trong thời gian, không gian) rồi chúng ta lập kế hoạch đi tìm. Còn tìm được hay không là chuyện của tương lai.
 
Cách thứ nhất rõ ràng chưa thuyết phục nên gây ra tranh luận. Chúng ta thử đi cách thứ hai để thanh thản với công việc của mình, nghĩa lí của mình, vô tư mà dấn bước. Tôi thử chọn cách này.
 
Tài liệu của tôi là bộ sử uy tín trên nhiều mặt: Đại Việt sử kí toàn thư (có so sánh với Việt sử lược và Đại Việt sử kí tiền biên). Đối tượng khảo sát là những ghi chép liên quan tới vấn đề này trong bộ đó suốt 216 năm tồn tại triều đại lớn lao trong lịch sử này. Mục đích là xem, giá trị tổng hợp của “Đàn xã tắc triều Lý” ngay trong thời Lý được các sử gia phong kiến phản ánh ra sao? Trong điều kiện tư liệu hiện nay, lựa chọn tốt nhất vẫn là tài liệu trên.
 
2. Nguyên lai.
 
Chúng ta bắt đầu từ hai ghi chép này từ  bộ sử trên:
 
“THÁI TÔNG HOÀNG ĐẾ…Mậu dần, [Thông Thụy] năm thứ năm [1038]. Mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sai hữu ti dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế thần nông, tế xong muốn cầm cày làm lễ tự cày…”
 
Và mười năm sau: “Mậu tý. [Thiên Cảm Thánh Vũ] năm thứ 5 [1048]…Lập đàn xã tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho mùa màng” ( Lập xã tắc đàn vu Trường Quảng môn ngoại tứ thời kỳ cốc).
 
[Về việc này, Việt sử lược xưa chỉ ghi “lập xã đàn”. “Xã đàn” và “xã tắc đàn” vừa có nghĩa chung vừa có nghĩa riêng, khác nhau về sắc thái trang trọng. “Xã” không thể chuyển nghĩa phiếm chỉ quốc gia như “xã tắc”. Xã đàn ở quê thì tế thổ công, xã đàn ở cửu châu thì tế thổ địa thần, xã đàn ở kinh sư thì tế hậu thổ thần, đều cùng cầu mong cho mùa màng phong thịnh (Đạo giáo Trung Quốc- sđd). Cứ theo đây thì sử trước là xã đàn, sử sau chép lại đã nâng cấp thành  tắc đàn. Ta cứ theo sử sau mà khảo vậy.].
 
Đoạn ghi thứ nhất có “cày ruộng tịch điền”, “hữu ti dọn cỏ đắp đàn” để “vua thân tế thần nông”.
 
Đoạn ghi thứ 2 có “lập đàn xã tắc ở ngoài cửa Trường Quảng” và công dụng “bốn mùa cầu đảo cho mùa màng”.
 
Chúng tôi trích ra cả đoạn 1 vì Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh mục Xã tắc có ghi: “Thủa xưa dựng nước tất quí trọng nhân dân. Dân cần có đất để ở nên lập nền Xã để tế thần Hậu-thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế Thần-nông. Mất nước thì mất xã-tắc, nên xã-tắc cũng có nghĩa là quốc-gia”. Giải nghĩa của tác giả từ điển được nhiều người nhắc tới khi nói về đàn xã tắc, lại có chuyện “tế thần nông”nên chúng tôi trích tư liệu đoạn 1 này (chưa bàn đến đúng sai về cách chú giải vốn súc tích của cụ, cũng như văn phong và cách diễn đạt từ điển chuyển ngữ). Cũng chú ý là, văn bản Từ điển Hán Việt được làm ra sau bản hiện tồn Đại Việt sử kí toàn thư hơn 230 năm.(Xem phụ lục 2 của chúng tôi).
 
Còn trích đoạn 2 thì vì nó (lần đầu tiên và duy nhất) ghi trực tiếp trong triều đại nhà Lý đã lập “đàn xã tắc”.
 
Sử kí cho ta những thông tin sau:
 
Chủ thể lập đàn xã tắc là triều Lý Thái tông. Thời gian lập đàn xã tắc là năm 1048. Địa điểm lập đàn xã tắc là ở ngoài cửa Trường Quảng. Mục đích lập đàn xã tắc là bốn  mùa cầu đảo cho mùa màng.
 
Công việc của chúng tôi là đọc hiểu, càng kĩ càng tốt, rồi nhặt góp tất cả những chi tiết của Đại Việt sử kí toàn thư viết về cả thời Lý có liên quan đến: Tế thần nông, cầu đảo mưa tạnh liên quan đến mùa màng và nông nghiệp nói chung, những hoạt động liên quan đến cày cấy gặt hái của các triều vua nhà Lý mà nghi ngờ có cúng tế kèm theo. (Xem phụ lục 1 của chúng tôi).
 
3. Diễn tiến, bình luận và nhận định.
 
Sau khi quan sát kĩ sử liệu, có thể thấy rằng:
 
Thật là lạ, sau 1 ghi chép duy nhất vào năm 1048 như đã trích, tuyệt nhiên trong suốt 177 năm sau đó và trong cả 216 năm tồn tại nhà Lý với nhiều hoạt động liên quan, không 1 lần nào tái xuất hiện các chữ “xã tắc”, “xã tắc đàn” hoặc “cầu đảo tại xã tắc đàn”, “tế tại xã tắc đàn”… nữa. Với một diễn ngôn dài mênh mông, việc vắng bặt một tín hiệu được coi là vô cùng quan trọng (như ta đang quan niệm) là điều đáng phải lưu ý.
 
Cái sự đó nói lên điều gì vậy? Hãy  đặt các giả thuyết:
 
Giả thuyết 1 rằng: Có những hoạt động nhưng sử quan không ghi hoặc sử quan cũ ghi mà sử quan thời Lê bỏ đi. Nếu sử quan cũ không ghi thì sẽ có những suy luận như sau: Sử quan không ghi vì nó chẳng đáng để ghi vì chả quan trọng gì cả (không như chúng ta đang tưởng và đang thiết tha tranh luận, phát biểu). Không ghi vì trình độ sử quan kém, việc quan trọng dường bao, thuộc về vua, thuộc về giá trị quốc gia, mà bỏ sót. Nếu bị sử quan nhà Lê bỏ đi thì có thể suy luận: vì họ cũng quan niệm là nó không đáng giữ , không giá trị. Nếu vì lí do sách cũ thất thoát nhiều thì chả lẽ không ngẫu nhiên sót lại một tí thôi, tí thôi cũng được, trong cả 177 trang sử (dịch) giấy khổ 16 x 24 cm với phồn tạp những sự kiện, sự việc. Đúng “đồng vàng thì mất, đồng chì thì còn” chăng? Quá khó để thế lắm.
 
Giả thuyết 2 rằng: Có ghi công việc (vốn diễn ra ở “xã tắc đàn”) nhưng không ghi địa điểm diễn ra công việc. Cái này chúng ta có thể luận về nó: hoặc là cái gọi là “xã tắc đàn” quá bình thường, quá tất nhiên nên chả cần ghi thì ai cũng phải hiểu; hoặc các sử quan coi thường cái địa điểm đó nên chả thèm động bút. Nhưng đọc kĩ sử thì không ai được nêu giả thiết dại dột đó.
 
Giả thuyết 3 rằng: Việc triều Lý Thái tông lập “xã đàn” hoặc “xã tắc đàn” vào năm 1048 ở ngoài cửa Trường Quảng để bốn mùa cầu đảo cho mùa màng là có thật nhưng nó chỉ được dùng một thời gian rất ngắn, từ 1048 đến 1054 (7 năm) là cùng, rồi vĩnh viễn bỏ đi, giải tán luôn giá trị của nó. Giả thuyết này được toàn bộ chi tiết liên quan trong Đại Việt sử kí toàn thưviết về thời Lý xác nhận, khó mà nghi ngờ dù bạn đọc sử theo kiểu nào đi nữa.
 
Với giả thuyết 3 này, chúng ta đặt vấn đề về nhân cách và thái độ chính trị của các triều vua sau đối với chính cái công trình tuyệt vời giá trị (như chúng ta đang muốn nó có) của tiên vương đáng kính là ra sao đây? Tại sao họ quên nó đi? Thật là bất trung bất nghĩa bất hiếu, vô tri vô cảm vô tâm.
 
Ta hãy theo dõi sử ghi như thế nào.
 
Về lễ cầu thổ địa thần (cũng là xã thần – Xem phụ lục 2 sau bài), ta thấy trước 1048 (lúc lập đàn xã tắc), Lý Thái tổ đã cầu xã thần: “Ất mão [Thuận Thiên] năm thứ 6 [1015]. Động đất. Làm lễ tế vọng các danh sơn. (Vua đi xem núi sông, đến bến đò Cổ Sở, thấy khí tốt của núi sông, tâm thần cảm động, bèn làm lễ rưới rượu xuống đất, khấn rằng…). Kết quả, phong thần Lý Phục Man làm xã thần cai quản hai dải núi sông Đỗ Động và Đường Lâm như thần mong. Đây chính là việc hành lễ lập xã đàn, cầu xã thần, phong xã thần và tổ chức thờ tự thời Lý Thái tổ mà sau này Lý Thái tông tiếp tục ở một nơi khác như ta thấy.
 
Cũng trước đó, chính đời Lý Thái tông, năm 1038, đã tế thần nông sau khi dọn cỏ đắp đàn ở  Bố Hải (như đã ghi trên). Đàn này có thể cho là đàn tạm, đắp đất.
 
Ngay trong đời vua lập đàn, 7 năm  sau đó, không biết cầu thế nào mà sử không ghi lấy một lần được mùa (cũng không ghi mất mùa), ngược lại thiên tai nhân họa liên tiếp xẩy ra, ảnh hưởng quốc kế dân sinh, chủ quyền quốc gia trầm trọng. Đó là những trang sử u ám và loạn lạc. Năm 1048 lập đàn xã tắc. 1049 dựng chùa Diên Hựu. 1050 mùa hạ, tháng 6 nước to. Mùa thu tháng 9, người động Vật Dương làm phản. 1052 Nùng Trí Cao làm phản. 1053, ngay sau tết, động đất 3 lần. Mùng 10 tết, rồng vàng hiện, nhà sư Pháp Ngữ nói là điềm không lành (vấn đề là tại sao sử kí lại chọn câu nói này của một nhà sư để ghi, mà lời các quan chúc mừng ra sao lại không ghi).1054, mùa thu, từ tháng 7 đến tháng 8, nước to. Tháng 10, quân Tống đánh bại Nùng Trí Cao, đồng nghĩa với Đại Việt mất đất. Tháng 10, cứu Trí Cao nhưng thất bại. Tháng 10, vua mất.
 
Từ năm lập xã tắc đàn 1048 về sau, sử không ghi tế thần nông hay xã tắc nhưng ghi 10 lần các vị vua đi cày tịch điền, xem cày ruộng, xem gặt. Chúng ta có thể không sợ sai mà suy ra trong các lần đó thế nào cũng ít ra là thắp hương khấn vái hoặc “cầu đảo cho mùa màng”. Đến bây giờ vẫn vậy nữa là. Ví dụ, đời Lý Nhân tông ghi năm 1117, “tháng 6, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem cày ruộng. Đảo vũ ở hành cung”. Hai công việc liền nhau và tiến hành ngay tại hành cung Ứng Phong. Thời Lý Nhân tông chỉ gắn với việc mùa màng lễ lạt ở hành cung Ứng Phong, không ghi nơi khác như “xã tắc đàn” chẳng hạn. Hai lần ghi nữa là ở đời Lý Thần tông và Lý Anh tông thì diễn ra ở Lị Nhân và Ứng Phong. Không ở  xã tắc đàn.
 
Về cầu đảo nắng mưa, liên quan mật thiết  đến “cầu đảo cho mùa màng” vì thời Lý  trọng nông và chúng ta lúc đó vẫn là nước nông nghiệp. Sử ghi 7 lần cầu tạnh và 11 lần cầu mưa đều không có chỉ định nào về những lần cầu đó gắn với địa điểm xã tắc đàn cả. Các địa điểm khác giúp ta nghĩ về không gian của nó. Sử ghi: Đời Lý Nhân tông, năm 1109, đắp đài Động Linh và sau đó là 1117 :rồng vàng hiện ở bảo đài cầu đảo ở Động Linh. Vậy đài Động Linh là nơi cầu đảo. Đài Tử Tiêu xây năm 1123 chắc cũng vậy. Nhà Lý chuộng Phật, những người đảo vũ thường là các nhà sư, họ có qui cách lập đàn riêng của họ, không thấy ghi chép bóng dáng đạo sĩ. (Đọc thêm mục Đảo vũ trong Phật quang đại từ điển). Lúc này, đàn xã tắc đã vô giá trị.
 
Đời Lý Thần tông thường rước tượng phật Pháp Vân về tháp Báo Thiên cầu đảo, sử còn cho biết, ở đó có Vu đàn. Đời Lý Anh tông cũng vậy. Sử còn ghi là đầu đời nhà Lê vẫn theo tục cũ này.
 
Như thế là thế nào đây?. Trước hết, nó không được sử dụng nữa, tức giá trị sử dụng đã mất. Vậy hai khả năng xẩy ra:1,Đàn không còn giá trị nhưng di tích vẫn còn. 2, Đàn giá trị hết và di tích cũng tàn lụi. Điều này phụ thuộc vào cái “đàn” đó lập bằng chất liệu gì, qui mô và kiến trúc ra sao. Rất tiếc, sử ghi về nhà Lý hoàn toàn không cho ta biết. Nếu xếp tầm quan trọng thì ta thấy Viên khâu đàn thờ trời được lập thời Lý Anh tông (năm 1154), đàn thờ Thần nông được đắp trong lễ tịch điền không thua kém xã tắc đàn dùng để “bốn mùa cầu đảo cho mùa màng”. Viên đàn là tế Trời vào tiết đông chí. Đàn tế thần nông thì không chỉ đó là vị thần nông nghiệp mà đó còn là Thần Nông – Viêm Đế, thủy tổ đầu tiên, cao tột cùng nước ta thời Hồng Bàng thị (thời kì huyền thoại, hỗn mang). Ấy thế mà đắp bằng đất tạm đấy.Về chữ “”đàn”, từ điển khá thống nhất đắp bằng đất hoặc đóng bằng gỗ để hành lễ, có nghĩa là nó rất tạm bợ, nếu “tứ thời kỳ cốc” đi nữa thì cũng bằng gỗ là cùng. Đàn xã tắc nhiều yếu tố tín ngưỡng và Đạo giáo thì tôi chưa biết nhưng đàn Phật thì nhiều khi là vẽ mạn đồ la lên mặt đất rồi thiết hương đăng trà quả cũng đã gọi là “lập đàn” rồi (đọc mục từ “Đàn” ở Phật Quang đại từ điển). Tại sao chúng ta không nêu giả thuyết hợp lí hơn là Lý Thái tông chọn đất, đắp đàn như từng đắp đàn tế thần nông mà chính vua từng làm, mà hiểu nó quan trọng hóa lên theo nghĩa xã tắc là quốc gia mà tranh luận hăng hái.
 
Một hành động mà triều đại đương thời không còn tiếp tục, không còn nhắc nhở đến liệu giá  trị của nó có thiêng liêng tuyệt vời như  chúng ta đang cố sức tưởng tượng không? Dẫu biết rằng, đôi khi là, một viên gạch vỡ của quá khứ lại trở thành một quả bom thông tin, nhưng liệu có phải là trường hợp chúng ta đang quan tâm ồn ã không? Đi tìm một thứ nhỏ bé, tạm bợ trên một không gian chưa xác định chắc chắn, chất liệu là đất và gỗ mà lại đi luận về gạch…thì việc đó có mung lung quá không?
 
Đọc đi đọc lại những gì Đại Việt sử kí toàn thư ghi về đời Lý, ngẫm kĩ tư cách sử gia và tình hình tư liệu của họ, vẫn không thể nào hình dung được giá trị của cái gọi là “xã tắc đàn triều Lý” như mình nghĩ qua mấy chữ phiếm chỉ “xã tắc từ đây vững bền” trong văn Nguyễn Trãi (Hán Việt từ điển trích dẫn, mục từ Tắc: “Xã tắc: Xã là thần đất, tắc là thần lúa. Sau, xã tắcphiếm chỉ quốc gia”). Không! Hình như là hiện nay hai chữ XÃ TẮC trong trí não chúng ta quá ư quan trọng, nên ta lấy trí não đó làm kính lúp để soi chiếu quá khứ và quá khứ đã hiện lên đầy hào quang. Chúng ta lại lấy hào quang đó để biện minh cho các công việc phía trước. Còn diễn tiến giá trị của nó trong triều Lý, qua ghi chép của Đại Việt sử kí toàn thư, thông tin nó cho ta chỉ là như vậy thôi. Và thế là thay vì phát hiện những vùng khuất lấp của cái sử thực vốn có, lại là việc không tránh khỏi là, tạo nên một “nghi án lịch sử” mới trong dòng lịch sử vốn đã chứa chan nghi án. Nhưng mà…, nghi án mới thực sự là niềm đam mê bất tận khi học và đọc sử.
 
Đi tìm di tích, bất kể là di tích gì cho một Thăng Long cách đây 1000 năm là việc đáng làm.Dự định đào bới phát hiện nó bởi giá trị cao cả của nó (như nhiều người phát biểu) là một ý định nên thơ nhưng cũng đầy ắp trí tưởng tượng. Kế hoạch gìn giữ một di tích khảo sát dang dở vì giá trị cao cả của nó là tốt, nhưng liệu có quá lời hùng hồn!
 
Nhiều khi, ngu trung với một định hướng tìm hiểu mà thiếu tiền đề chắc chắn, cũng là một hài kịch. Nhưng chung qui là: “Xã tắc vô thường phụng, quân thần vô thường vị, tự cổ dĩ nhiên” (Xã tắc đâu thờ mãi, quân thần đâu ở mãi, tự cổ xưa đã là chuyện dĩ nhiên thế. Tả truyện – Chiêu Công). Câu này thật đúng với số phận và giá trị của “xã tắc đàn” trong triều Lý.(Xem tiếp các phụ lục).
 
Hà Nội, 26/4/2013
 
PHỤ LỤC 1.
Ta hãy xem, thời Lý hoạt động cầu đảo cho mùa màng như thế nào?
Lý Thái tổ: 1010-1027:
  • Không ghi cầu đảo cho mùa màng lần nào.
  • Ất mão [Thuận Thiên] năm thứ 6 [1015]. Động đất. Làm lễ tế vọng các danh sơn. (Vua nhân đi xem núi sông, đến bến đò Cổ Sở, thấy khí tốt của núi sông, tâm thần cảm động, bèn làm lễ rưới rượu xuống đất, khấn rằng:….)
  • Lý Thái tông: 1028-1054:
  • Canh ngọ, [Thiên Thành] năm thứ 3, [1030]. Mùa đông, tháng 10, được mùa to,vua thân ra ruộng Điểu Lộ xem gặt, nhân đổi tên cánh ruộng ấy gọi là ruộng Vĩnh Hưng.
  • Nhâm Thân [Thiên Thành] năm thứ 5 [1032], vua ngự đến Tín hương ở Đỗ Động giang cày ruộng tịch điền…. Xuống chiếu đổi ruộng ấy là ruộng Ứng Thiên.
  • Mậu dần [Thông Thụy] năm thứ 5 (1038) Mùa Xuân, tháng 2, vua ngự ra Bố Hải khẩu cày ruộng tịch điền. Sai hữu ti dọn cỏ đắp đàn, vua thân tế thần nông”.
  • Nhâm ngọ [Càn Phù Hữu Đạo] năm thứ 4 [1042]. Mùa xuân, tháng 3, vua ngự ra cửa biển Kha Lãm cày ruộng tịch điền rồi về kinh sư.
  • Năm 1048: Mùa thu, tháng 9… Lập đàn xã tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho mùa màng.
Lý Thánh tông:1055-1072:
  • không ghi gì liên quan.
Lý Nhân tông:1073- 1127:
  • Quý sửu , Thái Ninh năm thứ 2  [1073]. Bấy giờ mưa dầm, rước phật Pháp Vân về kinh để cầu tạnh.
  • 1109:đắp đài Động Linh(?)
  • 1117:Vua lại ngự đến Ứng Phong xem cày ruộng công.
  • Tháng 6, Vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem cày ruộng. Đảo vũ ở hành cung.
  • Rồng vàng hiện ở bảo đài cầu đảo ở Động Linh.
  • 1118, tháng 5: đại hạn, cầu đảo được mưa.
  • 1123: Tháng 10, vua ngự đến hành cung xem gặt lúa
  • 1123: Tháng 11,Xây đài Tử Tiêu. Năm ấy được mùa to.
  • 1124: tháng Giêng, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem cày ruộng.
  • Mùa Thu, tháng 7,hạn, làm lễ cầu mưa.
  • 1125: Mùa hạ, tháng Tư vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem cày ruộng.
  • Mùa Đông, tháng 10, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem gặt.
  • 1126: Mùa Thu, tháng 7,hạn, từ tháng 6, đến đây càng dữ. Mưa dầm, làm lễ cầu tạnh.
  • Mùa Đông, tháng 11, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem gặt.
  • 1127: Từ tháng Giêng đến tháng 2, sai quan làm lễ cầu tạnh.
  • Mùa hạ, tháng 4, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem gặt.
Lý Thần tông 1128 - 1138:
  • 1128: Mùa hạ, tháng Tư, hạn, Vua trai giới ăn chay, cầu đảo được mưa.
  • 1129: Tháng 2, vua trai giới để cầu mưa.
  • 1130, tháng 6, hạn, làm lễ cầu mưa. Mùa thu tháng 9, mưa dầm, làm lễ cầu tạnh.
  • 1131: Tháng 5, hạn, cầu đảo được mưa to. Tháng 9, mưa lâu ngày, làm lễ cầu tạnh.
  • 1134: Tháng 2, mưa lâu, làm lễ cầu tạnh.
  • 1137: Tháng 3, vua ngự đến chùa Báo Thiên, làm lễ Phật Pháp Vân để cầu mưa, đêm ấy mưa to.
  • 1137: Mùa Đông, tháng 10, vua ngự đến hành cung Lị Nhân xem gặt.
  • 1138: Mùa Thu, tháng 7, không mưa. Vua sai hữu ti làm lễ cầu ở Vu đàn và chùa Báo Thiên.
Lý Anh tông : 1139 - 1175 :
  • Nhà sư Minh Không chết…Phàm khi có tai ương hạn lụt, cầu đảo đều nghiệm cả.
  • 1143: Từ mùa xuân đến mùa hạ, đại hạn, vua thân làm lễ cầu đảo. Tháng 6, ngày đinh sửu có mưa.
  • 1145 : Mùa hạ, tháng tư, mưa dầm, làm lễ cầu tạnh.
  • 1146 : Tháng 4, hạn, cầu đảo, được mưa.
  • 1148 : Mùa xuân, tháng 2, vua ngự đến hành cung Lị Nhân cày ruộng tịch điền, rồi đến hành cung Ứng Phong.
  • 1154: Tháng 9, vua ngự ra cửa nam thành Đại La xem đắp đàn Viên Khâu.
Lý Cao tông 1176 – 1210: 
  • 1188 (40 năm sau) : tháng 5, đại hạn vua thân ngự đến chùa Pháp Vân ở Duyềnh Bà để đảo vũ, nhân rước tượng phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên (Buổi đầu bản triều [Lê] vẫn còn theo tục cũ này.
Lý Huệ tông : 1211 – 1224 : không ghi gì
Lý Chiêu hoàng: 1224 -1225: không ghi gì
  • Trở lên là nhà Lý gồm 216 năm.
  •  
PHỤ LỤC 2: (Một ít quan niệm để các bạn khỏi mở sách).
 
- Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh viết: “Xã tắc [ ] Thủa xưa dựng nước tất quí trọng nhân- dân. Dân cần có đất ở nên lập nền Xã để tế thần Hậu-thổ, dân cần có lúa ăn nên lập nền Tắc để tế Thần-nông. Mất nước thì mất xã-tắc, nên xã-tắc cũng có nghĩa là quốc-gia. Xã tắc đàn [ ] Chỗ vua tế thổ-thần và cốc-thần. Xã tắc thần [  ] Thần đất và thần lúa – Vị thần giữ gìn cho nước nhà được yên ổn. Xã tế [ ] Tế thần đất”. [Chú ý: đây là chú giải của cụ Đào Duy Anh, người hiện đại, được viết theo kiểu tích hợp và phổ thông nhất. Các sách khác bổ sung ý nghĩa khác – xem tiếp]
- Từ điển Nho Phật Đạo của Lao tử - Thịnh Lê (chủ biên), mục Xã thần [ ] viết: “Tức Thổ địa. Xem Thổ địa”. Mục Thổ địa [ ] viết: “1. Vị thần chủ hộ bảo vệ thôn xã trong truyền thuyết thần thoại cổ Trung quốc. Xưa gọi là Xã thần. 2. Còn chỉ vị thần cai quản một vùng đất đai. Dân gian gọi là Thổ địa công, Thổ địa da (ông thổ địa). Vợ Thổ địa là Thổ địa bà, Thổ địa nãi nãi. Thổ địa là vị thần mà dân chúng thờ cúng để cầu phúc, cầu được mùa v.v.. Đạo giáo cũng thờ thần này”. Mục Thổ địa thần [  ] viết: “Nhân vật thần thoại. Thần quản lí một vùng nhỏ trong thần thoại cổ. Tức là “Xã thần” thời cổ. Công Dương truyện-Trang Công nhị thập ngũ niên: “Đánh trống  dùng cỗ Tam sinh để tế thần Xã”. Hà Hưu chú thích: “Xã là chủ đất đai”. Thông tục biên- Thần quỉ: “Nay phàm là Xã thần đều gọi là Thổ địa”. Hiếu kinh vĩ: “Xã là thần thổ địa. Thổ địa rộng chẳng tế hết, cho nên phong Thổ làm xã để báo công”.
- Đọc Đạo giáo Trung Quốc, Khang Hi Thái (chủ biên), thì thấy thêm: Lễ kí-Giao đặc sinh viết:… “lấy đất đai làm đối tượng trừu tượng hóa và gọi vị thần đất này là Hậu Thổ. Tuy nhiên Hậu Thổ là vị thần được Hoàng đế thờ cúng còn ở các khu và thôn xã nhân dân vẫn thờ vị tiểu thần ở địa phương mình. Vị tiểu thần ở địa phương ban đầu được gọi là “Xã” hoặc “Xã công” rồi sau mới gọi là “Thổ địa””.
- Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh ghi: “Đàn: Cái đài làm bằng đất và gỗ để tế lễ hoặc làm hội hè”.
- Phật Quang đại từ điển ghi: “Đàn: Phạm Mandala. Dịch ý: Đàn. Dịch âm: Mạn đồ la. Cái đài cao đắp bằng đất hoặc đóng gỗ để đặt tượng Phật, Bồ tát, hình tam muội da để bày biện các vật cúng khi tu pháp trong Mật giáo. Ấn độ chuyên dùng đàn đắp bằng đất, Trung quốc và Nhật bản thì phần nhiều đóng đàn gỗ…Đắp bằng đất thì gọi là Thổ đàn, còn đóng bằng gỗ thì gọi là Mộc đàn, hoặc đơn giản chỉ rảy nước sái tịnh trên mặt đất chỗ nào đó gọi là Thủy đàn…”
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 
[1] Đại Việt sử kí toàn thư. Bản khắc in năm Chính hòa thứ 18 (1697). Nxb Khoa học xã hội – Hà Nội-1983.
[2] Việt sử lược. Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú thích. Nxb Văn Sử Địa Hà Nội-1960.
[3] Đại Việt sử kí tiền biên. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội- 1997.
[4] Lao Tử- Thịnh Lê (chủ biên). Từ điển Nho Phật Đạo. Nxb Văn học. Hà Nội-2001.
[5] Khang Hi Thái (chủ biên). Đạo giáo Trung Quốc. Phạm Văn Hưng dịch. Tư liệu khoa Văn học ĐHKHXHNV Hà Nội.
[6] Đào Duy Anh. Từ điển Hán Việt. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội-2001.
[7] Phật quang đại từ điển. Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản năm 2000.
 
 
Theo Nguyễn Hùng Vĩ/khoa vanhoc.edu.vn

Di sản văn hóa
Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết) Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.