nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Nhà thờ họ - Từ đường


Thiết kế Nhà thờ họ – Từ đường là những công trình kiến trúc dành riêng cho việc thờ cúng lễ bái Tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ (dòng của cha). Nhà thờ họ phổ biến của người Việt tại khu vực đồng bằng trung du Bắc Bộ và Trung Bộ.
 
Kiến trúc truyền thống của người Việt có rất nhiều loại hình, trong đó có loại hình kiến trúc Nhà thờ họ. Kiến trúc Nhà thờ họ mang những đặc điểm riêng của nó so với các loại hình kiến trúc khác.
 
Về hình thức kiến trúc, Nhà thờ họ khá gần gũi với kiến trúc nhà ở dân gian. Về công năng, Nhà thờ họ là công trình tín ngưỡng để thờ cúng Tổ tiên. Đây là hai yếu tố chính tạo nên phong cách kiến trúc của Nhà thờ họ.
 
Bên cạnh đó, Nhà thờ họ thuộc sở hữu tư nhân, thường do một dòng họ đứng lên xây dựng, vì vậy mà Nhà thờ họ mang tính cá thể cao chứ không mang nhiều tính cộng đồng như những công trình tín ngưỡng công cộng. Nhà thờ họ có cấu trúc tương tự như nhà ở dân gian của người Việt, chủ yếu là kết cấu khung gỗ với các hình thức kết cấu cơ bản giống nhà ở. Hiện nay kết cấu Nhà thờ họ bê tông cốt thép giả gỗ được xây dựng nhiều do giá thành rẻ hơn so với làm bằng gỗ truyền thống. Nhà thờ họ thường không được đầu tư lớn (vì là sở hữu cá nhân của từng dòng họ) nên thường có kiến trúc đơn giản, nhỏ bé chứ không rộng lớn, hoành tráng như những công trình tín ngưỡng công cộng.
 
Thông thường, một Nhà thờ họ điển hình chỉ là một ngôi nhà hình chữ Nhất nằm ngang với hai mái trước và sau theo kiểu thu hồi bít đốc (hồi văn), mái có thể lợp tranh, lá cọ hoặc ngói mũi dân dã (ngói di), quy mô công trình thường từ 3 đến 5 gian. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ vẫn được xem là cái nôi của người Việt, vì vậy loại hình kiến trúc Nhà thờ họ cũng ra đời sớm nhất ở khu vực này.
 
Tuy nhiên hiện nay hầu như không còn những Nhà thờ họ có niên đại sớm. Theo kết quả điều tra của Viện Bảo tồn di tích (thực hiện từ 2003 đến 2009), các Nhà thờ họ còn lại ở đồng bằng Bắc Bộ chỉ có niên đại sớm nhất là từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Một phần do Nhà thờ họ thường không được đầu tư lớn (các cấu kiện khung gỗ nhỏ hơn, yêu cầu đối với vật liệu để làm Nhà thờ họ cũng đơn giản hơn) nên độ bền vững thường kém hơn so với những công trình tín ngưỡng công cộng. Phong tục dân gian “Tứ đại mai thần chủ” Đối tượng được thờ trong Nhà thờ họ là các vị tổ của dòng họ.
 
Theo phong tục dân gian: “Tứ đại mai thần chủ” (từ 4 đời thì không phải thờ nữa) nên trong một Nhà thờ họ thường chỉ thờ không quá 5 đời tổ. Tuy nhiên cũng không nhất định như vậy, một số dòng họ lớn cũng có thể thờ nhiều hơn 5 đời. Trong Nhà thờ họ, các ban thờ thường được bố trí theo chiều ngang: Ban thờ vị tổ cao nhất bao giờ cũng được đặt tại gian chính giữa, ban thờ các vị tổ thấp hơn được bài trí đăng đối ở các gian hai bên.
 
Nhà thờ họ thường là công trình chuyên dụng để thờ tổ tiên, song cũng có một số Nhà thờ họ kết hợp hai chức năng: vừa để thờ, vừa để ở (do điều kiện kinh tế của dòng họ). Đối với những Nhà thờ họ kiểu này, việc thờ cúng tổ tiên được bố trí ở các gian giữa, chỗ để ở được bố trí hai bên gian hồi.
 
Tuy nhiên, đúng theo truyền thống thì Nhà thờ họ thường được xây tách riêng khỏi nhà ở, có thể nằm trên một mảnh đất riêng biệt, có thể nằm trên khuôn viên đất ở của vị trưởng họ. Việc bố trí mặt bằng của Nhà thờ họ phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện này.
 
Đối với kiểu Nhà thờ họ kết hợp để ở và Nhà thờ họ chung khuôn viên đất ở, việc bố trí mặt bằng sẽ phụ thuộc  khá nhiều vào nhu cầu sinh hoạt của những người sống ở đó. Còn đối với những Nhà thờ họ có khuôn viên riêng biệt, việc quy hoạch mặt bằng sẽ dễ dàng hơn và có điều kiện để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phong thủy. Song dù thế nào đi nữa thì một nguyên tắc cơ bản luôn luôn phải tuân thủ trong bố cục Nhà thờ họ là nguyên tắc đăng đối qua trục thần đạo (trục tưởng tượng đi qua chính giữa nhà thờ).
 
Nguyên tắc đăng đối này bao trùm trong toàn bộ đồ án thiết kế Nhà thờ họ: từ hình khối kiến trúc, trang trí trên kiến trúc, sắp xếp các ban thờ, bài trí nội thất đến bố trí sân vườn cảnh quan phía trước… Hướng và thế trong phong thủy Nhà thờ họ về mặt phong thủy, có hai yếu tố luôn được quan tâm khi chọn đất xây dựng Nhà thờ họ là hướng đất và thế đất. Hướng đất thường hay được chọn là hướng Nam do đây là hướng “hè mát, đông ấm”, theo đạo Phật thì đây là hướng gắn với điều thiện và hạnh phúc, theo Nho giáo thì đây là hướng của thánh nhân: “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ” (Thánh nhân quay mặt về Nam nghe lời tâu của thiên hạ). Người Việt coi tổ tiên của mình như những thánh nhân luôn theo dõi và phù hộ độ trì cho con cháu nên nhà ở cũng thường quay hướng Nam. Tuy nhiên, ngày xưa quan niệm chọn hướng không quá phức tạp như hiện nay, nếu hướng Nam lại ở thế đất xấu thì cũng có thể quay hướng khác.Thế đất cũng là một yếu tố quan trọng để lựa chọn khi xây dựng Nhà thờ họ.
 
Thế đất tự nhiên được coi là đẹp khi lưng có thế tựa (phía sau cao hơn phía trước), hai bên có thế tỳ “tả Thanh long, hữu Bạch hổ” (thế tay ngai), mặt trước thoáng đãng có dòng lưu thủy từ phải qua trái và có tiền án. Khi thế đất tự nhiên không sẵn có các yếu tố cần thiết đó, người xưa có thể khắc phục bằng cách đào hồ, ao, giếng nước làm điểm tụ thủy; xây bình phong, non bộ làm án; đắp đất trồng cây tạo thế tay ngai… Cũng như các loại hình kiến trúc truyền thống khác, vấn đề trang trí cũng được người xưa rất quan tâm khi xây dựng Nhà thờ họ.
 
Tuy nhiên, do quy mô đầu tư nhỏ nên trang trí trên kiến trúc Nhà thờ họ thường đơn giản, khiêm tốn hơn so với các công trình kiến trúc tín ngưỡng khác của cộng đồng, đặc biệt là hầu như không có các trang trí bên ngoài công trình hoặc nếu có thì cũng được đơn giản hóa tới mức tối đa. Nếu như trên mái các đình, chùa thường có rồng, phượng, mặt nguyệt, các con giống… được làm cầu kỳ, tinh xảo thì trên nóc mái Nhà thờ họ cùng lắm chỉ có bức Đại tự, đầu kìm, đấu cơm, gạch hoa chanh và những chi tiết trang trí hết sức đơn giản.
 
Vì sao không chạm rồng 5 móng? Trang trí ở Nhà thờ họ chủ yếu tập trung bên trong công trình và phân thành hai loại chính: Thứ nhất là trang trí trên các cấu kiện kiến trúc (trang trí trên bất động sản), thứ hai là trang trí trên các đồ vật nội thất (trang trí trên động sản). Trang trí trên cấu kiện kiến trúc là những trang trí cố định không thể tháo rời nên thường có cùng phong cách nghệ thuật ở thời kỳ xây dựng, còn các vật dụng nội thất (như bàn thờ, hương án, hạc, lư hương, cửa võng, hoành phi, câu đối…) thường có sự bổ sung, thay đổi theo thời gian nên các trang trí trên mỗi vật dụng có phong cách khác nhau.
 
Trang trí trên cấu kiện kiến trúc xuất phát từ mục đích vừa làm đẹp vừa làm giảm sự thô mộc, nặng nề của cấu kiện gỗ, song tùy thuộc vào khả năng đầu tư mà mức độ trang trí có thể nhiều, ít khác nhau ở từng Nhà thờ họ. Trang trí trên kiến trúc Nhà thờ họ rất ít dùng hình tượng rồng mà hay sử dụng các hình tượng thuần túy mang tính trang trí (như hình hoa lá, hình kỷ hà…), hoặc các biểu tượng thiêng (như hình vân xoắn, hình đao mác…). Mặc dù vậy, một số nhà thờ của những dòng họ có người làm quan cũng trang trí hình rồng trên kiến trúc, nhưng rất hạn chế và các hình rồng này thường được cách điệu, biến tấu đi (trúc hóa rồng, mai hóa rồng, mây hóa rồng, lá hóa rồng, cá hóa rồng…). Sở dĩ có đặc điểm này là do các Nhà thờ họ truyền thống còn tồn tại đến nay chỉ có niên đại xây dựng từ cuối thế kỷ XVII tới đầu thế kỷ XX, khi mà Nho giáo đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân Việt. Theo quan niệm của Nho giáo thì rồng là biểu tượng cho tầng trên, đặc biệt là rồng có 5 móng chân tượng trưng cho Thiên tử.
 
Nhà thờ họ không phải là nơi thể hiện tính quyền lực, chính vì vậy rất ít sử dụng hình tượng rồng trên kiến trúc. Tuy vậy trên các đồ thờ vẫn thường được chạm rồng do quan niệm thần thánh hóa tổ tiên của người Việt, tất nhiên cũng chỉ được chạm rồng 4 móng mà không được chạm rồng 5 móng.Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, do những biến động của lịch sử mà ảnh hưởng của Nho giáo trong cuộc sống xã hội ngày càng mờ nhạt đi, các chế định xã hội và cộng đồng cũng lỏng lẻo dần trước những trào lưu văn hóa và những nhu cầu mới. Việc xây dựng Nhà thờ họ vì thế cũng không còn tuân thủ chặt chẽ những quan niệm và ước định vốn có mà trở nên  ngày càng đa dạng hơn về quy mô và kiểu thức kiến trúc. Từ giai đoạn này đã xuất hiện những Nhà thờ họ có bố cục mặt bằng phức tạp (chữ Nhị, chữ Đinh, chữ Công, tứ thủy quy đường…) và cả những Nhà thờ họ với các góc đao cong vút.
 
Cho tới tận ngày nay, nhu cầu xây dựng Nhà thờ họ trong xã hội vẫn luôn tồn tại, song nhận thức về “cốt cách” của Nhà thờ họ lại khá mơ hồ, thêm vào đó còn bị “nhiễu” bởi những quan niệm và nhu cầu của thời hiện đại. Chính vì vậy đã xuất hiện không ít Nhà thờ họ với phong cách lai tạp, rườm rà mang nặng tính phô trương, đánh mất đi “hồn cốt” của kiến trúc truyền thống Việt nói riêng và bản sắc văn hóa Việt nói chung.
 
Chắc rằng những điều đáng tiếc đó sẽ không xảy ra nếu trước khi bắt tay xây dựng Nhà thờ cho dòng họ, chúng ta để tâm tìm hiểu và chắt lọc những tinh túy trong suy nghĩ và cách làm của người xưa.
 
 
Theo kientructamlinh.com