nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

NGUYỄN CÔNG TRỨ - “Cội rễ bền dời chẳng động”*


Sống suốt nửa cuối thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19, trải qua bốn triều vua nhà Nguyễn từ thời cực thịnh cho đến lúc suy vi giang sơn rơi vào tay Pháp, qua bao biến động, chịu bao thăng trầm “giáng chức với thăng quan”, Hy Văn Nguyễn Công Trứ vẫn vẹn nguyên chí khí và hành trạng anh hùng, vẫn ngất ngưởng vẻ tài hoa đa tài, đa tình của người nghệ sĩ độc đáo bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Hội tụ trong huyết quản của mình tinh hoa của xứ Bắc - xứ Nghệ, cắm rễ sâu vào truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thấm nhuần tinh túy của Nho gia, chàng trai Nguyễn Công Trứ đã sớm nuôi “chí nam nhi” lớn và độc đáo của mình: “Thông minh nhất nam tử/ Yếu vi thiên hạ kỳ” (Một người con trai thông minh nên làm người khác thường trong thiên hạ). Tám mươi năm giữa Cõi người, Nguyễn tiên sinh đã sống như thế, tạo dựng được những giá trị lớn lao về nhiều mặt, làm nên hình tượng tuyệt đẹp và độc đáo như cây tùng hùng vĩ trên đỉnh non cao kiêu hãnh và bất tử.
 
 
Với quan niệm tích cực “Thượng vị đức, hạ vị dân/ Sắp hai chữ “quân, thân” mà gánh vác/ Có trung hiếu nên đứng trong trời đất/ Không công danh thời nát với cỏ cây”, Nguyễn Công Trứ nhận thức được vị trí kẻ sĩ của mình: có trong năm tước (công, hầu, bá, tử, nam), đứng đầu loại trong dân (sĩ, nông, công, thương), quyết đem cả sở trường và sở đoản mà hành động: “Trong lăng miếu ra tài lương đống/ Ngoài biên thùy rạch mũi can tương”. Nguyễn đã làm được điều đó.
 
Là quan văn “Kinh luân khởi tâm thượng” và có cả “Binh giáp tàng hung trung”, Nguyễn Công Trứ là đại tướng cầm quân tài ba. Tuân lệnh vua, Nguyễn dẹp yên sự nổi dậy của Phan Bá Vành, đánh tan Nông Văn Vân, có những chiến công ở Trấn Tây. Điều đó, cùng với Nguyễn có một số người khác cũng làm được. Thế nhưng, khác người và hơn người, Nguyễn đã làm được những điều xưa nay không ai dám làm. Dẹp xong Phan Bá Vành, biết dân chúng khốn khổ trăm bề, thấy Chân Định, Giao Thủy “ruộng bỏ hoang mênh mông bát ngát không biết mấy trăm ngàn mẫu”, Nguyễn tự dâng sớ xin khẩn hoang để dân nghèo có cơm ăn áo mặc. Thêm nữa, “nơi hoang rậm trộm cướp thường tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay khai phá ra không những có thể cho dân nghèo làm ăn lại còn dứt được cái ác”. Nguyễn nghĩ đến những người nổi dậy: “Dân bắc Thành có đến hàng nghìn người sợ hãi trốn biệt không có đường về, không khỏi đi theo tướng giặc còn trốn. Xin phàm kẻ nào hối quá hoàn lương thì cho đến sở Dinh điền theo sức mà cấp ruộng cho làm”. Ông quan Nguyễn Công Trứ chẳng những biết lo cho dân no, biết trị an mà còn biết cảm hóa con người. Hơn thế nữa, ông còn thấy: “Như thế thì đất bỏ hoang dần dần làm ruộng, phong tục kiêu bạc lại thành thuần hậu”. Đó là tầm nhìn về kinh tế, về chính trị, về đạo đức và cả văn hóa nữa. Thế là chỉ trong sáu tháng huyện Tiền Hải mọc lên, rồi Kim Sơn. Sáu tháng làm Dinh điền sứ, trong tay tiền bạc có hàng ức vạn, không hề tơ hào mảy may. Khi có lệnh về Kinh, còn 311 quan, 3 tiền, 32 đồng với 10 vuông gạo, tạm cho các làng xóm làm đơn nhận nhưng chưa sử dụng hết, quan Nguyễn vẫn tâu cho vua biết và thu hồi. Ngày 21 tháng 2 năm 1829 (Minh Mệnh thứ 10), Nguyễn thu đủ đem nạp vào kho, cầm giấy biên nhận, tay không về chầu vua để nhận công việc khác. Người anh hùng cái thế vượt qua nhân dục tầm thường, giữ trọn thanh danh của kẻ sĩ, thành một vị thánh để dân chúng Tiền Hải, Kim Sơn lập đền thờ ngay khi còn tại thế gian. Những năm sau đó, dù đường hoạn lộ lắm tai ương, đến đâu từ Hải Dương, An Giang, Thừa Thiên... Nguyễn vẫn lo khai hoang, đắp đê, khai sông... đem no ấm cho mọi nhà. Nỗi lo cho dân chúng vẫn nhất quán, sự liêm khiết vẫn vẹn nguyên trong ông quan người xứ Nghệ này. Quan lại bao đời xưa nay có mấy ai lo được như thế, làm được như thế, sống thanh khiết như thế?!
 
Trong chốn công đường từ Tri huyện lên Tổng đốc Hải Yên kiêm Thượng thư bộ Hình..., Nguyễn đã sớm chứng tỏ “tài lương đống” của mình thì chốn chiến trường ông cũng lập được nhiều công tích, là một trong 20 người có công nhất nước được chọn đưa vào bia Võ công của triều đình. Nguyễn hăng hái xung đi mặt trận Trấn Tây (Cao Miên). Nơi đây, tám năm trước hoàng đế Minh Mệnh với khát vọng mãnh liệt quyết biến quốc gia này thành một phiên trấn của Đại Nam. Trương Minh Giảng và bao tướng lĩnh cùng hàng vạn quân đã được đưa sang đó. Lần này nhà vua quyết định đưa lão đại thần Phạm Văn Điển cùng Nguyễn Công Trứ và nhiều người tài giỏi khác thu phục bằng được Trấn Tây. Xưa nay trong chế độ quân chủ phong kiến độc quyền, từ quan lại đến tướng lĩnh phải và chỉ biết làm theo lệnh vua, lo làm đẹp lòng hoàng thượng để an thân, để thăng quan tiến chức. Nói và làm trái ý vua là bị chém đầu, thậm chí bị tru di tam tộc. Các quan lại bao năm ở Trấn Tây cũng thế - thậm chí thua đau mà vẫn báo thắng để đẹp lòng hoàng thượng và kiếm lợi cho mình. Sang đó mới hai tháng, tham gia một số chiến trận, được thưởng, được thăng làm Tham tán đại thần ở Trấn Tây, thế nhưng Nguyễn - và cả những tướng lĩnh khác đều thấy không thể thắng. Thế nhưng không ai dám nói sự thật với nhà vua. Không ai dám để mất chức. Không ai dám chết. Tháng 1-1841 sang, tháng 5-1841 đã biết rõ thực tế, Nguyễn Công Trứ quyết dâng sớ mật tấu về nói rõ: “Đã tám năm nay tổn phí tài lực không biết bao nhiêu mà kể nhưng thổ binh thì không sai khiến được, thổ dân thì không thể dạy dỗ được... Ví rằng dù lấy được đất ở nơi ấy cũng không thể cày cấy được, dù lấy được dân ở xứ ấy cũng không sai khiến được”. Nguyễn đề nghị rút quân về nước. Đó là một việc làm hết sức táo bạo, dám chết vì đại sự của giang sơn. Việc làm đó của Nguyễn sau đó được các vị đại tướng, đại thần đồng tình và đến tháng 8-1841 cùng dâng tấu về xin rút quân. Cuộc chiến được chấm dứt. Một lần nữa Nguyễn lại chứng tỏ sự vững vàng của mình. Lúc làm quan, lúc dinh điền không như bao kẻ khác, chẳng thèm tơ hào một đồng công quỹ - sự giàu có vinh thân phì gia không quyến rũ được Nguyễn. Lúc làm tướng hiên ngang xung trận, không sợ chém mà dâng sớ rút quân đem thái bình cho muôn dân - uy quyền và cả cái chết không làm phai nhạt tấm lòng son tận trung với nước, tận hiếu với dân của Nguyễn.
 
Cuộc đời đầy biến động, lắm chuyện đen trắng đảo điên, bao kẻ mũ cao áo rộng mất ăn mất ngủ vì chuyện thăng quan, hạ chức. Nguyễn Công Trứ vẫn bình thản. Là Hữu tham tri bộ Hình, Nguyễn đề cử một người có tài đức làm chức Huyện thừa, bị dèm pha, đình thần hùa vào, nhà vua cách tuột chức làm Tri huyện ở kinh (Tri huyện không huyện), Nguyễn vẫn thản nhiên. Đang làm Tuần phủ An Giang bị quan trên vu cáo, được giải oan, thế mà vua đày đi làm lính thú ở núi non Quảng Ngãi, Nguyễn vẫn thản nhiên. Mặc đồ lính thú đến công đường trình diện, Bố chánh Quảng Ngãi ngần ngại, Nguyễn nói: “Xin cứ tự nhiên. Lúc làm đại tướng tôi không lấy gì làm vinh, thì nay làm lính thú tôi cũng không lấy gì làm nhục. Người ta ở đời mỗi người mỗi địa vị. Mỗi địa vị có ý nghĩa vụ riêng. Làm lính mà không mặc đồ lính thì sao gọi là lính được”. “Bất oán thiên, bất vưu nhân” (Mạnh Tử), Nguyễn Công Trứ đã hiểu sâu lẽ đời, lẽ người, luôn an nhiên, điềm tĩnh, vững vàng giữa mọi biến động của xã hội. Suốt bao năm dù giữ trọng trách chốn công đường hay tung hoành nơi chiến trường, giữa cõi người đua chen giành giật dữ dội lợi quyền, tiền tài…, quyền uy và cả cái chết không lay động, không làm biến đổi được cốt cách của Nguyễn. Chàng trai xứ Nghệ đã thực hiện được chí nguyện lập công, lập danh của mình. Đến lúc từ giã Cõi người không có lầu son, biệt thự nguy nga, không có phần mộ riêng cho chính mình, không nằm chung với quan lại bất tài ham danh lợi mà yên nghỉ cùng chúng sinh, nhưng Công và Danh của Nguyễn mãi sáng ngời cùng dân tộc.
 
Giữ được cốt cách ấy, chính là ở Nguyễn có nội lực lớn lao. Đó là lòng yêu nước thiết tha, là trách nhiệm của kẻ sĩ với dân với nước. Khi đã vào tuổi 80 vẫn dâng sớ về triều xin ra trận đánh thực dân Pháp, “Thân già này còn thở ngày nào thì xin hiến cho nước ngày ấy”. Lòng yêu nước thấm đẫm trong mọi suy nghĩ và hành động của Nguyễn. Trong thú ăn chơi cầm, kỳ, thi, tửu cũng mang tinh thần ấy. Bao đời, bao bậc văn nhân xưa nay coi Trung Hoa là mực thước, cố mài giũa thơ phú theo Đường, Tống. Với lòng tự tôn dân tộc, Nguyễn đi tìm và tạo nên vẻ đẹp lồng lộng của hát nói, của thơ Nôm, tạo được đỉnh cao của văn học dân tộc. Suốt bao nhiêu thế kỷ chịu ảnh hưởng của Nho giáo, người dân Việt - nhất là tầng lớp trí thức nho sĩ - phải co mình lại trước quân vương, khép mình trong lễ giáo, cái TÔI CÁ NHÂN gần như bị triệt tiêu thì Nguyễn đã sống khác. Nguyễn sớm tuyên bố “Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng dành để tháng ngày chơi” (Cầm kỳ thi tửu). Tình yêu trai gái thời đó thường được giấu đi, được che kín, còn Nguyễn thì trưng ra nhiều bài thơ tình: Tương tư, Vịnh chữ tình… với nhiều cung bậc: nhớ nhung, trách móc và cả sầu tình: “Sầu ai lấp cả vòm trời/ Biết chăng chăng biết hỡi người tình chung?”. Và cuộc đời ông cũng có nhiều cuộc tình. Với quan niệm “nhân sinh quý thích chí”, Nguyễn dám chơi và công khai cổ vũ điều đó. Tiên sinh tuyên bố “Nhân sinh bất hành lạc/ Thiên tuế diệc vi thương” (Người mà không hành lạc, dẫu sống nghìn tuổi cũng như chết non), “Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí”… Người đọc dễ dàng nhận thấy sự hào sảng của Nguyễn trong những tuyên ngôn ấy. Cái khác thường, khác người của Nguyễn là ở đó. Đề cao hành lạc, coi đó là những cuộc chơi nhưng với Nguyễn: “Chơi cho lịch mới là chơi/ Chơi cho đài các cho người biết tay”. Nguyễn hơn người cũng là ở đó.
 
Không chỉ lúc thanh niên, lúc làm quan mà ngay cả lúc về hưu Nguyễn cũng khác người. Năm 1849, ở tuổi 71 về hưu, được vua cho 80 quan tiền, Nguyễn khao mời bạn bè hết sạch, không mang chút bổng lộc của triều đình về cho mình và gia đình, chỉ với đạc ngựa bò vàng đủng đỉnh về quê. Ở tuổi 73 vẫn cưới thêm nàng hầu trẻ. Đó là đào nương Phan Thị Bảo, đẹp và hát hay nổi tiếng của làng hát Như Sơn, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Nguyễn đã ghi lại một cách dí dỏm chuyện đêm tân hôn giữa mình “mái tuyết đã phau phau” với nàng “run rẩy kẻ tơ đào còn mảnh mảnh”: “Tân nhân dục vấn lang niên kỷ/ Ngũ thập niên tiền nhị thập tam” (Vợ mới hỏi chồng bao nhiêu tuổi. Năm mươi năm trước ta hai mươi ba). Thế nhưng thời gian dành cho nàng không nhiều, tiên sinh vào vùng Cẩm Sơn mé đông nam tỉnh thành Hà Tĩnh, dựng gian nhà tranh dưới chân núi Nài, cạnh chùa. Trước nhà, ông đề đôi câu đối “Hiếu tĩnh vị năng vong thủy thạch/ Du nhàn phi thị học thần tiên” (Thích tĩnh vẫn không quên suối nước/ Hưởng nhàn nào phải học thần tiên - Trương Chính dịch). Tu sửa, trông coi chùa Nài nhưng “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì”. Những cách sống đó thoạt nhìn rất ngược nhau, nhưng lại là một nét độc đáo của Nguyễn Công Trứ. Chuyện được mất, khen chê ông không bận tâm “Được, mất dương dương người tái thượng/ Khen, chê phơi phới ngọn đông phong”. Tiên sinh đi tìm lạc thú “khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng” nhưng lại khẳng định “không Phật, không Tiên, không vướng tục”. Nhiều người căn cứ vào thời điểm sáng tác mà cho rằng đây là nét “ngất ngưởng” lúc về hưu. Tôi nghĩ không chỉ thế. Đây chính là quan điểm sống của Nguyễn mà ông đã đề cập trong bài Luận kẻ sĩ: khi xong phận sự, “Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch/ Tiêu dao nơi hàn cốc, thâm sơn/ Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn” “Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi”. Được như vậy ông mới cho rằng “Này này sĩ mới hoàn danh”. Cách sống lúc về hưu là sự hoàn chỉnh quan niệm sống của Nguyễn về kẻ sĩ, cũng là nét son cuối cùng hoàn thiện HÌNH TƯỢNG KẺ SĨ NGUYỄN CÔNG TRỨ. Nguyễn nghĩ vậy, nói vậy và cả cuộc đời làm được vậy. Cuộc đời và thơ văn, nói và làm đều thống nhất trong con người Nguyễn Công Trứ, đều đạt đến tầm vóc lớn có những nét vượt quá thời đại của mình. Xưa nay, dễ có mấy ai làm được như thế.
 
Nguyễn hiểu mình, hiểu người, hiểu thời, biết thế. Nguyễn là một cái TÔI CÁ NHÂN lỗi lạc, độc đáo, giàu cá tính bậc nhất của lịch sử Việt Nam thời trung đại. Dưới bầu trời của chế độ quân chủ phong kiến độc quyền, Nguyễn là cây thông hùng vĩ của đất Lam Hồng, của non nước Đại Nam. Nguyễn vẫn mãi còn đó với lời kêu gọi thiết tha quyến rũ và cả lời thách thức đầy kiêu hãnh: “Ai mà chịu rét thì trèo với thông”!
 
Mùa đông 2018
_____
* Trích bài thơ Tùng của Nguyễn Trãi: “Đống lương tài có mấy bằng mày/ Nhà cả đòi phen chống khỏe thay/ Cội rễ bền dời chẳng động/ Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày”.
 
 
Theo Nguyễn Thế Quang - /honvietquochoc.com.vn

Di sản văn hóa