nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Mộc bản Trường học Phúc Giang - Di sản tư liệu ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO


Ngày 19/5/2016 tại Thành phố Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Lễ đón Bằng công nhận đã được Ủỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào ngày 25/9/2016.
 
Mộc bản trường học Phúc Giang là những bản gỗ, khắc chữ Hán ngược, dùng in sách “giáo khoa”, để phục vụ việc dạy và học, được hình thành trong quá trình hoạt động giáo dục văn hóa của dòng họ Nguyễn Huy, từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, tại làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện Thiên Lộc trước đây, nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Mộc bản gắn liền với Trường Lưu học hiệu và Phúc Giang thư viện, nơi đã đào tạo được trên 30 Tiến sĩ và hàng trăm Hương cống, Cử nhân. Nhiều người trong số họ về sau là các quan lại cao cấp, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà thơ và nhà giáo nổi tiếng.
 
Mộc bản hiện còn 383 bản, được xẻ từ gỗ cây thị “đực” lâu năm, kích thước dài 25-30cm, rộng 15-18cm và độ dày mỏng từ 1-2 cm. Hình thức khắc tinh xảo, chữ khắc đẹp với nhiều dạng chữ như: lệ thư, thảo thư, giản tự, cổ tự,…Phần lớn các mộc bản khắc 2 mặt là nội dung sách, còn một số ít khắc một mặt là tên sách, tờ cuối và lời tựa. Ngoài nội dung, tập sách còn khắc thời gian, tên người biên soạn, người khảo duyệt, người viết chữ, người tổ chức việc khắc.
 
Nội dung của Mộc bản trường học Phúc Giang gồm 11 quyển sách kinh điển được “toản yếu” của Nho giáo và 01 quyển sách “Thư viện quy lệ” (quy chế của trường Phúc Giang) được các tác giả họ Nguyễn Huy biên soạn, viết chữ, tổ chức khắc với thời gian và địa điểm cụ thể, lưu giữ bút tích, ấn triện, gia huy, dấu ấn khẳng định bản quyền của 05 danh nhân văn hóa: Nguyễn Huy Tựu (1690- 1750), Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nguyễn Huy Cự (1717-1775), Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785) và Nguyễn Huy Tự (1743-1790). Đây là các nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, trong một gia đình 3 thế hệ cha con ông cháu từ năm 1732 đến năm 1788, chứa nhiều thông tin về lịch sử, chính trị-xã hội, tư tưởng-văn hóa, bang giao, tiếp thu và phát triển đạo Khổng…
 
Mộc bản là di sản tư liệu thể hiện sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của giáo dục Nho giáo đối với triều đình, đất nước và đời sống xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo nhân tài. Đây cũng là tài liệu gốc minh chứng cho giai đoạn hoạt động giáo dục và văn hóa của một dòng họ trong lịch sử, mà ngày nay đã không tồn tại. Bản thân mỗi Mộc bản như là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, một cổ vật quý hiếm.
 
Mộc bản trường học Phúc Giang là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam, hiện được bảo quản tại tư gia họ Nguyễn Huy- huyện Can Lộc và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Với những giá trị đặc biệt về tính quý hiếm, độc đáo, tính xác thực và tầm ảnh hưởng quốc tế và khu vực, Mộc bản trường học Phúc Giang đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí lựa chọn của Chương trình Ký ức Thế giới, khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.
 
Ngày 19/5/2016 tại Thành phố Huế, Mộc bản Trường học Phúc Giang đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Lễ đón Bằng công nhận đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào ngày 25/9/2016.
 
Quỳnh Việt

Di sản văn hóa