nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Lễ Tiến Xuân, một nghi lễ thể hiện tinh thần trọng nông của triều Nguyễn


Lễ Tiến Xuân đã có từ thời xưa ở Việt Nam. Vào thời Lê - Trịnh, ở Thăng Long theo ghi nhận của một người nước ngoài từng chứng kiến, cứ đến ngày tiến xuân, dân chúng nô nức đi hội, còn lưu dấu qua câu ca dao: Bao giờ Mang hiện đến nay/Cày bừa cho chín mạ này đem gieo.
 
Năm 1829, bộ Lễ tâu rằng: "Kính xét thiên Nguyệt lệnh Lễ ký tháng quý đông, sai Hữu ty cho trâu bằng đất ra để tống khí rét. Tiên nho bàn rằng tháng bắt đầu ở sửu (tháng 12), sửu là trâu, thuộc về hành thổ, đất có thể ngăn được nước, cho nên làm trâu đất, để tống hết khí rét đi. Lại nói: Đất thắng được nước, trâu thì giỏi cày. Thắng được nước nên chống được rét, giỏi cày nên có thể chỉ bảo việc làm ruộng sớm hay muộn". Xuất phát từ ý nghĩa đó mà lễ Tiến Xuân được chú trọng tổ chức nhằm mục đích khuyến nông, cầu nguyện cho thời tiết hanh thông, mùa màng thuận lợi.
 
Cùng với lễ Tịch Điền, lễ Tiến Xuân đều được tổ chức trên tinh thần nhân văn, điều ấy thể hiện những ước mơ chính đáng về một cuộc sống vật chất đầy đủ trong năm mới (ảnh minh họa Lê Chung)
 
Vào thời Nguyễn, cứ vào ngày Thìn, tiết đông chí hàng năm, các vị chức trách ở Nha Khâm Thiên Giám kết hợp với Vũ Khố lấy nước và đất ở phương thần Tuế Đức - là hướng xuất hiện sao Tuế đức - để làm ra 3 con trâu đất và 3 vị Mang thần để tế lễ. Sao Tuế Đức được xem là đệ nhất cát thần trong năm, nơi nào có sao Tuế Đức là nơi đó có vạn phúc tụ đến, hung thần phải tránh đi.
 
Lễ tế phải được tổ chức vào giờ Thìn, bởi giờ Thìn được quan niệm là giờ tốt, ứng với mạng Thiên tử. Nha Khâm Thiên Giám được phân công chọn giờ, nếu giờ Thìn "rơi vào" ban đêm thì phải chọn giờ Thìn của ngày hôm sau.
 
Trâu đất và Mang thần đều phải được đắp bằng đất (dùng cành hom dâu làm cốt) theo các tỷ lệ kích thước, màu sắc ứng với các ý nghĩa nhất định. Mình Trâu được quy định cao 4 thước tượng trưng cho 4 mùa; từ đầu đến đuôi dài 8 thước tượng trưng cho 8 tiết là lập xuân, xuân phân, lập thu, thu phân, lập hạ, hạ phân, lập đông và đông chí. Các màu sắc được tô lên trâu đất cũng được quy định theo các quan niệm truyền thống. Nếu thiên can của năm ấy là Giáp, Ất thì tô màu xanh; Bính, Đinh thì tô màu đỏ; Mậu, Kỷ thì tô màu vàng; Canh, Tân thì tô màu trắng; Nhâm, Quý thì tô màu đen. Tương tự, các màu sắc ở thân, ở bụng, ở sừng, ở chân, ở móng đều được tô ứng với Địa Chi, Ngũ Hành... Đuôi trâu đất được quy định 1 thước 2 tấc tượng trưng cho 12 tháng v.v.
 
Cũng như các ý nghĩa đó Mang thần (thần chăn trâu) được đắp cao 3 thước 6 tấc 5 phân tượng trưng 365 ngày. Tất cả những yếu tố như nét mặt, áo quần, mũ mão, giày... trên mình Mang thần cũng được quy định chặt chẽ về tính chất, màu sắc để ứng với âm dương; địa chi, ngày giờ... của năm đó.
 
Đàn tế được triều Nguyễn chọn đặt ở ngoài quách cửa Chính Đông của Kinh Thành, luôn hướng về phía đông. Đồng thời, các án để thiết trí Mang thần và Trâu đất cũng được chuẩn bị. Ban đầu, các án này được khiêng về và đặt tạm ở các phủ thự. Sau đó, trước ngày làm lễ một ngày, vào sáng sớm, để chuẩn bị cho cuộc lễ, các án đặt trâu, hương đèn nến thắp, lễ phẩm được một người bày biện trước.
 
Lễ rước xuân được tổ chức một cách long trọng. Các quan viên đề đốc, phủ doãn, phủ thừa... đều phải mặc áo đỏ, hoặc tía đi sau đội lễ nhạc, nghi trượng, tán, lọng và khiêng các án Mang thần và Trâu đất được rước tới nhà bộ Lễ và được để yên tại nơi này.
 
Hình ảnh về lễ Tiến Xuân được lưu trữ trong tư liệu thời Nguyễn
 
Sáng sớm ngày lập xuân, bộ Lễ cùng với phủ Thừa Thiên và các quan ở Khâm Thiên Giám đều mặc triều phục khiêng 2 án Trâu đất và Mang thần với đầy đủ tàn, lọng, nhã nhạc, nghi trượng dẫn đầu. Sau đó, chia ra đến ngoài cửa Tiên Thọ và cửa Hưng Khánh đứng đợi. Đến giờ tốt, các quan trong nội giám tiếp nhận, đưa tiến. Lúc này, viên phủ Thừa Thiên trở về phủ thự, đưa trâu ra đánh 3 roi để tượng trưng cho sự khuyên cày. Buổi lễ được cử hành xong thì Trâu đất và Mang thần được đưa vào cất giữ ở Vũ Khố. Năm sau, làm lễ Tiến Xuân lại đưa Trâu đất và Mang thần từ Vũ Khố để sử dụng lại. Nhưng đến năm Minh Mạng thứ 11 (1831) thì sự việc này có sửa đổi: "Từ nay về sau, hàng năm, làm lễ Tiến Xuân xong, bưng Trâu đất và Mang thần lần trước ra, bộ Lễ hội đồng và Vũ Khố chọn đất sạch chôn cất, không nên để trữ".
 
Tuy nhiên, những năm tổ chức lễ Tiến Xuân mà có đại tang, quốc tang thì nghi lễ có một số điều chỉnh. Tùy theo tính chất, triều Nguyễn quy định lại về nghi thức cử hành lễ Tiến Xuân cũng như trang phục trong buổi lễ. Sử sách cho biết, trong lịch sử, vào năm 1841, triều thần đã có sớ dâng lên vua như sau: "Năm nay, gặp nghi lễ đại tang Thánh tổ Nhân hoàng đế, về lễ Đón xuân, Tiến xuân, xin do bộ Lễ và viên Kinh doãn mặc lễ phục, kính đem Mang thần và Trâu đất vào nhà Duyệt Thị, tiến lên (...) nhưng Nhã nhạc có đặt mà không tấu". Bấy giờ là vua Thiệu Trị mới có lệnh như sau: "Mang thần và Trâu đất, là lễ đời cổ để khuyên cày, lại là việc quan trọng đầu xuân, xét nguồn gốc có quan hệ đến sinh dân, thực không thể thiếu được. Chuẩn cho khi Đón Xuân, Tiến Xuân, cứ đình bớt 1 tiết xuân sơn không có hại gì, để cho hợp tình, hợp lễ; còn các khoản khác y lời nghị".
 
Lễ Tiến Xuân được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long vừa qua
 
Lễ Tiến Xuân ngưu có một ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống tinh thần của con người dưới thời các vua Nguyễn.
 
Nền kinh tế nước ta lúc bấy giờ chủ yếu dựa vào nền nông nghiệp lúa nước nên cuộc lễ này lại có quan hệ mật thiết đối với đời sống của nhân dân nhiều hơn. Nhận thức rõ về điều ấy, các vua Nguyễn có những quan tâm hợp lý. Vào năm 1833, vua Minh Mạng xuống dụ rằng: "Về khoản Trâu đất và Mang thần, nguyên là ý chăn việc cày ruộng, khuyên bảo giúp đỡ, ở Kinh đã cử hành trước, các địa phương cũng nên tuân làm tất cả, để cho phù hợp lễ đời cổ".
 
Suy cho cùng, cùng với lễ Tịch Điền, lễ Tiến Xuân đều được tổ chức trên tinh thần nhân văn, điều ấy thể hiện những ước mơ chính đáng về một cuộc sống vật chất đầy đủ trong năm mới, hơn nữa đó còn phản ánh được một dạng nghi lễ có màu sắc tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người Việt ngày xưa, khi mà nền kinh tế quốc gia chủ yếu dự vào nông nghiệp lúa nước.
 
 
Theo Hồng Hà (ghi theo lời nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế)/Toquoc.vn
 

Di sản văn hóa
Đôi điều về nước sạnh của người Chăm Pa xưa qua hệ thống giếng cổ dọc bờ biển miền trung Việt Nam Không nhiều người biết rằng, về cơ bản, toàn bộ miền Trung Việt Nam (từ tỉnh Quảng Bình cho tới tỉnh Bình Thuận), trước đây chưa lâu, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18 đã dần trở thành lãnh thổ của Đại Việt (tên của Việt Nam thời đó). Gần như ở mọi nơi trên thế giới này văn hóa của những kẻ chiến bại không bao giờ mất mà, dường như, nó còn sống dậy rất mãnh liệt để cả nhân loại phải chiêm ngưỡng và nhắc đến. Chăm Pa, may thay, đã là như vậy. Người ta đã biết nhiều đến các đền tháp, những tác phẩm điêu khắc, tượng tròn bằng đá hay đất nung trên khắp miền Trung Việt Nam, những địa danh như Po Kluang Galai, Mỹ Sơn, Po Nagar, Po Dam… nghe đã rất quen và không ít người đã hơn một lần ghé thăm. Nhưng văn hóa Chăm Pa không chỉ là kiệt tác của kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Còn nhiều thành tựu khác như đồ gốm, đất nung, những viên gạch trên những ngôi đền tháp như thách thức thời gian và khí hậu nghiệt ngã, nghề dệt vải trồng bông… Bên cạnh đó kĩ năng tuyệt vời về tìm các mạch ngầm nước ngọt và kỹ thuật khai thác nó để tạo nên cuộc sống, nơi mà thiên nhiên hiếm khi chiều chuộng con người.