nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Lẩy Kiều, một thú chơi thơ


Lẩy Kiều hay tập Kiều là một lối phỏng tác những đoạn thơ ngắn hoặc những cặp vế đối lấy từ các câu chữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kiểu chơi thơ này rất phổ biến ở nước ta trong khoảng thời gian từ giữa thế kỉ 19 đến giữa thế kỉ 20. Ngày nay thì dường như không mấy ai quan tâm đến lối chơi này nữa. Nghĩ rằng có lẽ sẽ không hoàn toàn vô ích khi nhắc lại vài câu lẩy Kiều.
 
Một giai thoại dân gian ở vùng quê Nghệ Tĩnh kể rằng có một nho sinh nọ rảnh rỗi về đồng quê chơi. Thấy mấy cô gái chăn bò đang ngồi hát ví, anh ta liền vuốt lại khăn áo và xăm xăm tới định làm quen. Một cô lên tiếng:
 
-Trông chừng thấy một văn nhân (câu 135, tả Kim Trọng).
 
Anh nho sinh khấp khởi mừng thầm, nghĩ rằng mình được sánh ngang với chàng Kim. Ngờ đâu, một cô khác đã dội một gáo nước lạnh bằng một câu tả Mã Giám Sinh:
 
-Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao (câu 628).
 
Anh chàng phong tình đỏ  mặt, nhưng vẫn lân la:
 
-Các cô giỏi Kiều lắm nhỉ ?
 
- Dạ chả dám! Chúng em là phận con gái quê mùa đâu dám sánh với bậc tài danh “văn chương nết đất, thông minh tính trời” như công tử. Gặp đây nhờ anh lẩy một câu Kiều sao cho con bò đang đi tới ruộng mạ kia đứng lại giùm em với!
 
 Anh học trò lúng túng gãi trán. Chợt nhớ ra, anh đọc rõ to:

 - Trong vòng tên đạn tơi bời

Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ (câu 2527-2528)

Anh ta hét to chữ đứng nhưng con bò vẫn đi tới. Cô gái cười ngất, đọc:

- Họ Chung có kẻ lại già
 
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm ( câu 607-608).

Cô thét chữ họ. Con bò liền đứng lại.

Một cô khác đố tiếp:

- Bây giờ anh thử làm cho nó đi sang phải được không ạ ?
 
 Anh học trò đọc:

 - Nàng rằng phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi. (câu 2217-2218)

Anh ta cũng thét liền hai chữ đi nhưng con bò chỉ đi tới chứ không rẽ sang phải. Cô gái lại đọc:
 
-Một vùng cỏ mọc xanh rì
 
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu ( câu 259-260).

Nghe tiếng vắt, con bò liền rẽ sang phải.

Một giai thoại khác, nếu đem vận vào thời đại bây giờ thì càng hợp cảnh hợp tình hơn. Có anh chàng nọ vào chốn hồng lâu- cũng có thể là quán bia ôm! - Vừa rẽ bức rèm the anh ta chợt thấy ông bố đang hú hí với cô đào ruột của mình. Ngượng quá, anh ta trỏ vào mặt cô gái mà chửi:

-Dám đem trần cấu dự vào bố (kinh) (câu 506).
 
Ông bố cũng sượng trân người. Để chữa thẹn, ông tát vào má cô ả và mắng:

- Mượn màu son phấn đánh lừa con (đen). (câu 1414)

Hai cha con kia đúng là “dương phụ sinh dương tử”, nhưng mà chắc chắn họ đều rất giỏi Kiều.
 
Lẩy Kiều bao gồm nhiều cách. Có thể ghép những câu lục và câu bát ở những đoạn chẳng liên quan gì nhau thành hai câu lục bát bao hàm một ý nghĩa mới nào đó. Cũng có thể lấy một câu bát bỏ bớt hai chữ cuối thành câu lục, còn câu bát thì được cấu tạo từ một câu lục có sẵn cộng thêm hai chữ đầu của câu bát tiếp theo.

- Thênh thang đường cái thanh vân (hẹp gì) (câu 2478),
 
Một xe trong cõi hồng trần như bay (câu 908). (Tả chiếc ô-tô)
 
- Thôi thôi đã mắc vào vành …(chẳng sai) (câu 1810)
 
Dám nhờ cốt nhục tử sinh…còn nhiều. (câu 1099- 1100). (Đụng xe)
 
Ngày xuân con én đưa thoi, chép vài câu lẩy Kiều góp vui cho các bạn đọc cũng được một vài…phút. Hy vọng rằng thú chơi thơ tao nhã này sẽ được ai đó đồng điệu. Có điều, để lẩy được Kiều phải thuộc Kiều, và thuộc như học trò thuộc bảng cửu chương vậy!
 
Theo Phan Văn Minh/thangbinh.quangnam.gov.vn

Di sản văn hóa