nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Khảo cổ học 2015: Nhiều phát hiện quan trọng.


Như tin đã đưa, từ ngày 17 - 19.9 tại TP Huế, Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm KHXH) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Hội nghị thông báo “Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 50” năm 2015 với sự tham dự của hơn 300 đại biểu là các nhà quản lý, nhà nghiên cứu trong cả nước. Trong đó, BTC đã nhận được 356 thông báo của các tác giả trong và ngoài nước về những phát hiện, nghiên cứu khảo cổ trong năm 2015.


Các đại biểu tham quan không gian trưng bày tư liệu về khảo cổ học trong năm 2015

Nhiều phát hiện mới tại di tích các hoàng triều

Cuối năm 2014, Bảo tàng Thái Bình và Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã khai quật di tích hành cung Lỗ Giang. Dấu vết nền móng của công trình kiến trúc tìm thấy đã minh chứng đây là một công trình kiến trúc khá đồ sộ. Nhiều nhà chuyên môn nhận định nơi đây thời nhà Trần đã xây dựng một tổ hợp nhiều công trình kiến trúc lớn, quy mô có cấu trúc giống với các kiến trúc kiểu cung điện như ở Hoàng thành Thăng Long.

Cũng trong thời gian này, Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành tiến hành khai quật thăm dò di tích Ngải Sơn lăng (lăng Vua Trần Hiến Tông). Cuộc khai quật tại đây đã cung cấp một số tư liệu bước đầu về quy mô của di tích, xác định được một số dấu vết kiến trúc và một phần cấu trúc của khu lăng tẩm này.

Tháng 5.2015 vừa qua, Viện Khảo cổ học và Sở VHTTDL Thanh Hóa khai quật tại khu vực Hào thành- thuộc di tích Thành nhà Hồ. Kết quả khai quật đã cho thấy diện mạo của một hào thành cổ thời Trần - Hồ với những nét cơ bản như cấu trúc, kích thước, độ sâu, kĩ thuật xây dựng… Khu vực nền chân thành với sự gia cố tương đối chắc chắn so với một tòa thành xây hoàn toàn bằng đá, các bờ kè đá, đặc biệt là bờ kè phía Nam và bờ kè dưới phía Bắc hoàn toàn được làm vào thời Trần - Hồ. Đây là tư liệu quý góp phần nghiên cứu chính xác hơn các công trình quân sự của thời Trần - Hồ.

TS Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Nghiên cứu Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ) khẳng định: “Việc nghiên cứu khảo cổ tại di tích Thành nhà Hồ đã đạt kết quả rất tốt, góp tài liệu khẳng định giá trị lịch sử văn hóa của di tích đã được UNESCO vinh danh. Tuy nhiên với diện tích rộng, việc nghiên cứu này cần tiếp tục trong tương lai. Nhiều người còn đề nghị rằng với tầm nhìn này phải đến 2030 hoặc 2050 mới hiểu được kết quả nghiên cứu của di tích này”.

Trong chương trình nghiên cứu về di tích Cổ Loa (Hà Nội) năm 2015, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Viện KCH phối hợp với Đại học Wisconsin - Madison (Hoa Kỳ) khai quật Ụ Hỏa Hồi và Thành Nội và đã có những phát hiện mới về kỹ thuật, thời gian (các giai đoạn đắp thành) qua địa tầng, sưu tập di vật trong các lớp đào. Trong đó, các nhà khoa học của Đại học Wisconsin - Madison đã cung cấp nhiều thông tin và bằng chứng cho rằng đã tồn tại một Nhà nước thời tiền sử tại đây. Nhà nước này phát triển mạnh mẽ và tồn tại từ nhiều thế kỷ trước đó hơn cả các quốc gia nổi tiếng Đông Nam Á như Angkor hay Cham pa… Vấn đề này đã xóa tan lập luận của nhiều nhà nghiên cứu trong nước cho rằng không có thành phố hoặc nhà nước ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng cho đến sau khi Trung Quốc tới.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long và Viện Khảo cổ học tiếp tục khai quật ba hố tại khu vực Khu di tích Điện Kính Thiên (thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long). Những dấu tích kiến trúc và di vật đã xác định được rõ tầng văn hoá liên tục từ thời Đại La qua thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn; làm rõ không gian kiến trúc khu vực chính điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng.

Di tích cần được bảo vệ

Đầu tháng 9.2015, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Tĩnh đã kết thúc khai quật Di tích Cồn Cọc thuộc thôn 3, xã Bình Lộc- huyện Lộc Hà. Đoàn khai quật đã gióng tiếng chuông cảnh báo di tích đang bị xâm hại nghiêm trọng. Các tiểu ban tại hội nghị (tiểu ban khảo cổ học thời đại Đá; khảo cổ học thời đại Kim khí; khảo cổ học lịch sử; khảo cổ học Chăm pa – Óc Eo và khảo cổ dưới nước) khi thảo luận đều có ý kiến về việc bảo vệ di tích.

TS Nguyễn Tiến Đông, đại diện tiểu ban khảo cổ học Chăm pa – Óc Eo và khảo cổ dưới nước kể rằng: Nạn trộm cổ vật ở các con tàu đắm tại vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) rất đáng báo động. Trong thời gian khai quật, khi đoàn chuyên gia rút đi, lực lượng công an cũng vừa rời đi là hàng chục chiếc tàu chờ chực để lặn trộm. Thậm chí, cơ quan chức năng đã phải dùng những thanh sắt phi lớn để hàn thành hình lưới bao bọc quanh con tàu để bảo vệ, nhưng cổ vật vẫn bị trộm trắng trợn.

Ông Đông cũng bày tỏ ý kiến “tiếc” khi khai quật một phần di tích Chăm pa Triền Tranh (thuộc địa bàn huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) để giải phóng mặt bằng cho việc triển khai dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi. Khi thực hiện dự án, địa phương đã tránh di tích Triền Tranh (đường cao tốc cách điểm cắm mốc di tích 70m). Tuy nhiên do di tích quá rộng nên việc phát lộ nằm ngoài dự kiến.

“Ý kiến muôn đời của chúng tôi vẫn là cảnh báo và cần ngăn chặn nạn xâm hại di tích. Với tốc độ phát triển như hiện nay, việc xâm hại và tác động đến di tích không hề nhỏ. Các bạn trẻ cũng cần dấn thân nhiều hơn nữa trong các cuộc khảo cổ sắp tới”, TS Đông phát biểu.Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng: Hiện nay không ít dự án xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của nhiều khu vực cũng cần tham khảo đến việc khảo cổ học để nắm rõ quá trình lịch sử. Do đó cần có tổng kết những đóng góp của khảo cổ học trong thời gian qua; xây dựng hồ sơ về di tích khảo cổ học, hướng đến xây dựng bản đồ khảo cổ trong cả nước.

 

 

Theo Sơn Thùy/vănhoa Online