Loading...
|
Đi tìm cội nguồn cặp kèn đá tiền sử 'độc nhất, vô nhị'Ngày 23 tháng 03 năm 2016
Thoáng nhìn tưởng chừng cả hai khối đá đó không có giá trị lớn, nhưng khi cất công tìm hiểu cội nguồn mới biết đó là cặp kèn đá tiền sử "độc nhất, vô nhị".
Bộ kèn đá Tuy An - báu vật quốc gia.
Trong số hàng trăm cổ vật đang lưu giữ ở Bảo tàng Phú Yên, ngoài bộ đàn đá Tuy An từng gây chấn động trong giới khảo cổ học và những chuyên gia nghiên cứu âm nhạc trong nước, còn có hai khối đá dáng dấp như hai con cóc. Thoáng nhìn tưởng chừng cả hai khối đá đó không có giá trị lớn, nhưng khi cất công tìm hiểu cội nguồn mới biết đó là cặp kèn đá tiền sử "độc nhất, vô nhị".
1. Người đầu tiên tìm thấy một trong hai khối đá lớn có hình dáng con cóc là ông Đỗ Phán, trú ở thôn Phú Long, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thời điểm đó cách đây hơn 23 năm, trong lúc đào móng xây dựng nhà chùa trên phế tích Chăm ở thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An, ông Phán nhặt được khối đá nêu trên có ba lỗ hình tròn, khi đưa miệng thổi hơi vào phát ra âm thanh tựa như tiếng kèn.
Nghe tin cụ "cóc đá" tạo ra âm thanh trầm hồn, âm sắc nguyên sơ, một tổ công tác của Sở Văn hóa thông tin (VH-TT) - nay là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Yên đã tìm đến nhà ông Đỗ Phán đề nghị người nông dân này chuyển giao hiện vật lạ hiếm thấy cho Bảo tàng Phú Yên trưng cầu các nhà khoa học nghiên cứu và đánh giá giá trị lịch sử - văn hóa nghệ thuật.
Lúc đầu cả gia đình ông Phán do dự, né tránh chỉ vì nhiều người dân địa phương cho rằng đó là cổ vật có giá trị cần phải cất giấu để bán cho giới săn lùng đồ cổ. Phải mất hơn hai giờ lựa lời thuyết phục tế nhị, tổ công tác của Sở Văn hóa thông tin Phú Yên mới tiếp nhận cụ "cóc đá" đưa về TP Tuy Hòa.
Gần một tháng sau, trong lúc công tác nghiên cứu khoa học chưa được tiến hành thì ông Đỗ Phán bất ngờ tìm đến Bảo tàng Phú Yên. Nhiều người nhầm tưởng ông Phán đòi lại cổ vật, không ngờ lão nông này mang đến một thông tin bất ngờ và thú vị. Đó là hơn ba thập kỷ trôi qua, các nhà sư ở chùa Thiền Sơn tọa lạc ở phía Nam đèo Quán Cau trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa phận thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An đã lưu giữ một cụ "cóc đá" khác.
Thông tin hấp dẫn đó đã cuốn hút nhóm cán bộ, chuyên viên Bảo tàng Phú Yên khẩn trương vào cuộc xác minh sự thật. Và khi cửa phòng chánh điện chùa Thiền Sơn mở ra, những người làm công tác khảo cổ đều tỏ thái độ ngạc nhiên bởi trước mắt họ là một cụ "cóc đá" đặt trên kệ gỗ có kích thước nhỏ hơn cụ "cóc đá" ông Đỗ Phán đã tìm thấy, nhưng trên thân cũng có ba lỗ hình tròn, khi thổi hơi vào phát ra âm thanh như tiếng kèn.
Với lý do đó là kỷ vật của bậc sư thầy để lại sau khi viên tịch, người trụ trì chùa Thiên Sơn lúc đó đã lựa lời từ chối chuyển giao cụ "cóc đá" cho Bảo tàng Phú Yên, cho dù các chuyên viên khảo cổ đã kiên trì thuyết phục suốt cả buổi sáng. Hơn một tuần sau đó, khi có sự tác động tích cực của Hòa thượng Thích Khế Hội - Trưởng Ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ, cụ "cóc đá" thứ hai đang lưu giữ ở chùa Thiền Sơn mới được đưa về Bảo tàng Phú Yên hội tụ với cụ "cóc đá" thứ nhất do ông Đỗ Phán tìm thấy sau 30 năm lưu lạc.
2. Một Hội đồng khoa học do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xinh, Viện trưởng Viện Âm nhạc - múa Việt Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Bùi Sơn Hải đảm trách đồng Chủ tịch cùng các Tiến sĩ, nhạc sĩ, kỹ sư tiến hành nghiên cứu hai cụ "cóc đá" theo Quyết định số 1988/QĐ-TC ngày 16/5/1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin - nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sau khi nhóm chuyên gia tiền trạm đã khảo sát sơ bộ và nhận định đó là cổ vật do con người tạo ra.
Theo số liệu do Bảo tàng Phú Yên đo đạc cho thấy, cụ "cóc đá" lớn tiếp nhận từ gia đình ông Đỗ Phán có trọng lượng 75kg, đáy rộng 40 cm, cao 35 cm, chiều cong lưng cóc 55 cm, lỗ thổi âm thanh 2,5 cm uốn cong đến lỗ thoát hơi với chiều dài 29,6 cm, ở một bên có lỗ khoét sâu 11,7 cm kết nối với đường thổi để đặt ngón tay cái vào đó điều khiển âm thanh giảm độ rung. Cụ "cóc đá" nhỏ tiếp nhận từ chùa Thiền Sơn nặng 34,5 kg, đáy rộng 29 cm, cao 35 cm, chiều cong lưng cóc 52 cm, lỗ thổi âm thanh 1,8 cm uốn cong đến lỗ thoát hơi với chiều dài 29,5 cm, ở một bên có lỗ khoét sâu 8,7 cm kết nối với đường thổi.
Trong một lần tiếp xúc với phóng viên Cảnh sát toàn cầu, Thượng tọa Thích Nguyên Lai - trụ trì chùa Thiên Sơn cho biết, hai cụ "cóc đá" đã được tìm thấy từ thời xưa và lưu giữ tại chùa Hậu Sơn - còn gọi là chùa Hố Thị ở thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An. Nhiều bậc sư thầy trụ trì luôn coi đó là báu vật linh thiêng và chỉ sử dụng thay cho "kèn hiệu" để mời gọi thiện nam, tín nữ đến chùa vào những ngày rằm và lễ hội.
Giữa năm 1964, ngôi chùa Hậu Sơn đã bị thiêu cháy sau những trận bom rơi đạn lạc giữa cuộc chiến tranh, Hòa thượng Thích Tâm Thân, pháp hiệu Từ Thạnh phải đưa hai cụ "cóc đá" lên lưng ngựa, sơ tán xuống xã An Hiệp, huyện Tuy An để lập chùa Thiền Sơn từ năm 1969. Do chặng đường xuống núi gập ghềnh đèo dốc, trên lưng ngựa thồ nhiều vật dụng khác của nhà chùa, nên vị Hòa thượng đành phải bỏ lại cụ "cóc đá" lớn khi mới đi được một đoạn đường.
Trước lúc viên tịch vào giữa năm 1971, vị Hòa thượng 98 tuổi vẫn gượng sức bày tỏ ước muốn các đệ tử của mình dành thời gian tìm kiếm cụ "cóc đá" lớn. Mãi đến cuối năm 1993, trong lúc đào móng xây dựng chùa trên phế tích Chăm, ông Đỗ Phán đã nhặt được cụ "cóc đá" lớn, còn cụ "cóc đá" nhỏ được lưu giữ ở chùa Thiên Sơn suốt 30 năm.
Sau một hành trình vận chuyển từ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vào quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh để Nghệ sĩ nhân dân Đỗ Lộc thổi hơi vào hai cụ "cóc đá" cho các chuyên gia kỹ thuật ở Nhà máy Z755 thuộc Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng đo đạc, xác định tần số cơ bản, thanh âm.
Giữa lúc công tác nghiên cứu khoa học chưa có hồi kết, bất ngờ một ngày cuối tháng 3/1996, Giáo sư Nguyễn Xinh tử nạn giao thông, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật kiêm Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam được mời kế nhiệm Chủ tịch Hội đồng khoa học.
Trong chuyến đi thực tế ở Phú Yên sau đó, các kỹ sư Đoàn địa chất 703 đã khoanh vùng dấu tích chùa Hậu Sơn, mở rộng diện tích khảo sát và đã xác định hai cụ "cóc đá" được chế tác từ đá bazan trong vùng.
Từ những tài liệu nghiên cứu với các chủ đề "Kết quả nghiên cứu địa chất học", "Cặp kèn đá tiền sử - Hai hiện vật lạ ở Phú Yên dưới góc độ âm thanh nhạc học và nhạc khí học lý luận" của Tiến sĩ Quang Văn Cậy, Kỹ sư Nguyễn Cảnh Hiền, Giáo sư, Nhạc sĩ Tô Vũ, Hội đồng khoa học kết luận:
"Hai hiện vật được phát hiện dưới lòng một phế tích Chămpa ở thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên và đã được các nhà sư lưu giữ qua 7 đời trụ trì chùa Hậu Sơn, ước tính trên 150 năm. Người xưa đã sử dụng một phần hang hốc ban đầu của khối đá bazan cầu có chứa aragonit để chế tác "ốc hiệu", nhiều khả năng sản phẩm đó của người Chăm, có niên đại khoảng thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ VII sau Công nguyên.
Khi thổi hai cụ "cóc đá" có quan hệ cung bậc âm nhạc, nhạc âm cụ "cóc đá" nhỏ nối dài thang âm cụ "cóc đá" lớn. Âm thanh cụ "cóc đá" lớn vang vọng, sắc sảo hơn cụ "cóc đá" nhỏ, và khi cả hai cùng hòa tấu sẽ tạo nên một thứ âm thanh cuốn hút người nghe. Hai cụ "cóc đá" đá là nhạc cụ khí hơi, chỉ dăm môi, nên có thể gọi là "kèn đá".
Nhạc âm của cặp "kèn đá" nêu trên trùng hợp với nhạc âm bộ "đàn đá" Tuy An tìm thấy năm 1992. Nét độc đáo của hai loại nhạc cụ tiền sử này là có thể hòa tấu với nhiều loại nhạc khí hiện đại. Từ xa xưa, kèn sừng thú được ví là thủy tổ nhạc khí dăm môi, thế nhưng kết quả nghiên cứu hai cụ "cóc đá" cho thấy nguyên liệu và phương pháp chế tác nguyên thủy hơn".
Để thổi được "kèn đá" - một thứ "đặc sản" âm nhạc "độc nhất, vô nhị", người nghệ sĩ phải biết nén hơi mới tạo được âm thanh hài hòa. Cũng như bộ đàn đá, cặp "kèn đá" Tuy An cũng đã được các nghệ sĩ ở Phú Yên thể hiện rất thành công trong nhiều chuyến đi biễu diễn ở trong và ngoài nước. Sau khi cảm nhận âm thanh từ cặp kèn đá Tuy An, nữ Tiến sĩ Katherine Mauller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã đề nghị các cơ quan chức trách ở Phú Yên lập hồ sơ để Tổ chức UNESCO công nhận nhạc cụ "độc nhất, vô nhị" này cùng với bộ đàn đá Tuy An là di sản văn hóa nhân loại.
Theo Baomoi.com
Di sản văn hóa
|