nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Con trâu trong văn hóa sản xuất truyền thống


Trong đời sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng Đông Nam Á thì con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp. Từ xa xưa cuộc sống của người nông dân gắn bó với con trâu.
 
Tục lệ chọn trâu
 
Con trâu vừa là công cụ sản xuất - sức kéo, vừa là bạn của nhà nông. Con trâu đi vào ca dao tục ngữ trở thành hình ảnh đẹp đẽ gắn bó với con người trong bài ca lao động sản xuất “trên đồng cạn dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”.
 
Từ xa xưa, con trâu luôn gắn bó thân thiết với người nông dân Việt Nam.
 
Người nông dân sử dụng trâu vào mục đích cày kéo (cày ruộng, kéo xe, kéo mật, kéo gỗ) sinh sản, nuôi lấy thịt, nuôi làm vật cúng tế (lễ đâm trâu), làm vật thi đấu (chọi trâu). Đồng bào coi môn chọi trâu ở quy mô làng xã là hình thức thể thao dân tộc gắn với lễ hội bản làng và nghi thức tín ngưỡng sản xuất theo chu trình mùa vụ. Chọi trâu xưa giản dị, thanh tao vui khỏe thu hút cộng đồng dân cư làng xã tới cổ vũ chứng giám.
 
Việc chọn trâu tốt để nuôi là điều quan tâm hàng đầu của người nông dân, bởi vì con vật ấy là đầu cơ nghiệp. Kinh nghiệm chọn giống trâu được bà con ta từ xưa đúc kết thành câu thành ngữ: “Tai lá mít, đít lồng bàn, sừng cánh ná, dạ bình vôi”. Quả thực câu thành ngữ đã dựng lên diện mạo một con trâu chắc khoẻ, đẹp mã, dẻo dai, dũng mãnh, ra dáng đáng mặt làm trâu. Thật không hổ thẹn khi người ta nói yếu trâu còn hơn khoẻ bò là vậy.
 
Tục lệ dạy trâu
 
Người Mông, Dao, Mường, Thái, Tày, Nùng... sống ở núi cao đất dốc, canh tác chủ yếu dựa vào nương rẫy và ruộng bậc thang trong điều kiện thiên tai, thời tiết khí hậu rất khắc nghiệt. Với môi trường sinh thái hiếm nước, thiếu cỏ về mùa khô, rét cắt da và sương muối về mùa đông, lũ ống lũ quét, lở đất đá về mùa mưa thì đàn trâu cũng phải “thần trâu” lắm mới trụ vững nổi.
 
Chợ trâu
 
Vì vậy, đồng bào ở một số vùng rất quan tâm tới việc dạy trâu. Trong một bản không phải ai cũng biết dạy trâu, người biết dạy trâu phải có kinh nghiệm lượng sức lực của nó, lượng mức tinh khôn của nó mà dạy nó cho phù hợp.
 
Đồng bào sử dụng muối ăn pha loãng rẩy vào rơm cỏ, lõi ngô cho trâu ăn thêm “để dạy” cho nó khỏi quên chuồng, quên đàn, khỏi lạc bầy lạc bạn. Bà con dùng chính con ong đất để dạy cho nó nhận biết phát hiện ong đất (loại ong to con có nọc rất độc, có thể đốt chết trâu) mà né tránh không đụng tới tổ. Vất vả nhất là việc dạy cho trâu biết nghe tín hiệu chỉ bảo của người, biết cày trên ruộng bậc thang, trên sườn đất dốc. Ở vùng ruộng nương lẫn nhiều đá, con trâu phải “mẫn cảm” khi lưỡi cày chạm đá để kịp dừng bước, nếu không sẽ gãy bắp cày, mẻ lưỡi cày như bỡn.
 
Người nông dân dạy trâu công phu tỉ mỉ từ việc leo dốc lên ruộng nương đến việc vượt qua các hòn đá mà không bị xô xuống vực sâu, không bị lăn từ núi dốc xuống. Do được dày công luyện tập, dạy dỗ công phu mà đàn trâu trong các bản của đồng bào vùng dân tộc tinh khôn hơn, có sức bền bỉ hơn, chịu rét, chịu khát tốt hơn. Con trâu trở thành loài vật gắn bó mật thiết với việc sản xuất trên đất dốc của người miền núi, vùng cao.
 
 
Lễ hội thi trâu
 
Nuôi trâu béo, trâu khoẻ, trâu đẹp là ước mơ của gia đình người nông dân. Trước đây việc chăn trâu cắt cỏ thuộc về trẻ em, đây là việc làm có ích để giúp đỡ gia đình, là hình thức phân công lao động hợp lý đối với cư dân nông nghiệp. Có biết bao câu chuyện dân gian về trẻ chăn trâu để lại tiếng cười vui hóm hỉnh và những bài học đạo đức sâu sắc. Có biết bao trò vui đùa nghịch ngợm của trẻ chăn trâu được lưu truyền ghi lại dấu ấn không thể nào quên của cái thời tóc còn để trái đào, để chỏm.
 
Vào những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, ở nước ta rộ lên tục lệ hội thi trâu đầu xuân. Sau Tết, sau Rằm tháng Giêng vào dịp hạ cây nêu mở đầu mùa cày cấy, trong lễ hội xuống đồng sản xuất các làng đều nô nức thi trâu. Thi trâu được tổ chức theo quy mô từng làng, từng xã, từng vùng (liên xã) ít gặp thi trâu cấp huyện, cấp tỉnh. Các hộ có trâu béo, trâu khoẻ, trâu đẹp nô nức đưa trâu nhà mình đi thi. Trước ngày đi thi, trâu được chọn lựa kỹ càng, chăm sóc bồi dưỡng luyện tập chu đáo.
 
Hội thi thu hút đông đúc cộng đồng có trống dong cờ mở, có ban giám khảo chấm trâu gồm những người có uy tín, kinh nghiệm trong cộng đồng. Trước giờ thi trâu có liên hoan văn nghệ độc tấu thơ, ca, hò, vè về trâu, biểu dương thành tích nuôi trâu, chăm trâu. Vào hội, trâu đi thi được dắt một vòng qua bãi thi trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của mọi người. Ban giám khảo soi xét kỹ càng sức vó, độ nhanh nhẹn, khoang khoáy, sự hoàn hảo từ sừng đến móng, từ mõm đến đuôi để định đoạt ngôi thứ nhất, nhì, ba và khuyến khích. Có thể nói đây là hội thi “hoa hậu” trâu khỏe, trâu đẹp của nhà nông thì cũng không ngoa. Trâu được giải là niềm tự hào phấn khích của chủ hộ và đặc biệt là người trực tiếp nuôi trâu. Trâu được giải cấp làng được chọn đi thi cấp xã, được giải cấp xã đi thi cấp vùng. Sau mỗi mùa giải, người nuôi trâu, chủ trâu lại háo hức chăm sóc vỗ béo trâu để đón đợi mùa hội thi trâu năm sau.

 
Theo Ngô Quang Hưng/langvietonline.vn

Di sản văn hóa
Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết) Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.