nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Cọc Bạch Đằng - một đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam


Bãi cọc Bạch Đằng với những chiến công vang dội vẫn còn đó nhiều bí ẩn chưa được giải đáp và chứa đựng những lời nhắn gửi sâu sắc tới hậu thế.
 
Trong lịch sử dân tộc hiếm có dòng sông nào như Bạch Đằng. Nơi đây diễn ra ba lần đại thắng quân phong kiến phương Bắc:
 
1. Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 938 : Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, chấm dứt hơn nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc.
 
2. Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 981: Hoàng đế Lê Đại Hành đập tan quân Tống xâm lược
 
3. Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân xâm lược Nguyên - Mông (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba ).
 
Hiện ở khu vực cửa sông Bạch Đằng có 3 ngôi đền thờ 3 vị anh hùng trên, đó là đình Hàng Kênh (Lê Chân, Hải Phòng) thờ Ngô Quyền, đền Vua Lê Đại Hành ở thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và đền Trần Hưng Đạo ở phường Yên Giang, ( Quảng Yên, Quảng Ninh ).
 
Điều rất thú vị là trong ba lần đại thắng này, có đến hai lần vào năm 938 và năm 1288 quân dân nước Việt đã giành chiến thắng nhờ một thứ vũ khí duy nhất đó là bãi cọc Bạch Đằng.
 
Cọc Bạch Đằng giành độc lập tự chủ
 
Năm 931, Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán giành lại quyền tự chủ cho người Việt, tự xưng là Tiết độ sứ cai quản Tĩnh Hải quân (hiệu nước Việt Nam thời bấy giờ).
 
Năm 937, Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn làm phản, giết hại để cướp ngôi Tiết độ sứ. Con rể và là một tướng khác của Đình Nghệ là Ngô Quyền bèn tập hợp lực lượng ra đánh Công Tiễn để trị tội phản chủ. Công Tiễn sợ hãi, bèn sai người sang cầu cứu Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Nghiễm nhân cơ hội đó bèn quyết định đánh Tĩnh Hải quân lần thứ hai.
 
Lưu Nghiễm cho rằng Dương Đình Nghệ qua đời thì Tĩnh Hải quân không còn tướng giỏi, bèn phong con trai thứ chín là Lưu Hoằng Tháo làm "Bình Hải tướng quân" và "Giao Chỉ vương", thống lĩnh thủy quân.
 
Trong khi vua Hán đang điều quân thì Ngô Quyền đã tiến ra thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn. Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, ông bảo với các tướng tá rằng:
 
“Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát.
 
Ngô Quyền cho quân sĩ đóng cọc có bịt sắt nhọn xuống lòng sông Bạch Đằng. Khi thuỷ triều lên, bãi cọc không bị lộ. Ngô Quyền dự định nhử quân địch vào khu vực này khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống cho thuyền địch mắc cạn mới giao chiến.
 
Vào một ngày cuối đông năm 938, trên sông Bạch Đằng, vùng cửa biển và hạ lưu, cả một đoàn binh thuyền của do Hoằng Tháo chỉ huy vừa vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng.
 
Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít tưởng có thể ăn tươi, nuốt sống liền hùng hổ tiến vào. Ngô Quyền ra lệnh cho quân bỏ chạy lên thượng lưu. Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ.
 
Vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Nghe tin Hoằng Tháo tử trận, Nghiễm kinh hoàng, đành "thương khóc thu nhặt quân còn lại mà rút lui" (Đại Việt sử ký toàn thư). Từ đó nhà Nam Hán bỏ hẳn mộng xâm lược Tĩnh Hải quân.
 
Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên - Mông
 
Trận Bạch Đằng năm 1288 được một số nhà sử học đánh giá là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông.
 
Năm 1288, Trần Hưng Đạo đã nghiên cứu kỹ lưỡng quy luật thủy triều của con sông này để vạch ra thế trận cọc để mai phục quân Nguyên Mông. Các cây gỗ lim, táu được đẽo nhọn cắm xuống lòng sông ở các cửa dẫn ra biển làm thành những bãi chông ngầm lớn, kín đáo dưới mặt nước.
 
Thủy quân Đại Việt bí mật mai phục phía sau Ghềnh Cốc, Ðồng Cốc, Phong Cốc, sông Khoai, sông Thái, sông Gia Ðước, Ðiền Công, còn bộ binh bố trí ở Quảng Yên, dọc theo bờ bên trái sông Bạch Ðằng, Tràng Kênh ở bờ bên phải sông Bạch Ðằng, núi Ðá Vôi..., ngoại trừ sông Ðá Bạc là để trống cho quân Nguyên kéo vào. Ðại quân của hai vua Trần đóng quân ở Hiệp Môn (Kinh Môn, Hải Dương) trong tư thế sẵn sàng lâm trận cho chiến trường quyết liệt sắp xảy ra.
 
Khi Ô Mã Nhi dẫn đoàn thuyền tiến vào sông Bạch Đằng nhân lúc nước lớn, thủy quân nhà Trần tràn ra giao chiến, rồi giả thua chạy vào sâu bên trong. Ô Mã Nhi trúng kế khích tướng nên thúc quân ra nghinh chiến.
 
Khi thuyền quân Nguyên đã vào sâu bên trong khúc sông đã đóng cọc, đợi cho thủy triều xuống, thủy quân Đại Việt từ các phía nhanh chóng tiến ra sông Bạch Đằng, với hàng trăm chiến thuyền cùng quân lính dàn ra trên sông và dựa vào Ghềnh Cốc thành một dải thuyền tấn công chặn đầu thuyền địch ngang trên sông khiến quân Nguyên lúng túng và tổn thất rất nặng. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư: "nước sông do vậy đỏ ngầu cả”.
 
Bị bất lợi hoàn toàn, rất nhiều thuyền chiến của quân Nguyên bị cháy rụi, một số cánh quân Nguyên bỏ thuyền chạy lên bờ sông bên trái của Yên Hưng để tìm đường trốn thoát, nhưng vừa lên tới bờ lại bị phục kích của quân Trần. Ô Mã Nhi cùng với binh lính dưới quyền chống cự tuyệt vọng và cuối cùng bị quân Trần tiêu diệt.
 
Chiến thắng này dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của Đại Việt trong cuộc Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 3 và hoàn toàn phá tan âm mưu bành trướng xuống phía Nam của đế chế Nguyên Mông
 
Bí ẩn chưa có lời giải của bãi cọc Bạch Đằng
 
Cho đến tận ngày nay, bãi cọc Bạch Đằng vẫn còn nhiều điều khiến chúng ta phải ngưỡng mộ và chưa tìm được cách lý giải. Cho đến nay, có hai bãi cọc đã được phát hiện:
 
Một bãi cọc nằm trong một đầm nước giáp đê sông Chanh, thuộc Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Bãi cọc này được phát hiện vào năm 1953 khi người dân trong vùng đào đất đắp đê. Bãi hiện còn hàng trăm cọc, một số cọc được cắm thẳng đứng, đa số cọc nằm chếch theo hướng đông 15°, cắm theo hình chữ "chi" (之). Cọc phần lớn bằng gỗ lim, gỗ táu, đầu dưới vát nhọn, đầu trên đã bị gãy.
 
Độ dài trung bình các cọc từ 2 m đến 2,8 m; có cọc dài tới 3,2 m. Phần cọc được vát nhọn dài từ 0,8 m đến 1 m. Đầu phía trên của cọc nằm dưới mặt đất khoảng 0,5 m đến trên 1,5 m. Toàn bộ bãi cọc đã được xây kè bảo vệ với diện tích 220 m2, trong đó có 42 cọc ở nguyên trạng khi phát hiện, sâu dưới bùn hơn 2 m, nhô cao từ 0,2 đến 2 m. Mật độ cọc ở nửa bãi phía nam là một cây mỗi 0,9 đến 1,2 m, nửa bãi phía bắc có một cây mỗi 1,5 đến 2,2 m.
 
Một bãi cọc phát hiện năm 2005 tại cánh đồng Vạn Muối (thuộc Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), với hàng chục cây cọc trên một khu vực rộng 100 m, dài 300 m. Theo các nhà khoa học, người xưa đã dùng loại cọc đường kính 7 – 10 cm, to nhất là 20 – 22 cm, có cọc dài trên 2 m được cắm theo nhiều thế rất hiểm, thường xiên 45° theo một hướng ngược với dòng nước vì vậy khi đâm vào thuyền địch đang rút lui sẽ tạo thành lực đâm lớn hơn.
 
Căn cứ vào các bãi cọc được phát hiện các nhà khoa học đã phải bất ngờ về quy mô của chiến trường xưa, dài khoảng 5km, rộng từ 2 - 4 km.
 
Không chỉ bất ngờ về qui mô, điều cho đến nay các nhà khoa học chưa thể lý giải được là tại sao với các công cụ thô sơ thời bấy giờ, ông cha ta có thể đóng được một số lượng rất lớn những chiếc cọc dài và lớn sâu xuống lòng sông. Đặc biệt những chiếc cọc dài trên 2 m, có những cọc dài đến 3,2 m thì việc đóng xuống lòng sông và nghiêng một góc nhất định là điều khiến chúng ta khó hình dung nổi.
 
Vì đầu vát nhọn dài từ 0,8 đến 1 m không thể chế tác dưới nước mà được chế tác trên cạn nên không thể dùng vồ để đóng xuống lòng sông bời như vậy sẽ làm hỏng đầu nhọn. Ngược lại cũng không thể chế tác được vồ hoặc búa lớn có thể đóng được cọc lớn như vậy xuống lòng sông.
 
Một giả thiết được đưa ra là sử dụng cách ép cọc mà các loại máy công trình bây giờ hay sử dụng nguyên lý này. Các cọc được gắn thêm các thanh ngang và được tạo độ dao động bởi một vài người tác động lên các thanh ngang này. Với một tốc độ nhất định, sau mỗi lần cọc sẽ bị ép sâu xuống một đoạn. Một số mẫu gỗ nhỏ và thanh ngắn được coi là dấu vết của phương pháp này nhưng điều này chưa được kiểm chứng một cách hoàn toàn.
 
Làm cách này để ông cha ta đóng được một số lượng lớn các cọc gỗ lớn xuống lòng sông Bạch Đằng cho đến nay vẫn là một bí ẩn chưa được khám phá.
 
Cọc Bạch Đằng và lời nhắn gửi hậu thế
 
Cọc Bạch Đằng với những chiến công vang dội là những dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
 
Trước hết, cọc Bạch Đằng tượng trưng cho đó là ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam trước âm mưu bành trướng của các thế lực phong kiến phương Bắc.
 
Thứ hai cọc Bạch Đằng là sự thể hiện tài năng, sự sáng tạo tuyệt vời của nghệ thuật quân sự Việt Nam: lấy ít đánh nhiều, lấy thế thắng lực. Trong các chiến thắng này, nổi bật lên tên tuổi của hai vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền và Trần Quốc Tuấn.
 
Chiến thuật quân sự của Ngô Quyền rất độc đáo và đúng như nhận định của Lê Văn Hưu: "Mưu giỏi mà đánh cũng giỏi" hoặc "mưu tài đánh giỏi" (Đại Việt Sử ký Toàn thư). Theo các nhà quân sự, việc áp dụng chiến thuật lấy cọc nhọn đâm thuyền địch muốn thành công cần có hai yếu tố:
 
1. Phải dụ địch đến đúng bãi cọc đã đóng giăng bẫy khi thuỷ triều còn cao, bãi cọc chưa bị phát lộ.
 
2. Phải nắm rất vững quy luật thuỷ triều theo từng giờ và tính toán thời điểm để khi thuyền quân địch tới bãi cọc rồi, thuỷ triều mới rút, có như vậy thuyền địch mới bị mắc cạn và bị cọc đâm.
 
Chỉ khi có đủ hai điều kiện trên, mưu kế mới phát huy tác dụng. Nếu nước triều rút quá sớm so với dự định, bãi cọc sớm phát lộ, thuyền địch sẽ biết và tránh xa cảnh giác, như vậy mưu sự hỏng. Không những thế, rất có thể chính các thuyền phía quân mình sẽ bị vướng cọc, thành "gậy ông đập lưng ông".
 
Nếu nước triều rút quá muộn so với dự định, thuyền chiến của địch cứ thế vượt qua, không có trở ngại gì, coi như bãi cọc đóng xuống vô tác dụng. Vì vậy, để mưu sự thành công, ngoài việc chuẩn bị cọc nhọn một cách bí mật và hoàn thành sớm, việc dụ địch đi theo đúng lộ trình mình muốn và đến vào thời điểm mình muốn mang ý nghĩa quyết định. Mưu sự thành công có thể quyết định toàn bộ cuộc chiến chỉ trong một trận đánh và Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn đã thành công bởi mưu kế độc đáo và tính toán, vận dụng chính xác quy luật của tự nhiên.
 
Thứ ba cọc Bạch Đằng là lời nhắc nhở đanh thép quân xâm lược sớm từ bỏ mộng bá quyền, dân tộc Việt Nam tuy có lúc thăng lúc trầm nhưng chưa bao giờ lùi bước trước giặc ngoại xâm.
 
Theo Hà Dũng /Trí Thức Trẻ