Lâu nay, trong các tài liệu lịch sử, cả trong sách giáo khoa lịch sử lớp 7 cũng nhắc đến một hội nghị nổi tiếng - Hội nghị Bình Than, nơi vua quan nhà Trần bàn kế sách đánh giặc Nguyên - Mông lần thứ hai (1282). Vậy bến Bình Than ở đâu, tên gọi "Hội nghị Bình Than" đã chuẩn xác?

 

Cây duối đại thụ và chứng tích Hội nghị Bình Than


Tích xưa truyền lại Một lần tình cờ, tôi được nghe chị bạn ở xã Nam Hưng (Nam Sách, Hải Dương) kể rằng, ở làng chị vẫn còn hai cây duối cổ thụ, tương truyền là nơi quan quân nhà Trần buộc ngựa để tham dự Hội nghị Bình Than, bàn kế đánh giặc Nguyên Mông lần thứ hai. Tôi quyết định lên đường về quê chị, những mong tìm được dấu tích của nơi diễn ra Hội nghị nổi tiếng này.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Mùa đông, tháng 10 (11/1282), vua ngự ra bến Bình Than, đóng ở vụng Trần Xá họp vương hầu bách quan, bàn kế sách công thủ và chia quân đóng giữ những nơi hiểm yếu. Lấy Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân". Các dịch giả ghi chú: "Bình Than: Đoạn sông Lục Đầu chảy qua huyện Chí Linh tỉnh Hải Hưng ngày nay. Vũng Trần Xá (Trần Xá loan): Có lẽ là chỗ hợp lưu hai con sông Thái Bình và Kinh Thầy. Chỗ này về sau vẫn còn xã Trần Xá".

Hiện nay, tại xã Nam Hưng, Nam Sách, Hải Dương có địa danh mang tên này. Đó là thôn Trần Xá. Theo những câu chuyện mà người dân trong làng vẫn truyền tai nhau qua hàng trăm năm nay thì địa danh này có mối liên hệ với Hội nghị Bình Than như trong Đại Việt sử ký toàn thư đề cập.

Trần Xá giờ đã khang trang. Đường vào làng quanh co, nhà cửa san sát. Nhà ông Trần Thi, 86 tuổi, nguyên là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương nằm sâu trong làng. Ông Thi được biết đến là một trong số ít người già còn minh mẫn, là "pho sử sống" của làng.

Ông Thi kể: "Ngày còn nhỏ, tôi đã được nghe các cụ truyền tai nhau câu chuyện rằng, khi giặc Nguyên Mông kéo đến đánh nước ta, vua Trần triệu tập Hội nghị Bình Than để bàn kế đánh giặc ở ngay trong làng. Sở dĩ có tên này vì trước đây vùng này mênh mông sông nước. Cách làng chừng ba km là bến Bình, bên kia sông là kênh Than (thuộc Bắc Ninh ngày nay), hội nghị họp ở giữa nên gọi là hội nghị Bình Than".

Rồi ông tiếp chuyện: "Hiện nay, trong làng vẫn còn dấu tích là hai cây duối cổ thụ, tương truyền là nơi quan quân buộc ngựa để đến dự hội nghị".

Dẫn tôi ra thăm hai cây duối, anh Hoàng Văn Định, cán bộ văn hóa xã Nam Hưng xác nhận: "Từ trẻ con đến người già trong làng, ai cũng biết đến tích của hai cây duối này". Hiện tại, hai cây duối nằm sát nghĩa trang. "Để ngăn người dân không được xây mộ lấn vào khu đất của hai cây duối, chính quyền xã đã vận động người dân, đồng thời xây tường bao ngăn cách", anh Định cho biết.

Quan sát hai cây duối có thể nhận thấy dấu tích thời gian hiện rõ trên thân cây với những lớp vỏ xù xì, rêu phong, đường kính hơn một vòng tay người lớn. Một cây bị mục rỗng lõi, tạo thành khe sâu và rộng, chỉ còn lớp vỏ bên ngoài, nghiêng hẳn về một phía. Chính quyền xã phải dựng cột bê tông để chống cho cây khỏi đổ.

Trong cuốn "Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Nam Hưng" (NXB Hải Phòng, 2005) cũng có ghi: "Cuối thế kỷ thứ XIII trên bãi bồi của sông Kinh Thầy thuộc địa phận Trần Xá đã diễn ra Hội nghị Bình Than, đây là hội nghị lịch sử của các Vương Hầu bá quan nhà Trần, do vua Trần Nhân Tông trực tiếp lãnh đạo (tháng 11/1282) để bàn kế sách đánh quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai... Vinh dự cho nhân dân Trần Xá, trực tiếp là bà con xóm Chằm được phục vụ Hội nghị, nhất là việc ăn nghỉ đi lại của các bá quan văn võ nhà Trần. Cái tên Trần Xá Loan mà nhà Trần ban tặng cho xóm Chằm và hai cây duối cổ thụ các tướng Trần buộc ngựa ở nơi đây đã chứng minh điều đó".

Bến Bình Than ở đâu?

Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hải Dương đã có nhiều năm lăn lộn khắp các dải đất của tỉnh để nghiên cứu, tìm hiểu, bóc tách những lớp trầm tích văn hóa nơi này. Ông cho rằng, lâu nay trong các tài liệu đã có sự "tam sao thất bản" khi nhắc đến "Hội nghị Bình Than". Ngay nơi diễn ra hội nghị vẫn còn là điều tranh cãi.

Theo ông Hoành, cần phải bám sát cuốn Đại Việt sử ký toàn thư để đưa ra câu trả lời cho chuẩn xác. Căn cứ vào nội dung về hội nghị tháng 10/1282 mà cuốn sách này đề cập, đồng thời lần theo Cương mục chính biên ghi "Bình Than là tên bến, ở xã Trần Xá, huyện Chí Linh", ông Hoành cùng các nhà sử học đã tiến hành khảo sát thực địa. "Khi khảo sát thực địa thì dân địa phương cũng có người cho rằng bến Bình Than ở phía tây Trần Xá. Khảo sát xã Cao Đức (Gia Bình, Bắc Ninh) thì bến Bình Than thuộc hữu ngạn (thuộc ngã ba sông Đuống và sông Lục Đầu). Trên bản đồ hiện tại cũng như thế", ông Hoành cho biết.

Cũng theo ông Hoành, Bình Than vừa là tên bến, tên làng, đồng thời cũng là tên của một con sông thời Trần. Lý giải điều này, ông cho rằng, thời phong kiến, một con sông thường có nhiều tên gọi khác nhau, khi chảy qua địa phận nào thường có tên riêng của địa phận ấy. Đến đầu thế kỷ XX, việc đặt tên các con sông mới nhất quán.

"Tên sông Bình Than còn tồn tại đến thời Lê Sơ, bằng chứng là trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết "Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước". Tuy nhiên, đến thời cuối Lê thì tên này không còn thông dụng nữa mà chỉ thấy ghi Lục Đầu giang", ông nói.

Ông Hoành cũng cho biết thêm, hiện nay bên Bắc Ninh vẫn còn những địa danh như Tiểu Than, Bình Than, Đại Than. "Trong nhiều tài liệu gọi "Hội nghị Bình Than" dẫn đến sự nhầm tưởng rằng bến Bình Than là nơi diễn ra hội nghị. Theo cách hiểu này thì nó thuộc về Bắc Ninh ngày nay. Song thực chất không phải như vậy", ông Hoành khẳng định.

Vậy, thực sự thì đâu mới là nơi diễn ra hội nghị tháng 10/1282? Tên gọi "Hội nghị Bình Than" đã chuẩn xác?

"Việc xác định địa điểm diễn ra Hội nghị tháng 10/1282 và tên gọi Hội nghị sẽ giúp sáng tỏ nhiều vấn đề của lịch sử mà lâu nay chúng ta "quen tên". Một trong những cứ liệu quan trọng nhất là cuốn Đại Việt sử ký toàn thư. Tiếc là đôi khi nó chưa được người đời lưu tâm đúng mức". Ông Tăng Bá Hoành (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hải Dương)