nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Ấn phẩm - Sách

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

CẢO THƠM LẦN GIỞ...GIẢNG VĂN TRUYỆN KIỀU


Đầu năm 1991, Lê Bảo cho ra mắt bạn đọc bộ sách hai tập "Những bài thơ hay với trường trung học" (N.X.B Hà Nội). Đầu năm 1992, anh lại cho ra cuốn "Thơ lãng mạn việt Nam Các tác gia tiêu biểu" (N.X.B Hội Nhà văn). Và giữa năm 1992 này, anh đang chuẩn bị cho ra tiếp cuốn sách "CẢO THƠM LẦN GIỞ" -thực chất là giảng văn Truyện Kiều. Tất cả là để phục vụ cho việc dạy và học văn trong nhà trường phổ thông trung học và phổ thông cơ sở.Chỉ một năm rưỡi mà viết được bốn cuốn sách như thế, phải nói là nhanh và nhiều. Nhanh, nhiều, không phải trường hợp nào cũng là hay là tốt,nhất là trong hoàn cảnh nền kinh tế hàng hóa đó đây, ít nhiều đang chi phối,hủy hoại văn chương như hiện nay. Nhưng với tác giả Lê Bảo, đọc mấy cuốn sách anh viết thì thấy đúng như nhà phê bình văn học tên tuổi, giáo sư Trương Chính từng viết trong lời giới thiệu công trình  đầu tay của anh: "Những bài thơ hay với trường trung học" rằng: " Năng khiếu cảm thụ của anh Lê Bảo khá phong phú, dồi dào, nhạy bén và đa dạng". Tôi muôn nói thêm : Sách của Lê Bảo chủ yếu là loại sách phân tích tác phẩm nhằm phục vụ phân môn giảng văn trong nhà trường. Phân môn giảng văn vốn là rất khó. Nó đòi hỏi người giảng phải có nhiều phẩm chất trong năng lực văn nói chung. Có được một năng khiếu cảm thụ " khá phong phú, dồi dào, nhạy bén và đa dạng " như anh Lê Bảo mà giáo sư Trương Chính, đã biểu dương một cách công bằng, thì đã xem như là có một yếu tố cần thiết nhất, căn cứ vào yêu cầu và thực tế lâu nay của việc dạy giảng văn.

Giảng văn mà không có hoặc là nghèo năng khiếu cảm thụ, mà rơi vào tình trạng lạm phát năng lực duy lý đơn thuần thì nên xem là hỏng về cơ bản. Trong thực tế giảng văn ở nhà trường hiện nay, không riêng gì ở bậc phổ thông mà ở cả bậc đại học nữa, hiện tượng nghèo nàn năng khiếu cảm thụ, hiện tượng lạm phát năng lực duy lý tới phi lý là có thật và có nhiều. Mà cũng chẳng phải riêng gì giới giảng dạy văn học, giới phê bình văn học...

Với tác giả Lê Bảo, người đọc có quyền đòi hỏi một sự tương xứng hài hòa hơn nữa về sự kết hợp giữa năng khiếu cảm thụ với năng lực tư duy luận điểm trong việc giảng văn, một sự chừng mực hơn nữa trong Lời văn diễn đạt cảm xúc. Nhưng, những gì anh đã có đặc biệt là cái năng khiếu cảm thụ đó, ở mức đó đã là quí, nếu không muốn nói là hiếm so với thực tế hiện nay .

Riêng cuốn sách «CẢO THƠM LẦN GIỞ » của anh là cuốn sách giảng văn về tất cả những đoạn thơ Kiều được trích học ở bậc phổ thông cơ sở và phổ thông trung học theo chương trình cải cách mà người làm chương trình  và người viết sách giáo khoa từ lâu đã đặt nhan đề là: « Chị em Thúy Kiều», «Kiều gặp Kim Trọng », " Mã Giám sinh mua Kiều ", " Trao duyên", " Kiều  ở lâu Ngưng Bích", "Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều ", " Kiều gặp Từ Hải", « Anh hùng tiếng đã gọi rằng », « Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến », « Kim Trọng trở lại vườn Thúy ». Cuốn sách rõ ràng đã đáp ứng một yêu cầu vừa cấp thiết vừa lâu dài đối với việc dạy và học " Truyện Kiều " trong nhà trường phổ thông trung học và phổ thông cơ sở bởi hai lẽ chính sau đây :

Với chương trình văn cải cách ở nhà trường phổ thông hiện nay, địa vị của Nguyễn Du, trước hết là "Truyện Kiều" đã được nâng cao hơn trước rõ rệt. Mà học " Truyện Kiều " thì trước hết cũng là học dưới hình thức trích đoạn để giảng văn.

Sách nghiên cứu, phê bình "  Truyện Kiều " từ trước đến nay đã có rất nhiều, nhiều hơn với bất cứ một tác phẩm văn học Việt Nam nào trước và sau nó. Nhưng sách viết theo thể loại giảng, văn cho nhà trường thì lại còn quá ít, quá hiếm.

Bởi vậy, cuốn " CẢO THƠM LẦN GIỞ" này, ngoài những ưu điểm lớn về bút lực nói chung của tác giả Lê Bảo như trên đã nói, còn có mấy ưu điểm riêng cần được nhấn mạnh là:

Tuy chỉ giảng văn đoạn này, đoạn khác của " Truyện Kiều", nhưng người viết đã tỏ ra có hiểu biết sâu sắc, toàn diện về toàn bộ tác phẩm « Truyện Kiều » để từ đó thực hiện được một nguyên tắc tối ưu trong giảng văn trích đoạn là lấy cả  toàn thể để rọi vào cái bộ phận, nhìn cái bộ phận trong tính hệ thống, toàn thể của nó.

Không chỉ nắm vững, nắm sâu " Truyện Kiều" của Nguyễn Du, anh còn đọc thêm « Kim Vân Kiều truyện » của Thanh Tâm Tài Nhân để khi cần thì tiến hành đối sánh. Cách làm này cũng nhằm tạo điều kiện để làm sáng tỏ những đóng góp  đầy sáng tạo của Nguyễn Du.

Cuốn sách, ngoài phần giảng văn là chủ yếu, còn có thêm tư liệu tham khảo bao gồm những bài, những đoạn hay nhất, tiêu biểu nhất viết về "Truyện Kiều " từ xưa tới nay. Phần này cũng là rất cần cho người dạy và học " Truyện Kiều ", nhất là những tài liệu đó với mọi người, không dễ gì có được...

Một cuốn sách có những ưu điểm như thế, tôi mong rằng nó sẽ đến được với tuyệt đại đa số thày  và trò trong nhà trường ở phổ thông đã đành, mà có thể còn là ở nhà trường đại học, và rộng hơn nữa: bạn đọc nói chung. Dĩ nhiên, các thày cô giáo sẽ  than khảo, sử dụng cuốn sách này trong tư thế chủ động mà bản thân nghề nghiệp dạy văn vốn đã yêu cầu như vậy. Bởi vì, dù sao, về cơ bản, cuốn sách này trước hết là một cuốn sách văn chương...

GS. NGUYỄN ĐÌNH CHÚ

Chị em Thúy Kiều
Kiều gặp Kim Trọng
Mã Giám Sinh mua Kiều

Trao duyên   

Kiều ở lầu Ngưng Bích

Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều  
Kiều gặp Từ Hải 

“Anh hùng tiếng đã gọi rằng”
Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến  
Kim Trọng trở lại vườn Thúy

MỘT SỐ Ý KIẾN TIÊU BIỂU VỀ TÁC PHẨM “TRUYỆN KIỀU”

Mộng Liên Đường chủ nhân  
Chu Mạnh Trinh                 
Đào Nguyên Phổ  
Đào Duy Anh    
Đặng Thai Mai            
Hoài Thanh            
Xuân Diệu